NGHỀ BIÊN TẬP SÁCH - NHỮNG TRĂN TRỞ THẦM LẶNG

Thứ ba - 12/10/2021 05:34 3.506 0
Mỗi ngành, mỗi nghề đều có những đặc thù riêng. Từ bác sĩ, kỹ sư, nhà nghiên cứu hay nhà giáo cho đến những bác nông dân trực tiếp sản xuất trên đồng ruộng,… họ đều có những khó khăn và cả những trăn trở, suy tư đối với nghề của mình và nghề biên tập sách của chúng tôi cũng vậy!
NGHỀ BIÊN TẬP SÁCH - NHỮNG TRĂN TRỞ THẦM LẶNG
        Để có một cuốn sách hay, một ấn phẩm đẹp đến tay bạn đọc, ngoài vai trò của tác giả còn phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ biên tập viên. Biên tập viên chính là “bà đỡ”, là “người gác cổng” để cho ra đời một tác phẩm. Một người biên tập giỏi là người có thể biến một tác phẩm yếu thành một tác phẩm khá và từ một tác phẩm khá thành một tác phẩm hay,…Thế nhưng, có một thực tế hiển nhiên, khi cầm cuốn sách, đọc hết cuốn sách, độc giả chỉ lưu tâm mỗi tên của tác giả, họ gần như không để ý ở cuối cuốn sách có tên của những con người thầm lặng: người biên tập sách.
       Để cho ra đời một tác phẩm tốt, ngoài trách nhiệm biên tập, biên tập viên còn là người tham gia vào nhiều công đoạn và là người kết nối với các bộ phận trong quy trình xuất bản. Để làm được điều đó, người biên tập phải vận dụng tốt các kỹ năng, từ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đến khả năng giao tiếp,… mục đích để chuyển tải được thông điệp mà tác giả muốn gửi tới độc giả qua cuốn sách của mình.
       Thật không quá khi nói rằng, biên tập viên là chiếc cầu nối giữa tác giả và độc giả. Trong quá trình làm việc, để phát huy tốt vai trò của mình, người biên tập ngoài công việc chuyên môn còn phải thường xuyên trao đổi, liên lạc, đề xuất với các tác giả để xây dựng được các đề tài hấp dẫn nhằm cho ra đời những cuốn sách hay về nội dung, đẹp về hình thức.
       Khi nhận bản thảo, điều đầu tiên mà người biên tập phải làm là thẩm định xem nội dung và chất lượng bản thảo đó như thế nào để đưa ra quyết định biên tập. Bởi có những bản thảo mặc dù đề tài rất hay, hấp dẫn nhưng tác giả thể hiện lệch lạc đường lối, lập trường, tư tưởng chính trị,… Chính lúc này, người làm biên tập sẽ trao đổi, bàn bạc cùng tác giả để đi đến thống nhất cuối cùng. Không chỉ vậy, có những bản thảo, ngoài biên tập câu chữ, nội dung, biên tập viên còn phải sắp xếp bố cục, thậm chí còn phải đưa ra ý tưởng cho việc đặt tên cuốn sách, tên các đề mục một cách hợp lý...
       Nghề biên tập sách cũng có những điểm chung với biên tập báo,... như trình độ chuyên môn, sự tỉ mẩn, cẩn trọng, bản lĩnh vững vàng,... Ngoài ra, nghề biên tập sách còn có những đặc thù riêng. Đặc biệt là độ dày của bản thảo sách không chỉ gấp 10, gấp 100 mà thậm chí gấp 1.000 lần so với một bài báo,... Chính vì vậy, sự kiên trì, cẩn trọng,... của người biên tập sách lại nhân lên gấp bội! Muốn biên tập tốt, trước tiên phải đọc hết toàn bộ bản thảo để cảm nhận, thẩm thấu giá trị của nó, đồng thời có cái nhìn tổng quan nhằm đưa ra những góp ý mang tính “vĩ mô” đối với tác giả như bố cục bản thảo, chương, phần, mục,... Một biên tập viên thông minh và sắc sảo có thể đưa ra phương án điều chỉnh cả bố cục một cuốn sách, từ đó góp phần thay đổi diện mạo, nâng tầm giá trị cuốn sách lên rất nhiều! Đó là chưa kể việc sửa chữa tỉ mẩn từng lỗi nhỏ về câu chữ, chính tả,... từng trang một, qua không dưới ba lần đọc bông,... Đến nỗi, chúng tôi vẫn thường tếu táo với nhau rằng: “Đến cả giấc mơ cũng chỉ thấy toàn chữ với chữ...”.
       Là một biên tập viên của một nhà xuất bản, chúng tôi luôn mang trong mình những trăn trở đó là đọc như thế nào, sửa ra sao để tác phẩm tốt lên nhưng không làm sai lệch ý tưởng của tác giả. Một biên tập viên có tâm, có nghề là người luôn đau đáu với bản thảo mình nhận được, vui buồn cùng nó, song hành cùng với tác giả, xem nó như đứa con tinh thần.  
      Tuy nhiên, nghề nào cũng vậy, sai sót là điều khó tránh khỏi. Và nghề biên tập sách cũng không là ngoại lệ. Vì là người gác cổng trên lĩnh vực tư tưởng nên những sơ suất nhỏ của biên tập viên nhiều khi mang lại những hậu quả khôn lường. Chính vì vậy, trong quá trình biên tập sách, biên tập viên cần phải thực hiện đúng các bước, các khâu trong quy trình xuất bản. Và một yêu cầu cần phải có của một biên tập viên là bản lĩnh chính trị vững vàng, nghe nhiều, đọc nhiều, phải có chính kiến, lập trường tư tưởng. Ðặc biệt, phải hết sức thận trọng, không được phép cẩu thả,...
       Không dừng lại đó, khi cuốn sách đã đến tay người đọc, người biên tập vẫn chưa thể xả lòng trong cho quãng thời gian vùi đầu trên các trang bản thảo mà lại tiếp tục có những nỗi lo, không biết ấn phẩm có làm vừa lòng đối tác, độc giả hay không? Có lỗi nào sót lại? Những trăn trở đó có thể đi theo suy nghĩ của người biên tập vào trong giấc ngủ mà chỉ có những người trong nghề mới thấu hiểu được.
       Vất vả là vậy, trăn trở là vậy, thậm chí cả những phút chạnh lòng khi nhìn những ngày lễ của ngành khác được chúc tụng, tung hô trên... trời, trong khi đó ngày truyền thống của ngành mình thì các biên tập viên cũng chỉ biết lặng lẽ vùi đầu vào từng trang bản thảo!!! Thế nhưng, đã chọn nghề thì chúng tôi cũng rất yêu và say nghề! Mỗi lần hoàn thành một bản thảo, đặc biệt là những bản thảo khó, được tác giả, đối tác tâm phục khẩu phục, rồi khi cuốn sách ra đời, nhìn các tác giả nâng niu trên tay như một báu vật, tiếp đến lại nhận được những phản hồi tích cực từ phía độc giả,... niềm sung sướng và tự hào đã khiến chúng tôi quên đi hết thảy những tủi hờn, so sánh,... Chỉ còn lại vẹn nguyên một tình yêu sâu sắc đối với NGHỀ!
                                                                                           TRỊNH THÙY

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây