CƠ DUYÊN VỚI NHÀ XUẤT BẢN NGHỆ AN

Thứ ba - 24/09/2024 23:08 542 0
       Cơ duyên tôi đến với Nhà xuất bản Nghệ An khá sớm - từ 40 năm trước, năm 1984 - lúc đó còn là NXB Nghệ Tĩnh do ông Nguyễn Minh Điệp làm Giám đốc và nhà thơ Cảnh Nguyên làm Phó Giám đốc.
        Quen biết NXB sớm như vậy cũng bởi tôi có hai anh bạn là Trần Trọng Tân và Nguyễn Văn Tiến, cùng học ở Trường Tuyên huấn Trung ương I Hà Nội đã từng về công tác ở đây. Tân và Tiến học Xuất bản, tôi học Báo chí. Giữa năm 1983, sau khi tốt nghiệp, cả ba chúng tôi đều xung phong về Nghệ Tĩnh công tác.
        Còn nhớ vào giữa năm 1984, Ban Thi đua Khen thưởng tỉnh phối hợp với NXB Nghệ Tĩnh tổ chức thực hiện cuốn sách viết về điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua của tỉnh. Tôi khi đó là phóng viên của Đài Phát thanh Nghệ Tĩnh được Ban tổ chức mời cộng tác, và đã có phóng sự “Thế mới vươn lên từ một vùng đất trũng” (viết về Hợp tác xã nông nghiệp Đông Lâm, xã Khánh Lộc, huyện Can Lộc). Cuốn sách hoàn thành khá nhanh và được xuất bản vào tháng 2/1985, với tên gọi là Điểm sáng niềm tin, tập 1.
       Điểm sáng niềm tin, tập 1, dày 148 trang, khổ in 13 x 19cm, sử dụng bài của 11 tác giả, đều là các nhà văn, nhà báo có tiếng trong tỉnh lúc bấy giờ (phóng sự của tôi dài gần 9 trang, từ trang 123 đến trang 131). Sách được in và phát hành với số lượng khá khủng: 5.100 cuốn.
 Bẵng đi một thời gian dài, tỉnh Nghệ Tĩnh chia tách thành hai tỉnh Nghệ An và Hà TĩnhNXB Nghệ An có tên từ đó. Tôi về Hà Tĩnh công tác cho đến khi nghỉ hưu. Sau này, các bạn của tôi cũng không có ai còn công tác ở đấy nữa, một anh bạn thân quen là Hồ Văn Sơn lại đã mỏng phận, mất sớm!
Người cũ không còn, người mới không quen biết…
        Cuối tháng 5/2023, khi tôi hoàn thành tập bản thảo cuốn tự truyện Chuyện đời tôi với 452 trang giấy A4. Tôi đang hết sức băn khoăn, bởi… Một biên tập viên quen biết ở NXB Văn học mong muốn tôi gửi tác phẩm ra Hà Nôi để cô ấy biên tập và xin quyết định xuất bản giúp. Nhiều bạn bè thân thiết cũng khuyên tôi gửi cho NXB Văn học hoặc NXB Hội Nhà Văn, những địa chỉ mà họ thường gửi và rất tin tưởng. Con trai tôi cũng có nguyện vọng tác phẩm của bố được xuất bản và in ấn ở Hà Nội để cháu có điều kiện trợ giúp,…
        Thực tâm, tôi cũng muốn nhờ cô bạn biên tập viên thân quen ở NXB Văn học làm hộ, nhưng nghĩ đi nghĩ lại cũng thấy sẽ rất bất tiện. Bởi, việc liên hệ giữa tác giả và NXB sẽ rất khó khăn vì tôi ở xa, lại thường xuyên đau yếu, bệnh tật,
        Đang băn khoăn, lưỡng lự như thế thì hai người bạn là nhà thơ Phan Trung Hiếu, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh và nhà báo, nhà thơ Trần Vũ Thìn khuyên tôi: “Anh thử liên hệ với Bùi Ngọc - Giám đốc NXB Nghệ An xem sao. Ở đó làm chu đáo và có trách nhiệm lắm!”.
         Sau ít phút ngập ngừng khi gọi điện thoại cho một người chưa quen biết để nhờ vả, rồi tôi cũng mạnh dạn bấm máy:
         - A lô, có phải chị Bùi Ngọc không ạ?
         - Dạ, vâng ạ! Xin lỗi, ai đang gọi đấy ạ?
         - Tôi, tôi là… tôi có cuốn sách muốn…
         - Cháu chào chú nhà báo Thái Ngụ, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Hà Tĩnh ạ!
        Giám đốc - Tổng Biên tập Bùi Ngọc đổi cách xưng hô như chúng tôi đã quen biết nhau từ lâu. Được đà, tôi trao đổi luôn với Bùi Ngọc về yêu cầu của mình và đề xuất một cuộc hẹn để làm việc cụ thể. Bùi Ngọc trả lời luôn:
        - Nếu chú đã tin tưởng ở chúng cháu thì chú cứ gửi bản thảo qua email của NXB, chú không cần phải mang bản thảo đến đâu. Nhận được bản thảo, cháu sẽ phân công Ban Biên tập thực hiện, chú nhé!
         - Nhưng… tôi ngập ngừng một lúc rồi nói dứt khoát - Bản thảo của chú rất dày, thời gian lại gấp vì chú muốn cuốn sách đó sẽ ra mắt vào ngày đặc biệt quan trọng của chú gần đây.
         Lặng im vài giây, rồi Bùi Ngọc trả lời quyết đoán:
        - Vậy thì thế này chú nhé! Hiện tại Ban Biên tập cũng đang quá tải, mà sách của chú lại là thể loại tự truyện. Đối với thể loại hồi ký, tự truyện, trước khi cấp quyết định xuất bản, bao giờ cháu cũng phải đọc kỹ. Nên cháu sẽ trực tiếp biên tập tác phẩm của chú để đảm bảo nhanh, gọn, đúng quy trình ạ!
         - Nhưng, cháu bận như thế… Tôi lại băn khoăn.
         - Chú yên tâm. Cháu đã hứa là sẽ thực hiện đúng hẹn. Ngày mà bận xử lý công việc thì tối về cháu sẽ đọc!
         Nghe thế, tôi thở phào mừng rỡ!
         Xác định là tự truyện viết về cuộc đời mình nên toàn bộ sự việc, tôi đều viết 100% sự thật. Tôi viết đầy đủ, khá kỹ, khá chi tiết mọi chuyện, từ xuất xứ gia đình, lúc sinh ra, lớn lên, đi học, đi bộ đội, đi làm, đi du lịch, đi bệnh viên,… Nhìn chung là quá tham lam, ôm đồm. Cuối cùng, cuốn tự truyện trở thành một tác phẩm đồ sộ, nếu dàn chữ theo nguyên bản thì có lẽ phải cả ngàn trang in.
         Tôi nghĩ trong bụng, chắc Giám đốc - Tổng Biên tập Bùi Ngọc sẽ ngán ngẩm lắm đây. Rồi liệu cô ấy có đọc “một cách tử tế” cho mình hay không?
Thật bất ngờ, chỉ khoảng 1 tuần sau, Bùi Ngọc gọi điện, mời tôi sang lấy bản thảo mà cô đã đọc. Tôi mừng quá. Không ngờ một Giám đốc NXB bận bịu với bao nhiêu công việc mà vẫn sốt sắng với tác phẩm của mình. Gặp vợ chồng tôi, Bùi Ngọc hồ hởi nói:
         - Hấp dẫn quá chú ơi! Lần đầu tiên cháu đọc một tự truyện thú vị đến thế. Bản thảo tuy dài nhưng đã cuốn hút cháu quên cả thời gian. Bây giờ cháu sẽ có những ý kiến bước đầu với chú!
         Vẫn nụ cười tươi, Bùi Ngọc tiếp:
         - Quả là rất hay nhưng cháu nói thật, chú đừng giận: Bản thảo dài quá chú ạ! Theo cháu, chú có thể lược bớt những đoạn cháu đã đánh dấu.
        Bùi Ngọc muốn tôi lược bớt những đoạn nói về thư từ, nhật ký cá nhân trước năm 1975, lược bỏ bớt những chuyến công tác nước ngoài mà do ôm đồm tôi đã kể quá chi tiết… Nghe Bùi Ngọc nói thế, Ngọc Huệ - vợ tôi cũng thấy “tâm đầu ý hợp”, ngoài ra, cô ấy còn muốn tôi lược bỏ bớt những chuyện kể chi tiết vể đời tư, về tình cảm cá nhân thời tuổi trẻ.
       Thế là, tôi lại phải mất công mất sức thêm nhiều ngày đêm vì “đứa con tinh thần của mình”. Đêm đêm, tôi cặm cụi xem những đoạn Bùi Ngọc đánh dấu đề nghị bỏ. Thực sự, tôi cũng tiếc lắm. Nhưng, phải thừa nhận, cô ấy nói… đúng!
       Cứ thế, không dưới 5 lần chúng tôi trao đổi qua email, zalo, điện thoại,… các nội dung chi tiết, từ ngữ cần cắt bỏ, sửa đổi, cần bổ sung. Đến đầu tháng 8/2023, chúng tôi thống nhất với nhau bản thảo cuối cùng, được dàn thành 648 trang.
       Lúc này, tôi mới thực sự cảm ơn lời giới thiệu của hai anh bạn Phan Trung Hiếu và Trần Vũ Thìn (Quả thực, khi nghe các anh nói, tôi cũng chưa… tin tưởng lắm đâu).
 
anh 1 tn
 
         Như đã giao hẹn, gần trưa ngày 21/8, 50 cuốn sách Chuyện đời tôi đầu tiên đã được giao đên tận nhà riêng, để đến chiều ngày hôm sau, 22/8/2023, tôi vui sướng có cơ hội giới thiệụ và ký tặng 50 bạn cùng lớp đại học 52 năm trước của tôi ở Hà Nội. Họ cũng là những nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà công tác xã hội, nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học và cả các chiến hữu lính xe tăng thân thiết của tôi.
        Có một sự tình cờ làm cho tôi hết sức xúc động là khi NXB Nghệ An gửi sách lưu chiểu ra Cục Xuất bản, người đọc thẩm định đầu tiên chính là GS. TS. Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận và phê bình VHNT Việt Nam, người thầy dạy tôi 52 năm trước ở Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Vị Giáo sư đã có lời khen về tác phẩm “người thật, việc thật”.  Tôi biết được điều này qua anh bạn tôi là TS. Lưu Trần Luân, cũng là thành viên Hội đồng thẩm định của Cục Xuất bản.
        Những ngày sau đó, cả 400 cuốn tự truyện với trọng lượng 400kg đã được cháu Tâm, cháu Cường - Phòng Hành chính NXB Nghệ An chở đến tận nhà tôi với thái độ niềm nở, nhiệt tình.
       Xúc động hơn nữa, hôm tôi tổ chức ra mắt sách ở thành phố Hà Tĩnh, Giám đốc Bùi Ngọc bận đi nhận giải thưởng ở Hà Nội không tham dự được nhưng đã gửi tặng tác giả lẵng hoa tươi thắm, và trân trọng viết lên facebook cá nhân những lời thật cảm động về Chuyện đời tôi.
 
anh 2tn
 
         Tiếng lành đồn xa, sau tự truyện của tôi, năm 2024, các bạn tôi ở Hà Tĩnh như nhà văn Bùi Quang Thanh, nhà báo Lê Hữu Quý cũng đã tìm đến NXB Nghệ An và “Bà đỡ” Bùi Ngọc để “sinh hạ các đứa con tinh thần” của họ. Đó là tập bút ký Nam hành ký sự (Bùi Quang Thanh) và hồi ký Nợ ân tình (Hữu Quý).
         Bây giờ thì Bùi Ngọc đã trở thành một “thành viên” rất thân thiết của gia đình tôi. Vợ và các con tôi đều rất quý mến cô ấy. Còn Bùi Ngọc, luôn nói vui với tôi rằng: “Ngoài dì Ngọc Huệ, cháu là người nắm rõ đời tư của chú nhất đó nha!”.
 
anh 3 tn
 
         Có lần, khi nghe tôi nói: “Chuyện đời tôi của chú may mắn được cháu biên tập nên mọi thứ thật vuông tròn”. Bùi Ngọc cười tươi: “Ở NXB Nghệ An, tất cả các biên tập viên đều nhiệt tình, tận tuỵ cả. Có lẽ, do cháu và chú dì có… cơ duyên”.
        Điều này thì tôi tin! Vợ chồng tôi cũng như Bùi Ngọc đều là những người lạc quan, tích cực, luôn lấy niềm vui, niềm tin làm trọng. Mỗi ngày, khi chúng tôi đăng tải những hình ảnh vui tươi trên facebook, luôn luôn nhận được từ Bùi Ngọc những trái tim và lời bình khích lệ. Ngược lại, khi đọc những dòng cảm nhận về sách, về Nghề của cô ấy, vợ chồng tôi đều thích thú, hưởng ứng,..
 
anh 4 tn
 
        Qua các kênh thông tin, tôi được biết, 2024 là năm “bội thu” của NXB Nghệ An về các đầu sách, về các giải thưởng, thành tích,.. Mừng cho NXB “quê choa” với những thành tích rạng ngời. Mong nhiều tác giả khắp mọi miền sớm “bén duyên” cùng NXB Nghệ An!
 
                   Viết nhân ngày sinh nhật tuổi 44 của NXB Nghệ An, ngày 12/9/2024
                                                            Nhà báo Thái Ngụ
                                         Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Tĩnh
                                        Địa chỉ: Số nhà 29, đường Hồ Sỹ Dương, khối 17, phường Hưng Bình, TP. Vinh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây