Năm 2019, khi xuất bản tập thơ Nẻo về, tôi được anh Hồ Văn Sơn nhận làm biên tập. Anh Sơn là người cực kỳ cẩn thận, tôi yên tâm rồi. Nhưng điều làm tôi chú ý là cả Giám đốc Bùi Ngọc cũng trực tiếp tham gia. Ngọc mấy lần gọi cho tôi: “Cháu chọn cái ảnh này làm minh họa có được không bác? Cháu dàn trang thử lại thế này bác xem có ổn không ạ?...”. Tôi vốn không cầu kỳ nên gửi gắm cả cho Bùi Ngọc đấy.
Cách làm việc cặn kẽ, sâu sát, đặc biệt là “tinh thần dân chủ” tôn trọng quyền tác giả của vị Giám đốc, Tổng Biên tập đáng mến này càng rõ hơn khi tôi làm tập tản văn Chuyện làng Đông Bích và tôi hồi đầu năm nay. Lần này, Bùi Ngọc trực tiếp biên tập, vì theo cô: “Từ lâu cháu đã mê làng Đông Bích qua thơ Vương Trọng, Thạch Quỳ,… nên rất muốn được biên tập cuốn sách mới của bác để hiểu thêm về làng…”. Từ trước đến nay, tôi chưa in sách với NXB nào ngoài NXB Nghệ An nên cũng không biết ở các đơn vị khác, giữa người biên tập với tác giả họ làm việc với nhau ra sao? Nhưng dám chắc, không nhiều nơi có sự phối hợp chặt chẽ như ở đây. Chỉ một cuốn sách mỏng, Ngọc đã năm lần bảy lượt gọi trao đổi với tôi. Có trường hợp chỉ một chữ thôi, người biên tập và tác giả phải mất đến cả chục tin nhắn zalo! Đó là trường hợp trong bài “Giếng làng”, tôi ngẫu hứng “tán”: “Không chỉ quê mình có giếng nước chung mà hình như ở đâu cũng thế. Nhà thơ Tế Hanh quê tận Quảng Ngãi cũng ngợi ca: “Cái giếng đầu làng, cái giếng đầu làng!/ Xanh như kỷ niệm, trong như ngọc...”. Tôi nhớ vu vơ thì trích dẫn vậy, không ngờ bị biên tập bắt bài. “Không phải đâu bác ạ, câu thơ sau của Tế Hanh là: EM như kỷ niệm, trong như ngọc”. Hóa ra biên tập tra đến tận gốc câu thơ để đảm bảo tính chính xác. Tôi cố cãi: “Trong cả phần đầu bài thơ này, nhân vật trữ tình luôn trải lòng và nhiều lần nhắc đến một EM cụ thể: Em đi gánh nước..., Em múc trao anh..., sao cuối bài lại thêm một “Em... giếng” vào đây? Mặt khác, về nghệ thuật, trong câu thơ này tác giả dùng tiểu đối: XANH như kỷ niệm, TRONG như ngọc... thì XANH hợp lý hơn EM”. Tổng Biên tập đắn đo một lúc rồi… đành “chiều lòng” tác giả: “Dạ, trong ngữ cảnh này thì có vẻ bác có lý hơn”. Và tôi... thắng! “Xanh như kỷ niệm, trong như ngọc”. Nhưng khi sách in ra rồi tôi lại chột dạ, có vẻ biên tập đúng hơn?! Hay là do văn bản thơ Tế Hanh in nhầm dấu nhỉ: “ÊM như kỷ niệm, trong như ngọc?”...
Thôi lỡ rồi, đành cho qua. Tự nhắc về sau phải cẩn thận hơn. Thận trọng mấy cũng không thừa. Hằng ngày, Tổng Biên tập phải đọc hàng ngàn chữ mà còn đọc kỹ thế, mình đẻ ra con chữ sao không chăm chút?
Nhắc chuyện này lại nhớ thương anh Hồ Văn Sơn, người Tổng Biên tập tiền nhiệm vừa nghỉ hưu đã ra đi đột ngột. Lần ấy, năm 2009, anh nhận biên tập tập thơ Chút hương thơ dại cho tôi, trong tập có bài “Trưa ấy ở Giang Thơm”. Anh gọi cho tôi: “Có mấy chữ không ổn anh ạ. “HỐ nước rộng tha hồ vùng vẫy/ Nắng buông mành qua những TÀN cây”. Phải là “HỒ nước rộng...” chứ?”. Đúng là “HỐ nước rộng” anh ạ. Con sông Trường Giang ào ạt chảy qua vùng núi đá phía tây huyện núi Thành, tỉnh Quảng Nam, xói sâu chân núi đá tạo nên những vũng nước sâu và rộng như hồ, người địa phương gọi là HỐ nước....”. Sau khi nghe lời giải thích của tôi, anh “À” một cách thích thú và ân cần: “Vậy thì ta để HỐ. Nhưng viết “TÀN cây...” thì không ổn. Cũng có trường hợp người viết dùng ẩn dụ, ví von vòm lá rộng như cái TÀN che kiệu của vua. Nhưng ở câu này dùng “TÀN cây” không “đẹp”. Tôi chịu thua anh. “Hố nước rộng tha hồ vùng vẫy/ Nắng buông mành qua những vòm cây...”. Chúng tôi vui vẻ “tâm đầu ý hợp” cùng chốt với nhau như thế!
Mới biết, việc người biên tập chăm chút đến từng con chữ đã thành một truyền thống từ lâu ở NXB Nghệ An!
Biết rằng, so sánh người này với người khác lắm lúc cũng không hay. Nhưng vẫn chạnh buồn khi đọc một số cuốn sách của một số NXB khác. Có khi là một NXB chuyên về sách văn học, nổi tiếng lâu đời mà vẫn cho ra những cuốn sách biên tập rất cẩu thả. Không hiếm những câu văn què, cụt, viết không đúng ngữ pháp tiếng Việt mà vẫn không được sửa. Không hiếm những từ dùng sai, thậm chí phản cảm. Có “tác giả” còn vô tư bê luôn 4, 5 bài thơ của người khác vào tập thơ của mình. Những bài thơ của những tác giả đã có tiếng mà bất cứ người nào có chút yêu thơ đã đọc báo Văn nghệ và tạp chí Văn nghệ Quân đội đều đều một chút sẽ nhận ra ngay. Vậy mà biên tập NXB lại không nhận ra ư? Do năng lực hay sự thiếu trách nhiệm? Có lẽ cả hai. Về sau, bị bạn đọc phản đối mạnh quá, NXB nọ phải thu hồi cuốn sách.
Hôm Chuyện làng Đông Bích và tôi in xong, Bùi Ngọc gọi điện: “Bác muốn nhận sách ở đâu ạ? Để cháu nói Văn phòng gửi sách chu đáo”. Tôi trả lời: “Mình đang có chút việc bận. Mình đến NXB vào thứ 7 được không?”. “Dạ, được ạ! Thứ 7 nào, cơ quan cháu cũng làm việc”. Như đã hẹn, ngày thứ 7, tôi ghé qua NXB Nghệ An, thấy phòng nào, người nào cũng đang mê mải. “Làm việc cả ngày nghỉ à?”. “Dạo này nhiều việc, bác ạ! Có hôm bọn cháu làm cả ngày Chủ nhật...” - một cô bé ở Phòng Hành chính Tổng hợp trả lời tôi với nụ cười thân thiện...
Chuyện làng Đông Bích và tôi, tôi có nhờ Bùi Ngọc viết Lời Nhà xuất bản. Tổng Biên tập vui vẻ nhận lời, và đương nhiên phải dành cả ngày Chủ nhật để viết. Chỉ hai trang thôi nhưng cũng cẩn thận viết đi viết lại đến mấy lần. Một chốc, điện thoại tôi lại réo: “Cháu sửa lại câu này bác ạ, bác xem có được không? Còn đoạn này, ý này, cháu thấy chưa ổn lắm, để cháu sửa thêm bác nhé...”. Ngày nhận sách, thanh toán hợp đồng, Tổng Biên tập xin không nhận nhuận bút viết Lời giới thiệu. “Sao vậy, phải theo “ba rem” của kế toán mà thanh toán chứ?” - Tôi nhất quyết. Bùi Ngọc cười: “Không ạ! Cháu thấy thích thì viết thôi. Bây giờ thì cháu đã hiểu thêm, và thấy yêu làng Đông Bích như làng Đan Nhiệm quê mình!”.
Chà! Thì còn biết làm sao?! Cảm ơn NXB Nghệ An! Cảm ơn Giám đốc -Tổng Biên tập Bùi Ngọc!
Thêm một kỷ niệm mà tôi muốn nhấn nhá nữa... Ấy là tháng 8 vừa rồi, Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Nghệ An có chuyến đi thực tế hai ngày tại Đô Lương. Dẫu bận rộn công việc, nhưng Bùi Ngọc vẫn tham gia cùng đoàn một ngày. Gặp tôi, câu đầu tiên, cô nói: “Bác ơi, đầu giờ chiều nay, nhờ bác bố trí cho cháu về làng Đông Bích với. Cháu muốn đến thắp hương cho nhà thơ Thạch Quỳ, thăm vườn thơ Vương Trọng, thăm núi Quỳ,...”.
Tôi gật gù, lòng bỗng thấy rưng rưng...
Vì sợ ảnh hưởng chương trình của đoàn nên chúng tôi phải thực hiện chuyến thăm một cách vội vã. Bùi Ngọc tỏ rõ sự luyến tiếc: “Nhất định vào dịp khác, cháu sẽ đến làng Đông Bích một cách chậm rãi, thư thái hơn... Đến thăm những miếu Đông Sơn, nhà thờ họ, cổng làng,... để được tận mắt chứng kiến những câu đối, bài thơ khắc đá,... Cảm nhận trọn vẹn từng chữ mà bác đã chắt lọc đưa vào tập tản văn... Chắc chắn phải đẹp và còn ẩn chứa bao điều muốn nói....”.
Tôi chờ đợi. Và chợt hiểu thêm vì sao người cán bộ biên tập ấy biết chăm chút từng con chữ đến vậy!
Vương Long
Hội viên Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An