NHỮNG KỶ NIỆM VĂN CHƯƠNG VỚI NHÀ XUẤT BẢN NGHỆ AN

Thứ ba - 22/10/2024 08:33 615 0
      Tôi gắn bó với NXB Nghệ An đã mấy chục năm, từ những năm 80 của thế kỷ XX. Tập sách đầu tiên của tôi là Lịch sử Đảng bộ huyện Thanh Chương, tập 1 (1930 - 1945). Tập sách này tôi được Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng phân công sưu tầm, tập hợp tư liệu, viết trong thời gian hơn 3 năm. Hồi ấy, cơ quan có chủ trương cán bộ làm công tác nghiên cứu, biên soạn ăn lương của Nhà nước viết sách thì khi sách in ra sẽ lấy tên chung là của cơ quan, xem như là công trình tập thể. Vì trong suốt quá trình xây dựng đề cương, khai thác, xác minh, góp ý bản thảo đều có sự đóng góp chung của cơ quan. Và người viết cũng chỉ tập trung làm công tác chuyên môn, không được viết văn, viết báo, trừ khi được Ban phân công viết những bài báo về các sự kiện lịch sử, các dịp kỷ niệm,... nhưng vẫn đề tên chung. Tôi về sau, nhưng trước đó các anh Chu Trọng Huyến, Bùi Ngọc Tam, Trần Huy Tảo,... đều thế cả. Lúc đầu thấy cũng gò bó vì có máu văn chương sẵn trong người mà không được tự viết lách, in ấn cũng cảm thấy khó chịu, nhưng lâu dần thấy quen. Hồi ấy, sách viết ra đã có bác Lục, cán bộ văn phòng đưa đi in ấn, tác giả không biết NXB ở đâu, gồm những ai. Sau khi sách được phát hành, khi tôi đã về công tác ở Yên Thành, một hôm được anh Thân, Chánh Văn phòng tìm đến nhà đưa tặng một chiếc áo ấm màu vàng và 300 ngàn đồng tiền nhuận bút tập sách. Khi đó, lật trang cuối mới biết số lượng, ngày xuất bản, NXB Nghệ Tĩnh.
       Từ năm 1985, tôi về làm việc ở Huyện ủy Yên Thành, cho mãi đến sau này, hầu như các tập sáng tác, biên soạn của tôi đều đi qua “bà đỡ” NXB Nghệ Tĩnh (sau này là NXB Nghệ An), qua nhiều đời giám đốc: bác Nguyễn Minh Điệp, bác Nguyễn Trung Hiền, anh Vũ Hải, anh Hồ Văn Sơn, cô Bùi Ngọc. Có tập sách, có những con người, tôi chỉ gặp gỡ thoáng qua, nhưng cũng có những kỷ niệm nhớ mãi không quên.
       Từ năm 1986 đến năm 1990, tôi được cơ quan phân công sưu tầm tư liệu viết Lịch sử huyện Yên Thành tập 1 từ khởi thủy đến năm 1945. Hồi ấy, NXB phân công nhà thơ Cảnh Nguyên trực tiếp phụ trách giúp tôi biên tập cuốn sách này. Cảnh Nguyên làm thơ, viết ký, trong đó có những bài ký nổi tiếng viết về Hợp tác xã Liên Thành. Từ việc thông qua đề cương đến các cuộc họp thông qua bản thảo lần 1, lần 2, lần 3, Cảnh Nguyên và một vài cán bộ Ban Sử Đảng Tỉnh ủy về dự. Và chính Cảnh Nguyên đã bày cho tôi xin huyện mời các bác Lê Quốc Ân, Trần Hữu Thung, Nguyễn Xuân Phầu giúp huyện sưu tầm, dịch thuật các tư liệu về lịch sử, văn hóa Yên Thành. Mỗi dịp Cảnh Nguyên về, anh Trần Hữu Thung lên, anh Nguyễn Xuân Phầu sang là anh em văn nghệ sĩ Yên Thành chúng tôi lại có dịp tụ tập, bù khú tại nhà khách huyện thâu đêm suốt sáng. Cũng từ những đường dây mối nhợ này mà Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cử hai đoàn hội viên gồm nhiều cây bút gạo cội như Trần Hữu Thung, Hồng Nhu, Lê Thái Sơn, Nguyễn Quốc Anh, Nguyễn Xuân Phầu, Cảnh Nguyên,... về đi thực tế các điển hình tiên tiến của huyện. Kết quả là năm 1990 tôi viết xong Lịch sử huyện Yên Thành thì cũng là lúc tập văn thơ Trên quê hương Phan Đăng Lưu cũng ra đời. Cả hai tập sách cùng được huyện và NXB phối hợp tổ chức lễ ra mắt thật ấn tượng. Cũng từ đó, tôi được giao lưu với các bác, các anh ở NXB như bác Nguyễn Minh Điệp, bác Nguyễn Trung Hiền, anh Trần Trọng Tân,...
      Tôi nhớ lần ra mắt Lịch sử huyện Yên Thành tập 1 có đông đủ các bác đảng viên lão thành Chu Văn Biên, Ngô Xuân Hàm,... ở Hà Nội về, có các đại biểu của Ban Sử Đảng, Ban Tuyên huấn, NXB về dự. Cử tọa ngồi kín cả hội trường Huyện ủy. Mỗi đại biểu được tặng hai tập sách và một tấm vải phin màu trứng sáo. Huyện còn gửi riêng các anh ở xa về mỗi người một chai mật ong - món quà tình nghĩa.
      Lần ấy có một sự cố hi hữu xảy ra. Ấy là khi đọc diễn văn ra mắt sách (bài này do tôi soạn, đánh máy cẩn thận) nhưng khi đọc đến đoạn: “Huyện ta vinh dự là đất học có 23 vị đậu đại khoa, tiêu biểu là Trạng nguyên khai khoa Bạch Liêu, ba vị trạng nguyên, ba thế hệ liên tiếp đậu trạng nguyên là Hồ Tông Thốc, Hồ Tông Đốn, Hồ Tông Thành,... nhưng vì mắt kém nên cử tọa đọc thành Hồ Tốn Thốn... làm cả hội trường cười râm ran mãi.
       Lần ấy, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh cử nhà thơ Phan Văn Từ về ghi âm trực tiếp. Sau bữa ăn, tôi, Phan Văn Từ, Cảnh Nguyên cùng diễn giả phải ghi âm lại hai ba lần mới thành công.
Cũng nhờ làm mấy tập sách ấy mà tôi được các anh Trần Hữu Thung, Phan Văn Từ, Nguyễn Xuân Phầu, Lê Thái Sơn, Cảnh Nguyên,... truyền thêm năng lượng, lại được làm thơ, viết văn tương đối thoải mái nên có thêm cảm hứng sáng tác và in ấn đều hơn.
       Năm 1995 tôi tập hợp những bài thơ đã in rải rác trên các báo đài in tập thơ đầu tiên Giọng Nghệ. Ngày tôi cùng Phan Văn Từ vào đại bản doanh của NXB ở C2 Quang Trung nhận sách, cầm trên tay đứa con tinh thần còn thơm mùi mực, sách được in 1.000 cuốn, được nhận mấy trăm ngàn nhuận bút do anh Nguyễn Trung Hiền, anh Cảnh Nguyên trao, tôi rưng rưng cảm động. Đành rằng, trong mấy chục bài thơ tôi viết từ thời chiến sang thời bình có bài viết sau trận B52 của giặc đánh vào căn cứ ở Đồng Tháp Mười bằng cả máu, nước mắt, mồ hôi nhưng thấy tấm lòng của các anh ở NXB ưu ái với mình ở thời điểm vợ ốm đau lâu dài, mới mất, mình gà trống nuôi con thật khó nói nên lời. Một thời gian sau, các anh còn gửi nhuận bút tập Lịch sử Yên Thành, gửi câu đối, cuốn thư qua các anh Phan Văn Từ, Nguyễn Xuân Phầu cho các con tôi bán vào dịp Tết Xuân, rồi bạn bầu gần xa mua giùm tập thơ Giọng Nghệ... - tập thơ không có giá nhưng ít nhiều cũng giúp cha con chúng tôi “vịn câu thơ mà đứng dậy” qua những tháng ngày đói khó của gia đình và của cả đất nước. Những nghĩa cử ân nghĩa của những người viết sách, làm sách như bát cơm Phiếu Mẫu không bao giờ phai.
 
anh 1ndt
 
       Rồi những năm sau này, khi tôi làm Hội trưởng Hội Văn nghệ huyện, năm nào cũng xuất bản Văn nghệ Sông Dinh, chúng tôi đều gửi vào NXB Nghệ An. Bạn bầu, hội viên Hội Văn nghệ Yên Thành khi đưa bản thảo nhờ tôi đọc hộ, tôi đều nói anh em gửi vô NXB tỉnh nhà vì đây là “bà đỡ” mát tay, là địa chỉ tin cậy. Những tập sách đồ sộ của thầy Ninh Viết Giao được vinh danh Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật phần lớn cũng ra đời từ NXB của tỉnh.
         Đó là ăn cơm mới nói chuyện cũ.
       Sang những năm đầu thế kỷ XXI, tôi dự các buổi sinh hoạt của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, được gặp Bùi Ngọc, ấn tượng đầu tiên là một cô gái dung dị, có đôi mắt thông minh, được Ngọc tặng tập văn xuôi, đọc xong nghiền ngẫm, tôi thầm nhận xét, cô này làm xuất bản mà viết văn đằm, có duyên. Ấn tượng ban đầu của tôi với Bùi Ngọc là ở văn của cô ấy. Cho đến sau này, khi tôi và bạn Nguyễn Việt Hòa sưu tầm và biên soạn tập sách Thơ ca phồn thực Yên Thành, tôi mới hiểu thêm về Bùi Ngọc - một cô gái viết văn làm Giám đốc kiêm Tổng Biên tập NXB Nghệ An.
       Tập sách này tôi “thai nghén” đã lâu, được các bậc thầy Trần Hữu Thung, Ninh Viết Giao, Võ Văn Trực, Lê Thái Sơn, Thái Doãn Chất, Phan Văn Từ, Đào Tam Tỉnh,... góp tư liệu, chỉ vẽ, động viên đã mấy mươi niên nhưng vì đề tài quá nhạy cảm nên cứ chần chờ mãi. Đến năm 2012, được lãnh đạo giao trách nhiệm sưu tầm, biên soạn các tuyển tập thơ Yên Thành gồm Tuyển tập Thơ ca dân gian Yên Thành, Tuyển tập Thơ Yên Thành (700 năm), Tuyển tập Văn Yên Thành và tập Yên Thành di tích và danh thắng, tôi mới thực sự quyết tâm. Cũng biết bao trần ai khoai củ trong suốt quá trình tổ chức bản thảo từ tham mưu đề xuất ý tưởng, xây dựng chủ trương đến người làm, kinh phí... Sau mấy năm cày xới trên cánh đồng chữ nghĩa của quê hương, đầu năm 2015, Ban Thường vụ Huyện ủy tổ chức cuộc họp thông qua nội dung 4 tập sách. Tôi đã lần lượt báo cáo nội dung từng tập sách với lãnh đạo huyện. Khi đến tập Thơ ca dân gian Yên Thành, tôi xin ý kiến về 2 nội dung:
      1. Những câu có nội dung nói về mặt trái, tính xấu của Yên Thành, ví như: Gan Kẻ Sọt, rọt Kẻ Sừng/ Nồi Bộng Vẹo, mẹo Tiên Thành...
      2. Những câu có nội dung phồn thực. Ví như: Ăn Thư Phủ, đ. Xuân Đào, L. nằm ngả cá xâu giò; Thế gian chi đẹp bằng L, Chi ngon hơn mói, chi khôn hơn tiền,...
     Thì hội nghị có hai luồng ý kiến trái ngược nhau. Một luồng ý kiến xem đây là tinh hoa văn học Yên Thành, nên in. Một luồng ý kiến phản đối, dứt khoát không nên đưa vào tuyển tập. Hôm ấy, anh Hoàng Nghĩa Hiếu kết luận: Cảm ơn bác Tiến và các bác đã dày công sưu tầm, biên soạn, Ban Thường vụ cơ bản thống nhất như nội dung bốn tập sách, giao trách nhiệm cho UBND huyện, trực tiếp là đồng chí Nguyễn Viết Hưng phụ trách, giúp các tác giả hoàn thiện 4 tập sách, in ấn đẹp kịp phục vụ Đại hội Đảng bộ huyện, xem đây là món quà văn hóa tặng các đại biểu. Riêng hai nội dung bác Tiến trình bày còn nhiều ý kiến khác nhau, ta khẳng định đây cũng là vốn quý của dân gian, nhưng vì đây là sách phục vụ đại hội, ta chưa đưa vào sách xuất bản đợt này mà đề nghị tác giả tiếp tục sưu tầm rồi sẽ xuất bản vào những dịp khác. Vả lại, chưa có 2 phần này mà tập sách đã hơn 1.000 trang rồi. Đề nghị Thường vụ và tác giả thống nhất như vậy.
       Trăn trở về những kết luận của anh Hoàng Nghĩa Hiếu, tôi tiếp tục sưu tầm thơ ca dân gian phồn thực Yên Thành và cùng với Nguyễn Việt Hòa hoàn chỉnh bản thảo. Sau hai năm, được sự giúp đỡ của nhiều bạn bầu, chúng tôi hoàn chỉnh bản thảo, nhờ anh Nguyễn Thế Nhật Phong viết mấy ý kiến, tôi với tư cách chủ biên viết giới thiệu cùng bạn đọc. 
      Sách làm xong gửi đi một vài NXB trong Nam ngoài Bắc, không NXB nào chịu cấp phép vì đề tài quá nhạy cảm (chuyện bây giờ mới nói). Thế là cha con đưa bản thảo về rà lại một lần nữa, bỏ bớt những câu chưa phù hợp với lối sống văn hóa, thuần phong mĩ tục, xin bạn bầu thêm một số câu mới đã dân gian hóa... xong xuôi về gửi NXB Nghệ An. Gửi đi được mấy ngày, thấp thỏm chờ... Khoảng nửa tháng sau nhận được điện thoại của Bùi Ngọc: Tập sách Thơ ca dân gian phồn thực Yên Thành hay bác ạ! NXB đã làm thủ tục trình Cục Xuất bản để đăng ký đề tài. Bọn cháu đã dàn trang, có một số câu trong bản thảo xin được trao đổi với bác ạ!
     Mừng quá, sau khi trao đổi với Bùi Ngọc, tôi điện ngay cho anh Nguyễn Thế Nhật Phong (Nguyễn Thế Kỷ) báo tin vui. Anh Kỷ nói ngay: Riêng tập sách này chú đừng xin ngân sách huyện nữa mà cháu xin tài trợ toàn bộ tiền in và thêm ít để các chú gặp gỡ làm bữa rượu ra sách.
Đúng như dự đoán, tập sách đáp ứng được nhu cầu của nhiều bạn đọc gần xa. Các anh lãnh đạo huyện dùng sách này làm quà văn hóa tặng các đoàn khách quý, bà con đồng hương ở xa quê, cả ở nước ngoài.
        Năm 2022, Thư viện Nghệ An tổng kết đây là tập sách có nhiều bạn đọc nhất trong năm và tác giả tập sách lần đầu tiên được Thư viện Nghệ An tặng tiền “nhuận đọc” hơn 2 triệu đồng.
        Rồi các anh Thạch Quỳ, Đinh Trí Dũng, Đào Tam Tỉnh, Hồ Thế Hà viết lời giới thiệu.
       Tết năm đó, tôi được lãnh đạo tỉnh cử đoàn cán bộ do chị Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao đến chúc Tết vì những thành tích hoạt động văn học nghê thuật mấy chục năm qua.
      Tôi thầm cảm ơn các thế hệ anh chị em NXB Nghệ Tĩnh/ NXB Nghệ An.
 
anh 2ndt
 
      Dịp gần đây, nhân về dự lễ khánh thành khu lưu niệm nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, gặp lại nhiều bạn bầu văn chương, trong đó có nhiều người đã đọc Thơ ca dân gian phồn thực Yên Thành. Bữa đó, trong bữa rượu, PGS. TS, nhà thơ Hồ Thế Hà nói vui: “Cảm ơn anh Tiến đã tặng sách, anh Nguyễn Khắc Phê, anh Nguyễn Khắc Thạch và anh em văn nghệ ở Huế thường lấy sách này đọc vui. Đúng là cái gì là di sản tinh túy của nhân dân đều đáng quý. Anh Tiến sưu tầm biên soạn có bản lĩnh, người viết lời tựa có bản lĩnh, người chịu trách nhiệm có bản lĩnh. Bùi Ngọc - Giám đốc NXB Nghệ An và Nguyễn Oanh con dâu anh đều là học trò Tổng hợp Văn Huế của em. Em rất mừng là sau 20 năm, các em ra đời thành đạt, vững vàng như vậy. Em sẽ viết về tập sách này”.
      Sau tập sách Thơ ca dân gian Yên Thành (đã tái bản lần 1, chuẩn bị tái bản có bổ sung lần 2), tôi có làm việc với Bùi Ngọc và chị em NXB Nghệ An xuất bản tập Địa chí làng Vĩnh Tuy. Tập này do PGS. TS. Đào Khang chủ biên, tôi, Trần Ngọc Khánh, Nguyễn Đoàn “điếu đóm”. Tập này dày hơn 700 trang khổ 16x24cm. Cầm đã thấy nặng, chưa nói đọc rà sửa từng chữ, từng câu, bút sa gà chết,... Nếu để sai sót thì tác giả, người chịu trách nhiệm phải gánh nghiệp, biết bao buồn vui nghề viết lách xuất bản.
      Hôm ra mắt tập sách Địa chí làng Vĩnh Tuy, Bùi Ngọc cùng mấy anh chị em NXB Nghệ An được xã và làng mời bữa “RTC” và tặng mỗi người mấy cân dưa chuột trồng dưới chân rú Tháp, đặc sản vùng quê Bác Hồ đã về thăm.
      Những kỷ niệm với những người làm sách sẽ còn mãi trong ký ức của những người yêu sách, quý trọng văn hóa, quý trọng đời sống tinh thần.
 
                                                                         Ngô Đức Tiến
                                                   Nguyên Chủ tịch Hội VHNT huyện Yên Thành

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây