Tôi rất ngạc nhiên khi đọc thông tin Nhà xuất bản Nghệ An năm nay 44 tuổi. Ơ, tại sao mới chỉ 44 tuổi, nó phải nhiều hơn nhiều chứ nhỉ?
Là vì, từ những năm thập kỷ 60, 70 tôi đã được đọc những cuốn sách do Nghệ An xuất bản. Đó là khi tôi đang học cấp hai, cuốn “Thơ Nghệ An chống Mỹ” không hiểu từ đâu đã lạc vào tay tôi. Từ đó bắt đầu biết đến bài thơ “Gạch vụn Thành Vinh” của Thạch Quỳ, “Đảm đang” của Bá Dũng, rồi những tên tuổi khác như Huy Huyền, Quang Huy, Phan Sinh Viên,… Cuốn đó mà không do Nhà xuất bản Nghệ An xuất bản, thì nhà nào đã “đẻ” ra nó nhỉ? Nhưng khi nghe chị Bùi Ngọc xác nhận lại là Nhà xuất bản Nghệ Tĩnh (tên gọi lúc thành lập) ra đời ngày 12/8/1980 thì tôi hết... cãi. Hồi còn công tác ở Hà Nội, thỉnh thoảng tôi vẫn có những cuốn sách bổ ích được xuất bản ở quê nhà. Một trong những cuốn đó là “Từ điển thuật ngữ văn học” của Lê Bá Hán. Sách công cụ loại này hồi đó hiếm lắm. Dù không hành nghề văn chương, nhưng với tôi, đây cũng là một cuốn tham khảo rất quý. Khoảng năm 1989, 1990 gì đó, một lần về Vinh công tác, vào thăm anh bạn làm an ninh văn hóa, tôi đã gặp tiểu thuyết “Những mảnh đời đen trắng” của Nguyễn Quang Lập do Nhà xuất bản Nghệ Tĩnh xuất bản. Trời ơi! Nhà xuất bản quê mình mà.... “cả gan” dám cho ra cuốn sách hay và “độc” cỡ này sao? Cuốn sách hay này ngay sau khi xuất bản đã nhanh chóng nổi tiếng và nổi … tai tiếng. Nghe nói, lãnh đạo Nhà xuất bản Nghệ Tĩnh cũng “lên bờ xuống ruộng” vì nó. Cho hay, làm xuất bản không chỉ cần “mắt xanh”, mà nhiều lúc cần có cả “lá gan to hơn bình thường” mới được. Văn chương mà chỉ cốt đúng, không cần hay thì ai còn đọc? Cho nên làm nghề này mà thiếu dũng cảm, chỉ chấp nhận an toàn, thì đôi khi sẽ bỏ sót mất những tác phẩm tốt. Tất nhiên, tôi nói thế là với tư cách bạn đọc, hoặc tư cách tác giả. Còn với tư cách là Giám đốc, Tổng Biên tập nhà xuất bản, người chịu trách nhiệm trước pháp luật? Nếu đặt mình vào đó, mình có đủ dũng cảm không? Có dám mạo hiểm không? Vậy nên, trong bài báo cuối cùng, cho số báo cuối cùng của tờ “Lao động Nghệ An”, tôi đã cám ơn và đánh giá rất cao lòng dũng cảm của Tổng Biên tập tờ báo đã cho đăng những bài báo rất ít ngợi ca, nhưng nhiều gai góc của tôi. Thậm chí tôi đã nói rằng, nếu mình là Tổng Biên tập chưa chắc đã dám cho đăng những bài như vậy.
Không biết với các tác giả khác thì như thế nào, khi đã là tác giả cho một cuốn sách nào đó, việc chọn nhà xuất bản với tôi hoàn toàn tùy thuộc vào nội dung. Với nội dung này xuất bản ở nhà nào là phù hợp, thì chọn nhà đó. Nội dung viết về Nghệ An thì cứ rứa mà gửi gắm cho Nhà xuất bản Nghệ An. Tôi không bao giờ nghĩ rằng nhà xuất bản ở địa phương thì kém sang hơn các nhà khác ở Trung ương, hay Hà Nội hoặc Thành phố Hồ Chí Minh. Cho nên, hầu hết các cuốn sách của tôi viết, hoặc tôi làm đều được nhà Nghệ An “đỡ đẻ”. Cuốn đầu tiên là “Văn hóa đô thị với thực tiễn thành phố Vinh”, xuất bản năm 2008. Cuốn này sau đó đã đoạt Giải Nhất - Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Nghệ An năm 2010. Ấy vậy mà cũng có một trường hợp thật đáng tiếc. Năm 2014, tôi đã gửi bản thảo và cả bìa cuốn “Thương hiệu Nghệ” cho nhà Nghệ An. Biên tập viên Bùi Ngọc khi đó đã nắc nỏm khen hay, viết bài giới thiệu trên FB với những lời rất có cánh và có tình. Thế nhưng, Giám đốc đương thời đã không đồng tình và yêu cầu tôi phải thay hoặc sửa lại cái… bìa! Chỉ vì cái bìa đó vẽ một đồng đất khô nứt nẻ màu đen, với một con cá gỗ béo múp. Trời ạ, cả cuốn sách tôi chỉ ưng mỗi cái bìa, bây giờ bảo tôi thay thì khác gì đừng in nữa. Thế là, tôi đành xin lỗi và đưa em nó ra Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Sách ra, in 1000 cuốn, bán hết veo. Hỏi thì nhiều người cho biết họ mua sách trước hết vì thấy… cái bìa đẹp! Nhưng, đó cũng chỉ là một sự cố duy nhất trong “cuộc tình” với Nhà Nghê An. Còn 10 cuốn khác đều “ngon lành cành đào”. Không những thế, hình như cuộc “hôn phối” giữa tác giả là tôi với Nhà Nghệ An đã gặp nhiều may mắn. Bằng chứng là cuốn nào in ra cũng… bán hết. Hên nhất là được chọn làm quà tặng cho các sự kiện quan trọng của thành phố Vinh và tỉnh Nghệ An. Đã là quà tặng thì trước hết sách phải đẹp, phải sang trọng. Về khoản này tôi may mắn có sự “phù trợ” của một họa sĩ tài năng và giàu cá tính, cùng với đó là con mắt tinh đời và khó tính của bà Giám đốc Nhà Nghệ An. Cũng may là mấy cuốn sách của tôi, phần lớn dù thuộc loại sách khảo cứu, nghiên cứu, nhưng có rất nhiều ảnh tư liệu minh họa. Vậy nên, nói như nhà sử học Dương Trung Quốc là “Sách của cậu có cái hay là rất nhiều ảnh tư liệu quý. Vị nào không đọc, hoặc chưa đọc, chỉ cần xem ảnh người ta cũng thấy thú”. Không biết có phải vậy không, mà sau khi họ nhận được sách, tôi đã nghe được rất nhiều những phản hồi tích cực. Qua đó, tôi mới rút ra một kinh nghiệm: Thời nay, làm sách không chỉ cho người ta đọc, mà trước hết còn phải cho người ta xem nữa. Cái thời sách in lùi xùi, giấy nâu, chữ nhỏ, lại mờ đã qua rồi. Đến bữa ăn hằng ngày cũng còn phải “đề co” cho ngon mắt nữa, thì đã là sách là phải đẹp. Bên cạnh sự chỉn chu, kỹ tính đến khắt khe về biên tập nội dung, thì sách của Nhà Nghệ An đúng là đang “em đẹp dần lên trong mắt anh”... Chứng cứ về sự đẹp này chính là Giải Bạc Sách Đẹp, Giải thưởng Sách Việt Nam tặng cho tác phẩm “Vinh xưa - Hình ảnh đô thị Vinh cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX” của tôi, do Nhà xuất bản Nghệ An xuất bản năm 2016. Cuốn đó còn đoạt luôn Giải Đồng ở hạng mục Sách Hay năm đó.
Thừa thắng xông lên, sau cú đúp giải thưởng đó, Nhà Nghệ An còn “đỡ đẻ” cho chúng tôi mấy tác phẩm khác. Trong đó có cuốn “Vinh trong ký ức” và “Nhà tầng hồi nớ”.
Điều đặc biệt ở đây là cả hai cuốn này đều được biên tập từ các bài viết trên trang FB Vinh Xưa, của nhóm Vinh Xưa. Là sản phẩm của cộng đồng, nên nội dung đã đa dạng, mà cách và trình độ thể hiện cũng khác nhau rất nhiều. Rõ ràng với mớ quặng thô đó, để cho ra được một cuốn sách chỉn chu, công phu của biên tập là hết sức to lớn. Sách ra, in số lượng lớn, lại phát hành luôn trên trang Vinh Xưa, nên đã gây hiệu ứng xã hội sâu rộng. Cộng đồng Vinh Xưa tưng bừng đón nhận đã đành, các bạn đọc khác cũng giành cho hai cuốn sách sự trân trọng, tự hào. Riêng cuốn “Nhà tầng hồi nớ” viết về quá trình tái thiết thành phố Vinh, xây dựng khu Quang Trung, có một số bài in song ngữ Việt - Đức. Sách đã được gửi tặng một số cựu chuyên gia Đức. Món quà đó đã thực sự làm cho những người bạn Đức hết sức xúc động. Họ trân trọng sách như trân trọng chính tuổi trẻ của mình được phản ánh một phần trong đó!
Năm 2024, cái duyên giải thưởng một lần nữa lại đến với tôi và Nhà Nghệ An. Công trình “Tìm dấu Vinh xưa - Diện mạo đô thị và con người Vinh thời thuộc Pháp” giành Giải C, Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII. Giải thưởng Sách Quốc gia là sự ghi nhận và tôn vinh của Nhà nước, nên “oai” hơn giải “Sách Việt Nam” năm xưa nhiều lắm! Hôm nhận giải ở Nhà hát lớn Hà Nội, tôi cũng rất xúc động. Lần này người nhận Giải A cũng là một người Nghệ, một “Vinh xưa”, đó là cụ Nguyễn Đình Tư, 104 tuổi, người quê Thanh Chương, nhưng đã có ba - bốn năm học Trường Tư thục Thuận An ở Vinh thời thuộc Pháp. Nhìn cụ, mình càng có động lực. Ta sẽ tiếp tục viết, viết đến trăm tuổi như cụ, chắc kiểu chi cũng được Giải A!
Không chỉ đồng hành cùng tác giả trong việc làm sách, Nhà Nghệ An còn giúp chúng tôi làm nên các sự kiện văn hóa đáng nhớ khác. Tôi đã rất tự hào khi được biết, mình là người đầu tiên “khảo cổ và khai quật” tài năng MC của bà Giám đốc Nhà Nghệ An, Bùi Ngọc. Đó là sự kiện ra mắt sách “Vinh xưa” năm 2015 tại phòng trà ca nhạc Sonata. Sau “lần đầu tiên làm chuyện ấy”, Bùi Ngọc nghe chừng đã bén mùi và nay thì “con ong đã tỏ đường đi lối về”. Tự tin và chuyên nghiệp hẳn lên, nàng mần liên tiếp mấy cuộc khác tại Cà phê sách và kể cả trên sóng NTV.
Gần đây lại còn mang quân vô tận Sài Gòn, “chém gió” tưng bừng ở Đường Sách Thành phố Hồ Chí Minh. Hiệu ứng từ những lần ra sách, giới thiệu và trưng bày sách ấy là rất tốt. Ra sách trở thành một thứ sinh hoạt văn hóa vừa sang trọng, vừa gần gũi, ấm áp. Trước hết nó gửi đi một thông điệp tác giả và “bà đỡ” rất tôn trọng, nâng niu đứa con tinh thần của mình. Và, với sự trân trọng đó, vừa mang sách và tác giả đến với công chúng, vừa giúp công chúng tiếp cận gần hơn với tác giả, tác phẩm.
Như vậy, mối lương duyên giữa tôi và Nhà Nghệ An cũng đã mười sáu năm trời, với hàng chục cuốn sách. Với hàng chục cuốn sách đó, tôi “bỗng nhiên” thành “tác giả” từ lúc nào không hay. Từ gần năm năm nay, khi Nhóm Vinh Xưa ra đời, mối lương duyên đó đã phát triển thành mối quan hệ giữa Nhà Nghệ An và Nhóm Vinh Xưa. Hai bên đã phối hợp với nhau để không chỉ làm sách mà còn tổ chức hàng loạt các sự kiện ra sách, giới thiệu, tọa đàm về sách, trưng bày sách, tặng sách,… Đánh đâu thắng đó! Thành công đó chắc không chỉ do kỹ năng hợp tác, mà quan trọng hơn là do chúng ta đều có chung mối đồng cảm, chung sự tâm huyết, trách nhiệm, sự đắm đuối với những trang sách và văn hóa đọc. Với những gì đã có, chúng ta chắc chắn sẽ tiếp tục cùng nhau gặt hái những thành công mới. Trong thời gian tới đây, Vinh Xưa sẽ tiếp tục cho ra những tác phẩm về Vinh. Trước mắt là cuốn “Vinh thời bao cấp”, một sản phẩm của cộng đồng Vinh Xưa đang được biên tập. Sau đó là hai tác phẩm của hai tác giả nước ngoài, đã từng sống, làm việc ở Vinh, viết về Vinh. Hiện hai cuốn này đang được tổ chức biên dịch. Bản thân tôi cũng đang thai nghén những công trình tiếp tục về Vinh. Và, sẽ còn noi gương cụ Nguyễn Đình Tư, viết đến trăm tuổi mới thôi! Tuy nhiên, xã hội đang thay đổi nhanh chóng. Trân trọng, nâng niu những cuốn sách đẹp là rất đáng quý, nhưng chúng ta cũng phải biết hướng đến đáp ứng những nhu cầu mới. Không làm sách điện tử, sách nói, không tận dụng không gian mạng để xuất bản, quảng bá và phát hành sách là sẽ tụt hậu rất nhanh với xu thế hiện hành. Từ nhiều năm nay, càng đi sâu vào việc khảo cứu, tiếp cận với các kho tư liệu và thư viện nước ngoài được số hóa, công bố trên mạng, tôi càng ước ao, ước gì kho tư liệu, thông tin về xứ Nghệ, về văn hóa xứ Nghệ cũng được số hóa, được dễ dàng tiếp cận và khai thác như vậy. Với tư cách một nhà nghiên cứu, tôi đã tiếp cận, đã mua, đã khai thác rất nhiều tư liệu từ nguồn internet. Và, cũng không mong gì hơn là những sản phẩm của chính bản thân mình về thành phố quê hương cũng dễ dàng đến với bạn đọc khắp nơi bằng cách tương tự. Rất mong và rất tin Nhà Nghệ An sẽ làm được và làm tốt việc đó!