ĐÔI ĐIỀU TẢN MẠN QUA MỘT CUỐN SÁCH

Thứ ba - 12/11/2024 04:51 526 0
        Một ngôi nhà ba tầng màu vàng thắm trên đường Lê Hồng Phong... Một cái cổng luôn rộng mở mà không có bác bảo vệ gọi lại hỏi giấy tờ... Một cây đại mùa này hoa nở rộ, hương thơm ngọt ngào....
          Bạn có thể thoải mái đi thẳng vào một phòng biên tập nào đó hoặc lên tầng hai gặp Giám đốc...
       Đó là vài nét sơ lược về Nhà xuất bản Nghệ An.
        Năm 2022, vào dịp ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) tôi mang một số di vật của em trai tôi - Liệt sĩ Phan Tứ Kỷ, lên gặp Giám đốc Bùi Ngọc với hi vọng được xuất bản thành sách để giữ lại cho muôn đời sau những lá thư, những bức ảnh chiến trường...
     Vừa thấy tôi xuất hiện ở cửa, Giám đốc Bùi Ngọc đã nở một nụ cười thật tươi, bước ra, tay bắt mặt mừng....
       Tôi cẩn trọng đặt ra những lá thư đã mờ nhòe, hàng trăm tấm ảnh cũ kỹ đã qua hơn nửa thế kỷ nên mất cả địa chỉ và thời gian Quả thực, lúc đó, bàn tay già nua của tôi run rẩy, giọng tôi bị đứt quãng bởi cảm xúc... Tôi trình bày sơ lược về bố cục cuốn sách... Và hồi hộp chờ đợi! Bùi Ngọc lặng đi khá lâu trước những di vật của em trai tôi... rồi quả quyết: Nhất định Nhà xuất bản Nghệ An sẽ thực hiện bằng được cuốn sách quý này. Bác yên tâm nhé!
         Bác cháu tôi đã siết chặt tay nhau....
       Tối đó, tôi thấy trên Facebook cá nhân của Bùi Ngọc đăng một “sờ ta tút” rất xúc động về cuộc gặp gỡ này kèm những bức ảnh. Cô còn để ý “trong mắt tôi có nước...”.
       
anh 1dh
     
            Tròn một năm sau...
       Cũng vào dịp ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/2024), nữ Giám đốc Bùi Ngọc cùng một số cán bộ, nhân viên của Nhà xuất bản Nghệ An đến tận nhà tôi, thắp  hương và trang trọng đặt trước di ảnh bàn thờ cuốn sách ảnh Liệt sĩ Phan Tứ  Kỷ - Thư chiến trường và những tấm hình có lửa.
 
anh 2dh
     
         Để có được cuốn sách này, hơn ai hết, tôi biết, từ lãnh đạo đến các nhân viên của Ban Biên tập và Phòng Hành chính Tổng hợp đã tất tả ngược xuôi: Từ việc xin chủ trương của cấp trên đến việc cùng gia đình và sắp xếp lại từng lá thư, từng tấm ảnh, bài viết thành bố cục một cuốn sách khoa học, hợp lý, hấp dẫn về nội dung và hình thức.... Bản thảo đã phải chỉnh sửa nhiều lần khi sưu tầm, tìm kiếm được thông tin mới... Thực sự tôi cũng lấy làm ái ngại nhưng mọi người ở Nhà xuất bản đều bảo: Ta cứ làm hết mình để có một cuốn sách thật ưng ý, bác ạ!
 
anh 3 dh
 
       Tiếp đến là buổi giới thiệu sách chỉn chu, đầy xúc động được tổ chức vào dịp ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/2023) do chính Nhà xuất bản Nghệ An chủ trì, phối hợp cùng Bảo tàng Quân khu 4, với sự tham gia của đông đảo lãnh đạo Quân khu 4, lãnh đạo tỉnh, các văn nghệ sĩ, nhà báo, người thân, bạn bè, đồng đội liệt sĩ và các cháu học sinh thành phố Vinh...
          Buổi giới thiệu sách đã thu hút được sự quan tâm của các cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình trong tỉnh và cả nước đưa tin bình luận... Trên nhiều trang facebook cá nhân đều có chung nhận xét: “Một buổi giới thiệu sách lấy đi nước mắt của nhiều người...”.
 
anh 4dh
        Vào lúc nửa đêm hôm đó, có tiếng gõ cửa nhà tôi, một anh thanh niên xuất hiện hổn hển nói: Cháu là bác sĩ của Nha khoa Bệnh việnThái Thượng Hoàng, thành phố Vinh. Cháu muốn tìm cuốn sách vừa giới thiệu trên đài. Vừa tan ca trực, cháu phóng xe đến Nhà xuất bản nhưng họ trả lời là sách đặt hàng của tỉnh nên đã phát hành đến các địa chỉ được phê duyệt, chỉ còn cách đến gặp bác...  may ra... Tôi cũng hơi bất ngờ và dĩ nhiên là vui vẻ ký tặng luôn cho anh Bí thư Chi đoàn Khoa Răng Hàm Mặt vừa mới tan ca làm.   
      Gần một năm nay, sự lan tỏa của cuốn sách ảnh Liệt sĩ Phan Tứ  Kỷ - Thư chiến trường và những tấm hình có lửa gây bất ngờ lớn và xúc động với gia đình chúng tôi. Rất nhiều đồng đội, bạn bè, người thân của em tôi đã tìm đến nhà riêng của tôi ở đường Phong Định Cảng, thành phố Vinh để thăm viếng. Họ - bây giờ đã là những người già 70, 80 tuổi, lặn lội từ Hà Nội, Sài Gòn, Thái Nguyên, Ninh Bình, Hải Phòng,... Những cựu chiến binh còn mang bao thương tích trên người, bước những bước chân run rẩy đến nhà tôi, họ đã bật khóc nức nở... khi nhìn thấy di ảnh của em trai tôi bên cạnh cuốn sách của Nhà xuất bản Nghệ An.
       Từ số nhà 37B đường Lê Hồng Phong, thành phố Vinh, cuốn sách Liệt sĩ Phan Tứ Kỷ - Thư chiến trường và những tấm hình có lửa đã đến với các thư viện, trường học, đồn biên phòng,...  trong toàn tỉnh; có mặt ở các hội chợ, triển lãm sách, toàn quốc, phòng lưu niệm của Thiếu tướng Chính ủy Sư đoàn 304 Thành phố Hồ Chí Minh. Và gần đây nhất, tại Thủ đô Hà Nội, cuốn sách đã được trưng bày và giới thiệu ở Bảo tàng Báo chí cách mạng Việt Nam trong buổi tọa đàm tri ân các liệt sĩ - nhà báo hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025).
          Vâng, kỷ niệm của cá nhân tôi về Nhà xuất bản Nghệ Tĩnh - Nghệ An trong gần nửa thế kỷ qua thì không bút giấy nào kể xiết... Tôi đã có đến 20 cuốn sách (in riêng và in chung) đã được xuất bản ở đây... Nhưng kỷ niệm sâu sắc nhất vẫn là cuốn sách Liệt sĩ Phan Tứ Kỷ - Thư chiến trường và những tấm hình có lửa.
 
anh 5dh

       Tôi và gia đình thực sự biết ơn, trân quý các giám đốc cũ và mới, các biên tập viên, nhân viên của Nhà xuất bản Nghệ An qua các thời kỳ. Họ không chỉ thuần tuý là “bà đỡ” thông thường mà còn là người đồng hành, trăn trở, thai nghén cùng với tác giả... Là người lo lắng, hồi hộp, theo dõi,... và vui mừng khi các “đứa con tinh thần” xinh xắn, phổng phảo ra khỏi cổng Nhà xuất bản đến với bạn đọc gần xa...
                                                          
Nhà báo, nhà thơ Dương Huy

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 3.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây