LẮNG ĐỌNG CẢM XÚC SAU BUỔI RA MẮT SÁCH VỚI CHỦ ĐỀ “VINH CỦA TA”
Thứ bảy - 07/10/2023 08:312.5640
Nằm trong chuỗi hoạt động ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập thành phố Vinh, 235 năm Phượng Hoàng Trung Đô, tối ngày 6/10/2023, Nhà xuất bản Nghệ An đã chủ trì phối hợp với Hội Liên hiệp VHNT tỉnh, Thư viện tỉnh, Nhóm Vinh xưa, Book Café tổ chức chương trình “Vinh của ta” ra mắt và giới thiệu 2 cuốn sách “Tìm dấu Vinh xưa” và “Vinh phố của tôi”.
Tham dự chương trình có đồng chí: Nguyễn Thị Thu Hường - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Phạm Trọng Hoàng - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Võ Thị Minh Sinh - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Võ Văn Dũng - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao; cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh; các văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu và đông đảo nhân dân thành phố Vinh. Giới thiệu về Tìm dấu Vinh xưa (Diện mạo đô thị và con người Vinh thời thuộc Pháp), nhà nghiên cứu Phạm Xuân Cần chia sẻ: Cuốn sách được biên soạn từ các công trình nghiên cứu về Vinh trong hàng chục năm qua của ông. Với hai phần nội dung: “Tìm dấu Vinh xưa” và “Tìm dấu người xưa”, sách tập trung nghiên cứu về quá trình đô thị hóa và diện mạo đô thị, các đường phố, các địa danh, các công trình kiến trúc Pháp; các lĩnh vực kinh tế, dân sinh, xã hội, y tế, giáo dục, báo chí, thể thao…; giới thiệu những con người, những nhân vật lịch sử có ảnh hưởng đến sự phát triển của Vinh, từ nhiều góc độ khác nhau, qua đó tái hiện bức tranh sinh động về thành phố Vinh - Bến Thủy hơn 100 năm về trước...
Nếu như tác giả Phạm Xuân Cần đi sâu nghiên cứu về diện mạo xưa nhằm tái hiện lịch sử thành phố, thì nhà báo, nhà thơ Phạm Thuỳ Vinh lại dẫn dắt bạn đọc chìm đắm trong hoài niệm với vẻ đẹp bình dị của mảnh đất và con người nơi đây. Tản văn Vinh phố của tôi được tập hợp chủ yếu từ các bài báo mà chị viết cho chuyên mục “Bốn mùa qua phố” đăng trên Báo Nghệ An nhiều năm về trước, với mong muốn giới thiệu về các con đường ở Vinh, cũng như lịch sử tên gọi của nó. “Thế rồi, vượt ra khỏi mọi dự tính ban đầu, nó đã trở thành một chốn cho tôi và nhiều người nữa được bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ và tình yêu với từng con phố, từng khuôn mặt người mà chúng tôi vẫn gặp hằng ngày, để chúng tôi hiểu phố hơn... hiểu rằng, mỗi bước chân của mình hôm nay đi trên con đường quen là bước trên lớp bụi phủ của thời gian, của lịch sử, của đau thương, mất mát, của kiên cường, tin yêu và hy vọng...” - tác giả Phạm Thùy Vinh xúc động chia sẻ.
Cùng với những chia sẻ chân thành của các tác giả, chương trình còn mang đến những phút giây lắng đọng cảm xúc, những tình cảm thân thương của các vị khách mời đặc biệt, đó là những chia sẻ của ông Lê Mạnh Hải - con trai của cụ Lê Văn Sợi - người thành lập hiệu vàng Phú Nguyên, về những tư liệu quý của gia đình hơn một thế kỷ trước; MC Thuỳ Hương với phần thể hiện bài thơ “Vinh của ta”; chia sẻ của PGS.TS. Đinh Trí Dũng, nhà thơ Tùng Bách,...
Cũng trong khuôn khổ chương trình, nhóm Vinh xưa - Ban Tổ chức cuộc thi sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật chủ đề “Vinh của tôi” đã trao giải cho các tác giả đạt giải.
Chương trình ra mắt sách với chủ đề “Vinh của ta” kết thúc nhưng đã để lại nhiều dư âm và xúc cảm khó quên trong lòng người xem, góp phần lan tỏa những giá trị bất biến về lịch sử, văn hóa, xã hội, đô thị và con người Vinh xưa và nay, qua đó bồi đắp sự hiểu biết, hun đúc thêm tình yêu và niềm tự hào, cũng như thôi thúc ý thức trách nhiệm, động lực trong mỗi người để dựng xây thành phố Vinh ngày càng giàu đẹp hơn, văn minh hơn.