Đã gần 15 năm trôi qua nhưng tôi vẫn nhớ rất rõ kỷ niệm đẹp, sâu sắc về ân tình NXB Nghệ An dành cho tôi. Đó là một ngày hè 16/6/2010, sau khi gửi bản thảo tập thơ thiếu nhi Hoa hậu Mèo qua email cho NXB Nghệ An, tôi nhận được cuộc điện thoại của nữ nhà văn trẻ Bùi Ngọc (lúc đó đang là biên tập viên) cho biết, chị đã biên tập xong tập thơ và mời tôi vào Vinh để thống nhất hợp đồng xuất bản.
Cũng xin được nói rộng ra một chút là trước đó tôi đã có hai tập thơ từng được NXB Nghệ An ấn hành. Trong đó có tập thơ thiếu nhi Mâm quả biết đi (2004) vinh dự đoạt Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Hồ Xuân Hương năm 2005. Lần này, nhiều người thân và bạn bè khuyên tôi nên xin giấy phép của NXB Hội Nhà văn cho sang trọng, danh giá và đẳng cấp. Vẫn biết uy tín của NXB Hội Nhà văn, nhưng một phần vì xa xôi, hơn nữa tôi lại không quen biết ai ở đó nên việc liên hệ trao đổi về bài vở cũng như mọi thủ tục đều bất cập. Hơn nữa, giá cả giấy phép ở đó cũng cao gấp đôi, không phù hợp với điều kiện kinh tế của mình… Và xét cho cùng thì… “cái áo choàng không làm nên thầy tu”!
Trở lại chuyện vào làm việc với NXB Nghệ An, như đã nói ở trên, trước đó, khi thực hiện hai cuốn sách ở đây, tôi đều nhờ người bạn thân quý - nhà thơ Phan Văn Từ đảm nhiệm làm giúp các khâu từ A đến Z. Đây là lần đầu tiên tôi bước chân vào trụ sở NXB Nghệ An ở 37 Lê Hồng Phong, thành phố Vinh. Đón tiếp tôi là hoạ sĩ - Giám đốc Vũ Hải, Phó Giám đốc Hồ Văn Sơn, hoạ sĩ Hồ Thiết Trinh cùng các nữ cán bộ, nhân viên trẻ xinh: Bùi Ngọc, Nguyễn Ngọc, Thu Hiền,… Dù mọi người đang rất bận rộn nhưng thấy tôi, ai nấy đều hồ hởi đón chào và dành cho tôi những tình cảm hết sức cởi mở, thân tình như đón người thân đi xa trở về.
Vào công việc chính, Giám đốc Vũ Hải trao đổi, giải thích, tư vấn cho tôi thật chu đáo về cách trình bày ảnh bìa, tranh minh hoạ, thiết kế, dàn trang, kiểu chữ, khổ sách, loại giấy, số trang in, số lượng sách xuất bản sao cho tiết kiệm, vừa đẹp và trang nhã, giá thành hợp lý nhất… Không chỉ tư vấn nhiệt tình cho tác giả mà các anh chị còn cảm ơn tôi và cho biết đây là tác phẩm viết cho thiếu nhi có chất lượng tốt. Và thơ cho thiếu nhi hiện là thể loại đang ít người viết nên cần được khuyến khích, ưu tiên. Biết hoàn cảnh của tác giả khó khăn nên Ban Giám đốc đã họp bàn đầy tính nhân văn và quyết định giảm 70% chi phí. Anh còn động viên tôi nên in thêm để có thể phát hành rộng rãi trong nhà trường. Như vậy, vừa có lợi cho tác giả, tác phẩm, vừa có lợi đối với lứa tuổi thiếu nhi, học sinh trên cả nước. Tôi rất cảm động và quyết định nghe theo lời anh Vũ Hải, đã hợp đồng in số lượng khá lớn. Sau đó khoảng vài tuần, sách được in xong rất đẹp và ưng ý. Bìa là tranh do hoạ sĩ, nhà báo Minh Thông vẽ tặng, rất nổi bật và ấn tượng. Sau khi tặng sách và nhanh chóng bán hết sách trong một thời gian ngắn, thông qua NXB Nghệ An, tôi tiếp tục tái bản thêm và được đông đảo bạn đọc đón nhận rất nồng nhiệt.
Từ sự uy tín và tin cậy đó, tôi với cương vị là Phó Ban Chủ nhiệm CLB Văn nghệ Sông Mai, hằng năm chúng tôi thường gửi in tập san Văn nghệ Sông Mai - và sau này là tập san Mai Giang của Chi hội VHNT thị xã Hoàng Mai tại NXB Nghệ An. Đến nay, tập san đã ra được 24 số, hầu hết đều ra lò từ “bà đỡ” mát tay này. Trong quá trình đó, kể cả khi Bùi Ngọc còn là biên tập viên đến Trưởng Ban Biên tập, rồi Giám đốc kiêm Tổng Biên tập, tuy bận nhiều công việc quản lý, nhưng chị vẫn chăm chút cho từng bản thảo, đọc và biên tập rất nghiêm túc, tâm huyết. Ngoài biên tập về văn chương, câu chữ, Bùi Ngọc còn chú ý từng chi tiết, nội dung tư tưởng của bài viết. Có lần, khi duyệt in Mai Giang, gặp một tác phẩm có những đoạn nhạy cảm, lập lờ về chính trị, dễ khiến người đọc hiểu sang hướng tiêu cực, chị đã gọi điện thoại trao đổi với tôi và tác giả để cắt và điều chỉnh lại các đoạn văn đó, vừa bảo đảm tính chân thực, logic, vừa mang thông điệp dự báo tích cực. Sau này, trong lời giới thiệu tôi viết cho tập thơ của một người bạn gửi in ở NXB Nghệ An, có một chi tiết chú thích về một hũ đựng tiền đồng cổ được khai quật ở xã Quỳnh Lập quê tôi, mà nhà nghiên cứu Đào Tam Tĩnh, nguyên Giám đốc Thư viện Nghệ An có lần nhắc đến qua một bài nghiên cứu đăng báo. Dẫn giải của tôi trong bài viết bị sai về niên đại cũng như lẫn lộn về thời Lý, Trần. Bùi Ngọc cũng gọi điện cho tôi và đưa ra những cứ liệu rất chính xác và khách quan để xác minh, khiến tôi “tâm phục, khẩu phục” và thống nhất điều chỉnh lại thông tin.
Những điều tôi vừa kể trên để bạn đọc hiểu rằng: nữ giám đốc Bùi Ngọc và Ban Biên tập NXB Nghệ An luôn có trách nhiệm, tận tuỵ, tận tâm, tận trí với từng bài viết, tỉ mỉ, trăn trở từng chi tiết nhỏ để biên tập bản thảo một cách trong sáng, ưu việt nhất.
Do hoàn cảnh cá nhân, tôi ít ra sách nên số đầu sách của tôi ở NXB Nghệ An không nhiều. Nhưng tôi hiểu các anh chị lãnh đạo ở NXB Nghệ An qua các thời kỳ từ anh Trần Trọng Tân, Nguyễn Dương Đức, Vũ Hải, Hồ Văn Sơn cho đến chị Bùi Ngọc đều rất yêu quý tôi, xem tôi như một tác giả thân thiết. Trong dịp kỷ niệm 40 năm thành lập NXB Nghệ An (năm 2020), mặc dù đã nghỉ hưu ở tận thành phố Phú Quốc xa xôi, nhưng cựu Giám đốc Vũ Hải vẫn nhớ và nhắc đương kim Giám đốc Bùi Ngọc mời tôi về dự. Rất tiếc lần đó vì lý do sức khoẻ nên tôi không tham gia được. Nhưng bù lại, NXB Nghệ An đã gửi quà là lịch năm mới thật ý nghĩa.
Những kỷ niệm ân tình trên của NXB Nghệ An, tôi không thể nào quên được. Tôi thường nói với bạn bè văn nghệ và tự nhủ với mình nếu sắp tới ra sách, tôi lại chọn “thương hiệu” uy tín là NXB Nghệ An làm “bà đỡ” cho đứa con tinh thần của mình, bởi đó là nơi tôi được trân trọng và tin yêu!
Hướng tới kỷ niệm 45 năm ngày thành lập NXB Nghệ An (12/9/1980 - 12/9/2025), tôi viết những dòng tâm huyết này xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới lãnh đạo và tập thể cán bộ, viên chức, lao động,… qua các thời kỳ. Kính chúc các bác, các anh chị em luôn vui khoẻ, thành đạt và hạnh phúc. Phấn đấu đưa NXB Nghệ An ngày càng đạt được những thành quả xuất sắc và phát triển vững mạnh, trở thành địa chỉ đỏ tin cậy của các tác giả, văn nghệ sĩ tỉnh nhà cũng như cả nước. Từ nơi đây, các tác phẩm được chào đời sẽ tung cánh đi khắp muôn phương, phục vụ cuộc sống ngày càng thêm tốt đẹp…
Nhà thơ Trương Quang Thứ
Hội viên Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An
Uỷ viên Ban Chấp hành Chi hội Văn học Nghệ thuật Hoàng Mai
Địa chỉ: Thôn Quyết Tâm, xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An.