Tôi người Quảng Bình, nhưng không biết cơ duyên gì mà luôn muốn về Nghệ An, nói chuyện bạn bè Nghệ An và ăn các món mẹ Nghệ An chế biến như: khoai xéo, cà pháo, kẹo cu đơ,... Đặc biệt, khi tôi viết văn, tôi rất muốn về lấy giấy phép Nhà xuất bản (NXB) Nghệ An cấp và đi thăm bạn nhà giáo thời chiến tranh chống Mỹ.
Thế rồi, vào một ngày mùa thu nắng đẹp năm 2016, có anh Nguyễn Ngọc Trai, tác giả sách Nghiên cứu Quảng Bình xưa (nguyên Giám đốc Sở Địa chính Quảng Bình) giới thiệu NXB Nghệ An, lúc đó anh Hồ Văn Sơn, Tổng Biên tập. Từ đó, tôi kết nối tương tác với NXB Nghệ An rất dễ dàng.
Tôi có đặt vấn đề với anh Hồ Văn Sơn quan tâm kỹ lưỡng cho đề tài khoa học cấp tỉnh này: Địa chí làng An Xá, quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Qua một thời gian đọc duyệt nghiêm túc, tôi đã nhận quyết định xuất bản kịp thời để in ấn tại Công ty Cổ phần In Quảng Bình. Quyển sách địa chí này do nhóm tác giả của Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tỉnh Quảng Bình sưu tầm và biên soạn gồm: Nhà nghiên cứu Đặng Thị Kim Liên (Chủ biên) và các nhà nghiên cứu: Nguyễn Văn Tăng, Đỗ Duy Văn. Đây là một quyển sách rất quan trọng và khoa học nên tôi có phần lo lắng, bởi NXB Nghệ An nhiều biên tập trẻ, mà tôi mới xin giấy phép lần đầu. Rất may, về nội dung cuốn sách và từ ngữ địa phương Quảng Bình dùng trong sách đều được lưu giữ trọn vẹn.
Quyển sách được in ra, nộp lưu chiểu và phát hành, ai cũng phấn khởi vui mừng. Một người con đặc biệt của làng An Xá là ông Trần Sự, đã ngoài tám mươi tuổi, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, khi đọc xong cuốn sách tặng, nhận xét ngay: sách viết đầy đủ và hay! Nhóm biên soạn rất phấn khởi vì không có lỗi sai gì về làng An Xá của ông.
Từ đó, tôi mới tin vào cảm nhận đầu tiên về NXB Nghệ An, vì trăm nghe không bằng một thấy. Đây là lần đầu tiên tiếp cận với NXB Nghệ An, nhưng nó thực sự để lại ấn tượng tốt đẹp trong tôi. Tôi ước rằng: Nếu viết được bản thảo sách khác, tôi sẽ đến NXB Nghệ An để xin giấy phép. Quả nhiên, ba năm sau, tôi hoàn thành tập bản thảo Địa chí làng Phương Xuân, và tôi lại hăm hở ra NXB Nghệ An xin cấp giấy phép. Lần này, tôi trực tiếp gặp Tổng Biên tập nữ trẻ Bùi Thị Ngọc, tôi chưa biết gì về Tổng Biên tập trẻ này, nhưng được cô đón tiếp lịch thiệp. Cô cho biết: Tổng Biên tập Hồ Văn Sơn được nghỉ hưu từ năm trước, sau đó anh bị bệnh nan y, đã qua đời. Tôi nghe nói mất mát đó, lòng rưng rưng xúc động, thương tiếc, lặng yên nhớ về người Tổng Biên tập đáng kính! Tôi thầm nghĩ, cô Ngọc còn trẻ mà linh hoạt phong độ, chắc nối nghiệp cơ đồ NXB thịnh vượng lắm đây...
Thế là, lần thứ hai bản thảo của tôi được NXB Nghệ An nhận biên tập, cấp giấy phép. Thú vị nhất là câu chuyện gặp giám đốc lần đầu, tôi có tâm trạng hào hứng, cởi mở và có cảm tình với phong cách làm việc của một cán bộ quản lý nữ trẻ, chân thành. Quả là, trước đây tôi đã in nhiều tập thơ, nhưng chỉ gửi bản thảo và Ban Biên tập làm việc xong gửi về cho mình cả quyết định xuất bản. Nếu thích in nhà xuất bản nào thì người ta chuyển cho luôn như: NXB Văn học với tập thơ Những vì sao không tên, NXB Phụ nữ với tập thơ Người còn duyên, NXB Thuận Hóa với tập thơ Mùa xuân đôi mắt,...
Lần gặp gỡ trực tiếp hiếm hoi này, tôi nghĩ, mình phải mạnh dạn, thẳng thắn trao đổi với Tổng Biên tập, để thống nhất quan điểm, chỉ đạo nhân viên biên tập cho sát đúng thể loại sách địa chí (văn học dân gian) này. Đó là việc chỉnh sửa các từ địa phương của biên tập trong bản thảo địa chí. Thế là, cô Ngọc không những không tỏ thái độ phản ứng hoặc tranh luận, mà đã đồng cảm và nhất trí cao nội dung bản thảo của tác giả. Bởi vì, tính chất vùng miền, các từ địa phương còn biểu cảm sắc thái văn hóa riêng biệt như: mô, tê, răng, rứa, nác, mần, cầm, cẳng, trôốc, lịp,... Và, trước lúc cấp giấy phép, NXB đã in toàn bộ bản thảo trên giấy A4 gửi cho tác giả dò xét lại, rồi gửi ra NXB tu chỉnh lần cuối cùng, mới ra quyết định.
Trong việc làm này, tôi đồng tình cao, vì sự thận trọng của Tổng Biên tập trẻ, nghiêm túc, quyết đoán, tôn trọng tác giả và văn hóa đọc. Tôi cảm thấy tin tưởng, yêu mến và đồng cảm thực sự với một cán bộ nữ quản lý tâm huyết nghề nghiệp.
Đối với tôi, động viên theo cách của Tổng Biên tập Bùi Thị Ngọc là sự đồng cảm sâu sắc, nâng bước vươn cho đối tác, làm cho họ tiếp tục mở thêm trang sách mới nhen nhóm, ấp ủ trong lòng.
Quả nhiên, trải qua ba năm, tôi miệt mài chăm chỉ làm việc và cũng đã hoàn thành 2 tập bản thảo: Chợ phiên Ba Đồn và Vạn chài sông Gianh. Tôi nghĩ đến ngay địa chỉ NXB Nghệ An - 37B đường Lê Hồng Phong, thành phố Vinh, một địa chỉ quen thuộc, không bao giờ quên.
Năm 2019, cuốn Chợ phiên Ba Đồn ra đời đem đến cho tôi niềm vui khôn tả, được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao giải Nhì B và giải A Lưu Trọng Lư Quảng Bình, 5 năm một lần (2015 - 2020).
Cuốn Vạn chài sông Gianh ra đời kịp thời tham dự giải thưởng năm đã đoạt giải Ba Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam năm 2020.
Mỗi khi có tin vui gì về sách xuất bản, tôi đều “khoe” với Ngọc. Tổng Biên tập rất vui và động viên tôi với những lời ấm áp, trìu mến. Tôi cũng vậy, thông qua Zalo để trao đổi chuyện này chuyện nọ rất ân tình và bổ ích. Tôi thực sự yêu mến và trân quý cô gái xứ Nghệ hồn nhiên, cởi mở mà sâu sắc về tri thức sống.
Gần đây thôi, có sự thay đổi kế hoạch của làng Mỹ Cương về việc nhận sách Địa chí làng Mỹ Cương cho kịp tổ chức làm điểm Lễ kỷ niệm 93 năm thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc và chào mừng 20 năm thành lập phường Bắc Nghĩa, vào ngày 12/11/2023. Đáng ra, kế hoạch ngày 18/11/2023.
Tình huống này, xử lý sao đây? Lúc đầu, tôi không đồng ý, nhưng sau nảy ra ý kiến “cầu cứu” bạn Ngọc, may ra làm được. Thế là tôi bấm máy trình bày nhanh gọn, hồi hộp lắng nghe đầu dây phản hồi: Chuông reo một thoáng, tiếng nói ấm áp nhân hậu của Ngọc trả lời cho tôi, chỉ ba tiếng thôi: “Em đồng ý!”. Sau đó, chúng tôi bàn bạc kỹ lưỡng quy trình nhanh mà chuẩn xác.
Suốt 3 ngày 3 đêm, Ngọc vật lộn với bản thảo, cuối cùng bằng trách nhiệm, Tổng Biên tập Bùi Thị Ngọc đã hoàn thành đọc duyệt bản thảo Địa chí Mỹ Cương, qui mô 384 trang, cỡ 15x22cm cho khâu cuối cùng, ký Quyết định xuất bản gửi vào Quảng Bình. Sau đó, máy in đã chạy hai ngày đêm hoàn thành sách đúng kỳ hạn.
Nói thật, trong đời tôi chưa lúc nào xúc động, cảm phục đến thế! Một điều đáng mừng là sách hoàn thành đúng dịp hội nghị mở ra, ai cũng phấn khởi. Các đại biểu đón nhận sách tặng với bao cảm xúc chân thành. Còn nhân dân Mỹ Cương hào hứng liên hoan văn nghệ thật rộn ràng, sôi nổi, chào mừng. Ông trưởng làng phát biểu gửi lời cảm ơn Giám đốc, Tổng Biên tập rất thấm thía: “May nhờ có cô Ngọc thương dân làng chúng tôi nên sách mới được hoàn thành sớm cho ngày hôm nay!”...
Tôi nghe mà náo nức trong lòng, thầm nghĩ và thốt nên lời: Vô cùng cảm ơn người bạn, người đồng chí cùng chung chiến hào làm công tác văn hóa đọc.
Đáng yêu hơn nữa là tập sách Bến đò ngang Quảng Bình gần đây của tôi ra đời cuối năm 2023, là tiếng nói của cội nguồn các dòng sông Quảng Bình thân yêu có đóng góp tu chỉnh của Ban Biên tập NXB Nghệ An, làm tôi luôn nhớ Tổng Biên tập và các cộng sự yêu quý của mình!
Tôi cũng gặp được các bạn nhà giáo: Bích Hợi, Vũ Thủy, Vũ Thị Thu, Bích Hiên, Hoàng Phương ngày ấy dạy ở Quỳnh Lưu, nay gia đình tổ ấm đề huề nhưng tuổi xế chiều, ốm đau luôn,... Đồng nghiệp gặp nhau, xúc động, ấm áp và nhận quà tặng của tôi là những quyển sách do NXB Nghệ An cấp phép. Các bạn tôi trân trọng mừng cho tôi và tự hào quê hương mình có nhà xuất bản danh tiếng nước nhà.
Một chặng đường hơn 10 năm tiếp cận với 2 Tổng Biên tập NXB Nghệ An không phải là dài so với 44 năm trưởng thành, nhưng để lại cho tôi trên 3.000 trang sách của 6 đầu sách văn học dân gian, và dòng chữ NHÀ XUẤT BẢN NGHỆ AN trang trọng trên các đầu sách trong ký ức của tôi không bao giờ phai mờ. Những tác phẩm này tôi đã gửi dự thi quốc gia hay tỉnh Quảng Bình đều đoạt giải thưởng. Đó là hạnh phúc ấn tượng mà tôi có được với NXB Nghệ An. Xin cảm tạ những đóng góp cao cả thầm lặng mà vô giá! Đó chính là sự đồng cảm trang sách để có đồng điệu tâm hồn với NXB Nghệ An trong tôi!
Nhà nghiên cứu Đặng Thị Kim Liên
Đồng Hới, ngày 16/9/2024