Có một hành trình của sách vở, của câu chữ, của sự tận tâm mà tôi vẫn luôn xúc động tự hào mỗi khi nghĩ về. Đó là hành trình xuất bản tập thơ của Mơ Sen, một tập thơ sinh ra không chỉ bởi sự sáng tạo của tác giả mà còn từ bàn tay chăm chút, tỉ mỉ của những người đồng hành ở Nhà xuất bản Nghệ An - từ Giám đốc Bùi Ngọc tận tâm đến biên tập viên Ngọc Chi tỉ mỉ, kiên nhẫn.
Ngay từ khi đặt chân đến Nhà xuất bản Nghệ An, tác giả Mơ Sen mang theo chút băn khoăn. Mặc dù chỉ in một cuốn sách thôi nhưng với tác giả thì chuyện chọn bà đỡ cho đứa con tinh thần của mình vô cùng quan trọng và ý nghĩa. Thêm vào đó, bản thân là một người kỹ tính, trước đó thường chọn những nhà xuất bản có tên tuổi trong nước như Nhà xuất bản Hội Nhà văn hay Nhà xuất bản Văn học để gửi gắm đứa con tinh thần của mình nên ban đầu vẫn có đôi chút ngần ngại. Điều khiến tôi quyết định chọn Nhà xuất bản Nghệ An chính là vì yêu quý nhân cách của chị Bùi Ngọc: một người khoáng đạt trong giao tiếp, ứng xử, chân thành trong chia sẻ, luôn nhiệt tình giúp đỡ bạn bè văn chương và đầy ân tình với các thế hệ đi trước. Những hoạt động về sách của chị không chỉ tạo niềm tin mà còn khẳng định hình ảnh một tổ chức mà tôi lựa chọn. Với tôi, khi bắt tay vào bất cứ công việc nào, nhân cách của người mình làm việc cùng luôn là nhân tố quan trọng nhất. Và ở một tổ chức, người đứng đầu chính là tấm gương phản ánh cách tổ chức ấy đối đãi với mọi người và mọi việc. Một người có nhân cách thì luôn đặt tứ trọng ân lên trên hết khi làm bất cứ việc gì: lợi mình, lợi người, lợi tổ chức và lợi xã hội. Tôi nhìn thấy được ở chị Bùi Ngọc sự tận tâm với nghề xuất bản, sự quyết đoán, năng động, quảng giao của một người lãnh đạo và tính “trọng nghĩa” của một người làng văn. Sau khi tôi gửi bản thảo, dù bận “trăm công ngàn việc”, chị vẫn dành thời gian để đọc qua bản thảo và nhắn tin cho tôi: “Em à! Bản thảo thơ của em in khổ 13x20,5cm là đẹp”, khi tôi hỏi ý kiến chị về nhan đề, chị cũng đã có những góp ý rất chân tình. Bởi nhan đề đầu tiên của tập thơ là Mơ một đoá sen hồng, sau có nhiều người góp ý nên đổi là Mơ giấc sen hồng, chị vẫn khuyên tôi nên đặt nhan đề cũ. Cách chị bày tỏ quan điểm rõ ràng như vậy, khiến tôi càng quý mến chị hơn vì cảm nhận được chị hiểu về tập thơ và là người có chính kiến chứ không kiểu “dĩ hoà vi quý”. Sau mấy tháng, dù giấy phép xuất bản đã xong, tôi vẫn nhắn tin cho chị: “Nhan đề tập thơ em vẫn băn khoăn chị ạ”, chị đã nhắn tin: “Tuỳ em quyết định”, “Em suy nghĩ cho kỹ nhé”, tuyệt nhiên không trách móc, dồn ép.
Hành trình của Mơ Sen đã bắt đầu bằng một vài cuộc trao đổi ngắn với Giám đốc Bùi Ngọc - người thuyền trưởng đầy tận tụy và nghiêm cẩn như thế. Chị Bùi Ngọc, không chỉ là người dẫn dắt, chị còn là người trao sự tin cậy vào Ngọc Chi, người biên tập viên đồng hành sát cánh với từng câu chữ của tác giả Mơ Sen. Ngọc Chi là một cô gái tôi rất cảm tình khi tiếp xúc lần đầu tiên ở chương trình thơ, nhạc Hồ Xuân Hương tại nhà thờ họ Hồ đại tộc xã Quỳnh Đôi, kỷ niệm 250 năm năm sinh và 200 năm năm mất Danh nhân văn hóa Hồ Xuân Hương do Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An phối hợp với UBND huyện Quỳnh Lưu tổ chức. Ấn tượng với tôi về em là một cô gái nhỏ nhắn, thân thiện, cởi mở và tế nhị. Khi làm việc với em, qua cách ứng xử ở một số tình huống “gay cấn” khiến tôi hiểu và càng quý em hơn.
Đầu tiên là với nhan đề Mơ Sen. Cô gái ấy đã lật đi lật lại nhan đề cùng tác giả: Mơ một đóa sen hồng, Giấc mơ sen, Giấc mơ sen hồng, Mơ Sen,… Những cái tên cứ đan xen trong đầu, mỗi cái tên là một câu chuyện, là một ý tưởng để cuối cùng nhờ có những trao đổi qua lại với em, tôi đã lựa chọn để chốt tên tập thơ là Mơ Sen sau gần một năm gửi bản thảo. Tôi từng tâm sự với em: “Chỉ mong Mơ Sen là một giấc mơ dịu dàng, trong trẻo, đầy thánh thiện, tinh khôi nhưng cũng đầy sâu lắng và nhiều cung bậc cảm xúc bí ẩn - đa chiều trong tình yêu trong cuộc đời mỗi người”. Em dường như cũng thấu hiểu để đồng hành, chăm chút tập thơ của tôi như mong đợi. Tiếp đến là bố cục tập thơ, các bài thơ trong tập thơ cũng được tôi sắp xếp lại theo cảm thức thời gian và đến những tiểu tiết nhỏ nhất - những dấu chấm, dấu phẩy, dấu ba chấm, dấu chấm than,... tôi cũng lật đi lật lại đắn đo, lựa chọn. Với tôi, sự tỉ mỉ ấy không chỉ là trách nhiệm mà còn là đam mê, là tình yêu dành cho đứa con tinh thần của mình và trên hết là sự tôn trọng độc giả. Nếu ai đã từng làm sách thì hiểu... dù rất tỉ mẩn, cẩn thận nhưng mỗi lần đọc lại bản thảo lại “như mới” nghĩa là lại phát hiện ra lỗi và điều cần sửa, cả mấy tháng trời như vậy nhưng mỗi lần tôi gửi yêu cầu là em lại chỉnh sửa ngay và gửi lại với lời nhắn tin: “Chị kiểm tra giúp em ạ”. Tôi quý Ngọc Chi vì em là người trách nhiệm, em không chỉ đồng hành sửa từng lỗi nhỏ để truyền tải trọn vẹn ý đồ của tác giả mà em còn đưa ra phương án tốt hơn giúp tác giả. Bởi thế khi làm việc với em, tôi cũng được học hỏi rất nhiều. Ngọc Chi chia sẻ những kiến thức về quá trình hoàn thiện văn bản với tôi, đặc biệt là những quy tắc chuẩn mực về chính tả, những điều tưởng như nhỏ bé nhưng lại là điều làm nên sự chuyên nghiệp của một nhà xuất bản. Ví như: cách sao chép file PDF giữ nguyên định dạng, ghi “giải thưởng” là đoạt, còn chứng chỉ bằng cấp là đạt; cách viết âm “i” và “y”: cách viết âm “i” sau phụ âm đầu trong các âm tiết không có âm đệm và âm cuối cách ghi các giải thưởng, cách viết âm “i” đúng quy tắc. Ngay cả thông tin ở bìa gấp mép, em cũng là người góp ý cho tôi một cách cẩn thận. Tất cả những điều này chứng tỏ em đã chăm chút đến từng chi tiết của bản thảo khi biên tập.
Thiết kế bìa của Mơ Sen cũng là một câu chuyện thú vị. Qua bốn lần gửi duyệt, bốn bản bìa khác nhau, Ngọc Chi và tác giả cùng nhau điều chỉnh từng chi tiết nhỏ nhất. Với mong muốn mang đến một bìa sách thanh thoát, đầy ý nghĩa. Ngọc Chi không ngại làm đi làm lại, sửa từng nét, cân chỉnh từng màu sắc để tạo ra một thiết kế hài hòa và phù hợp với phong cách, ý tưởng của tác giả. Có một câu chuyện đáng nhớ khi tập thơ đến giai đoạn thiết kế bìa. Tác giả mong muốn một thiết kế thanh, tượng trưng cho sự trong trẻo, cao quý, như một đóa sen hồng đơn giản mà đẹp đẽ. Để đáp ứng yêu cầu ấy, em đã chuẩn bị đến bốn bản bìa khác nhau để tác giả lựa chọn. Mỗi lần duyệt bìa, mỗi lần chỉnh sửa, Ngọc Chi đều kiên nhẫn cùng tác giả phân tích từng chi tiết nhỏ nhất: từ màu sắc, bố cục, đến độ sắc nét của từng nét vẽ. Có những đêm muộn, em lại cẩn thận gửi bản thiết kế mới nhất cho tác giả xem qua, kiên nhẫn chờ đợi ý kiến phản hồi rồi lại tiếp tục điều chỉnh. Qua từng lần trao đổi, Ngọc Chi ngày càng góp phần hiện thực hoá ước mơ của người viết. Thế nhưng đến phút cuối cùng, tôi vẫn chọn phương án khác nhờ hoạ sĩ Văn Sáng thiết kế. Thiết tưởng em sẽ phản ứng vì gần như qua một năm với thiết kế bốn mẫu bìa, em đã nỗ lực hoàn thiện nhưng em rất thấu hiểu và rất nhiệt tâm ủng hộ quyết định của tôi. Bởi vậy mà nhìn vào quyển sách với tấm bìa hồng nhã nhặn, xinh xắn, ngọt ngào cùng bản sách chỉn chu, cẩn thận đã hoàn thiện, tác giả cảm thấy rất vui và mãn nguyện.
Sau bao tháng ngày làm việc cùng nhau, Ngọc Chi còn thổ lộ với tác giả rằng: “Tuy còn nhiều điều thiếu sót, và thực sự e cũng chưa ưng ý lắm (ví dụ phần bìa gập) nhưng tổng thể, tập thơ nhìn rất yêu chị ạ. Em cảm ơn chị đã tin tưởng Nhà xuất bản và em nhé”. Chỉ vậy thôi nhưng tôi thấu hiểu thêm về phẩm chất của người biên tập chân chính - rất khách quan, trách nhiệm và cũng đầy tình yêu thương dành cho tác giả và cuốn sách.
Nhìn lại hành trình của Mơ Sen, tác giả cảm thấy trọn vẹn hơn bao giờ hết. Đó không chỉ là một tập thơ, mà còn là dấu ấn của sự tận tụy, của tình yêu dành cho văn chương và của sự gắn bó mà Nhà xuất bản Nghệ An đã trao gửi. Từ những người đứng đầu cho đến biên tập viên, tất cả đều chung tay để mang đến một tác phẩm hoàn thiện nhất, trân trọng từng câu chữ, từng cảm xúc. Hành trình ấy không chỉ là hành trình của một tập thơ, mà còn là niềm tự hào của của tác giả khi được làm việc với một nhà xuất bản tận tâm như vậy ngay tại quê hương mình.
Câu nói của chị Bùi Ngọc - Giám đốc Nhà xuất bản Nghệ An - vẫn vang vọng, nhẹ nhàng và lắng sâu: “Xuất bản là công việc của những người gieo mầm tư tưởng, chắt lọc cái đẹp trong đời sống vào từng trang giấy để gửi gắm vào lòng người đọc”. Người đứng đầu nhà xuất bản không chỉ là thuyền trưởng của những chuyến đi mà còn là người khơi nguồn cảm hứng cho mỗi biên tập viên và trao niềm tin yêu cho mỗi tác giả. Và hành trình của tập thơ Mơ Sen chính là một minh chứng cho niềm tin, lòng yêu nghề và những nỗ lực vượt bậc mà thầm lặng của Nhà xuất bản Nghệ An. Có lẽ, cũng chính từ tâm huyết ấy mà một tập thơ như Mơ Sen đã được ra đời, từng câu chữ như cánh sen nhẹ nhàng, nhẫn nại mở nụ, để rồi nở ra với vẻ đẹp tinh khôi, thanh tao giữa lòng người đọc. Với tôi, Nhà xuất bản Nghệ An - nơi tỏa sáng những giấc mơ chữ nghĩa, nơi mà người ta biết rằng từng cuốn sách ra đời không chỉ là một ấn bản, mà là tình yêu, là đam mê chưa bao giờ cạn của những người làm sách, như hương sen thơm ngát giữa mùa chữ.
Tập thơ Mơ Sen đã hoàn tất, tác giả cảm thấy tự hào và biết ơn vì đã chọn Nhà xuất bản Nghệ An. Chính từ nơi đây, những mầm non tư tưởng được ươm trồng, những tác phẩm văn chương được chăm chút, những trang giấy thấm đẫm tình yêu của những người làm nghề sách. Tình yêu ấy, sự tận tụy ấy, đã giúp cho từng câu chữ trên trang sách vươn xa, bay cao, mang theo thông điệp của tình người, của vẻ đẹp văn hóa xứ Nghệ nói riêng và đất Việt nói chung. Đối với mỗi người cầm bút, Nhà xuất bản Nghệ An sẽ mãi là nơi để trở về, nơi nâng niu và thổi hồn vào những giấc mơ chữ nghĩa của người viết.
Đối với tôi, Nhà xuất bản Nghệ An không chỉ là nơi giúp tôi hiện thực hóa giấc mơ văn chương, mà còn là nơi tôi học được nhiều bài học về sự cẩn trọng, tỉ mỉ và sự trân trọng đối với từng câu chữ. Mỗi khi nhìn lại cuốn sách đã ra đời tại đây, tôi luôn cảm thấy biết ơn và trân trọng. Vì hơn ai hết, tôi hiểu rằng, để có được sự thành công của một tác phẩm, không chỉ nhờ vào tài năng của tác giả mà còn nhờ sự kiên nhẫn và tận tụy của những người làm công tác xuất bản. Nhà xuất bản Nghệ An, ngôi nhà chung của những người yêu văn, yêu chữ, nơi lưu giữ và trao truyền những giá trị văn hóa. Những ngày tháng cống hiến, những đêm dài thức trắng vì bản thảo, tất cả đều góp phần xây nên bức tường vững chắc của một nhà xuất bản uy tín và tận tâm. Cảm ơn những người biên tập viên cần mẫn, cảm ơn ngôi nhà văn chương - Nhà xuất bản Nghệ An đã không ngừng đóng góp cho văn hóa đọc của đất nước. Và dù thời gian có trôi đi, tôi tin rằng, nơi đây sẽ mãi là điểm đến đầy tin cậy cho những ai yêu sách, yêu văn hóa và nghệ thuật. Nhà xuất bản Nghệ An, với tất cả sự chuyên nghiệp và nhiệt thành, đã chắp cánh cho giấc mơ của một người cầm bút, giúp tác giả hiểu rõ hơn giá trị của văn chương và những giá trị văn hóa mà một cuốn sách mang lại. Người ta thường ví biên tập viên như những người “gác cổng” thầm lặng của văn chương. Họ không xuất hiện hào nhoáng trước đám đông, nhưng chính họ là những bàn tay nhặt đi từng hạt sạn, giúp cho tác phẩm trở nên mượt mà và tinh tế hơn. Tôi từng nghe ai đó gọi họ là “những cô Tấm trong làng xuất bản” - chăm chỉ, bền bỉ, không nề hà những đêm dài đọc từng bản thảo, sửa từng lỗi câu chữ để mang lại cho tác giả sự hoàn hảo nhất. Nhà xuất bản Nghệ An chính là nơi có những “cô Tấm” ấy, những con người nhiệt thành, tận tâm với nghề.
Tôi hy vọng, nhà xuất bản Nghệ An đã và sẽ mãi là nơi gắn kết giữa tác giả và bạn đọc, mà còn là nơi lưu giữ và truyền tải những giá trị văn hóa của xứ Nghệ nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Dưới bàn tay khéo léo và trái tim nhiệt huyết của các biên tập viên, những câu chuyện về con người, về lịch sử đều được chắt lọc, giữ gìn và lan tỏa dấu ấn của quê hương, của truyền thống, của sự kiên cường và lạc quan... Nhà xuất bản không chỉ là nơi cho ra đời những cuốn sách, mà còn là nơi nuôi dưỡng tinh thần văn hóa dân tộc, kết nối những giá trị xưa và nay, giữa con người và ký ức của nhân loại.
Và…
Nhà xuất bản Nghệ An - thổn thức mãi một niềm yêu
Những trang sách mang hình dáng ước mơ,
Lời em nói như dòng sông thầm lặng,
Từng con chữ gửi tình người nồng đượm,
Để giấc mơ theo gió vượt trùng khơi.
Bên ánh đèn, em âm thầm lật giở,
Nhặt từng dấu chấm, dấu phẩy mong manh.
Những đêm dài, thao thức không đếm nổi,
Để sách được hoàn thành, trọn vẹn ước mong.
Giám đốc Bùi Ngọc, người “gieo mầm tư tưởng”,
Gìn giữ bản sắc cho từng lời văn.
Nhà xuất bản Nghệ An - mái nhà chung kỳ diệu
Lưu giữ bóng hình những tình yêu con chữ vươn xa
Và các Em - người biên tập dụng tâm nhất tôi từng gặp
Như người nông dân miệt mài chắt chiu từng hương lúa…
Nhà xuất bản Nghệ An như ngọn hải đăng kỳ diệu
Soi sáng đường văn cho bao thi nhân!
HÀ VINH TÂM
Hội viên Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An