Nhịp cầu nối những bờ vui

Thứ sáu - 11/10/2024 03:43 2.018 0
     Mấy hôm nay, tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ treo tường cứ từng phút, từng giây thánh thót. Hai mốt, hai hai, hai ba và hai tư (0 giờ), rồi lại một, hai, ba… Cứ đều đều như thế từ đêm này qua đêm khác, ngày này qua ngày khác. Kể từ ngày NXB Nghệ An phát động cuộc thi sáng tác với chủ đề “Nhà xuất bản Nghệ An trong tôi”, tôi cứ trằn trọc nghĩ suy về ý định viết đôi dòng xúc cảm. Định bụng thử viết một lần chỉ cho riêng mình như những dòng nhật ký. Nhưng dường như với tôi, việc mong được sẻ chia và cần sự sẻ chia đã thành tính cách. Tôi muốn viết về họ, về một tập thể và những con người tôi luôn trân quý, nể phục. Về một nơi tôi vốn coi như là nhà và họ đã coi tôi như người nhà… Đang loay hoay mãi không biết chọn tựa đề ra sao thì bỗng lời ca thánh thót vang lên từ nhà hàng xóm.
       “Chiếc cầu là nơi hò hẹn của đôi ta
        Đêm trăng sáng trên cầu anh thổi sáo                           
        Đêm trăng sáng bên cầu em giặt áo
        Nhịp cầu nối những bờ vui”…
       Tôi chợt liên tưởng đến những người làm nghề xuất bản. Họ, từ Tổng Biên tập đến các biên tập viên và nhân viên hành chính là những người bắc nhịp cầu đưa tác giả, tác phẩm đến với bạn đọc. Gần nửa thế kỷ đi qua, NXB Nghệ An đã bắc không biết bao nhiêu nhịp cầu “nối những bờ vui” như thế. Nghĩ đến đó, tôi quyết định mượn tên ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Văn An, phổ thơ của Phan Văn Từ “Nhịp cầu nối những bờ vui” làm tựa đề cho bài viết này.
       Nhớ lần đầu tiên tôi đưa bản thảo tập truyện ngắn và bút ký Xuống núi đến NXB Nghệ An. Giám đốc Vũ Hải bảo tôi đưa sang phòng anh Hồ Văn Sơn - Phó Giám đốc. Đọc thông tin về tác giả, anh Sơn nhìn tôi: “Hợi cũng học Đại học Sư phạm Việt Bắc à, thế là cùng trường với mình rồi. Mình học Khoa Ngữ văn, khóa 12”. Như vậy là anh học trước tôi 4 năm. Anh ra trường thì tôi mới bắt đầu nhập học. Cầm tập bản thảo trên tay, anh vừa lật từng trang vừa tâm sự: “Cái nghề của bọn mình ấy mà, thấy vui và có động lực mỗi khi được tiếp cận những bản thảo hay, làm việc cùng các tác giả có chuyên môn để trải nghiệm ngòi bút, văn phong đa dạng của họ. Hạnh phúc của bọn mình cũng là hạnh phúc của tác giả khi tác phẩm được công chúng đón nhận”. Tôi nhìn anh rụt rè: “Hợi mới tập viết, chắc các biên tập viên phải vất vả rồi”. “Yên tâm đi, qua tay các “bà đỡ” sẽ ổn thôi” - anh Sơn nhìn tôi cười.
      Tập sách đầu tay ấy đã được nhà văn Bùi Ngọc biên tập và trực tiếp sửa bản in. Niềm vui vỡ òa khi tập Xuống núi đã đoạt giải C, giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương giai đoạn 2005 - 2010 và giải Ba, giải thưởng Văn học các DTTS Việt Nam năm 2010.
 
anh 1 vh
 
     Thực ra thì tôi bắt đầu sáng tác từ những năm 90 của thế kỷ trước. Những tác phẩm đầu tay của tôi chủ yếu là báo chí và sách nghiên cứu về văn hóa. Ngã rẽ không bất ngờ nhưng đầy tâm tư đưa tôi đến với văn học khi tác phẩm đầu tiên - “Khát vọng Mường Lằm” (bút ký) giành giải A - tác phẩm hay đăng trên Tạp chí Sông Lam, năm 1998. Trong sự nghiệp cầm bút của mình, tôi đã gõ cửa vài nhà xuất bản như Văn hóa Dân tộc, Hồng Đức,… NXB Nghệ An là nơi tôi gửi gắm niềm tin và đã gắn bó trong suốt 14 năm qua. Cô biên tập viên năm nào nay đã là một giám đốc tài năng, đức độ. Là người luôn truyền cảm hứng cho các cộng sự của mình. “Chị ấy là một lãnh đạo giỏi, trách nhiệm, luôn đưa ra các sáng kiến hiệu quả trong công việc, là người chèo lái đơn vị đi đến những thành công ngày hôm nay”. “Em học được rất nhiều từ chị. Từ chuyên môn, kỹ năng biên tập, sự mềm dẻo, khéo léo, kiên định trong giao tiếp. Nhờ chị, em đã hoàn thiện mình hơn, trau dồi bản thân không những về chuyên môn còn trong xử lý các tình huống”. Các cán bộ, viên chức NXB Nghệ An đã nói về Giám đốc của mình như vậy.
      Chúng ta biết rằng, sách là một sản phẩm văn hóa, người đọc nào chẳng muốn mua được một sản phẩm tốt. Là cầu nối giữa tác giả và độc giả, cán bộ, viên chức NXB Nghệ An luôn ý thức được rằng, mình phải hoàn thiện tác phẩm một cách tốt nhất để hạn chế những phản hồi tiêu cực, đồng thời tăng những phản hồi tích cực từ độc giả. Lặng lẽ, âm thầm làm “người đứng sau” những trang sách, họ vẫn tìm thấy cảm hứng làm nghề vì được trò chuyện với nhiều tác giả khác nhau, hiểu biết thêm về nhiều người, cách suy nghĩ và giá trị nhân văn mà họ muốn truyền tải qua con chữ. Giám đốc Bùi Ngọc chia sẻ: “Năm 2003, khi quyết định rời bỏ “giấc mơ làm Báo” để chuyển qua làm “Người nhặt sạn” ở NXB Nghệ An, tôi đã thực sự gắn bó, say mê với Nghề “chăm chút từng con chữ”… Hơn 20 năm qua, tôi đã trải qua nhiều vị trí công tác ở NXB Nghệ An, nhưng luôn cháy bỏng một tình yêu với Nghề! Luôn có một niềm cảm hứng mãnh liệt khi đọc bản thảo…”.
       Được gần gũi, sẻ chia cùng cán bộ, viên chức NXB Nghệ An, tôi đã hiểu hơn về họ, những người luôn mang trong mình sứ mệnh văn hóa là đem giá trị từ sách để phổ biến đến nhiều người hơn, bắc cầu để tác giả khẳng định thương hiệu và thông điệp của họ đến với công chúng. Hiểu như vậy cốt là để tôi và các tác giả khác đã và đang gắn bó với NXB Nghệ An, biết cảm ơn nhiều hơn “bà đỡ” của mình.
        Gần nửa thế kỷ đi qua bao thăng trầm, vượt qua bao gian khó, đến bây giờ NXB Nghệ An đã có bước đột phá ngoạn mục về chất lượng xuất bản sách, khẳng định thương hiệu của mình trên thương trường. Hàng ngàn đầu sách cùng với hàng triệu bản sách thuộc nhiều đề tài khác nhau (lịch sử, văn hóa, văn học, nghệ thuật. khoa học...) và hàng vạn văn hóa phẩm, lịch bloc đã được ấn hành để phục vụ nhân dân trong và ngoài tỉnh. Trong số đó có hàng trăm đầu sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia thế, góp phần quảng bá tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong và ngoài nước. Nhiều đầu sách do NXB Nghệ An ấn hành đã đoạt nhiều giải thưởng cao quý như: Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Sách Quốc gia, Giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương, Giải thưởng về cuộc vận động “Sáng tác, quảng bá các tác phẩm VHNT, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”,... Thành tích của NXB Nghệ An đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của tỉnh nhà, được các cấp ghi nhận và tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen và cờ thi đua,…
        Nhớ về những năm tháng khó khăn, Hoàng Thị Thanh Tâm, một viên chức ở Phòng Hành chính - Tổng hợp không khỏi bùi ngùi: “Em vào làm việc ở đây từ năm 2001, trải qua nhiều công việc khác nhau tạp vụ, nhân viên phát hành, kế toán, thủ kho, thủ quỹ,… Kỷ niệm đáng nhớ nhất là những năm trước 2005, thời đó việc xuất bản gặp nhiều khó khăn, cơ quan phải in và bán văn hóa phẩm, đó là những cuốn thư, câu đối và tranh ngũ quả,... để có thêm thu nhập. Thời đó chưa có tranh in bóng của Trung Quốc sang, nên sản phẩm của NXB không chỉ bán chạy trong tỉnh (chợ Vinh, Thanh Chương, Diễn Châu, Đô Lương, Tương Dương, Kỳ Sơn,…) mà còn vươn ra thị trường ngoài tỉnh. Nhiều lần em phải theo xe tải ra tận Thanh Hóa, Ninh Bình để giao hàng, cũng có khi vào tận Đắk Lắk, Lâm Đồng,… Bây giờ thì khác rồi, nhiều đối tác, nhiều tác giả đã tìm đến bọn em”.
       Hoạt động xuất bản là hoạt động thuộc lĩnh vực chính trị, văn hóa, tư tưởng thông qua việc sản xuất, phổ biến những xuất bản phẩm đến nhiều người. Trong nền kinh tế thị trường, để thực hiện đồng thời nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ sản xuất kinh doanh thì các chủ thể tham gia hoạt động xuất bản (NXB, đối tác liên kết) cần bảo đảm về nguồn nhân lực, vật lực, trong đó đội ngũ biên tập viên giữ vai trò quan trọng. Một biên tập viên ở NXB phải hội tụ đầy đủ các yếu tố: khả năng sáng tạo, tính kiên nhẫn, sự tỉ mỉ, tư duy phân tích nhạy bén, kỹ năng giao tiếp, đam mê đọc và hiểu biết về văn hóa, có kỹ năng công nghệ, tư duy tổ chức. Các thế hệ biên tập của NXB Nghệ An đã đoàn kết, cổ vũ, động viên nhau, thế hệ trước dìu dắt thế hệ sau và cùng nhau nỗ lực không ngừng để hoàn thiện mình, để trở thành những biên tập viên chuyên nghiệp hội tụ đầy đủ các tố chất đó. Giám đốc Bùi Ngọc chia sẻ: “Mỗi cuốn sách khi đến tay bạn đọc phải mang giá trị chân, thiện, mỹ. Với chúng tôi, việc trở thành người đọc đầu tiên của bản thảo và khám phá những câu chuyện hay từ các tác giả tài năng thực sự là niềm vui lớn nhất trong nghề; bên cạnh đó còn là sự háo hức đón nhận của người đọc”.
       Biên tập viên Phạm Ngọc Chi có hơn 12 năm gắn bó với nghề, nhớ lại những ngày mới đến NXB Nghệ An, chị chia sẻ: “Khi đó, em vừa không có chuyên môn, vừa không hiểu về nghề. Chỉ có một ưu điểm duy nhất là em thích được sách từ nhỏ. Nhưng may mắn lớn nhất của em là lúc mới vào nghề được chú Hồ Văn Sơn dìu dắt và giúp đỡ. Chú Sơn là người thầy đầu tiên trong nghề biên tập của em. Chú đối xử với em như con cháu trong nhà, tận tình chỉ bảo cho em. Lúc mới bắt đầu, em thực sự non nớt với nghề, nhưng em nghĩ đã bước vào là phải cố gắng. Các biên tập viên khác cố gắng 100% thì em phải cố gắng gấp đôi. Vì xuất phát điểm của em là dân tự nhiên. Chú Sơn luôn động viên em cứ đọc nhiều, để ý cách biên tập của các biên tập viên khác để học hỏi”. Bây giờ thì Phạm Ngọc Chi đã trưởng thành và là biên tập viên có năng lực.
       Cùng làm ở bộ phận biên tập như Phạm Ngọc Chi, nhưng có thời gian công tác lâu hơn, Phạm Thị Hằng bộc bạch về công việc của mình: “Em làm việc ở đây đã hơn 13 năm. Đội ngũ biên tập viên bọn em được xem là những người “nhặt sạn”, là người “gác cổng” của chế độ, là cầu nối giữa bạn đọc và tác giả, mang tác phẩm đến gần hơn với bạn đọc”.
        Gắn bó với nghề, quanh năm miệt mài bên những trang sách, những biên tập viên như Ngọc Chi hay Phạm Hằng không còn nhớ hết mình đã tiếp xúc bao nhiêu tác giả, biên tập bao nhiêu tác phẩm. Chỉ biết rằng, mỗi lần đọc, biên tập là mỗi lần họ hiểu hơn về tác giả, về giá trị nhân văn của tác phẩm. Qua đó giúp họ hoàn thiện bản thân cả về nhân cách và tri thức.
       Đồng hành cùng các biên tập viên là đội ngũ viên chức ở Phòng Hành chính - Tổng hợp. Họ đảm nhận nhiều công việc khác nhau như tổ chức bộ máy, tổ chức cán bộ; thi đua khen thưởng; tài chính; phát hành sách; kho quỹ; văn thư lưu trữ. Và những công việc liên quan trực tiếp đến xuất bản như: tiếp nhận bản thảo; đăng ký đề tài xuất bản; xử lý hợp đồng, tài chính; cấp quyết định xuất bản; làm thủ tục nộp lưu chiểu cho Cục Xuất bản, In và Phát hành, Thư viện Quốc gia; phát hành, giao nhận sách; lưu trữ sách và bản thảo; hoàn thiện hồ sơ phục vụ công tác thanh kiểm tra; phối hợp tổ chức lễ ra mắt, giới thiệu sách; triển lãm sách. Dẫu không trực tiếp thực hiện công tác biên tập như các biên tập viên nhưng bộ phận Hành chính - Tổng hợp có chức năng thực hiện công tác hỗ trợ giúp xuất bản phẩm được ấn hành theo đúng luật định. Đôi khi, công việc nhiều, mấy chị em phải làm thêm giờ để đảm bảo tiến độ theo kế hoạch lãnh đạo giao - Lô Thị Thanh Tú, Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp chia sẻ.
          Quả đúng như Thanh Tú nói, những năm gần đây NXB Nghệ An thường xuyên tổ chức triển lãm sách, lễ ra mắt và giới thiệu sách của các tác giả hoặc tổ chức những chuyến thiện nguyện lên vùng miền núi còn nhiều khó khăn để tặng sách và lan tỏa văn hóa đọc.
 
anh 2vh

        Khi được hỏi về tập thể của mình, tất cả cán bộ, viên chức NXB Nghệ An đều tự hào và có cùng một tâm niệm: NXB Nghệ An bây giờ là một tập thể đoàn kết, hết lòng vì công việc, đội ngũ cán bộ, viên chức ở đây là những người có năng lực, luôn chu đáo, tận tình, niềm nở với mọi người. Mỗi ngày làm việc tại đây, họ thấy mình không chỉ là một phần của tổ chức, mà còn là một phần trên chặng đường chuyển tải tri thức và giá trị đến với cộng đồng. NXB Nghệ An không chỉ là nơi làm việc mà còn là nơi để họ được phát triển bản thân. Thông qua công việc hằng ngày hay những lớp tập huấn chuyên môn, họ đã không ngừng nâng cao kỹ năng và kiến thức của mình. Điều này không chỉ giúp họ hoàn thiện công việc của mình mà còn mở ra những cơ hội mới cho sự nghiệp. Nơi đây không chỉ đơn thuần là một đơn vị xuất bản, mà còn là một phần của sứ mệnh lớn lao trong việc nâng cao tri thức và thúc đẩy sự phát triển của địa phương. Mỗi cuốn sách, mỗi ấn phẩm là một bước tiến trong việc làm phong phú thêm vốn tri thức của xã hội.
        Bây giờ thì tôi đã thấu hiểu, mỗi dòng sẻ chia của họ là một dòng xúc cảm và hơn thế, trong thâm tâm, họ luôn biết ơn những lớp người đi trước, đã dành trọn thanh xuân để vun đắp, tạo đà cho lớp đàn cháu, đàn em được cống hiến. Mỗi người trong tập thể nhỏ bé ấy luôn dành ngăn lớn trong trái tim nhỏ bé của mình để cảm ơn các đồng nghiệp hiện tại đã đồng hành, sát cánh cùng họ. Họ luôn tự hào về điều đó và có lẽ, cho đến khi nghỉ chế độ, hay chuyển công tác sang môi trường khác, họ vẫn thấy vui khi mình được công nhận đã cống hiến hết mình cho công việc, cho tập thể.
*
*      *
    Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới và ở Việt Nam, xuất bản số trở thành xu thế tất yếu của ngành xuất bản. Đồng thời xuất hiện ngày càng nhiều hơn các doanh nghiệp làm sách và sự thay đổi mạnh mẽ trong thói quen tiếp cận và đọc sách tạo nhiều cơ hội mới cũng như đặt ra những thách thức không nhỏ cho NXB Nghệ An. Thời kỳ mới đòi hỏi NXB Nghệ An cần xây dựng định hướng và giải pháp đẩy mạnh phát triển xuất bản số để đáp ứng nhu cầu xã hội và bắt kịp xu thế của thời đại. Phải nhanh chóng đổi mới và hiện đại hóa công nghệ, kỹ thuật, phương tiện, chuỗi giá trị, xác định cụ thể phân khúc khách hàng - người đọc...; bên cạnh sách giấy còn phải chú trọng sách điện tử, đa dạng hóa các loại hình xuất bản, số hóa nguồn tài nguyên nội dung, tích hợp đa phương tiện sản phẩm nội dung để đạt được lợi ích tối đa và phục vụ người dùng một cách tốt nhất, hiệu quả nhất. 
      Bên cạnh sự trau chuốt chuyên môn, NXB Nghệ An cũng rất cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông. Thời gian qua, qua các kênh thông tin như Zalo, trang Facebook cá nhân của Giám đốc Bùi Ngọc và các cán bộ, viên chức, trang Fanpage NXB Nghệ An,... đã liên tục đăng tải các thông tin về sách mới, giới thiệu sách,…Và  việc tổ chức cuộc thi sáng tác “Nhà xuất bản Nghệ An trong tôi” đã chứng tỏ rằng họ đã “hòa nhịp và truyền thông” rất tốt. Trong thời gian tới mong NXB Nghệ An tiếp tục phát huy thế mạnh này!
 
anh 3vh

        Tôi nhớ có ai đó đã nói rằng: “Có thể bạn không có cách nào ngăn chặn được cơn lũ, nhưng bạn có thể học cách kiến tạo một con thuyền”. Con thuyền mà NXB Nghệ An tạo dựng, qua sự vun đắp từ những thế hệ đi trước cùng vốn kinh nghiệm đã tích lũy, chắc chắn sẽ vững vàng trước mọi thử thách, để rồi căng buồm no gió, ra khơi… Dẫu biết trong cuộc sống “không phải lúc nào và điều gì muốn là được”, nhưng tôi vẫn mong ước được nhìn thấy, từ nhiệt huyết của sức trẻ hôm nay, NXB Nghệ An sẽ đĩnh đạc bước vào giai đoạn mới với sự thay đổi cả về lượng và chất.
       Trước khi viết bài này, tôi đã đọc nhiều bài viết về Peter Usborne - người sáng lập ra nhà xuất sách thiếu nhi nổi tiếng ở Anh - Usbor. Ông đã cống hiến cho Usbor cho đến khi qua đời ở tuổi 85. Cả cuộc đời gắn bó với nghề, ông luôn tâm niệm, không có quá khứ, không bao giờ có hiện tại và tương lai. Phải có sự kế thừa mới có sự phát triển. Xin được mượn câu nói của ông để kết thúc bài viết này: “Như một con thuyền trên biển cả bao la, có thể chúng ta mãi không thấy được mình vươn tới đường chân trời. Có điều có bao giờ bạn nhìn lại bến tàu nơi mình đã xuất phát và ghi nhận quãng đường mình đã đi qua. Dù hành trình còn dài, chúng tôi chúc bạn vững tin với sự lựa chọn của mình”.
       Các tác giả và bạn đọc luôn tin tưởng và hy vọng con thuyền NXB Nghệ An sẽ tới nhiều bến đỗ bình an.
                                                                                      Nhà văn Vi Hợi
                                                                       Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An

Tổng số điểm của bài viết là: 29 trong 8 đánh giá

Xếp hạng: 3.6 - 8 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây