Tôi bắt đầu viết văn từ những năm chín mươi của thế kỷ trước. Truyện ngắn Ánh sao xanh cuối trời của tôi được in trên Tạp chí Văn nghệ, Nghệ Tĩnh, năm 1990, do nhà văn Đặng Văn Ký biên tập. Năm năm sau, năm 1995, tôi viết truyện ngắn thứ hai - Một chuyến đi nghiệt ngã, đăng trên Tạp chí Sông Lam, do nhà văn trẻ Đàm Quỳnh Ngọc biên tập.
Vốn là người yêu thích văn chương, viết lách, nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, đời sống chật vật, thiếu thốn, tôi phải đi làm giúp việc, nên mãi đến mười tám năm sau, tôi mới ra mắt tập truyện ngắn Liều thuốc thần kỳ, NXB Hội Nhà văn, 2013. Và cũng chính từ những căn phòng chật hẹp của các gia đình mà tôi làm giúp việc, sáu năm sau, năm 2019, tôi ra mắt tập tuyện ngắn thứ hai - Trở lại cánh rừng thuở ấy. Lần này, tôi quyết định gửi “đứa con” của mình đến NXB Nghệ An và được nữ Giám đốc trẻ Bùi Ngọc viết lời giới thiệu, cô biên tập viên xinh đẹp Phạm Hằng làm “bà đỡ”. Và thật vinh dự, Trở lại cánh rừng thuở ấy đã được tặng Giải C, Giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương lần thứ VI (2015 - 2020).
Niềm vui sướng được nhân lên, tôi hăm hở viết tiếp, ba năm sau (năm 2022), tôi “trình làng” tác phẩm thứ ba - Ngày trở về. Và dĩ nhiên, cuốn sách này tôi cũng hoàn toàn tin tưởng giao cho NXB Nghệ An ấn hành. “Được đà”, chưa đầy hai năm sau, tôi tiếp tục xuất bản tác phẩm thứ tư. Lần này, tôi quyết định dấn thân vào thể loại mới - tiểu thuyết: Người đàn bà đi qua chiến tranh. Đây là một bản thảo dày dặn, gồm 32 chương, 312 trang, được trình bày trong khuôn khổ 16 x 24cm. Cũng như những lần trước, tôi tiếp tục tin tưởng, gửi gắm thành phẩm của mình cho “Ngôi nhà yêu thương” ở địa chỉ 37B, Lê Hồng Phong. Ấn phẩm lần này của tôi cũng do “bà đỡ” Phạm Hằng - người đã chăm lo cho hai “đứa con” của tôi trước đây đảm nhận. Tác phẩm lần này phức tạp hơn, với nhiều tuyến nhân vật, nhiều tình tiết, các cung bậc cảm xúc buồn, vui, sướng, khổ, cay đắng, tủi nhục và cả những mất mát, đau thương,... Với một tác phẩm tương đối “khó” như thế nên biên tập viên Phạm Hằng đã phải làm việc cật lực. Làm ở cơ quan không xuể, cô phải mang bản thảo về nhà, và thức rất khuya để đọc, sửa cho tôi từng lỗi chính tả, từng chỗ ngắt câu, từng dấu chấm phẩy,... Còn nhớ, có những hôm vì sốt ruột, tôi gọi điện cho Hằng, vẫn thấy cô đang cặm cụi trên từng trang bản thảo. Nhờ thế mà chỉ trong một thời gian ngắn, cuốn sách của tôi đã ra mắt bạn đọc gần xa. Và đặc biệt, biết hoàn cảnh của tôi khó khăn, cũng như những lần trước, trong lần xuất bản này, NXB Nghệ An đã hỗ trợ tôi một phần kinh phí. Trân quý vô cùng!
Bây giờ nhìn lại, tôi quá đỗi ngạc nhiên, không biết động lực nào mà chỉ trong vòng năm năm, tôi đã giới thiệu với độc giả ba tác phẩm như thế. Phải chăng, một phần do cái duyên và nguồn khích lệ từ ngôi nhà ấy - ngôi nhà 37B, Lê Hồng Phong? Ở đó có một đội ngũ những người làm công tác xuất bản trẻ trung, năng động, nhiệt tình và có trách nhiệm cao. Đó là những cô gái xinh đẹp, lời nói nhẹ nhàng, nụ cười cởi mở, ấm áp và chân tình: Phạm Hằng - “bà đỡ” cho những đứa con của tôi, Giám đốc trẻ Bùi Ngọc duyên dáng, xinh đẹp và tài năng,...
Nhìn lại chặng đường đồng hành với NXB Nghệ An vừa qua, điều tôi muốn nói là: Cảm ơn ngôi nhà 37B Lê Hồng Phong - địa chỉ thân thiện, địa chỉ mà tôi yêu mến, nơi tôi tin tưởng gửi gắm ba “đứa con” của mình, và tất cả đã chào đời một cách trọn vẹn! Chúc cho ngôi nhà ấy luôn là địa chỉ quen thuộc của các văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh gửi gắm những “đứa con” tinh thần của mình!
Cảm ơn tất cả mọi người trong ngôi nhà ấy!
Nguyễn Thị Minh Thìn
Hội viên Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An