- Alo.
- Tôi đây! Có việc chi mà bà gọi khuya rứa nạ?
- Được rồi bà ạ!
- Được việc chi? Bà nói rõ tui nghe coi mồ.
- Tôi in thơ xong rồi, in ở Trung ương hẳn hoi nạ.
- Bà quen biết rộng hầy, xin được hẳn ngoài nớ à?
- Quen biết chi mô mồ, tháng 4 vừa rồi, nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi đi dự buổi lễ gặp mặt, tri ân các chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch và đã gặp lại ông Bình. Ông Phùng Hòa Bình ở Thạch Thất, Hà Tây, cái vùng mà nói giọng trọ trẹ như ta ấy, nhớ hồi ấy, ông hay làm thơ động viên anh chị em thanh niên xung phong. Giờ ông ấy là nhà thơ rồi, nhà thơ Trung ương tề.
- Rứa à? Hồi nớ ông Bình nhỏ con nhất, thường gọi là “Bình cọt”. Mới đó mà đã 70 năm rồi.
- Thì tôi với bà, người 86, người 85 chi nựa. Hồi nớ tôi 16, bà 15, cả hai đứa đều hăng hái xung phong gia nhập thanh niên xung phong. Đúng mồng một Tết Nguyên đán 1954, bắt đầu lên đường với tinh thần “Tất cả cho Điện Biên Phủ”. Ông Bình tặng tôi tập thơ, chuyện qua chuyện lại, ông ấy bảo: Nếu bà muốn in thơ để làm thì tôi sẽ giúp, in một cuốn có giấy phép hẳn hoi, chứ in phô tô như các cụ ở câu lạc bộ thì nói làm gì. Thế là tôi gửi bản thảo cho ông ấy nhờ ông ấy làm cho tất cả. Cuối tuần, tôi qua thăm bà và cháu, tôi tặng bà. Mà bà cũng in đi, đó cũng là mong ước của bà mà. Nỏ có khó chi mô, để tui gọi điện nhờ ông Bình, ông Bình lại nhờ mấy cháu còn trẻ, chứ ông 88 tuổi rồi, đi lại cũng khó khăn.
- Ừ, biết rứa đã, con An sốt từ qua tới giờ, để thư thư vài bữa rồi tôi sẽ trao đổi lại với bà.
- Cũng muộn rồi, bà nghỉ đi. Cuối tuần tôi qua thăm bà nạ.
Đêm cũng đã về khuya, trời tháng 7 oi nồng, ngày mai là 15, ngày kỷ niệm truyền thống lực lượng thanh niên xung phong, có lẽ bà không đi dự được, vì An - con gái của bà thi thoảng lại ốm và lên cơn động kinh.
Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, bà tham gia thanh niên xung phong một thời gian nữa rồi trở lại quê nhà, lấy chồng, chăm mẹ chồng già yếu, thường xuyên trái gió trở trời còn ba chồng đã hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Anh trai của chồng thì sau chiến tranh chống Pháp, lại tiếp tục lên đường tham gia kháng chiến chống Mỹ. Hai vợ chồng lấy nhau năm, sáu năm vẫn chưa có con, chạy chữa thuốc Nam, thuốc Bắc, rồi cúng bái khắp nơi, cả chục năm sau mới được mụn con gái đặt tên là Lương Ngọc Bình An, trắng trẻo, hay ăn, chóng lớn. Vậy mà đến năm 10 tuổi, sau một trận sốt, bé An không còn được bình thường như những đứa trẻ khác, mắt mất dần đi thị lực, thêm vào đó thi thoảng lại co giật, hai ông bà chạy hết bệnh viện này đến bệnh viện khác cũng không được. Cuộc sống đã khó khăn nay càng khó khăn hơn khi vết thương hồi ở Điện Biên của ông tái phát, sức cùng lực kiệt, ông ra đi bỏ lại hai mẹ con côi cút.
Từ đó cho đến bây giờ, mẹ 86 tuổi, chăm con gần 50 tuổi mù lòa, đau ốm quặt quẹo, có những lúc tưởng chừng như bà Vân đã không thể trụ được nữa. Gần 60 năm, bà Vân vẫn ở vậy thờ chồng, chăm con. May mà bà ham thích thơ văn từ nhỏ, nên cũng lấy đó làm vui. Thi thoảng tham gia câu lạc bộ cùng các cụ ở khối, xóm, rồi được in thơ ở Bản tin của thị xã. Bà gom góp lại cũng cả đến trăm bài. Có ông bạn trong Hội Văn học nghệ thuật thị xã tỉ tê, gợi ý, bà cũng muốn in một cuốn, mà nghe ông bạn nói hết cả chục triệu, bà giật mình, lấy tiền mô ra mà in.
Gần 90 tuổi nhưng bà Vân vẫn khỏe, không khỏe không được, vì nếu nhỡ may ốm ra thì ai chăm An. May nhờ có Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, nhờ có các chính sách an sinh xã hội mà mẹ con bà mới có thể ổn định cuộc sống đến hiện tại. Cuộc sống của bà chỉ quanh quẩn việc chăm con, nuôi mấy con gà, chăm mấy luống rau sạch để bán, gọi là có chút út sống qua ngày và thuốc thang mỗi khi cần thiết.
Mới sáng sớm, bà Hải lại gọi điện nói lát nữa qua thăm. Cầm tập thơ “Mảnh ghép cuộc sống” bà Hải tặng, đẹp và trang trọng, bà nói:
- Tôi hỏi khí không phải, bà bỏ qua cho tôi nhé, bà in hết nhiều tiền không?
- Ừ thì,... trên dưới chục triệu.
- Nhiều thế à?
- Tôi nghe nói, xin giấy phép xuất bản đã mất khoảng 3 triệu, làm bìa mất 1 triệu, mi trang, đọc morat, bản bông là cái chi chi đó cũng hết 1 triệu, phải in 200 trở lên chứ in dưới 200 cuốn nhà in họ không in.
- Rứa à? Nhiều tiền ri, tôi lấy mô ra. Chỉ có mấy luống rau và vài con gà đẻ trứng.
- Bà thật sự muốn “sinh đứa con đầu lòng” của mình không?
- Bà nói rờ rờ, tuổi ni sinh chi hầy.
- Ôi, bà ơi, đó là từ lóng để nói về việc in cuốn sách đầu tiên đấy.
- Bà đi nhiều, quen biết rộng, hiểu biết thêm nhiều hầy.
- Tôi cũng nỏ biết mô, hồi tháng 4 ở Thanh Hóa, tôi gặp ông Phạm Xuân Vinh, ông ấy nói tề. Cái ông mà hồi nớ mà suốt ngày trêu bà ấy. Giờ ông cũng là nhà văn rồi, ông đã in tới 8, 9 đầu sách, ông có tặng bà một cuốn. Tôi đã chuẩn bị rồi mà cứ đi ra đi vào lại quên không mang theo. Nhưng tôi có số điện thoại của ông ấy. Để tôi gọi hỏi xem thế nào.
- Có phiền ông ấy không? Bà Vân chưa dứt lời thì đã nghe thấy tiếng bà Hải gọi điện thoại nói với ai đó.
- A lô, xin hỏi đây có phải là số điện thoại của ông Phạm Xuân Vinh không?
- Vâng, tôi là Phạm Xuân Vinh, xin lỗi ai đó nạ?
- Tôi đây, Nguyễn Ngọc Hải (Hải tồ) hồi đi Điện Biên Phủ, gặp ông hôm ở Thanh Hóa nạ.
- Ồ, tôi nhớ ra rồi. Lâu ni bà khỏe không? Bà đang ở mô nạ?
- Tôi đang ở nhà bà Vân (Vân nhút nhát) mối tình đầu của ông ngày xưa tề.
- Đầu... cuối... chi chi nạ.
- Bà Vân muốn in một cuốn sách, nhưng không biết in ở mô, tôi nhớ ông có nói, ông đã in tận 8, 9 cuốn, nên hỏi ông cho rõ nạ.
- Bà Vân mô mồ, cho tôi gặp bà ấy.
Bà Hải đưa máy cho bà Vân.
- A lô, tôi đây. Bao nhiêu năm rồi không gặp, ông vẫn khỏe chứ? Nghe bà Hải nói, bây giờ ông đã là nhà văn rồi.
- Thì, họ gọi thế nào thì kệ họ, tôi chỉ là người yêu thích văn chương và thích viết thôi. Danh xưng “nhà văn” cao quý lắm, tôi nỏ dám nhận mô bà nạ.
- Chỗ tôi, đi họp các câu lạc bộ thơ khối, xóm họ đều gọi nhau là nhà văn, nhà thơ cả nạ.
- Ừ, thì... tùy từng người bà nạ. Bà cũng định in sách à? Bao nhiêu bài, bao nhiêu trang, in bao nhiêu, in ở đâu?
- Tôi có biết chi mô, tôi cũng tham gia câu lạc bộ thơ, thấy mọi người in tôi cũng muốn in một cuốn, nhưng có người bảo: đã in thì phải in cho đàng hoàng, cho chỉn chu, phải có giấp phép xuất bản, chứ in phô tô thì không phải thơ. Nhưng in như bà Hải hết cả chục triệu thì tôi nỏ dám in mô nạ.
- Làm chi mà hết tận rứa, có nhiều thì in nhiều, có ít thì in ít. Ai bắt chi mô.
- Rứa thật à ông?
- Tôi nói dối bà chi nạ. Nếu bà có thời gian thì bà đến Nhà xuất bản Nghệ An gặp trực tiếp lãnh đạo, còn nếu không, thời đại 4.0 bà cứ a lô cái là có từ A đến Z, bao trọn gói cho bà luôn. Đảm bảo chất lượng, đẹp, rẻ. Cần chi phải ra tận trung ương cho xa, quê ta thì ta cứ thế mà mần thôi.
- Nghe ông nói mà tôi thấy mừng mừng chi chi nạ.
- Hôm vừa rồi tôi cũng kết nối một ông bạn muốn in thơ với Nhà xuất bản Nghệ An, ông ấy cũng hoàn cảnh lắm, muốn in nhưng kinh phí eo hẹp. NXB đã tạo điều kiện tốt nhất, giảm các chi phí thấp nhất có thể đấy.
- Rứa à?
- Tôi đọc cho bà số điện thoại của cô Giám đốc họ Bùi, vừa trẻ trung, xinh đẹp, vừa nhiệt tình, tâm huyết, chỉn chu, cần mẫn, không sợ khó, sợ khổ, chỉ sợ không ai gửi bản thảo đến để “làm bà đỡ” thôi. Tôi dám đảm bảo với bà, đội ngũ làm xuất bản ở đây trẻ trung, cần mẫn làm việc cật lực không quản ngày hay đêm, thứ Bảy hay Chủ nhật, làm ngày không đủ sẽ tranh thủ làm đêm, miệt mài cài xới từng con chữ, từ dấu chấm, dấu phẩy, ngắt câu, ngắt nhịp, viết hoa, ngoặc đơn, ngoặc kép, bố cục, trình bày, kiểu chữ đến cả bìa sách cũng phải trao đổi với tác giả từ màu sắc, đến hình ảnh, bao giờ tác giả ưng ý thì mới thôi. Không chỉ có những người trong tỉnh ta mà tôi đoán rằng bà đã từng nghe tên như: PGS Ninh Viết Giao, Trần Hữu Thung, Minh Huệ, Thạch Quỳ, Phạm Xuân Cần,... Rồi cả ngoài tỉnh, mà còn có cả người nước ngoài cũng tin tưởng giao cho Nhà xuất bản đấy. Với bản lĩnh, trách nhiệm, nghiêm túc như vậy mà Nhà xuất bản giành được rất nhiều phần thưởng, như: Giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương, Giải thưởng VHNT Nguyễn Du, Giải thưởng “Sáng tác và quảng bá về đề tài Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Giải thưởng Khoa học Công nghệ, Giải thưởng Sách Quốc gia, Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh,... Nhân kỷ niệm kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Nhà xuất bản Nghệ An (12/9/1980 12/9/2020), ghi nhận những đóng góp to lớn của Nhà xuất bản, Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, UBND tỉnh Nghệ An đã có nhiều Bằng khen, Kỷ niệm chương,... dành cho tập thể và cá nhân của đơn vị.
- Ông nói, cứ như là ông đang làm ở NXB ấy nhỉ?
- Ồ, tôi tự hào là cộng tác viên ruột của NXB nạ.
- Ông đã tin tưởng như vậy, lẽ nào tôi lại không tin ông.
Tôi sẽ gọi nói trước với Giám đốc, và trao đổi với cháu Ngọc Chi biên tập viên có đôi mắt kiểu người Nhật, xinh xắn, nhỏ nhắn, rất nhanh nhẹn. Tôi sẽ nhờ cháu nó biên tập giúp bà, có gì bà cũng gọi trao đổi một tiếng nhé?
* * *
- A lô, xin lỗi đây có phải là số điện thoại của Giám đốc NXB Nghệ An không?
- Dạ, vâng ạ. Là cháu đây.
- Dì là Nguyễn Ngọc Hải, được ông Phạm Xuân Vinh giới thiệu và cho số điện thoại của cháu.
- Dạ, bác Vinh có gọi điện trao đổi với cháu rồi ạ. Dì cứ gửi bản thảo xuống cho cháu nhé! Cháu sẽ kiểm tra qua bản thảo và sẽ phân công người biên tập ạ.
- Nhưng cháu này…
- Dì cứ nói đi ạ.
- Từ trước đến nay dì toàn viết tay, dì gửi bản viết tay được không cháu?
- Không sao đâu dì ạ. Chúng cháu sẽ hỗ trợ dì đánh máy. Cảm ơn dì trao gửi “đứa con tinh thần” của mình cho NXB ạ!
- Dì cảm ơn cháu nhiều lắm. Lát dì sẽ nhờ người ra bưu điện gửi bản thảo nhé!
Hơn một tuần sau, bà Vân nhận được điện thoại của cháu Ngọc Chi, biên tập viên của NXB. Cháu nói rằng, vì bà Vân chỉ có điện thoại 2G không vào mạng được, nên biên tập viên sẽ đánh máy, cho chế bản mi trang rồi in gửi lên cho bà một bản. Sửa chữa hay thay đổi gì thì chỉ cần liên lạc qua điện thoại là được. Bà Vân không ngờ mọi việc lại dễ dàng và tiện lợi đến như vậy. Biết thế này, bà đã quyết in thơ sớm hơn. Nhưng còn vấn đề kinh phí, mấy lần định hỏi nhưng bà cứ ngập ngừng… Hôm nay, sau khi BTV gọi điện bảo đã đánh máy xong, bà Vân rụt rè hỏi về kinh phí. BTV Ngọc Chi vui vẻ trả lời bà là sau khi dàn trang xong, có số trang cụ thể sẽ báo giá cho bà. Chi còn nói thêm, NXB sẽ hỗ trợ tốt nhất cho dì, vì những người thanh niên xung phong như dì, đất nước cũng như chúng cháu sẽ luôn mãi nhớ ơn, nên dì yên tâm đi ạ.
Nghe BTV Ngọc Chi nói mà bà Vân bỗng thấy nghèn nghẹn, rưng rưng không thốt nên lời. Ngọc Chi còn nói thêm rằng: Cơ quan chúng cháu đang tổ chức cuộc thi “Nhà xuất bản Nghệ An trong tôi”, cháu mời bà tham gia ạ!
Thế rồi, những cuộc điện thoại trao đổi về bản thảo của bà Vân với BTV NXB cứ diễn ra đều đặn. Những góp ý, những chỉnh sửa của BTV đối với tập thơ làm bà Vân cứ gật gù, tâm đắc. Đúng là như ông Vinh đã nói, các “bà đỡ NXB Nghệ An thực sự rất có nghề và tận tâm”, đã thế lại còn rất nhiệt tình, niềm nở. Cái gì bà chưa hiểu thì giải thích rõ ràng, từ tốn. Lúc đầu nghe “bản bông”, “mi trang”, “dàn trang”,… bà cứ rối cả lên, giờ thì bà đã hiểu cặn kẽ. Mới thấy công việc của các BTV thật chẳng dễ dàng gì. Bởi suy từ bà Vân, bà biết thơ mình còn nhiều vụng về trong câu từ, ý, tứ, thế mà qua tay các BTV đã trở nên gọn ghẽ, hay hơn biết bao nhiêu.
Gần một tháng sau, những cuốn sách còn thơm mùi giấy mới đã được gửi đến tận tay bà Vân. Bà run run lật giở từng trang sách mà ngỡ như mình đang mơ. Bà gọi điện cho Giám đốc NXB nói lời cảm ơn thì được cháu chia sẻ:
- Dì ạ. Cháu rất vui khi dì hài lòng với cuốn sách mà chúng cháu vừa ấn hành. Chúng cháu cũng đã nhận được bài tham dự của dì ạ, bài viết đã làm cháu rất xúc động vì sự chân thành, cũng như tình cảm của người viết dành cho NXB Nghệ An.
- Cảm ơn cháu cùng tập thể NXB đã luôn tận tâm, tận lực, gạn đục, khơi trong, tìm những hạt sạn nhỏ nhất để những trang sách vàng đến tay bạn đọc một cách trang trọng, chỉn chu.
Sau khi lo cơm nước cho An xong, bà Vân vui vẻ cầm túi sách đến Câu lạc bộ văn thơ nơi bà sinh hoạt, để khoe với bạn bè cũng như tặng mọi người làm kỷ niệm. Niềm vui “vượt cạn thành công” và “đứa con tinh thần” đẹp đẽ, trang nhã làm bà không thể không chia sẻ với mọi người. Nhìn mọi người xuýt xoa về tập thơ, lật đi giở lại, bà Vân thực sự hạnh phúc và có phần tự hào. Bà nói như sợ mọi người không biết: “Sách này do NXB Nghệ An ta ấn hành đấy. Không ngờ tỉnh ta lại có NXB chuyên nghiệp ri. Cho nên nỏ cần đi mô cho xa, cứ NXB tỉnh ta ta in thôi các bác nạ. Vừa thuận tiện mà các cháu ở đó chuyên môn vững và rành có tâm nạ”. Mọi người đều gật đầu hưởng ứng khi nghe bà Vân nói như thế. Có mấy người lại xin bà số của Giám đốc NXB Nghệ An, hỏi cách thức gửi bản thảo,… Bà Vân nhiệt tình giảng giải, dặn dò mọi người khiến ai cũng phì cười vì thấy bà Vân như là nhân viên của NXB Nghệ An vậy.
Giờ đây, thỉnh thoảng bà Vân lại đưa tập thơ ra mân mê, và thầm cảm ơn NXB Nghệ An đã chắp cánh cho ước mơ của bà. Những con người tận tuỵ ngày đêm, bằng những góp ý xác đáng đã làm cho tập thơ của bà được nâng tầm hơn. Đúng là có những sự gặp gỡ trong đời là duyên, và sẽ luôn cho quả ngọt mát lành.
Hôm qua, trong giấc mơ, bà Vân thấy mình được trao giải cuộc thi sáng tác “NXB Nghệ An trong tôi”, nghĩ lại, đôi má bà chợt ửng hồng như cái thời mười tám được ngỏ lời yêu....
LÝ THU THẢO
Hội viên Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An