NGƯỜI TRUYỀN LỬA Ở NHÀ XUẤT BẢN NGHỆ AN

Thứ bảy - 12/10/2024 03:18 632 0
       Tôi vốn không phải dân viết lách, văn chương. Chỉ vì một một câu nhận xét nhầm của cô giáo chủ nhiệm trong học bạ hồi còn học lớp 6 ở trường làng: “Học giỏi cả văn lẫn toán” (học bạ nay vẫn còn) mà tưởng thật, đâm ra… “đổ đốn”. Khi rỗi rãi là tôi lại muốn viết…
       Khi là học sinh Chuyên Toán Trường Phan, đôi khi tôi được thầy giáo dạy Văn mời đứng lên đọc bài văn của tôi cho cả lớp nghe. Những lúc đó, tôi nung nấu ý chí viết lách lắm.
       Lớn lên, tuy tốt nghiệp Đại học Xây dựng nhưng chỉ “hành nghề” xây dựng có mấy năm, rồi số phận đun đẩy thế nào lại được giao làm Phó Tổng Biên tập của một tờ tạp chí nhỏ về khoa học công nghệ xây dựng mà ngoài Tổng Biên tập và tôi ra không còn ai nữa (!). Tôi phải lo toàn bộ việc bếp núc, trị sự, biên tập, dàn trang, in ấn và cả phát hành nữa. Chắc không có tạp chí nào như thế.
      Vốn có nung nấu viết lách, nay lại làm tạp chí, tôi có cơ hội tham gia cộng tác với các báo: Giáo dục, Tiền Phong, Phụ nữ, Phụ nữ Thủ đô,... Trong quãng thời gian dài, tôi đã tập hợp được khá nhiều bài báo, trong đó có nhiều tiểu phẩm vui.
       Đến năm 2022 về nghỉ hưu, tôi có nhiều thời gian viết lách hơn. Toàn viết chuyện hài hước, tếu táo. Gom lại cùng với những câu chuyện cũ được gần 50 mẩu, đủ để xuất bản một cuốn sách dày chừng 200 trang.
       Vốn ở Hà Nội nên tôi lang thang khắp các nhà xuất bản xin báo giá và lắc đầu, vì chi phí xin giấy phép và xuất bản cao quá. May nhờ đứa cháu ở Nam Đàn có bố vừa được NXB Nghệ An in cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Xuân Hoà giới thiệu, tôi mới làm quen được với Giám đốc - Tổng Biên tập Bùi Ngọc.
       Gửi bản thảo, tôi rất phấn khởi khi được Bùi Ngọc khen chuyện hóm hỉnh, đọc cười chảy cả nước mắt, rồi lại còn được báo giá giấy phép xuất bản và thiết kế rất… mềm. Tôi hiểu rằng, đây là một sự hỗ trợ rất nhiệt tình của nhà xuất bản, vì với khoản chi phí đó, công lao thiết kế chẳng đáng là bao. Thế là cuốn sách đầu tiên: Chảy dầu rồi anh ơi ra đời cuối năm 2022.
        Rồi cứ đà đó, cuốn thứ hai: Chuyện đời thường vớ vẩn ra đời, tháng 3/2023.
      Đến cuốn thứ ba, tôi chuyển sang viết chuyện cho thiếu nhi. Tuy nói vậy, nhưng phần cuối mỗi mẩu chuyện lại dành cho… người lớn, thông qua việc so sánh giữa cách ứng xử của loài mèo với con người. Cuốn sách là một truyện dài gồm nhiều mẩu ngắn. Mỗi mẩu chỉ một “vốc” chữ, “tãi” ra chỉ dài độ một gang tay. Đọc bản thảo, Bùi Ngọc khen nội dung khá thú vị, song có vài ba mẩu, phần cuối dành cho người lớn chưa ổn lắm. Tôi cũng biết vậy, nhưng đã làm hết khả năng, bèn nhờ Ngọc. Vậy là Ngọc xắn tay vào và lạ chưa, “nhà văn lão luyện” Bùi Ngọc đã chỉnh sửa lại giúp tác giả, đôi khi chỉ vài dòng hoặc một câu thôi, mà mẩu chuyện đã “sáng” lên và hấp dẫn hơn nhiều, khiến tác giả sung sướng đến nhảy cẫng lên như một đứa trẻ.
        Vừa lòng phần nội dung, tôi lại nghĩ ngay đến chuyện minh hoạ trong sách để tăng sự hấp dẫn cho người đọc. Ai cũng biết là thuê hoạ sĩ là không ổn về chi phí rồi. Bùi Ngọc lại thuyết phục con gái, cháu Hà Như đang học lớp 7 vẽ cho tác giả. Vậy là, cứ mỗi tối, sau khi học bài, hai mẹ con lại ngồi với nhau, con vẽ, mẹ hướng dẫn cho phù hợp với nội dung từng mẩu chuyện. Nhiều hôm cả hai thức đến 11 giờ đêm để phục vụ tác giả. Một sự hỗ trợ nhiệt tình, không nề hà vất vả, hết lòng vì tác giả và tác phẩm. Và cuối năm 2023, cuốn Chuyện của mèo Gongcha đã ra đời với nhiều hình ảnh hấp dẫn, cả trang bìa lẫn phần trong sách.
         Tôi rất mê sự thông minh, hóm hỉnh của bé Hà Như trong phần vẽ bìa và các hình minh hoạ. Chẳng hạn như, latop của con người có hình ảnh quả táo cắn dở thì laptop của mèo Gongcha có hình ảnh… con cá cắn dở, hay như hình ảnh trong mẩu chuyện “Khách ở quê ra” cháu biết chèn vào các từ địa phương “chi mô, răng rứa”, tuy rằng những con mèo mà Hà Như vẽ, con nào cũng mập ú, có vẻ như chúng rất lười vận động hoặc ăn quá nhiều (!).
 
anh 1tth
 
       Ai cũng biết Tổng Biên tập Bùi Ngọc là người có niềm đam mê, đam mê mãnh liệt với nghề xuất bản. Lúc nào Bùi Ngọc cũng rất tự hào là người đầu tiên được biết những câu chuyện, những nhân vật, những làng quê, những sự kiện, đủ cả sự thú vị, vui buồn. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là, Bùi Ngọc có một khả năng “lôi kéo” tuyệt vời, khiến cho những biên tập viên xung quanh mình cũng có được niềm đam mê và sự hăng say với công việc xuất bản như mình. Và quả thật không hổ danh với tên gọi: Bùi Ngọc - NGƯỜI TRUYỀN LỬA ở NXB Nghệ An.
 
anh 2 tth
 
anh 3 tth
 
      Thành thật mà nói, xuất bản sách rất vất vả và chẳng ai có thể làm giàu bằng nghề này. Chỉ mới xuất bản có 3 cuốn thôi nhưng tôi biết chắc các biên tập viên đã phải làm việc rất tích cực, nhiều khi tối muộn mới về, nhiều tuần phải làm cả thứ Bảy, thậm chí Chủ nhật.
      Trong thời buổi ai ai cũng hăm hở tìm kiếm những cơ hội làm giàu để vượt lên số phận của bản thân, những sự đam mê, cống hiến, phục vụ nhiệt tình của tập thể Nhà xuất bản Nghệ An rất đáng kính nể và khâm phục.
       Xin một lần nữa được bày tỏ lòng biết ơn đối với Nhà xuất bản Nghệ An.
 
                                                                                    Hà Nội, 6/10/2024
                                                                                    Trịnh Thành Huy
 

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 2 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây