NHỊP ĐIỆU CUỘC ĐỜI

Thứ hai - 28/10/2024 05:38 428 0
      Tôi vốn có một người bạn gái, quan hệ “dưới mức” tình yêu, “trên mức” tình bạn tí tẹo. Cô ấy là biên tập viên của một NXB, nên hiểu ít nhiều về nghề xuất bản. Tôi là nhà báo, gọi là “chuyên nghiệp” thì có vẻ vênh váo, nhưng quả thật, hưởng lương cơ quan báo chí gần trọn cuộc đời.
     Thời báo còn xênh xanh, làm xuất bản cũng không kém xênh xanh. Nhưng rồi thời ấy vụt qua. Thời khó, bắt đầu từ khi cạnh tranh thông tin khốc liệt, nhất là khi “Anh AI” xuất hiện, chuyển đổi số rùng rùng đến gõ cửa các cơ quan báo chí, cơ quan xuất bản.
    Báo chí, xuất bản ở Việt Nam, được xác định là các hoạt động trên lĩnh vực tư tưởng, nhưng nếu báo chí còn chút “mỡ màu” thì nghề xuất bản, tôi thường nói với bạn gái tôi là “nghề xương xẩu”.
      NXB làm gì? Thưa, theo Luật Xuất bản, trước hết là sách và các ấn phẩm xuất bản khác. Thời trước, cữ quý 4 hằng năm, rất nhiều NXB “thắng lớn” nhờ cấp phép làm lịch, từ lịch nhiều tờ, đến lịch blook...; nhưng thời nay “nhu cầu” đã khác.
     Không mấy người hiểu được nghề xuất bản. Rất đông người cứ nghĩ, tỉnh, thành phố nào cũng có NXB. Kỳ thực là không. Ví dụ, các tỉnh Bắc miền Trung từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, có 5 tỉnh nhưng chỉ có NXB Thanh Hóa, NXB Nghệ An và NXB Thuận Hóa.
      Ít người biết được rằng, mô hình tổ chức - hay nói cách khác “thiết chế xuất bản” ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa thống nhất. Có đơn vị là đơn vị sự nghiệp, có đơn vị là công ty TNHH một thành viên. Có NXB, nhân lực vừa có công chức, vừa có viên chức, vừa có hợp động lao động (cả trong và ngoài biên chế); nhưng cũng có NXB chỉ có viên chức và hợp đồng lao động. Số này là chủ yếu.
      Cơ chế tự chủ cũng rất khác nhau, có đơn vị từng phần, có đơn vị từ A - Z, có nghĩa là tự hạch toán lấy 100%. Ngoại trừ ba NXB mà tôi tạm gọi là đặc biệt gồm NXB Chính trị quốc gia - Sự thật; NXB Giáo dục; NXB Nhi đồng, tôi thấy số đông đều rơi vào “hoàn cảnh”.
       NXB của các bộ, ngành, tỉnh thành phố còn có cái trụ sở là công sản; NXB của các hội, hiệp hội đều phải đi thuê, nếu không nhờ vả được chủ quản. Làm không đủ tiền trả lương, chi phí điện nước,... lấy đâu ra tiền để trả tiền thuê trụ sở? Tôi đã từng nghe đến nhiều “tiếng kêu” ở các hội nghị công tác xuất bản hằng năm. Khó khăn này kéo dài hàng chục năm rồi, và ngày càng nan giải.
***
      Tôi là người Xứ Nghệ, ưỡn ngực mà nói thế, trước hết bởi không gian ví giặm, không gian phương ngữ; sau đó là nhiều năm “căn cước” tôi vẫn là Nghệ Tĩnh. Có điều tôi xa quê, rời quê đi kiếm sống sớm quá. Bươn chải giữa cuộc đời, mải miết với áo cơm, nên thực sự là chưa biết đến NXB Nghệ An.

         May sao, tôi có một cơ hội bằng vàng.
        Trước Tết Kỷ Hợi 2019, tôi cùng nhà thơ Vương Cường, nhà thơ Đoàn Xuân Hòa (nay anh đã mất) lên tàu “đổ bộ” về Vinh, dự lễ ra mắt tập thơ “Thạch Quỳ - Tuyển tập thơ”. Tôi về vì hai nhẽ. Thứ nhất, hai nhà thơ đàn anh cùng “vi hành” quá thân ngoài đời; thứ hai, thêm cơ hội được diện kiến nhà thơ Thạch Quỳ. Lúc ngồi trên tàu hỏa lênh đênh cùng đêm tối, trong đầu óc tôi vang lên câu nói của nhà thơ 7X, quê Phú Yên, Lê Thiếu Nhơn: “Xứ Nghệ sản sinh vô số nhà thơ nổi tiếng, nhưng chủ yếu thành danh lập nghiệp nơi đất khách quê người. Cả đời chỉ sống bên dòng sông Lam mà vẫn định vị một sự nghiệp thơ như Thạch Quỳ là trường hợp hiếm hoi”. Đúng như vậy!
 
anh 1 ndh

      Lễ ra mắt Tuyển tập Thạch Quỳ diễn ra trước thềm Xuân tại Thư viện tỉnh Nghệ An. Giữa khung cảnh đầy hương thơm của lộc lá mùa xuân, là tình đồng bào, bạn đọc, bạn yêu thơ, trân quý Thạch Quỳ. Bà con quê hương ông tận làng Đông Bích, và đông đảo giới văn chương Nghệ An đã đến chia vui cùng nhà thơ Thạch Quỳ. Tại đó, tôi gặp nữ Giám đốc NXB Nghệ An, ThS. Bùi Ngọc và nhiều chị em là biên tập viên.
 
anh 2 ndh

       Tôi giữ mãi ân tình.
      Ân tình trên tác phẩm “Thạch Quỳ - Tuyển tập thơ”, tuyển gần 200 bài thơ qua các giai đoạn thuộc “đời thơ” Thạch Quỳ; dày hơn 400 trang, bìa cứng, có chỉ nhắc. Ấn tượng từ hình thức, đến nội dung. Thành ngữ Việt có câu “Người làm sao của chiêm bao làm vậy”, nhìn ấn phẩm đã biết tấm lòng của “bà đỡ” - Giám đốc Bùi Ngọc và anh chị em NXB.
     Tôi không còn nhớ, đêm hôm ấy Bùi Ngọc mặc y phục màu gì, chỉ nhớ mang máng, bên ngoài khoác chiếc áo cánh màu đỏ, khuôn mặt thông minh, nữ tính. Người ấy, hay làm phúc và quảng giao, lắm quý nhân phù trợ. Tôi không còn nhớ, chị em NXB Nghệ An mặc áo dài màu gì, chỉ nhớ, tác phong chuyên nghiệp, ân tình, ngọt ngào “bánh đa, bánh đúc”.
      Thú thực, tôi quý mến Bùi Ngọc quá đi, nhưng trước sắc đẹp, đàn ông dễ trở nên “hậu đậu” và đoảng. Tôi không dám xin số điện thoại, chỉ mới là bạn bè trên nền tảng Facebook.
          Cuộc gặp gỡ nào, dẫu vui đến bồng bềnh cũng đến lúc chia tay. Nhà thơ Vương Cường và nhà thơ Đoàn Xuân Hòa lên tàu hỏa ngay trong đêm, trở ra Hà Nội. Tôi tranh thủ lên taxi về Hà Tĩnh, thăm lại cố thổ. Tôi về đến nhà, kim đồng hồ nhích đến con số 23h30.
***
     Nữ nhà thơ Nguyễn Vân Anh - một “Bà đồ Xứ Nghệ”, cũng khá gàn nhưng quý mến tôi. Tôi biết chị quý mến tôi, vì có lần chị đặt vấn đề mai mối cho tôi một người bạn gái “dưới mức” tình yêu, “trên mức” tình bạn tí tẹo, ở Vinh. Chị biết tôi yêu Vinh, thành phố này, bởi lăn lộn, gắn bó; từng làm nhiều bài thơ về Vinh, khi vùng ký ức cựa quậy.
      Có lần chị nói: “Bùi Ngọc giỏi lắm em”. Tôi hiểu chị nói ở khía cạnh, quan hệ giỏi, biết tìm ra việc làm cho anh em. Phải làm được sách phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, phải biết nâng vị thế NXB lên để địa phương “đặt hàng”; tác gia, tác giả tìm đến. Tôi vốn là nhà báo, ở tờ báo chuyên ngành về Logistics, tôi hiểu, NXB là một thành tố trong chuỗi giá trị xuất bản phẩm. Biên tập giỏi, tổ chức sản xuất tốt nhưng còn cần đến chất lượng dịch vụ mà NXB cung ứng.
 
anh 3ndh
 
       Tôi từng nhận được “bài học” từ câu nói của một vị Bộ trưởng: “Đừng kêu mãi về khó khăn, phải biết nâng vị thế, khẳng định thương hiệu của mình qua công việc”.
Tôi từng trải qua nhiều môi trường công tác, từ nhân viên đến sếp - dù be bé, nên tôi hiểu từ sớm, giám đốc là một nghề hơn là một chức vụ. Công ăn việc làm, đời sống, phúc lợi xã hội là “mệnh đề” của “bài toán” giám đốc. Tất nhiên, họ là thủ trưởng nên còn nhiều yêu cầu hội tụ nên phẩm chất lãnh đạo, ngoài trí tuệ, “một người lo bằng cả kho người làm” còn phải nêu gương, tôn trọng dân chủ, đề cao công khai minh bạch, biết đoàn kết, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, người giỏi việc thạo việc phải được trọng dụng...
      Nói đến “ghế”, con người dễ nghĩ đến lộc lá, quyền hành; nhưng xin thưa, “ghế giám đốc” cơ quan xuất bản, không phải ai cũng sẵn sàng, bởi không phải ai cũng làm được.
     Sau lần gặp Bùi Ngọc, thi thoảng chúng tôi lại “tương tác” trên nền tảng Facebook. Tôi hứa với Bùi Ngọc sẽ chọn một bản thảo để NXB Nghệ An cấp phép và làm “bà đỡ” nhưng chưa thưc hiện được. Vậy mà cũng đã 5 năm. Tôi chỉ mới giới thiệu được mấy việc lặt vặt, nói ra thẹn lòng.
      Thuở bé, tôi đã là người mê đọc sách. Tôi nhớ đầu hồi nhà tôi xin được ít sơn đỏ để viết lên dòng chữ nguệch ngoạc: “Không có sách thì không có tri thức...”. Vâng, dù văn hóa đọc thời số hóa đã khác, nhưng sách luôn cần.
     Các đơn vị xuất bản trong đó có NXB Nghệ An ngày càng gặp khó khăn thách thức. Chuyển đổi số, E.book,... và các hình thức ấn phẩm số khác sẽ như thế nào? Bài toán sẽ có lời giải nếu biết đổi mới sáng tạo, bắt kịp xu hướng của văn hóa đọc.
      Nghĩ đến điều này, trong đầu tôi luôn hiển thị câu nói của nhà văn, nhà báo, họa sỹ, Thượng tá Như Bình của Báo Công an Nhân dân: “Em vẫn thích đọc sách in truyền thống. Khi lần giở từng trang sách, em gặp mùi thơm của giấy, nghe tiếng sột soạt từng trang sách. Nó giống như những nhịp điệu cuộc sống bên mình”.
      Vâng, cuốn sách sang trang, cũng là nhịp điệu sang trang của cuộc đời!
 
Hà Nội, 23/10/2024
                                                              Nhà báo, nhà thơ Ngô Đức Hành



 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây