PHẢI LÒNG SỐ NHÀ 37B

Thứ sáu - 27/09/2024 22:52 686 0
        Dạo ấy… Sau khi rời quân ngũ, tôi về sinh sống cùng gia đình tại thành phố Vinh. Nhà quê mà cày đường nhựa thì lấy chi ăn. Đang bơ vơ, tôi may mắn được đồng đội cũ giới thiệu chân bảo vệ Báo Nghệ An. Ở đó, tôi tiếp xúc với nhiều các nhà văn, nhà thơ, phóng viên báo chí. Thấy làm thơ cũng… có tiền, vì mỗi lần nhận nhuận bút, họ lại ới tôi đi cà phê, bia hơi. Nhớ nghề! Tôi lại... cầm bút viết bài gửi các báo.
        Ngày còn ở đơn vị, tôi phụ trách tờ báo... tường đại đội, vì “văn hay chữ tốt”, đồng thời là cộng tác viên Báo Trường Sơn, Đoàn 559.
       Năm 2009, vận đỏ chợt đến, Báo Thể thao Văn hóa tổ chức cuộc thi: “Một chuyến đi”, tôi gửi truyện ký: “Đi tìm O Văn” và thật bất ngờ… nhận được giải Khuyến khích của Ban Tổ chức Báo Thể thao Văn hoá - Thông tấn xã Việt Nam và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thuỵ Điển tại Việt Nam trao tặng. Mừng quá, vì đây là lần đầu có giải, tôi hăm hở khoe bạn bè, bị khao giải khiến tôi… lỗ choẹt, phải điều tiết lương bảo vệ mới cân đối đủ.
       Nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch, các nhà báo: Văn Hiền, Minh Thông, Dương Huy, Trần Cường,… đọc, thấy tôi viết được, họ động viên ra sách. Được khích lệ, tôi mạnh dạn lên phòng Phó Tổng Biên tập Báo Nghệ An - Văn Hiền nhờ tư vấn, bởi ông là người có 23 đầu sách, nhiều sách đoạt giải cao, có kinh nghiệm.
 
anh 1 nvl
       Soạn bài vở xong, tôi ôm bản thảo ra NXB Hội Nhà văn Việt Nam và phải mất mấy hôm mới lấy được quyết định cho tập thơ đầu tay Lục bát làng. Những lần sau, cứ lệ ấy, nhờ sự giúp sức của nhà văn, biên tập viên: Tạ Duy Anh, công việc khá hơn. Nhưng vẫn phải đi để nộp tiền, nhận quyết định.
        Trò chuyện với nhà thơ Lăng Hồng Quang, anh phán một câu xanh rờn:
       - “Chú cứ thích màu mè, tự làm khó mình. NXB Nghệ An đó tề, đi mô cho xa! Nhiệt tình, trách nhiệm lại chất lượng cao”. Nghỉ một lúc, anh tiếp: “Chừ không như mọi hồi mô chú nạ!”... Tôi ghi tâm lời anh dặn.
       Kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn - ngày mở đường Hồ Chí Minh, lãnh đạo Hội Trường Sơn Nghệ An họp Ban Chấp hành. Quyết định ra tập sách Chiến sĩ Trường Sơn - Ngày ấy, bây giờ. Thế là tôi có chân thư ký ban biên soạn. Nhớ đến NXB Nghệ An mà anh Quang mách nước, tôi tham mưu cho Thường trực Tỉnh hội, làm việc với Giám đốc NXB. Ngày đến cơ quan, tôi ngớ người, dụi mắt nhìn ghế giám đốc, vì không như tôi nghĩ, khi xem tên trên giấy công tác, nghe cứ na ná như anh Ngọc, Sỹ Ngọc, Nguyên Ngọc,... rồi tưởng tượng ra một ông giám đốc Bùi Ngọc to cao, bụng phệ, chiếc kính lão đeo trễ… nhướng đôi mắt cận thị của nhà văn lão làng nhìn chúng tôi. Ôi! Trên ghế giám đốc là một “mỹ nhân chân dài”, niềm nở tiếp đón. Tôi tủm tỉm cười, hoá ra tên đầy đủ của chị là: Bùi Thị Ngọc - chị ẩn tên lót nên tôi nhầm con trai.
      Công việc hanh thông, hợp đồng được ký. Ấn phẩm chào mừng ngày truyền thống Đoàn 559 Anh hùng, nộp lưu chiểu đúng hạn. Sách dày 330 trang, khổ 16 x 24 trang nhã, số lượng in đợt 1: 1.200 cuốn, đợt 2: 300 cuốn theo yêu cầu của các hội huyện, thị xã.
      Trung ương Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam ghi nhận công lao hoạt động tích cực của Ban Thi đua tuyên truyền Hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn Nghệ An nên đã đề nghị và được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du dịch tặng Bằng khen.
       Đội ngũ biên tập viên và thiết kế, chế bản: Trịnh Thuỳ, Thế Quyền, Mai Hồng, Phạm Hằng, Ngọc Chi cùng Giám đốc Bùi Ngọc, Tổng Biên tập Hồ Văn Sơn; Ban Biên soạn Hội Trường Sơn tỉnh Nghệ An đã góp phần tạo nên thành tích đó!
       Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh, Thượng tá Trần Văn Tuân rất vui mừng, phấn khởi khi đón nhận ấn phẩm. Và đã đích thân gửi giấy mời cơ quan NXB tham gia hành trình: “Về thăm chiến trường xưa Quảng Trị”, dự lễ kỷ niệm “Ngày mở đường Hồ Chí Minh huyền thoại”. Duyên nợ cùng NXB Nghệ An bắt đầu kể từ đó. Tôi phải lòng cái khéo của các “bà đỡ” là biết khai thác tiềm lực từ cấp trên, tiềm năng từ các nhà văn, nhà thơ gạo cội, đối nội, đối ngoại giỏi, cùng họ kết nối để cho ra những đầu sách từ ưa nhìn đến đẹp và cực kỳ có chất lượng.
       Sau mấy tập thơ làm tận Hà Nội. Lần này, tôi gửi gắm các “bà đỡ mát tay” NXB Nghệ An tập truyện ký Thăm thẳm Trường Sơn. Gửi bản thảo cho Bùi Ngọc, tôi cẩn thận dặn riêng: “Cháu nhờ Thuỳ làm hộ chú, vì chú đã quen việc với Trịnh Thuỳ!”. Ngọc trả lời: “Chú yên tâm!”. Và tôi yên tâm chờ đợi.
       Ngày nọ, điện thoại đổ chuông, đầu dây bên kia xưng: “Cháu là Phạm Hằng - biên tập viên NXB Nghệ An, hiện đang thực hiện cuốn sách của chú”. Tôi có chút hơi thất vọng, vì người tôi tin nhờ lại không như ý. Lên cơ quan gặp Ngọc - Giám đốc (NXB có hai Ngọc) trình bày, “lão” cười toe bảo: “Chú cứ yên tâm” - hoá ra cán bộ ở đây trẻ người nhưng ai cũng già kinh nghiệm.
       Và rồi tập bút ký Thăm thẳm Trường Sơn khắc họa chân dung đồng đội, bạn viết trong các tản văn nên được bạn bè yêu mến, xuất bản với số lượng khá, bán được già nửa, lấy vốn. Còn lại tặng bạn bầu, người thân. Niềm tin cứ thế được nhân lên. Và, tôi phải công nhận rằng “lão” Bùi Ngọc nói đúng: Biên tập viên Phạm Hằng cũng thật… chỉn chu, trách nhiệm!
      “Luôn mong chờ tác phẩm của chú ạ!”, tin nhắn của Bùi Ngọc gửi nửa như động viên, nửa như giục “nợ” cứ canh cánh trong lòng, để tháng 4 năm 2024, tôi tiếp tục sinh hạ “đứa con tinh thần” tiếp theo. Tập thơ chuyên biệt mang tên Chiều nghiêng bóng Mẹ - viết về những người mẹ, Mẹ  Việt Nam Anh hùng. Tập thơ được chọn in 102 bài ứng với 102 tuổi đời của mẹ tôi. Sách ra đúng kỳ thân mẫu tôi hết khó.
       Cuốn sách được Giám đốc - Tổng Biên tập ThS. Bùi Ngọc và ê kíp Ngọc Chi, Phương Thảo, Mai Hồng nỗ lực hoàn thiện cùng sự nhiệt tình của cô kho quỹ Hoàng Tâm, người tròn gọn như viên bi nhưng xông xáo, hoạt bát. Xuất kho xong còn chở hộ sách đến tận nhà vì… thương chú!
Số son, gặp dịp các hội, đoàn thể tổ chức lễ kỷ niệm các ngày truyền thống, nên lượng sách gửi bán nhanh chóng được đồng đội nhiệt tình “giải cứu” mua hộ.
       Gặp tôi, Bùi Ngọc hỏi: - “Chú chuẩn bị lễ ra mắt tập thơ chưa?”. Tôi trả lời: “Chú bán gần hết rồi, còn ít để biếu thư viện, người thân, đồng đội thôi cháu nạ”.
        Bất ngờ câu trả lời của tôi. Ngọc hỏi lại: - Thế ạ chú? Vậy thì tuyệt quá, cháu nghe chị em kể: Thơ chú hay, các em vừa biên tập, vừa khóc vì xúc động! Tôi mừng thầm vì sự đồng cảm của cộng sự và bà Giám đốc - Tổng Biên tập trẻ (Xin bật mí cùng bạn viết: Gần đây NXB Nghệ An có hoạt động ra mắt tác phẩm mới rất ấn tượng).
 
anh 2nvl
          À, còn thêm một kỷ niệm “siêu đáng yêu” này nữa chứ! Dịp tháng 5 vừa rồi, Bí thư Chi bộ Bùi Ngọc tham gia Hội thi Chung kết “Bí thư Chi bộ giỏi” do Đảng uỷ Khối các cơ quan tỉnh tổ chức. Ngọc gọi cho tôi: “Chú ơi, vào vai… tác giả trong màn thi “tự giới thiệu” giúp cháu nhé!”. “Ôi, chú… sẵn sàng nha, “đồng chí cháu”!”. Chỉ có vài ngày tập dượt cùng nhau, nhưng chú cháu tôi đã vào vai thật… ăn ý. Tham gia cùng Bùi Ngọc cuộc thi này, tôi càng cảm nhận sâu sắc sự đoàn kết, đồng lòng của tập thể NXB Nghệ An. Đứng trên sân khấu nhìn xuống, nhìn đội quân đeo băng rôn NXB Nghệ An gồm cán bộ, viên chức, người lao động, người nhà, các tác giả, cộng tác viên,… rợp cả khán đài mà lòng tôi cũng… rưng rưng xúc động…
 
anh 3nvl
 
       Hoàn thành tản văn này, thú thực, tôi như… trút được gánh nặng, bởi tôi tin một khi “lão Bùi Ngọc” đã gắn thẻ mình trên Facebook về thể lệ cuộc thi, thì kiểu chi “lão” cũng đòi bài bằng được….
       Vậy là, trọn vẹn với những: “BÀ ĐỠ CHU ĐÁO, MÁT TAY, CHÂN TÌNH”.
       Xin nôm na đôi lời, kể lại tại sao tôi “phải lòng các bà mụ” số nhà 37B, đường Lê Hồng Phong, thành phố Vinh, Nghệ An.
 
           Nguyễn Viết Lợi

- Uỷ viên BCH Trung ương Hội VHNT Trường Sơn Việt Nam
- Hội viên Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Nghệ An
- Địa chỉ: Số 99, ngõ 6A, đường Nguyễn Cảnh Chân,
   phường Quang Trung, Vinh, Nghệ An.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây