SỨC LAN TỎA CỦA CỦA MỘT CUỐN SÁCH HAY

Thứ tư - 25/11/2020 23:19 662 0
Tháng 11 năm 2020, Nhà xuất bản Nghệ An ấn hành cuốn sách “Một thời để nhớ” của nhà văn Vi Hợi. Ngay sau khi cuốn sách được xuất bản đã nhận được sự chia sẻ, đồng cảm của nhiều nhà nghiên cứu, giáo viên, độc giả,..Nhà xuất bản Nghệ An xin trân trọng giới thiệu một bài viết sâu sắc, thấu cảm của nhà giáo Nguyễn Văn Trung - Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Tương Dương để bạn đọc hiểu thêm về giá trị của “Một thời để nhớ”.
ĐỌC MỘT THỜI ĐỂ NHỚ CỦA VI HỢI
Nguyễn Văn Trung
                                                                         
z2180858145203 2c309bbe5fa9f47ecbe14dd2ba303be2
         
1. Vi Hợi là cái tên không còn lạ lẫm. Anh quen thuộc trong nhiều vai. Vai một người cán bộ gần dân, sát cơ sở. Vai một nhà báo trực chiến, với nhiều tin bài nóng hổi, thời sự. Vai một người làm khảo cứu văn hóa, phong tục và ngôn ngữ. Nhưng có lẽ, vai người viết văn, lao động chữ nghĩa một cách cật lực và đam mê, xem ra vẫn nổi bật hơn cả. Vai này đưa đến cho anh một sự nghiệp không dễ có với những đầu sách và những giải thưởng cao quý, với tư cách hội viên sang trọng ở các hội văn học nghệ thuật. Viết, với Vi Hợi, như anh từng tuyên bố không chút dè dặt: “Tôi đến với văn học nghệ thuật bởi tôi yêu quê hương mình” [2; 5]. Hẳn rằng, chính tình yêu đặc biệt với đất trời, sông núi, con người miền Tây xứ Nghệ là khởi nguyên cho hành động viết, hành động tự nguyện đặt mình vào đời sống văn học, vốn không kém phần đa dạng, hôm nay. phần đa dạng, hôm nay.
2. Một thời để nhớ là tập bút ký mới nhất của nhà văn Vi Hợi. Cuốn sách in khổ 16 x 24cm, bìa cứng sắc tím trang nhã. Bìa trước in chìm phiến cảnh lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Cái ấn tượng ban đầu về tên sách, bìa sách có thể giúp những độc giả nhạy cảm liên tưởng tới những không gian ăm ắp nhớ nhung và hoài niệm. Cái mênh mang của sông nước, cái bâng khuâng của bến đò, cái thấp thoáng nên thơ của những dáng hình thân thuộc và cái tựa sách biểu cảm trực tiếp miết vào lòng người xem một xúc cảm trân trọng, nâng niu. Hai chữ Bút ký phụ chú phía dưới tên sách như một lưu ý của người viết với độc giả về thể loại của tác phẩm. Đây cũng là hình thức sáng tạo làm nên nghiệp viết của Vi Hợi, đành rằng, ta biết, anh còn có những truyện ngắn hay và thi thoảng còn dìu dặt với nàng thơ ở một vài thi phẩm giản dị đã nên duyên với âm nhạc.
3. Tập sách có kết cấu hài hòa, tự nhiên. Sau phần giới thiệu đầy mượt mà, dịu ngọt của Nhà xuất bản, tập sách gồm 2 phần. Phần I Gieo mầm, và phần II Đất nở hoa. Phần trước gồm 9 bài. Phần sau gồm 14 bài. Gieo mầm đến Đất nở hoa, sự xếp đặt ấy không hoàn toàn ngẫu nhiên mà nằm trong chủ ý của người viết. Cái tên đã đầy chất thơ, cái mạch nối giữa hai phần còn khiến ta nghĩ tới chiều dài của thời gian, chiều sâu của kỉ niệm, chiều xa của suy nghĩ... Từ biết bao gian khó, nhọc nhằn đến mùa vui gặt hái, thành tựu. Cảm nhận được cái logic ấy, việc đọc và sẻ chia cùng Vi Hợi về những điều anh kể lể, suy tư, ngẫm nghĩ sẽ thông thuận, dễ dàng hơn. Chẳng phải ngẫu nhiên mà ở trong phần I, lớp từ vựng gồm những: một thời, kí ức, dấu ấn, ngàn xa, năm tháng, không thể nào quên lại xuất hiện dày đặc, như một chỉ dấu xác nhận rằng, Gieo mầm thuộc về một thời đã xưa nhưng chưa hề cũ, ngược lại, vẫn mồn một, tươi nguyên trong tâm trí. Cũng thế, ở phần II, lớp từ: mới, xuân về, bài ca, xanh xanh, tỏa hương, nở hoa, quả ngọt... lại xuất hiện phổ biến nhằm xác lập rõ một diện mạo đời sống tươi tắn, rạng ngời, ấm áp niềm hạnh phúc đang diễn ra nơi miền Tây xứ Nghệ.
4. “Bút ký tái hiện con người và sự việc một cách phong phú, sinh động nhưng qua đó biểu hiện trực tiếp khuynh hướng cảm nghĩ của tác giả” [1; 124].  Một thời để nhớ của Vi Hợi thể hiện rõ nét đặc điểm này của thể loại. Các trang viết của anh là kết quả của những chuyến đi, những sự khám phá, những cuộc gặp gỡ đầy hữu duyên trong công việc và cuộc sống. Ta đọc thấy các địa danh thân thuộc từng in dấu chân anh trên mọi nẻo đường: Chà Lâng, Bản Vẽ, Nậm Cắn, Huồi Cọ, Mường Quạ, Hữu Khuông,... Ta gặp những gương mặt gần gũi, chứng nhân của một thời “cõng chữ” lên non, về bản, của những năm tháng không thể nào quên: thầy Ngân Văn Toán, thầy Nguyễn Đăng Quý, thầy Vi Khăm Mun, thầy Hà Văn Xuân,… hay những con người của nhịp sống hôm nay, đang từng ngày viết nên những bài ca đầy phấn chấn, tự hào: ông Thò Nênh Thông, anh Vi Vũ Quang, anh Thò Phó Lỳ, anh Và Gà Sua,... Ngòi bút thấm đậm cảm hứng yêu thương trìu mến và ngợi ca nồng nhiệt trở thành nguồn mạch trữ tình xuyên qua các tập sách từ Xuống núi sang Ngày mới bên dòng Nậm Pao đến Một thời để nhớ này của Vi Hợi. Cho nên, ta dễ thấy rằng, dù viết về vùng đất nào, sự kiện gì, về ai... thì điểm chung là các đối tượng ấy đều lặng lẽ tỏa hương và chiếm trọn ân tình của người viết. Nhìn cảnh ngắm người một cách kỹ lưỡng rồi trải lòng mình đến đáy, mỗi bút ký của Vi Hợi không chỉ đem tới một lượng thông tin xác thực, tin cậy mà còn, và quan trọng hơn là gieo vào lòng độc giả một thái độ hàm ơn rất mực sâu xa... Nếu nói văn chương “giúp cho tình cảm và gợi lòng vị tha” [3; 60] thì ở đây, tập sách này ít nhiều làm được điều ấy.
5. Bút ký Vi Hợi có sức hút bởi giọng điệu và ngôn ngữ rất riêng. Chịu sự chi phối của cảm hứng mến thương và ca ngợi nêu trên, giọng văn Vi Hợi có cái dịu dàng, thiết tha, đằm thắm rất đặc biệt. Người đọc dường như thấy vang lên bên tai mình nhịp bồi hồi luyến nhớ cùng nhịp nồng nàn tin yêu. Ở nhiều bài, nhiều đoạn, nhà văn ưa cài vào những lời thơ, lời ca khúc hoặc những tâm tình thủ thỉ của nhân vật để giọng văn trở nên luyến láy, mềm mượt, rót mật vào tai người đọc. Ngôn ngữ bút ký Vi Hợi có sự hòa điệu tinh tế giữa ngôn ngữ đại chúng với ngôn ngữ địa phương. Lớp từ vựng tả cảnh núi non, sông suối, cỏ cây; tên riêng các nhân vật, các lời thoại; sự đan xen giữa tiếng Việt và tiếng đồng bào các dân tộc thiểu số tạo nên dải màu ngôn ngữ sống động như tấm thổ cẩm được dệt nên bởi bàn tay tài hoa của người thiếu nữ dân tộc Thái bản Mác quê hương anh.
6. Điều gì khiến Vi Hợi đến với văn chương, với bút ký? Có người nói do anh đi nhiều, đọc nhiều nên có vốn sống, vốn văn hóa dày dặn. Điều ấy, với người làm văn chương, hẳn nhiên đúng. Nhưng có phải ai đi nhiều, đọc nhiều cũng viết văn được đâu! Vậy thì, câu trả lời vẫn là chữ duyên. Cơ duyên nay bỗng lạ sao! Cái duyên trời định đã ban tặng cho đất nước con người miền Tây xứ Nghệ những trang văn đẹp, thuần hậu và trong lành như chính sự trong lành, thuần hậu của đất người nơi đây.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập22
  • Hôm nay17,750
  • Tháng hiện tại86,052
  • Tổng lượt truy cập9,577,313
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây