NHÀ XUẤT BẢN NGHỆ AN NGƯỜI ĐỒNG SÁNG TẠO CÙNG TÁC GIẢ

Thứ hai - 07/10/2024 08:27 651 0
     Biết tôi có ý định in sách, nhà thơ Vân Anh - bạn đồng nghiệp đã dẫn tôi đến gặp Giám đốc Bùi Ngọc, vốn là học sinh giỏi Văn của Vân Anh, để đặt vấn đề với mong muốn được “chăm sóc” kỹ hơn.
     Bùi Ngọc, tôi đã thoáng qua trong một cuộc họp nào đó, nhưng bây giờ đang hiện diện trước mắt tôi. Dáng người cao cao, khuôn mặt thanh tú, nụ cười rạng rỡ, đôi mắt sáng trong, tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát. - Mời thầy, cô ngồi! - cô vừa nói, tay thoăn thoắt rót nước pha trà…
     Sau khi nghe tôi trình bày yêu cầu về việc in sách: “Mong tránh được các lỗi, kể cả lỗi chính tả, đừng để phải đính chính ở phần cuối sách. Sách bác in để tặng. Cứ làm cho cẩn thận, không hạn định về thời gian. Lúc nào xong cũng được”, Bùi Ngọc nói: “Em sẽ chọn cho thầy một biên tập viên có năng lực, chu đáo, đó là ThS. Phạm Hằng”.
     Hôm sau, tôi mang bản thảo đến, bản thảo của tôi là cuốn sách cũ chỉ tái bản 50%, phần viết mới 50% sẽ chuyển qua zalo.
    Sách cũ Văn & Đời của tôi do NXB Hội Nhà văn cấp phép năm 2016, có độ dày gần 400 trang. Bùi Ngọc đảo qua các trang sách và nói: “Em sẽ cho scan lại những trang mà thầy đã đánh dấu”. Hỏi ra mới biết, kỹ thuật bây giờ hiện đại lắm. Sách tái bản chỉ cần scan chứ không phải gõ trên máy tính nữa. Nhưng nếu sách cũ bị ẩm mốc thì một số chữ sẽ bị mờ và buộc biên tập viên phải đối chiếu để phục hồi. Tôi bỗng nhớ lại, cuối thế kỷ trước, mỗi khi in sách, công nhân phải sắp từng con chữ một, mỗi ngày chỉ được 15 trang. Rồi đến thời gõ máy tính kể ra cũng tiến bộ lắm rồi. Bây giờ là chỉ cần scan nếu sách tái bản.
 
anh 1 nqt
 
      Trong thời gian biên tập, BTV Phạm Hằng đã gọi cho tôi khoảng 7 - 8 lần. Khi là một ý trong đoạn văn; khi là cấu trúc một câu văn; thậm chí có khi chỉ là một dấu chấm câu. Tôi vốn là giáo viên Văn nên những sai sót về từ ngữ, chính tả không nhiều, nhưng vẫn có. Ví như, tôi thường quen viết “hàng ngày, hàng tháng,...”. Cháu Hằng bảo: “hằng” chứ không phải “hàng” bác ạ! Tôi bỗng ngờ ngợ, nhưng tin là cháu đúng, nên nói lại: “Thế thì cháu cứ chữa đi”. Nhưng để cho chắc chắn, tôi bèn mở Từ điển Tiếng Việt để tra cứu, thì đúng như cháu Hằng nói. Hoặc như, ở bài bình bài thơ Nguyên tiêu của Bác Hồ, tôi có liên hệ hai câu thơ: “Thế sự thăng trầm quân mạc vấn/ Yên ba thâm xứ hữu ngư châu”. Tôi chú thích là: Ngư nhàn - Không Lộ thiền sư. Cháu Hằng điện thoại cho tôi và bảo bác xem lại đi, hai câu thơ đó là của Cao Bá Quát ở bài “Tiêu sầu 2”. Tôi bèn hỏi “ông” Google thì đúng như vậy.
       Chu đáo đến từng chi tiết, chỉ có thể là đội ngũ biên tập viên NXB Nghệ An. Sự chu đáo này lại tiếp tục được kiểm chứng khi tôi đến NXB để mang bản thảo về xem, cháu Hằng có trao đổi với tôi về ảnh chân dung in ở bìa 4. Lúc đầu tôi định lấy lại ảnh ở sách cũ, nhưng Hằng bảo:
      - Ảnh này bác chụp cách đây 8 năm, lúc đó bác hơi gầy nên nhìn không được “phong độ” lắm. Theo cháu, bác nên thay ảnh mới thì sẽ đẹp hơn!
       - Thế thì cháu lấy điện thoại chụp lại cho bác đi!
      - Ảnh chụp qua điện thoại cũng đẹp nhưng không “nét” đâu bác ạ! Bác chịu khó ra hiệu ảnh, họ chụp bằng máy cơ, lấy ngay thôi mà.
       Tôi đã làm theo ý cháu. Và đúng là ảnh mới đẹp hơn ảnh cũ nhiều.
       Rồi đến chuyện làm bìa. Ban đầu tôi định làm bìa mềm cho đỡ kinh phí. Nhưng Bùi Ngọc tư vấn: “Cuốn sách của bác như là một tuyển tập một đời dạy học, bác làm bìa cứng đi cho nó chững chạc, sang trọng, mỗi bìa chỉ mất thêm 15 ngàn đồng thôi”. Tôi nhẩm tính và nhất trí với chị…
      Rồi, cháu Hằng chuyển qua zalo cho tôi 3 mẫu bìa. Tôi đã chọn 1. Cách mấy ngày sau, Hằng lại điện bảo rằng, Giám đốc Bùi Ngọc đã xem bìa và có một số góp ý. Xem lại, tôi cũng nhất trí với Bùi Ngọc.
      Trước khi bấm in, cháu Hằng chuyển toàn bộ bản thảo, kể cả kiểu chữ của từng tiểu mục qua zalo cho tôi xem. Tôi đã đọc lại và có bổ sung một vài chỗ. Hai ngày sau, tôi lại sực nhớ là ở trang mục lục, phần “Hồi âm” không ghi tên tác giả. Tôi vội điện cho Hằng để nhờ bổ sung, may mà sách chưa in. Thật mừng!
 
anh 3nqt 1
 

     Không những đảm nhận rất tốt khâu biên tập, đội ngũ biên tập viên NXB Nghệ An còn viết lời giới thiệu sách khá ấn tượng. Muốn viết thì phải đọc kỹ. Một số bài đã nâng lên tầm là một bài nghiên cứu phê bình, mang tính khoa học, chứ không phải viết theo kiểu quảng cáo, “rao hàng”. Những bài như kiểu Bùi Ngọc viết về cuốn Chuyện làng Đông Bích và tôi của Vương Long, hoặc như bài của Phạm Hằng viết về cuốn Văn & Đời của tôi vừa xuất bản gần đây thì đúng là những bài phê bình rất tâm huyết.
      Đó là chưa kể đến việc tổ chức các buổi ra mắt sách, NXB Nghệ An cũng đã làm rất tốt, góp phần lan toả văn hoá đọc đến mọi người. Có những buổi giới thiệu sách đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc gần xa. Ví như buổi ra mắt Tuyển tập thơ của Vân Anh, buổi ra mắt cuốn Liệt sĩ Phan Tứ Kỷ - Thư chiến trường và những tấm hình có lửa, buổi ra mắt hai cuốn sách Tìm dấu Vinh xưa của Phạm Xuân Cần và Vinh phố của tôi của Phạm Thuỳ Vinh,... với sự tham dự của hàng trăm người. Cá biệt có trường hợp tổ chức ra mắt sách tại Thủ đô Hà Nội như cuốn Trăm năm... Trần Hữu Thung”,... đã khẳng định vị thế của NXB Nghệ An.
       Rồi một hôm, khi thời gian giao sách theo hợp đồng còn 3 ngày nữa, thì Giám đốc Bùi Ngọc điện cho tôi đến nhận sách. Cả Bùi Ngọc, Phạm Hằng và tôi đều lộ rõ sự vui mừng khi cầm trên tay cuốn sách rất đẹp, hết chê. Trang nhã. Thanh tú. Bắt mắt. Rồi mấy bác cháu, làm mấy pô ảnh để kỷ niệm.
bia nqt
 
      Khi mang tặng bạn bè cuốn sách Văn & Đời, tôi đều nhận được rất nhiều lời khen. Họ khen sách đẹp, sang trọng, chỉn chu,... Những lời khen tặng chân tình đó không chỉ làm vui “ông giáo già” như tôi mà Bùi Ngọc cũng hưởng ứng bình luận trên Facebook là “NXB Nghệ An cũng được thơm lây”,... Niềm vui của tác giả cộng hưởng với niềm vui của các “bà đỡ”. Thật thú vị!
     Có thể khẳng định, NXB Nghệ An có một đội ngũ cán bộ quản lý giỏi và biên tập viên tay nghề cao, đã và đang đáp ứng được nhu cầu xuất bản cho các tác giả và các tổ chức xã hội, tạo được niềm tin cho nhân dân tỉnh nhà và các tỉnh bạn.
      Trước đây, tôi đã xuất bản trên mười đầu sách, nhưng chưa bao giờ được chăm chút kỹ lưỡng như lần này. Nhưng với Văn & Đời lần này, khi đến nhận sách như được nhận một niềm hạnh phúc mà NXB Nghệ An đã mang lại cho mình.
 
   TP Vinh, ngày 4 tháng 9 năm 2024
   Nguyễn Quang Tuyên
 

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 2 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập22
  • Hôm nay17,428
  • Tháng hiện tại438,731
  • Tổng lượt truy cập13,534,848
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây