NHÀ XUẤT BẢN NGHỆ AN ĐÃ TỪNG NUÔI TÔI

Thứ tư - 13/11/2024 03:19 367 0
       … Đó là một buổi chiều ở Hà Nội cách đây (2024) đã 33 năm, tôi đang tần ngần nghĩ suy chuẩn bị từ giã giảng đường Trường Đại học Văn hoá để về quê, khi được biết cơ chế bao cấp cho sinh viên đã không còn nữa. Mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam, tương lai của sinh viên chuyển sang cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng làm. Sắp xếp quần áo, sách vở cho vào va ly để ra ga tàu với đôi mắt rưng rưng, tôi ngoái nhìn trường học lần cuối. Tôi không thể tự mình lo được cuộc sống sinh viên ở đô thành. Lúc này, văn phòng trường đại học đã vắng, thầy cô về nhà cả rồi, có còn ai để chào. Bước nhanh ra khỏi cổng trường, tôi chợt nghe có ai đó gọi tên, hóa ra đó là chị Ánh, văn thư của trường. Chị tất tả đưa cho tôi lá thư chuyển gấp, ngoài phong bì đề “Nhà xuất bản Nghệ An”. Hồi hộp bóc thư, bởi chưa bao giờ có mối quan hệ gì với Nhà xuất bản cả, tôi băn khoăn: Tin gì đây? À, thì ra đó là thư mời của Nhà xuất bản gửi tôi tham gia trại sáng tác dành cho văn xuôi, thể loại viết tiểu thuyết, nội dung ghi rõ ràng cả ngày khai mạc. Trong phong bì có kèm theo tờ giấy viết mấy dòng chữ báo tin đã gửi tiền tàu xe qua đường bưu điện mời tôi về dự trại sáng tác. Ngày ấy, tiền gửi thường qua đường bưu điện, phải chờ. Tôi mừng nhưng lúng túng. Phải làm sao bây giờ? Chị Ánh góp ý, thôi em khoan hãy về quê, cứ cất quần áo đồ đạc đi, đã có tiền tàu xe của Nhà xuất bản gửi qua bưu điện thì nay mai sẽ đến trường. Họ đã mời dự lễ khai mạc là sẽ hỗ trợ tiền học cho em, quyết định mọi vấn đề vẫn còn chưa muộn.
       Nghe lời chị Ánh, vài ngày sau nhận được giấy mời nhận tiền của Nhà xuất bản với số tiền 18 ngàn đồng, bằng suất học bổng một tháng của sinh viên, tôi mừng vô kể. Những năm tháng sau này, ngẫm nghĩ mãi lời nói của cha ông thật là thấm thía, quả không sai: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, nó cứu hẳn cả cuộc sống, ước mơ của một con người là tôi. Và cứ tự hỏi tại sao Nhà xuất bản biết tôi đang học ở ở Hà Nội mà mời? Vả lại, cho dù có biết chăng nữa thì lấy gì bảo đảm tôi viết được tiểu thuyết? Nhà xuất bản sở hữu được đồng tiền của Nhà nước có dễ dàng gì đâu. Hơn nữa, viết được một tiểu thuyết phải có tài, phải có cả một quá trình tích lũy vốn sống…
      Tôi nghe danh của Nhà xuất bản Nghệ An vào những năm cuối tám mươi đầu chín mươi (1989 - 1990), khi mày mò tìm đọc tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ, các nhà nghiên cứu nổi tiếng. Họ đã tin tưởng gửi gắm những đứa con máu thịt “sinh nở” ở Nhà xuất bản tại thành phố đỏ. Đó là GS. Nguyễn Đổng Chi, GS. Phan Huy Lê, GS. Chương Thâu, Phan Đăng Nhật, Văn Như Cương, PGS. Ninh Viết Giao, Nhà văn Bùi Hiển, Phan Cự Đệ, Nguyễn Minh Châu, Bá Dũng, Nhà thơ Trần Hữu Thung, Minh Huệ, các nhà Hán học như Cao Danh Khoa, Cao Thế Lữ, Nguyễn Sĩ Cẩn,…
      Ngày ấy tôi nghĩ, chính quyền tỉnh thành lập Nhà xuất bản là để phát hành tác phẩm cho những người nổi tiếng, còn những người như tôi được đến Nhà xuất bản còn xa vời lắm. Nhưng thật không ngờ, trong một tình huống khó khăn trên đường đời tôi lại được Nhà xuất bản giúp đỡ vượt qua.
      Nghĩ ngợi như vậy, nhưng đúng ngày dự khai mạc trại sáng tác, tôi về Vinh, mặc dù trong đầu chưa có câu văn nào gọi là… tiểu thuyết. Nếu không tham gia trại sáng tác thì làm gì có tiền để tiếp tục học? Chỉ có con đường về… quê, liều thôi. Tôi xin nghỉ học để dự trại chứ không phải… bỏ học như ý định ban đầu. Tôi đi tàu chợ Hà Nội - Vinh từ trưa ngày hôm trước, mãi đến 8 giờ sáng hôm sau, mới tới Vinh. Người mệt rã rời vì mất ăn, mất ngủ, bởi đói, rệp cắn, trên tàu rệp sao mà nhiều thế? Hình như ngày ấy, con người đói thì rệp cũng đói nên chúng càng cắn tích cực hơn thì phải?
      Xuống tàu, tôi tìm đến Nhà xuất bản. Ngày ấy, cơ quan đóng chân ở khu chung cư Quang Trung còn chật chội lắm, phòng họp không thấy treo chữ ngày khai mạc, hay chào mừng trại sáng tác. Các nhà văn của tỉnh nhà đã từng quen biết đang nói chuyện vui vẻ, ấm cúng: Bá Dũng, Hồng Nhu, Đặng Văn Ký, Đức Ban, Chính Tâm,... Một số người nữa thì tôi chưa được biết. Hình ảnh nhớ mãi đó là có người đàn ông trung niên mời uống nước ân cần, còn hỏi tôi đã ăn sáng gì chưa? Việc đi tàu chắc vất vả, học hành ở trường có mệt lắm không, có chống chọi qua được mấy năm đại học không? Mãi sau tôi mới biết đó là ông Nguyễn Trung Hiền, Giám đốc Nhà xuất bản, người có ý tưởng mở trại sáng tác nuôi các cây bút văn xuôi của tỉnh nhà.
anh 1dqn
       
         Dần dà, tôi biết thêm các anh: Trần Trọng Tân, Ngô Xuân Hội, Vũ Hải là biên tập viên, hoạ sĩ. Ngay cả chị Sự làm kho quỹ, chị Phượng kế toán,... biết hoàn cảnh cuộc sống của tôi đang có nhiều khó khăn nên quan tâm hơn trại viên khác. Trong buổi gặp mặt đầu tiên giữa các nhà văn với Nhà xuất bản chỉ gói gọn về mấy ý chính: Các nhà văn đăng ký viết về đề tài gì, đã viết đến đâu? Thời gian hoàn thành tiểu thuyết là một năm. Nhà xuất bản nuôi đúng 12 tháng tính ra tiền mặt. Hợp đồng ứng trước 1/2 tiền. Ngày cuối cùng trong năm thẩm định tác phẩm và hoàn tất hợp đồng.
anh 2 dqn
 
       Các nhà văn báo cáo rõ ràng đề tài mình đang viết và ứng tiền trước theo hợp đồng. Tất cả vui vẻ rộn ràng trước lúc về. Đến lượt tôi, quả tình lúng túng, chưa biết nói mình sẽ viết tiểu thuyết như thế nào, nói gì đến việc đăng ký đề tài. Ông Nguyễn Trung Hiền suy nghĩ rồi quyết định: “Đàm Quỳnh Ngọc đã viết nhiều truyện ngắn, nhưng chưa viết tiểu thuyết, rồi sẽ viết, đời còn dài, học hành cho tốt sẽ viết tốt hơn. Cây bút văn xuôi tỉnh mình hiếm, cây bút nữ lại càng hiếm hơn, ưu tiên Đàm Quỳnh Ngọc ứng hết tiền nuôi tác phẩm đưa ra Hà Nội gửi ngân hàng tiện cho việc học và viết tác phẩm”.
       Nghe ông Nguyễn Trung Hiền nói, tôi tưởng mình đang ngủ mơ, bởi số tiền Nhà xuất bản cho ứng là một triệu hai trăm ngàn đồng. Trong khi đó, suất học bổng hằng tháng ngày ấy của sinh viên (nếu có) cũng chỉ được 20 ngàn đồng. Lãi suất ngân hàng thời điểm ấy cao, một phần trăm và hơn nữa, tôi gửi tiền ngân hàng lấy lãi như sinh viên có học bổng vậy.
      Câu chuyện năm xưa giờ nghĩ lại giống như: “Tái ông ngã ngựa”. Tất nhiên những ngày sau đó, tôi cũng có nhiều nỗi lo, lo học hành bài vở đúng với quy định của nhà trường, lo phải làm sao cho xứng với niềm tin của Nhà xuất bản, phải có tác phẩm. Những ngày bình thường lên lớp học bài, còn ngày Chủ nhật, tôi ở nhà viết… trả nợ, về những gì đã trải qua, những gì chiêm nghiệm được ở cuộc đời. Thi thoảng các anh Trần Trọng Tân, Ngô Xuân Hội, Vũ Hải,… mỗi lần đi công tác ở Hà Nội đều ghé thăm, mời cùng ăn bữa cơm, còn cho thêm mấy ngàn đồng hỗ trợ việc học hành. Với tôi đó là nguồn động viên rất lớn trong việc học và viết tác phẩm. Tiểu thuyết đầu tay: “Miền đất cô đơn” của tôi đã ra đời trong hoàn cảnh như thế. Và sau này, cuốn tiểu thuyết đó tham gia cuộc thi “Văn học dành cho tuổi trẻ” do báo Văn nghệ và Nhà xuất bản Thanh niên tổ chức. Tôi đoạt giải Nhì cuộc thi này. Và cũng từ cuốn tiểu thuyết đó, tôi được Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam để ý, đó cũng là một trong nhiều yếu tố nữa mà tôi được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.
 
anh 3dqn
 
      Bây giờ, cuộc sống đối với tôi cũng đã khác đi nhiều, không còn phải lo cơm gạo áo tiền từng bữa đến xanh mặt như ngày nào, chỉ nghĩ ngợi làm sao để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Thu nhập cũng khá hơn những ngày nghèo đói năm xưa, nhưng tôi không bao giờ quên khoản tiền 1.200.000 (một triệu hai trăm ngàn đồng) năm nào của Nhà xuất bản Nghệ An đã giúp tôi. Với tôi đó không chỉ là những con số mà còn là cả những ân tình, niềm tin, sự cổ vũ,… suốt cả cuộc đời này tôi chẳng thể nào quên!
                                                            
 Nhà văn Đàm Quỳnh Ngọc
                                                                    

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây