LỜI CẦU LÀNH CHO NHÀ XUẤT BẢN

Thứ ba - 01/10/2024 04:00 864 0
      Một ngày đẹp trời, ngày 19/12/2022, trên trang Web của NXB Nghệ An có đăng bài viết: “Lời ai điếu của thầy Mo”, bộ sách dày công của Nghệ nhân Ưu tú Sầm Văn Bình (https://nhaxuatbannghean.gov.vn/gioi-thieu-sach/sach-xuat-ban/loi-ai-dieu-cua-thay-mo-bo-sach-day-cong-cua-nghe-nhan-uu-tu-sam-van-binh-412.html) của tác giả Ngọc Bùi, Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Nghệ An.
      Tôi được kết nạp vào làm hội viên của Hội Văn nghệ dân gian Nghệ An từ năm 2007, đến năm 2022 tôi mới trở thành Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Trong quãng thời gian 15 năm đó, tôi cũng là Hội viên Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam (2011), Hội viên Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Nghệ An (2014), tuy nhiên số đầu sách văn học nghệ thuật được in là không đáng kể.
 
bia sam van binh
 
      Tôi đã xuất bản hơn 10 đầu sách thông qua các nhà xuất bản trong và ngoài tỉnh như NXB Đại học Vinh, NXB Hội Nhà văn, NXB Khoa học Xã hội; riêng xuất bản ở NXB Nghệ An thì trước đây có cuốn Từ điển Thái - Việt (Tiếng Thái Nghệ An) (năm 2018) và năm 2022 là 6 tập đầu của bộ sách Lời ai điếu của thầy Mo.
       Tôi xin nói thêm đôi chút về cuốn Từ điển Thái - Việt (Tiếng Thái Nghệ An). Sau khi vào Hội Văn nghệ dân gian Nghệ An (tôi và nhà văn Quán Vi Miên có quan hệ họ hàng xa nên gọi ông Miên là ông, xưng cháu) có một lần sau khi viết chung và xuất bản được một cuốn sách, ông Miên đã nhắn nhủ tôi rằng: “Cháu sống ở bản làng, có điều kiện để thu thập tư liệu và vốn từ thì phải ghi chép, lưu giữ, sắp xếp làm sao để có thể viết được một cuốn từ điển Thái - Việt cho tiếng Thái Nghệ An”. Sau 10 năm, đến khi hình thành được cuốn Từ điển Thái - Việt (tiếng Thái Nghệ An) vào năm 2017 thì tôi lại chần chừ không dám đem in, bởi tôi biết rõ rằng, tôi không phải là một nhà ngôn ngữ học, không được đào tạo để viết từ điển. Tuy nhiên, tôi cũng được biết là có rất nhiều người, cả người Thái và người Kinh đang cần đến cuốn từ điển này, nên tôi đã mạnh dạn gửi đến NXB Nghệ An với hy vọng là cuốn sách cóp nhặt từ ngữ tiếng Thái trong 10 năm sẽ được “sinh ra”. Thật vui và cảm động khi trong quá trình biên tập, các cô biên tập của NXB Nghệ An đã phát hiện và cùng trao đổi, chỉnh sửa được một số lỗi từ ngữ còn thô vụng của “nhà từ điển học nghiệp dư”. Đến lúc được cầm cuốn từ điển “bằng xương bằng thịt” trên tay, tôi đã cảm nhận được một niềm vui len lỏi khắp người, rồi như thoát ra thành một con chim bay lượn khắp bản mường, núi non, sông suối,…
        Sự phát triển của kỹ thuật và công nghệ đã giúp cho việc sưu tầm, tiếp cận với các tác phẩm văn nghệ dân gian Thái, giúp cho việc lưu giữ các nội dung về âm thanh và hình ảnh được dễ dàng và hiệu quả. Các phương tiện cần thiết như máy ảnh, máy ghi âm đã khá phổ biến và giá thành giảm hơn, đặc biệt là việc các máy ảnh thông dụng đã chuyển từ việc dùng phim chụp sang dùng thẻ nhớ được coi như là sự đột phá giúp cho kinh phí chụp ảnh để sưu tầm văn bản, hình ảnh giảm xuống rất nhiều. Thêm nữa, từ việc sử dụng điện thoại có dây, nay xã hội chuyển sang sử dụng điện thoại di động không dây, lại còn được tích hợp các tính năng ghi âm, chụp ảnh, quay video. Hệ thống giao thông và phương tiện giao thông phát triển, phương tiện liên lạc và mạng internet đã làm giảm thiểu mọi khoảng cách, công việc sưu tầm đã dần dần đi vào công việc sắp xếp, phân loại. Máy vi tính và điện thoại cảm ứng được sử dụng phổ biến, các hệ điều hành và các ứng dụng luôn được nâng cấp và cập nhật, việc viết sách nhờ có máy vi tính mà trở nên nhanh chóng và thuận tiện hơn trước rất nhiều.
      Trong giai đoạn này, việc giao lưu gặp gỡ, trao đổi giữa thông tin giữa các nhà nghiên cứu đã trở nên thuận lợi về mọi mặt. Trong một vài dịp gặp gỡ trực tiếp hoặc liên lạc gián tiếp, tôi đã được các nghệ nhân người Thái như Lò Văn Lả (Sơn La), Lò Ngọc Duyên (Điện Biên), Lò Văn Biến (Yên Bái), Vi Khăm Mun (Nghệ An) trao đổi, gửi gắm một lượng tư liệu khá đồ sộ. Ở quê mình, tôi cũng được gửi gắm các tư liệu quan trọng do ông Lô Vĩnh sưu tầm để lại cùng với sự trợ giúp của các thầy cúng: Lữ Văn Nam, Trương Văn Đồng, Vi Văn Hoạch,…
       Như đã nói trên đây, tôi đã xuất bản được một số đầu sách về văn hóa Thái, viết chung với tác giả Quán Vi Miên. Dù vậy tôi nhận thấy, các tư liệu được đưa vào sách mới chỉ là một phần nhỏ nên tôi đã tâm niệm rằng, phải viết thêm nhiều cuốn sách khác để khỏi phụ lòng những người đã gửi gắm tư liệu cho mình, trong đó có cả một vài người đã nhẹ nhõm đi về cõi Then…
       Một ngày của năm 2020, trong lúc ngồi nghe việc làm Mo cúng, tôi chợt hình thành ý tưởng về việc sắp xếp tất cả các nội dung cúng bái thành hai bộ sách gắn với các mảng “việc lành” và “việc dữ” trong phong tục, tập quán người Thái. Mảng “việc dữ” thấy cần hơn nên tôi lên đề cương viết sách và đặt tên là “Lời ai điếu của thầy Mo”. Bộ sách này gồm 12 tập, ghi lại toàn bộ những lời cúng của thầy Mo trong đám tang, thể hiện bằng ba nội dung: phiên âm, dịch và chữ Thái. Việc có chữ Thái trong sách là một việc tạo nhiều cảm hứng cho các thầy Mo, cho bản thân tôi và cũng như nhiều người Thái nữa. Tôi đã viết được 6/12 tập sách nhưng vẫn băn khoăn không biết liệu việc in ấn có được thuận lợi không…
       Thế rồi, một dịp tình cờ, mà cũng phải gọi là cơ duyên. Đấy là dịp tôi được xuống Vinh để tham dự Ngày hội Sử học Nghệ An lần thứ nhất 15/1/2022, tổ chức tại Bảo tàng Quân khu 4 (thành phố Vinh). Trong bữa cơm, may mắn tôi được ngồi mâm cùng Bùi Ngọc và một vài vị khác (xin lỗi, bây giờ tôi không nhớ được hết mọi người), rồi Bùi Ngọc mới hỏi tôi rằng, hiện chú có nguồn bản thảo nào không, kể cả dạng bản thảo thô cũng được. Thế là “được lời như cởi tấm lòng”, tôi mới nói rằng: “Mình đang có những sách đó, sách đó… và sẽ gửi cho NXB Nghệ An, muôn sự trông mong”. Thật vui và bất ngờ, đến ngày 19/12/2022 thì sách được xuất bản như bài đăng trên trang Web của NXB Nghệ An.
 
anh 2 sam van binh
 
         Tại thời điểm này - khi tôi ngồi viết những lời yêu thương gửi NXB Nghệ An thì các tập sách 7 - 12 trong bộ Lời ai điếu của thầy Mo đang được “các bà đỡ” miệt mài biên tập để kịp in trong năm 2024.Tôi nhớ, có lần một thầy Mo là nghệ nhân ở huyện Quỳ Châu đã bộc bạch: “Được đọc những sách này, cũng như là được học với các vị Tạy Chủ của chúng tôi” (Tạy Chủ: linh hồn vị thần chủ của thầy Mo). Tôi trộm nghĩ, những cuốn sách Lời ai điếu của thầy Mo được các thầy Mo gọi là Tạy Chủ thì “bà đỡ” cho Tạy Chủ sẽ thực đúng là một “Xanh” (hào quang - cách gọi của thầy Mo) linh thiêng và lớn lao đối với họ. Vì vậy, tôi xin trích dẫn lời chúc trong lời cúng của các thầy Mo để gửi đến lãnh đạo, các biên tập viên, nhân viên NXB Nghệ An lời cầu lành như sau:
                                                 Dù đỉ xướng nộc vắc
                                                Dù lắc xướng nộc yêng
                                                Dù xiêng xướng tả nghến
                                                Dù dển xướng nặm bò
                                                Tạm dịch:
                                               (Được) Sống lành như chim cuốc

                                                Sống giỏi như chim yểng
                                                Sống sáng như mặt trời
                                                Sống mát như nước mó
       Khi đã đồng hành trong đời sống tâm linh của người dân tộc Thái thì tin rằng, NXB Nghệ An sẽ mãi được “mát lành” như lời cầu chúc của bà con…
 
                                                                 Nghệ nhân Ưu tú Sầm Văn Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây