NHÀ XUẤT BẢN “QUÊ CHOA” TRONG TÔI

Thứ tư - 06/11/2024 04:10 550 0
                  NHÀ XUẤT BẢN “QUÊ CHOA” TRONG TÔI
                                          (Lan man ký của Tùng Bách)
      1.
    Mình với Bóng là tập thơ đầu đời thơ của tôi được Nhà xuất bản Nghệ Tĩnh cấp giấy phép xuất bản năm 1990. Lúc bấy giờ Nhà xuất bản Nghệ Tĩnh đã chuyển nơi làm việc từ khu A sang khu C1 Quang Trung, cạnh Rạp chiếu bóng 12/9. Nơi đây nguyên là trụ sở Báo Nghệ Tĩnh.
       Còn nhớ, một sáng đầu tháng 7 năm 1990, tôi ghé Nhà xuất bản Nghệ Tĩnh thăm nhà thơ Cảnh Nguyên (được coi là cựu trào trong nghề biên tập thơ của Nhà xuất bản Nghệ Tĩnh lúc bấy giờ). Trước khi được điều chuyển qua Nghệ Tĩnh, Cảnh Nguyên và tôi từng là đồng nghiệp - cùng tổ biên tập sáng tác của Hội Văn học Nghệ thuật Nghệ Tĩnh.
     Sau một hồi tay bắt mặt rạng, Cảnh Nguyên hỏi tôi: Tùng Bách có tập thơ, tập truyện mô không, gửi đây choa in cho mồ? Tôi thưa: Em có tập bản thảo thơ đây, nhưng đã có giấy phép xuất bản của Nhà xuất bản Thanh niên rồi. Vài hôm nữa vào Vũng Tàu em in ở Nhà in Báo Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo cho rẻ.
      Thế rồi không hiểu thế quái nào tôi lại lôi bản thảo tập thơ Mình với Bóng đưa cho Cảnh Nguyên xem.
      Sẵn miệng, tôi nói với Cảnh Nguyên: - Anh coi, nếu từ giờ tới chiều mai (vì tối mai em đã phải lên tàu vào Sài Gòn rồi) anh thấy có thể cấp được giấy phép của Nhà xuất bản Nghệ Tĩnh cho tập thơ thì em sẽ hoàn trả lại giấy phép xuất bản cho Nhà xuất bản Thanh niên. Dẫu sao, mình cũng là người Nghệ tha hương, tập thơ đầu tay mang thương hiệu nhà xuất bản quê nhà cũng ý nghĩa và thú vị!
      Vẫn nụ cười hiền lành, Cảnh Nguyên bảo: - Cậu nói rứa thì xong ngay, cứ ngồi đây uống nước, đốt thuốc lá thoải mái, đợi một lát, mình mần giấy phép cho.
      Tập thơ Mình với Bóng ra mắt, được bạn đọc các tỉnh phía Nam cùng bạn bè đón nhận nhiệt tình. Với số lượng in 1.000 cuốn, trong vòng chưa đầy một tháng đã phát hành được 800 cuốn. Riêng Thư viện Đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo đặt mua 200 cuốn. Ai bảo thơ không có giá?
     2.
       Năm 2010 - sau 21 năm công tác ở Vũng Tàu, nghỉ hưu, tôi quyết định trở về Vinh, “ngõ chợ, phố Ga, nhà tôi ở đó”.
      Thỉnh thoảng đi qua về lại, tôi thường ghé Nhà xuất bản Nghệ An chuyện trò cùng họa sỹ, Giám đốc Vũ Hải. Tháng đôi ba lần được anh rủ đi câu cá tít mãi cuối Nghi Lộc.
       Năm 2014, tôi tặng Vũ Hải tập thơ Vừa hót vừa bay, do Nhà xuất bản Thanh Niên cấp phép. Vũ Hải đọc lướt qua tập thơ một hồi rồi hỏi tôi: - Tập thơ hay ri sao bác không đưa đây bọn em cấp giấy phép cho? “Đi mô loanh quanh cho đời mỏi mệt”? Tôi bảo: Tập thơ ni có một số bài hơi “xương xương” nên không muốn bạn bè phải lấn cấn. Vũ Hải bảo: - Ơ hay, Nhà xuất bản Thanh Niên in được thì Nhà xuất bản Nghệ An cũng in được, có chi mô.
       Tôi ghi nhận tấm lòng của bạn bè quê hương. Năm 2015, tập thơ thiếu nhi Bên bờ ao nhà mình được Nhà xuất bản Nghệ An ấn hành, do biên tập viên Châu Sa biên tập, với số lượng không nhiều, lại còn có cả nhuận bút nữa. Số tiền nhuận bút được tác giả yêu cầu quy đổi bằng sách.
     Vậy là, nhà thơ có tập thơ làm quà tặng bạn bè và một vài thư viện trường học, niềm vui ấy đủ để nhà thơ quên cả tuổi tác!
        3.
      Năm 2016, nhà văn Bùi Ngọc được bổ nhiệm làm Giám đốc Nhà xuất bản Nghệ An. Đây cũng là một bước được coi là đột phá trong công tác cán bộ của tỉnh. Trọng trách không lớn, song cũng không phải nhỏ đối với cán bộ nữ trẻ có khả năng chuyên môn cũng như quản lý. Ai cũng biết Nhà xuất bản Nghệ An là nhà xuất bản tổng hợp, đòi hỏi người đứng đầu phải có khả năng quán xuyến nhiều lĩnh vực, luôn tỉnh táo và bản lĩnh. Bởi trong đời sống xã hội đa chiều và không ít phức tạp. Ngoài mảng văn học nghệ thuật, còn nhiều lĩnh vực khác cần được ghi nhận, phổ biến, lưu giữ. Một xã hội ưu việt, tự do ngôn luận, tự do sáng tạo, sáng tác, nhưng phàm cái gì, việc gì cũng có giới hạn của nó.
       Nhiều chục năm nay Nhà xuất bản Nghệ An đã từng bước khẳng định được vị thế của mình.
       Điều đáng mừng, từ năm 1980 thành lập tới nay, Nhà xuất bản Nghệ Tĩnh cũng như Nhà xuất bản Nghệ An chưa để xảy ra một ấn phẩm nào vượt quá tôn chỉ, mục đích, quyền hạn được giao. Chứng tỏ người đứng đầu (chịu trách nhiệm xuất bản) luôn thấu hiểu vai trò, vị thế của mình, cũng như khả năng, trình độ và độ tinh tường của đội ngũ biên tập viên. Cung cách điều hành công việc của Nhà xuất bản Nghệ An theo tôi là chặt chẽ. Từng công đoạn được tiến hành chính xác đến từng dấu chấm, dấu phẩy…! Đặc biệt là khâu cấp giấy phép xuất bản tác phẩm cho tác giả tự in. Từ bản thảo đến bản bông, cũng như bìa sách, luôn được sự theo dõi, chăm chút của người biên tập và sự nhất trí của giám đốc. Cách làm này đảm bảo tuyệt đối, tác giả không thể tùy thích thêm bớt, tráo đổi bản thảo, nội dung bài vở. Sự cẩn trọng không bao giờ thừa.
    4.
     Lại nói, ai đó quan niệm nhà xuất bản là “bà đỡ” cho những tác phẩm (đứa con tinh thần) của họ cũng đúng. Bởi lẽ bản thảo họ mang đến nhà xuất bản xem ra chưa được hoàn chỉnh, chưa đạt yêu cầu, cần sự can thiệp của Ban Biên tập - những người có tâm huyết, trình độ khả năng biên tập!
     Nên nhớ, từ “bản thảo” đến “bản bông” đến khi ấn phẩm ra đời có chất lượng là cả một quá trình vận hành không hề đơn giản. Giống như ca đẻ khó, cần đến sự can thiệp của các y bác sỹ, hộ sinh.
    Còn tôi, tôi coi nhà xuất bản như là cơ quan tư pháp - nơi cấp giấy khai sinh cho đứa con tinh thần của mình, khi hội đủ các yếu tố về chất lượng bản thảo.
      Không ít lần trong các buổi giao lưu, họp hành văn nghệ gặp nhau - nhà văn Bùi Ngọc - Giám đốc Nhà xuất bản Nghệ An hàm ý nhắc khéo: - Chú đã có “âm mưu” xuất bản tập thơ mới nào chưa? Gửi qua nhà xuất bản bọn cháu làm cho!
 
tb 1
 
      Được Giám đốc Nhà xuất bản mở lời, lại thêm biên tập viên Phạm Ngọc Chi cổ súy - tập thơ về đề tài thiếu nhi Thiên thần mũ đỏ được Nhà xuất bản Nghệ An ấn hành vào quý III năm 2021. Tập thơ được nhiều bạn đọc nhiệt thành đón nhận và ban khen (Bài thơChuyện với chú Cua” trong tập, được chọn in trong 65 bài thơ hay viết về thiếu nhi nhân sự kiện 65 năm Nhà xuất bản Kim Đồng). Tiếp đến, năm 2023, tập thơ Cọng cỏ thiêng cũng lại được khai sinh từ Nhà xuất bản Nghệ An.
 
tb2
    5.
   Tôi nhớ, có lần ông bạn tôi, một cựu chiến binh ở tít mãi vùng miền núi huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh ôm một cặp bản thảo thơ, bắt xe buýt ra Vinh gặp tôi nhờ chọn, xuất bản cho tập thơ, gọi là quà tặng bạn bè nhân dịp mừng thọ tuổi 70. Sau 2 ngày sàng lọc, tôi chọn ra được hơn 60 bài gọi là sạch nước cản, ước chừng 80 đến 100 trang in. Tôi bảo với ông bạn thơ: - Duyên nợ giữa tôi với thơ ông rứa là xong nha. Giờ thì ông chỉ việc mang bản thảo đến Nhà xuất bản Nghệ An ở số 37, đường Lê Hồng Phong, găp Giám đốc Bùi Ngọc, đặt vấn đề xin xuất bản, họ sẽ hướng dẫn cho ông mọi đường đi nước bước cho đến khi tập thơ hoàn thành. Tốt nhất, ông nên úy lạo kí hợp đồng trọn gói với họ. Nhà xuất bản Nghệ An có một dàn em biên tập trẻ trung, năng động và chỉn chu lắm.
      Nghe đến dàn em trẻ trung, ông bạn tôi mắt cứ sáng lên, hăm hở ôm cặp bản thảo, bắt taxi đến nhà xuất bản.
      Non trưa, ông bạn trở lại nhà tôi với vẻ mặt hồ hởi phấn khởi. Tôi hỏi: - Mọi sự êm xuôi chứ? Lão bảo: - Mọi sự suôn sẽ như ung nói. Mọi thủ tục coi như xong, họ hứa trung tuần tháng sau sẽ có sách. Có điều, ung dặn đến Nhà xuất bản gặp Bùi Ngọc Giám đốc. Mềnh cứ tưởng Bùi Ngọc là đàn ông, té ra Bùi Ngọc là một cô nàng mặt mũi non choẹt, tính tình vui vẻ. Nhìn chung, hơi bị dễ thương!
       Tôi bảo: - Này, nhìn chung “dễ thương” rứa chơ nhìn riêng “thương không dễ” mô nha. Đừng có mà tưởng bở!
      Khổ thế, cứ dính vào tí thơ (kể thơ xóm, thơ phường, thơ huyện) anh nào cũng hồn nhiên như “tháng Ba mùa con ong đi lấy mật”!
      6.
      Theo sự biết của tôi, tính đến năm 2022, cả nước có 57 nhà xuất bản. Qua theo dõi thông tin trên các mặt báo cũng như trên các trang mạng xã hội thì chỉ có Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Nhà xuất bản Nghệ An tổ chức được tương đối thường xuyên hoạt động giới thiệu sách, sau khi ấn phẩm đã nộp lưu chiểu (đa phần là theo yêu cầu của tác giả và được sự đồng thuận của Nhà xuất bản).
      Tôi từng được Nhà xuất bản Nghệ An và các tác giả mời tham dự một số cuộc giới thiệu tác phẩm như: Thạch Quỳ - Tuyển tập thơ; Tìm dấu Vinh Xưa - tập nghiên cứu biên khảo của Phạm Xuân Cần; Vinh phố của tôi - tập tản văn của Phạm Thùy Vinh; Gửi mai sau - tập thơ của Vương Ngọc Bích; Xanh mãi miền xưa - tập thơ, tản văn của Nguyễn Thị Minh Nguyệt; Tuyển tập thơ Vân Anh;
      Việc tổ chức ra mắt giới thiệu sách (tác phẩm mới xuất bản) cũng góp phần thi vị hóa đời sống tinh thần, không chỉ với tác giả có tác phẩm được giới thiệu mà còn có sức lan tỏa, phấn khích đối với cộng đồng.
      Mừng và thêm tin vào Nhà xuất bản “Quê choa”!
                                                            
                                                                     Nhà thơ Tùng Bách
                                                               Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây