THAY CHO MỘT LỜI CẢM TẠ

Thứ sáu - 27/09/2024 21:04 589 0
        Khoảng nửa đầu 2020, tôi tập trung làm xong bản thảo và xin giấy phép Nhà xuất bản Nghệ An để ra tập thơ chọn đầu, lấy tên Người rao mặt nạ. Sách vừa in xong, tôi đến chơi NXB, gặp và đề tặng bạn văn Bùi Ngọc, còn dặn thêm lúc nào rỗi rãi thì đọc giùm cho vài bài (dù Ngọc chỉ viết văn xuôi, chưa thấy làm thơ bao giờ). Không ngờ, chỉ ít lâu sau, Giám đốc NXB Nghệ An thông báo cho tôi chuẩn bị bản thảo cuốn Thơ chọn, sẽ xem xét xuất bản năm tới. Mừng quá, trên cơ sở 178 bài in ở cuốn Người rao mặt nạ, tôi hào hứng bổ sung, sửa chữa, thêm lời giới thiệu và phần phụ lục cuối sách.
      Một buổi sáng cuối tháng 9/2021, nhà văn Bùi Ngọc gọi điện thoại báo tin vui, mời anh đến NXB Nghệ An hoàn tất thủ tục và nhận 5 cuốn sách bản quyền. Đấy là cuốn Thơ chọn (1975 - 2020), in và phát hành theo diện sách đặt hàng của tỉnh nhà. Cuốn Thơ chọn (1975 - 2020) dày 280 trang in, khổ rộng 15 x 20cm, bìa cứng, số lượng in: 1.950 cuốn. Trong điều kiện in ấn và bạn đọc thơ hiện này, số bản in dành cho sách thơ của một tác giả “tỉnh lẻ” như tôi kể ra là không nhỏ. Ngoài phần thơ, cuốn Thơ chọn (1975 - 2020) còn có bài viết thay lời nói đầu của Tiến sĩ, nhà thơ Phạm Đình Ân (nguyên biên tập viên Báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam), hai bài viết ở phần Phụ lục cuối sách của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên (nguyên cán bộ Viện Văn học) và nhà báo Anh Thư (hiện làm việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam). Cả ba đều là chỗ quen biết, điều quan trọng hơn là họ đã đọc, quan tâm theo dõi hành trình đi, viết, cả những vui buồn của tôi từ rất nhiều năm trước. Trong bài của Phạm Xuân Nguyên, mấy câu anh viết tôi cứ thầm biết ơn mãi: “Thơ cho anh được sống cùng thơ... Người rao mặt nạ, một tuyển thơ 45 năm nói được rất nhiều cho nhà thơ Nguyễn Văn Hùng”.
 
anh 1 nvh
    
        Như vậy, sau cuốn in đầu tiên của tôi tại NXB Nghệ An Nụ cười và giọt nước mắt (Sách dịch từ tiếng Nga, 1988), thì tiếp theo là Bác Hồ, những câu chuyện cảm động (Tiểu luận, 2 tập, 2004, tái bản nhiều lần); Quê hương trong trái tim Người (Tiểu luận, 2007); Mỗi buồn vui dân nước gọi Bác Hồ (Tập thơ về Chủ tịch Hồ Chí Minh, 2019). Đến gần đây nhất là cuốn Thơ chọn (1975 - 2020). Các cuốn vừa kể đã được NXB Nghệ An hoặc đặt hàng, hoặc tài trợ để xuất bản, phát hành. Tác giả ngoài sách bản quyền còn nhận một khoản nhuận bút khi khiêm tốn, khi cũng kha khá trong tương quan với nhuận bút sách hiện hành. Xin nói thêm, cuốn Thơ chọn (1975 - 2020) vừa ra chưa ráo mực, ở trang wep của NXB Nghệ An đã xuất hiện bài giới thiệu của biên tập viên Phạm Hằng: “Thơ chọn và sự tinh tế của người chọn thơ”. Những bài viết nhanh, gọn, nhiều thông tin và tình cảm trân trọng của các bạn Hằng, Chi, hay của chính Bùi Ngọc thường xuyên trên trang wep của NXB phải nói là đã tạo được hiệu ứng tích cực, nhanh nhạy giữa bốn đối tượng liên quan máu thịt: Tác giả - Nhà xuất bản - Tác phẩm - Bạn đọc.
        Nhắc đến công của NXB Nghệ An với tôi, không thể không xin dừng lại “kể lể” đôi điều mảng sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một may mắn, là từ sau năm 1975, tôi có dịp làm quen, đọc, học hỏi một số tên tuổi từng viết nhiều và thành công về đề tài Bác Hồ: Trần Hữu Thung, Minh Huệ, Ninh Viết Giao (Nghệ An), Thái Kim Đỉnh (Hà Tĩnh), Vũ Ngọc Khánh, Lê Xuân Đức (Hà Nội). Dần nhen nhóm lên trong tôi - một công dân quê Bác, viết một cái gì đó về Bác, một tập thơ chẳng hạn, như nhà thơ Minh Huệ với tập thơ Cõi Sen? Thế là tôi bắt tay làm, bắt đầu bằng việc thỉnh thoảng công bố một hai bài thơ chủ yếu trên báo chí địa phương. Thấy đã khá đầy đặn, phong phú cả về nội dung, ý tưởng, cách viết; có khoảng chùm bốn năm bài thơ đạt chất lượng tốt, được báo chí ngoài Hà Nội giới thiệu, bạn bè ghi nhận, tới đầu năm 2020, tôi tập hợp lại, chọn được 40 bài, lấy tên sách Mỗi buồn vui dân nước gọi Bác Hồ và đến gõ cửa NXB Nghệ An đặt vấn đề xin giấy phép. Chị Bùi Ngọc cùng Ban biên tập đọc, thẩm định xong, bảo nội dung, chất lượng bản thảo đảm bảo xuất bản. Có điều, lẽ ra anh nộp từ đầu năm kế hoạch NXB, thì có thể sẽ được tỉnh đầu tư tài trợ, vì đây là sách về Bác Hồ, đang được đặc biệt ưu tiên, khuyến khích. Giờ thì muộn rồi, chỉ có thể “tài trợ” tác giả cái giấy phép xuất bản mà thôi. Nghĩa là, tôi không mất kinh phí giấy phép cho phía NXB Nghệ An nữa. Thế là đã mừng rồi, tôi cảm ơn rồi về cầm bản thảo đi in. Không ngờ, dịp kỷ niệm 19/5/2000, tập thơ Mỗi buồn vui dân nước gọi Bác Hồ tôi gửi dự thi, nhận Giải B của tỉnh Nghệ An, tại Lễ tôn vinh các cá nhân, tập thể điển hình làm theo đạo đức, tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh và trao giải thưởng cho các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí viết về Bác Hồ, giai đoạn 2018 - 2020. Năm 2023, tôi tiếp tục dự thi và nhận Giải B, chùm thơ 6 bài về Bác. Còn nhớ cách vài năm trước đó, nhà văn Hữu Việt, bấy giờ công tác ở Báo Nhân Dân, đã chọn in một chùm thơ về Bác của tôi, giới thiệu trên Báo Nhân Dân hằng tháng, số 253, 5/2018. Anh viết “sa-pô” có đoạn: “... Đã có rất nhiều bài thơ, câu thơ xuất sắc viết về Bác Hồ của các nhà thơ nổi tiếng trong nước và quốc tế. Chính vì vậy, để tìm thêm cái hay, cái mới, cái sáng tạo khi viết về Bác là điều không dễ. Trong hơn 15 năm qua, nhà thơ Nguyễn Văn Hùng, một người con của Nghệ An, viết gần 40 bài thơ về Bác Hồ, có thể coi là thành công, chứng tỏ sự trăn trở, trước một đề tài lớn và khó, cùng sức lao động công phu, nghiêm túc của tác giả!”. Như một phản ứng dây chuyền, các đầu sách tôi sáng tác về Chủ tịch Hồ Chí Minh cứ “nối nhau” ra đời, trong niềm vui lặng lẽ, tôi biết mình đã chịu ơn sự giúp đỡ tận tình, chi chút, hiệu quả của NXB tỉnh nhà!
 
anh 2 nvh
 
anh 3 nvh
 
anh 4nvh
 
         Gọi NXB Nghệ An như nhiều người từng gọi là “bà đỡ mát tay”, quả nhiên là vậy rồi. Tôi còn muốn bổ sung, nơi đây trong hơn bốn thập kỷ qua, còn là “nguồn sữa mát lành” nuôi dưỡng, động viên, an ủi không ít cây bút thuộc các lĩnh vực Kinh tế, Văn hóa, Khoa học, Lịch sử, Giáo dục, Văn học - Nghệ thuật, góp phần xây dựng tâm hồn, nhân cách con người, củng cố, xây dựng và phát huy kho tàng tri thức cho người dân xứ Nghệ quê ta. Cách đây vài năm, nhân một lần hội nghị cộng tác viên NXB Nghệ An, rất đông vui vì được gặp lại một số cán bộ NXB nay đã 70, 80, 90 tuổi; trong đó có nhà thơ Cảnh Nguyên là bạn thơ vong niên một thời, từng giữ cương vị Phó Giám đốc. Một số ý kiến cho rằng, NXB của chúng ta tới nay tầm vóc không còn là của địa phương, tỉnh lẻ nữa, cộng tác viên rộng hơn, tên tuổi nhiều hơn, của nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Bản thân tôi không ít lần “mai mối” cho bạn văn các tỉnh xa gần liên lạc rồi trực tiếp đến NXB làm sách. Bởi vậy, nên chăng đổi tên khác cho NXB Nghệ An sao cho xứng với tầm vóc của nó?! Tuy nhiên, suy cho cùng, đấy có lẽ cũng là một cách nhìn nhận, đánh giá, động viên nhau, rất cần, để NXB Nghệ An chúng ta tiếp tục đoàn kết, nỗ lực làm việc, đổi mới tư duy hơn nữa, và đi tới những chân trời Khát vọng!
 
                                                                        
  Nguyễn Văn Hùng

                               (Nguyên Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Nghệ An)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây