LẠI ĐĂNG THIỆN - MỘT NHÂN CÁCH ANH HÙNG, MỘT TÂM HỒN THI SĨ

Thứ năm - 12/08/2021 21:28 1.468 0
LẠI ĐĂNG THIỆN - MỘT NHÂN CÁCH ANH HÙNG, MỘT TÂM HỒN THI SĨ
LẠI ĐĂNG THIỆN - MỘT NHÂN CÁCH  ANH HÙNG, MỘT TÂM HỒN THI SĨ
         Nhà thơ Lại Đăng Thiện, một con người gầy gò, nhỏ bé, nhưng luôn có nụ cười thường trực trên môi, rất thân thiện mỗi khi gặp gỡ. Quá trình tiếp xúc, tìm hiểu ông, tôi thật cảm kích bởi bên trong cái hình dáng mỏng manh, dễ vỡ ấy lại chứa đựng đầy đủ dũng khí, phẩm chất của một vị anh hùng. Lại Đăng Thiện sinh năm 1947, quê ở làng Ga, xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. Ông là hậu duệ của Đô thống Khu mật Tá Sứ Gián nghị Đại phu Lại Linh - trấn thủ đất Nghệ An. Vị tướng này đã phò hai đời vua: Lý Cao Tông và Lý Huệ Tông, từng lập nhiều công trạng cho quê hương, đất nước.
         Lại Đăng Thiện tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở giai đoạn ác liệt nhất (1965 - 1975). Tại Lực lượng công binh Quân khu 4, ông là cảm tử quân hai lần truy điệu sống tại các bến phà sông Danh và Linh Cảm trước khi bước lên ca nô phá bom, mở đường thông tuyến. Là thương binh 4/4, năm 1967 có tháng tới bảy lần ông bị bom hất khỏi buống lái. Lần bị thương tích nặng nhất là vào năm 1968, ca nô của ông bay úp lên bờ sông, ông cũng bay xa cách ca nô hàng trăm mét và bị mảnh bom găm vào chân, vào đầu, lồi cả mắt, sau hai mươi vòng rà phá, bị ở vòng thứ hai mốt. Đêm ấy, đồng đội đếm được mười sáu quả bom dưới sông do ông kích nổ (thông tin từ Báo Nghệ An). Hành động anh hùng (sẵn sàng đi vào cửa tử) của ông còn chờ Nhà nước tuyên dương. Trách nhiệm đề nghị thuộc về Lực lượng công binh Quân khu 4, nhằm bảo tồn đầy đủ hơn trang sử hào hùng, oanh liệt của đơn vị này. Quân nhân Lại Đăng Thiện lúc ấy chỉ biết hy sinh “nhẹ nhàng” và cho đến tận lúc này cũng chưa màng tới danh lợi. Cảm xúc chân thật và khiêm nhường ấy được thể hiện đầy đủ trong bài thơ “Hoa súng”:
Ngắm hoa rạo rực tuổi xuân
Bài ca ra trận vang ngân đất trời
Hóa thân làm đẹp cho đời
Áo xiêm khép nép chơi vơi mặt hồ...
Sau chiến tranh, Lại Đăng Thiện hoà mình vào cuộc sống giản dị, thanh bần nơi quê nhà vui:
Măng dầm với trái cay quê
Như say hương vị bùa mê vườn đồi
Măng đắng chấm ruốc hết lời
Ngon hơn tôm, ghẹ, ốc nhồi biển xanh.
                                                    (Măng)
Còn chi bàn tán khen chê
Canh rau cà muối giòn mê mẩn giòn
Cơm nhà đạm bạc mà ngon
Miếng cà quê kiểng thảo thơm tình người!
                                  (Miếng cà quê kiểng)
        Ông có thái độ dứt khoát đối với những thói đời phụ bạc, giành giật, bon chen trong cuộc sống bị dục vọng đưa đường:
Bạc tiền là bạc như vôi
Chữ “Tâm” mới thực xanh tươi nghĩa tình
Nghèo hèn quý trọng mới vinh
Còn hơn bạc mặt phụ tình vứt đi
                                                 (Bạc tiền)
Li ti từng hạt li ti
Thơ ca nhạc họa còn chi mượt mà

Sạn nào có ở đâu xa
Trong ta và bạn hóa ra rất gần!

Sạn từng lấn lướt người thân
Lợi từng ê kíp lăn tăn hợp thành

Lạnh lùng luồn lách chính mình
Chung chiêng rạn vỡ công trình dựng xây...?
                                                    (Sạn)
        Thơ ông đã đạt tới độ đằm nhuyễn trong thể lục bát. Mỗi bài thơ là một chủ đề trăn trở, có tứ và kiệm lời. Không phải là người viết nhanh, viết nhiều nhưng ông thực sự say thơ.
        Lặng lẽ miền thơ là tập thơ thứ ba sau gần hàng chục năm tính từ lần xuất bản tập thơ thứ hai Thì thầm lời quê. Ông chưa bao giờ thỏa mãn với bài thơ mình đã viết (Nỗi khổ của thi nhân có lẽ ở chỗ này chăng?):
Thơ như người trèo cây hái quả
Quả hái trên tay
Là quả chưa chín
Quả chín còn ở trên cây.
                                                    (Thơ)
       Với ông, đã dấn thân vào nghiệp chữ là phải tu thân, phải lao tâm khổ tứ để vươn mình cho kịp với cái đẹp:
Lặng lẽ miền thơ
Ngổn ngang con chữ
Lao tâm khổ tứ
Gạn đêm cạn ngày…
                                 (Lặng lẽ miền thơ)
       Bởi thế, thơ ông cũng đã có những bài làm cho ta thảng thốt, giật mình:
Nếu tôi chết chôn thơ cùng huyệt
Thanh thản về cát bụi phôi pha
Tôi nguyện ước hóa thành cỏ dại
Ngơ ngác chiều không gió hát tình ca.
                                                (Tự bạch)
      Ông luôn chịu khó đọc, học tập và tìm hiểu các bậc hiền tài từ cổ chí kim cũng như những người bạn thơ mà ông yêu mến. Ở tập thơ này cũng chứa đựng một thời lượng thơ chân dung được ông phác thảo bằng những nét chấm phá cơ bản, chủ đạo về đối tượng. Tình yêu thiên nhiên, con người, tiếng suối, tiếng chim luôn hiện lộ trong thơ ông, thêm chút lãng mạn cũng là những mạch suối nguồn nuôi dưỡng tâm hồn ông tươi trẻ và dạt dào năng lượng thơ:
Xuân đến từ phía núi
Núi xanh từ phía em
Suối thì thầm muốn nói
Từ ngàn xưa êm đềm...
                                                    (Nếu)
Chợt em lá biếc non xanh
Chợt anh ríu rít chuyền cành tiếng chim

Nụ đồi tím tái hoa sim
Nhạt nhòa ký ức ngọt mềm làn môi
Thời gian chợt trắng tóc người
Chợt vương bóng tuổi bồi hồi giận thương…
                                                    (Chợt)
         Có nhiều lúc, ông cũng tự tìm niềm vui nơi bản tâm thanh tịnh của mình khi vãn cảnh Bụt:
Tôi về chùa Gám chiều nay
Bâng khuâng cửa Phật mà say đất trời
Nỗi niềm thanh bạch đầy vơi
Câu thơ chợt chạm cõi đời rưng rưng...
                                           (Chùa Gám)
         Sự dưỡng tâm ấy thực sự đã giúp ông trân quý hơn mọi thành quả, buông bỏ được mọi điều cho vơi nhẹ đi bao nỗi buồn nhân thế và đạt được sự an yên, ngộ được cảnh giới Phật trong chính tâm mình:
Bàn tay biết nói lời vui
Làn môi hé nở nụ cười hồn nhiên
Đôi mắt biết nói dỗi hờn
Làn mi ngấn lệ giọt buồn vị tha...
                                           (Giận hờn)
         Câu thơ: “Bàn tay biết nói lời vui” ở trên hình như là câu duy nhất ông đề cập đến bàn tay của mình trong sự nghiệp “bà đỡ”. Hai mươi năm làm y tế cơ sở, bàn tay ông từng làm bà đỡ cho hàng trăm đứa trẻ ra đời, mẹ tròn con vuông. Nhà thơ Ngô Minh từng viết về ông: “Đỡ trăm cháu bé ra đời/ Trắng đêm, trắng mắt, trắng trời, lại thơ”.
         Lặng lẽ miền thơ được Lại Đăng Thiện tập hợp bản thảo trong lúc vết thương cũ đang tái phát. Ông nói với tôi: “Tập thơ này tôi viết trong giai đoạn ốm đau nhiều, sức khỏe đã kém nên có thể làm giảm đi những mỹ cảm trong thơ, nhờ chú lược lại”. Tôi thì không nghĩ như vậy, đọc thơ ông, cơ duyên cho tôi được gặp một nhân cách anh hùng của người đồng đội, một trái tim giàu năng lượng thơ. Ông còn đau đáu chờ đợi thành tựu ở những bài thơ sẽ viết. Phải chăng ở đó, những câu thơ, bài thơ ám ảnh sẽ được ùa ra do sự lay động mạnh của con tim. Những bài thơ ấy không chỉ buộc chặt trong cấu tứ, không lệ thuộc vào sự mô phạm của lý trí dẫn dắt.
          Cầu chúc một mùa quả mới chín đầy nơi cây thơ mà ông đang trèo hái.
                                                                                                                                                                                                    Vinh, ngày 16/7/2021
                                                                                                                                                                                                         Lương Khắc Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 2 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây