NHÀ XUẤT BẢN NGHỆ AN NƠI ƯƠM MẦM NHỮNG “HẠT NGỌC SÁCH”

Thứ tư - 09/10/2024 09:32 574 0
       Tôi có nhiều năm gắn với Nhà xuất bản Nghệ An, được NXB coi như một cộng tác viên tích cực vì có kha khá các tác phẩm được ấn hành ở đây. Phải nói rằng, NXB Nghệ An rất quan tâm đến cộng tác viên, vào các dịp tổng kết hoạt động, gặp mặt cộng tác viên, hay ngày kỷ niệm thành lập cơ quan,… tôi thường được mời đến dự và trao đổi ý kiến đóng góp. Không chỉ riêng tôi mà đông đảo đội ngũ văn nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu luôn nhận được được sự động viên, khuyến khích của lãnh đạo, cán bộ, viên chức NXB Nghệ An qua các thời kỳ. Đây là động lực to lớn để chúng tôi tiếp tục cống hiến, tiếp tục viết sách... Tôi rất thích cách ví von: NXB Nghệ An là Bà đỡ để cho ra đời những Hạt Ngọc (sách hay/sách đẹp) thoả lòng mong ước của tác giả, độc giả. Mỗi Hạt Ngọc lấp lánh ra đời càng tăng thêm nguồn cảm hứng sáng tác cho các tác giả, thêm nguồn cổ vũ để họ lại tiếp tục “thai nghén”, “sinh nở” nhiều Hạt Ngọc khác hay hơn, giá trị hơn,…
 
anh 1dtt

       Tôi là người đam mê đọc sách từ tấm bé. Năm học lớp 4 - nơi sơ tán trong thời chiến tranh chống Mỹ (thị xã Kiến An, Hải Phòng), tôi đã được người bạn học cho lên gác xép, tự chọn sách đọc trong thư viện gia đình do người bố từng làm thông ngôn thời Pháp thuộc xây dựng nên. Tôi như người lạc vào “kho báu”, được thoả thích đọc những cuốn sách quý của các tác giả nổi tiếng Việt Nam từ trước Cách mạng Tháng Tám và thế giới. Có những cuốn sách hay, lôi cuốn đến mức tôi đọc mê mải, thuộc lòng như: Tam quốc diễn nghĩa, Tây du ký, 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc,… Sau đó, tôi đã làm thẻ ở Thư viện thị xã và trở thành độc giả ruột ở đây. Cái duyên gắn với sách vở đã mang đến cho tôi cái nghiệp gắn bó với việc học và làm nghề Thư viện. Tốt nghiệp ngành Thư viện, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, tôi về nhận công tác ngay ở Thư viện tỉnh Nghệ An cho đến ngày nghỉ hưu (2014). Tại đây, tôi đã trải qua tất cả các khâu nghiệp vụ Thư viện như: Bổ sung, xử lý nghiệp vụ, Phục vụ bạn đọc, Xây dựng phong trào cơ sở, Xây dựng kho sách địa chí, đến làm quản lý… Đặc biệt, tôi yêu công tác địa chí và suốt đời gắn bó với việc sưu tầm, xử lý sách, tài liệu viết/nói về địa phương xứ Nghệ. Tôi cùng các cán bộ Thư viện đã dành nhiều tâm huyết và công sức đi sưu tầm sách, tài liệu và đã tổ chức nên một kho sách địa chí khoảng vạn cuốn và tài liệu viết về địa phương 2 tỉnh Nghệ - Tĩnh… Kho sách này có nhiều tư liệu quý hiếm, tiêu biểu như trên 300 cuốn sách Hán Nôm, 2 bộ mộc bản in sách, sách Lá cây (Pay Lan); hàng trăm cuốn sách, báo chí in trong kháng chiến chống Pháp, thuộc kho sách của Uỷ ban kháng chiến hành chính Liên khu 4,… Trong kho sách địa chí của Thư viện Nghệ An có khoảng nghìn tên sách được NXB Nghệ An ấn hành…
        Từ năm 1946, Hồ Chủ tịch đã ký Sắc lệnh về xuất bản và nộp lưu chiểu, nên mỗi ấn phẩm được in ra ở Nghệ An đều được nộp vào Thư viện tỉnh, đã tạo thuận lợi cho Thư viện xây dựng kho địa chí. Sau này, khi Luật Xuất bản được ban hành, các đầu sách của các NXB chỉ nộp lưu chiểu cho Thư viện Quốc gia nên chúng tôi rất vất vả đi xin các sách đó để đưa về kho Thư viện. Rất may, các thời kỳ lãnh đạo NXB Nghệ Tĩnh - Nghệ An đều ưu ái với Thư viện Nghệ An, vẫn hay dành riêng mỗi tên sách một bản cho chúng tôi. Tôi thường xuyên được bác Nguyễn Trung Hiền - Giám đốc NXB điện thoại đến lấy sách mỗi khi có sách mới. Lãnh đạo NXB các đời như anh Cảnh Nguyên, Trần Trọng Tân, Nguyễn Dương Đức, Vũ Hải, Hồ Văn Sơn và đến nay là chị Bùi Ngọc đều rất ưu ái với việc cung cấp sách cho Thư viện. Hầu như các tên sách quý của NXB Nghệ An đều có trong kho sách địa chí, nên Thư viện tỉnh Nghệ An luôn được đề cao trong hệ thống Thư viện Bắc miền Trung và cả nước, tiêu biểu như: Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh; Danh nhân Nghệ Tĩnh; Danh nhân Nghệ An; Năm thế kỷ văn Nôm người Nghệ; Thơ Đường xứ Nghệ; Từ điển tiếng Nghệ; Kho tàng chuyện kể dân gian xứ Nghệ; An Tĩnh cổ lục; Kho tàng Vè xứ Nghệ; Ẩm thực xứ Nghê;… Về các bộ ấn phẩm quý, như: Bộ sách nghiên cứu viết về quê hương, tiểu sử, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; bộ sách nghiên cứu viết về đảng bộ tỉnh, huyện, xã,… Các bộ sách về địa chí, lịch sử, văn hóa các huyện, làng, xã,… Kho sách địa chí Thư viện Nghệ An đã phục vụ có hiệu quả cho nhu cầu bạn đọc trong, ngoài tỉnh và cả ngoại quốc. Hầu hết các sinh viên làm luận án tốt nghiệp, các luận văn thạc sĩ, các đề tài nghiên cứu sinh (Tiến sĩ) chuyên đề về/liên quan đến địa phương Nghệ Tĩnh đều phải đến Thư viện đọc và tham khảo sách, tài liệu. Do đó, nguồn sách của NXB Nghệ An cũng là nguồn chủ lực để cuốn hút bạn đọc đến với Thư viện. Đấy là những Hạt Ngọc được ấp ủ, sản sinh qua tâm huyết của các tác giả và của NXB Nghệ An. Thư viện tỉnh Nghệ An đã làm chiếc cầu nối hiệu quả nhất để đưa sách của NXB Nghệ An đến tới tay bạn đọc.    
          Từ tình yêu sách, tôi trở thành người viết sách như một lẽ tự nhiên! Mỗi cuốn sách được xuất bản là niềm tự hào của tác giả, là niềm vui mới cho độc giả và cũng là niềm hân hoan của người làm công tác xuất bản. Điều đó được chứng thực qua sự gắn bó của tôi với lãnh đạo và các cán bộ biên tập của NXB Nghệ An. Năm 2000, Sở Văn hoá Thông tin cho xuất bản cuốn Khoa bảng Nghệ An (1075 - 1919) của tôi (là đề tài khoa học của ngành) được đông đảo bạn đọc đón nhận. Sau đó, tôi tiếp tục khai thác tài liệu địa phương để bổ sung thêm các nhân vật khoa bảng còn ghi chép ở nhiều tài liệu quý của địa phương như văn bia Văn thánh các huyện, tổng, xã; sắc phong, gia phả, sách địa chí văn hóa, lịch sử địa phương và cả trong vốn sách mà NXB Nghệ An đã ấn hành để bổ sung thêm nhân vật khoa bảng… Khi bản thảo hoàn thiện, tôi may mắn được lãnh đạo NXB động viên tái bản sách. Sách Khoa bảng Nghệ An (1075 - 1919) được NXB Nghệ An tái bản năm 2005, đúng vào dịp tỉnh Nghệ An tổ chức Năm quốc gia Du lịch Nghệ An (2005). Lần này, tôi được Ban Biên tập đọc, sửa cẩn thận, bìa sách do họa sĩ Hồ Thiết Trinh thiết kế rất bắt mắt, nên sách in ra đẹp và có chất lượng hơn lần xuất bản đầu tiên. Ngay sau đó, cuốn sách đã được đông đảo độc giả tìm đọc và khai thác tư liệu cho cuộc tìm về cội nguồn truyền thống hiếu học và khoa bảng của người dân xứ Nghệ… Vinh dự thay, nhờ cuốn sách này mà tôi được các nhà nghiên cứu và hệ thống Thư viện ở cả nước biết tiếng. Từ đây, tôi mạnh dạn đi tiếp con đường khai thác, phát huy vốn tài liệu quý hiếm của địa phương để viết sách. Riêng năm 2005, tôi tham gia cùng các tác giả khác ở Hội Văn nghệ dân gian và Hội Liên hiệp VHNT tỉnh biên soạn khá nhiều cuốn sách do NXB Nghệ An ấn hành, như: Văn bia Nghệ An (Ninh Viết Giao chủ biên, Đặng Quang Liễn, Thái Doãn Chất, Đào Tam Tỉnh); Câu đối xứ Nghệ (Cảnh Nguyên, Nguyễn Thanh Hải, Đào Tam Tỉnh); Từ điển thành ngữ, tục ngữ (Nguyễn Nhã Bản chủ biên và các cộng sự); 60 năm ngành Lao động và Thương binh, Xã hội Nghệ An (cùng Văn Hiền,)… Tiếp đến năm 2010, tôi nộp bản thảo Tìm về Di sản văn hóa xứ Nghệ là sách khai thác các tư liệu địa chí quý hiếm chưa được ai giới thiệu… Bản thảo này được chị Bùi Ngọc thực hiện (lúc đó chị đang là biên tập viên), đã góp ý đổi chữ “về” của tên sách thành chữ “trong” có lý và hay hơn. Tôi rất tâm đắc với đề nghị này, và sách được xuất bản với tên gọi: Tìm trong Di sản văn hóa xứ Nghệ. Được sự động viên của NXB, của các đồng nghiệp cùng bạn đọc, tôi tiếp tục “hành trình lao khổ” nghiên cứu tài liệu vốn cổ của địa phương để biên soạn thành sách và vinh dự có tên trong các công trình của NXB Nghệ An ấn hành, tiêu biểu: Bài ca Xa Ma Ki; Nghệ An những tấm gương cộng sản; Đất Nghệ, Khoa học xã hội và Nhân văn với thực tiễn; Nghiên cứu Lý luận phê bình Văn học Nghệ An 10 năm đầu thế kỷ XXI; Nữ sĩ Hồ Xuân Hương danh nhân văn hóa; Nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772 - 1822) Danh nhân văn hóa và giá trị di sản (Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế,)…
       Năm 2022, cuốn sách Các vị thần sông biển xứ Nghệ của tôi được NXB Nghệ An đề xuất UBND tỉnh đặt hàng. Trong quá trình thực hiện, Ban Biên tập đã chu đáo, tận tình góp ý, đề xuất sửa chữa những chỗ còn sơ sót, vì vậy cuốn sách đã được nâng tầm giá trị hơn hẳn.
 
anh 2dtt
 
      Kỷ niệm gần đây nhất của tôi với NXB Nghệ An là cuốn sách Đền thờ Trần Hưng Đạo (phường Đội Cung, thành phố Vinh). Khi chuyển bản thảo đến NXB Nghệ An, chị Bùi Ngọc - Giám đốc, Tổng Biên tập xem sơ bộ và nhanh chóng trao đổi với chúng tôi những ý kiến bước đầu rất hay như: sửa tên sách, thay đổi bố cục,... Không những thế, như một sự “hữu duyên”, chị đã tiếp tục dày công biên tập văn phong, câu chữ, tìm kiếm những tư liệu chính xác,... và trao đổi với nhóm tác giả một cách “thấu tình đạt lý”. Kết quả, sau hơn 2 tháng, cuốn sách Đền thờ Trần Hưng Đạo (phường Đội Cung, thành phố Vinh) đã được phát hành đúng ngày 20/8/2024 (âm lịch) nhân Lễ giỗ lần thứ 724 của Đức thánh Trần.
 
anh 3 dtt
      
       Năm nay tôi đã bước vào tuổi 70, trải qua hơn nửa thế kỷ say mê đọc và viết sách... Gia tài tôi để lại cho cuộc đời này là hàng chục đầu sách về lịch sử, văn hoá xứ Nghệ,... Và tôi luôn tự hào vì điều đó!
      Từ đáy lòng của một tác giả, một người yêu quý sách, tôi chân thành biết ơn NXB Nghệ An - mái nhà ấm áp, yêu thương đã tạo nguồn động lực to lớn để tôi và các tác giả tự tin viết tặng cho đời những trang sách...
     Cũng nhờ NXB Nghệ An mà những cuốn sách của tôi và các cộng sự đã may mắn được nhận nhiều giải thưởng danh giá: Giải Nhất Khoa học Công nghệ Nghệ An (cuốn Khoa bảng Nghệ An (1075 - 1919); các giải A, B, C Giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương các kỳ,... Nhưng với tôi, niềm vui lớn lao nhất vẫn là: Giá trị của các cuốn sách được lưu giữ muôn đời và phục vụ cho đông đảo bạn đọc trong cả nước.
       Đó chính là những Hạt Ngọc Sách quý cho đời!
 
                                                                        Nhà nghiên cứu Đào Tam Tỉnh
 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập28
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm26
  • Hôm nay10,066
  • Tháng hiện tại169,090
  • Tổng lượt truy cập11,993,400
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây