PHIÊU DU CÙNG... KHÚC NGẪU CA

Thứ tư - 25/05/2022 03:53 2.489 0
LỜI NXB: “Khúc ngẫu ca” là tập thơ - tản văn đầu tay của nhà thơ Trần Khoa Văn vừa được Nhà xuất bản Nghệ An ấn hành trong tháng 5 năm 2022. Với 65 sáng tác được tác giả chọn lọc một cách kỹ càng, công phu, “Khúc ngẫu ca” sẽ đưa bạn đọc đến với nhiều tầng nấc xúc cảm khác nhau.... Nhà xuất bản Nghệ An xin chúc mừng tác giả Trần Khoa Văn và trân trọng giới thiệu tới quý độc giả Lời giới thiệu của Tiến sĩ Lê Thanh Nga để có những cảm nhận ban đầu về tập thơ - tản văn này.
PHIÊU DU CÙNG... KHÚC NGẪU CA
MỘT LÒNG THƠ LÃNG TỬ VÀ RỘNG MỞ
                                                                       Tiến sĩ Lê Thanh Nga
         Tôi sinh ra ở làng, và bây giờ ở làng. Nơi đó, những đứa con tôi thường bị/ được đánh thức bằng tiếng chim và thi thoảng, tiếng kẻng lanh canh gõ cá, tiếng chèo ì oạp vỗ nước vào mỗi bình minh. Đó hẳn là một lựa chọn không tồi. Tôi già đi như thế, những đứa con tôi lớn lên như thế, tồng ngồng giữa một nơi mà đôi lúc cái hoang dã của thiên nhiên còn khiến cho đời sống bớt ngột ngạt hơn một chút.
        Tôi đọc thơ Trần Khoa Văn trong bối cảnh ấy, và trong tâm thế gặp được một phần nào đó quãng sống đã tự mình đánh mất giữa đôi khi bụi bặm phố phường. Giữa thế giới thơ bộn bề của ngày hôm nay, với những suy tư nhiều khi rất tạp nham và chằng chịt thế sự hay cơm áo, về tình yêu hay những hận thù, đôi lúc đau đớn hay cố tỏ ra đau đớn, hoặc những ân cha tình mẹ có phần mòn sáo, thì thơ Trần Khoa Văn, ít nhất với tôi, là một điều gì khác. Những cảm nhận về thế giới bằng một tấm lòng chắc chắn là hướng đẹp, hướng đến những cái bình dị, những giai điệu khiêm cung từ trong những chuyển động nhẹ nhàng nhưng không kém phần da diết của tâm hồn, dĩ nhiên là một tâm hồn dễ tổn thương. Thái độ chừng mực, sự cố gắng tiết chế để tránh việc đẩy đến tận cùng cảm xúc đã được Văn bày tỏ ngay trong Khúc ngẫu ca, bài thơ đầu của tập thơ:
   Khúc ngẫu ca của tôi, tôi biết:
   Không quyến rũ
                    như những bản nhạc chiều
   không dịu dàng
                   như bài dân ca Ý
   không réo rắt
                 như tiếng vĩ cầm Paganini
   cũng không rạo rực
                     như khúc tráng ca,
                                          ngợi ca Người.
          Những ví dụ/ đối tượng so sánh đều là những thứ đã đạt đến trình độ có thể coi là tuyệt đối: sự quyến rũ của bản nhạc chiều, sự dịu dàng của bài dân ca Ý, sự rạo rực của “khúc tráng ca ngợi ca Người”, sự réo rắt của tiếng vĩ cầm Paganini. Chữ “không” được lặp lại trong mỗi so sánh, như một kết luận, không phải với tinh thần phủ nhận, mà từ tinh thần khước từ. Đấy là một thái độ. Đáng nói hơn là hình thức ngắt dòng lưng chừng tự nó đã nói lên sự tự thức nhận và tuyên ngôn về một lối viết. Đấy là một thái độ lấp lửng, vừa như ngần ngừ, vừa như thách thức. Trong cái lấp lửng ấy, Trần Khoa Văn đã đi và nhặt, sắp đặt lại mọi thứ để kiến tạo một hiện thực của riêng mình - hiện thực của đời sống bên trong, một thứ hiện thực có lẽ chỉ có chủ thể trữ tình mới cảm nhận được một cách rốt ráo:
   Còn gì nữa để cháy không,
   hay ta nốt đám lông bông cuối chiều?
                                 (Hạ trắng)
    Dải cong ngọc ngà
   Buông lơi theo gió
   Mắt vời vợi xa
   Đốt chiều ráng đỏ.

   Ta nghe rất nhẹ
   Như là biếc xanh
   Như là níu giữ
   Như là chênh vênh.
                                 (Ngẫu khúc Sông Lam)
         Tôi nói hiện thực trong thơ Trần Khoa Văn là một hiện thực kiến tạo, bởi đó không phải là một hiện thực đứng yên, một hiện thực đã là, mà là một hiện thực đang là. Thơ Trần Khoa Văn là thơ của các trạng thái chuyển hoá đầy mơ màng - sự chuyển hoá của cảnh vật, cảm giác, của ý nghĩ và đam mê. Sự mơ màng ấy được nhân lên bởi những cuộc xâm lấn của âm nhạc và hội hoạ, và nó, hẳn nhiên, khác với sự mô tả thông thường, và cũng từ đó người đọc có thể hình dung một trạng thái sống đặc biệt. Bài thơ sau đây, theo cảm nhận của cá nhân tôi, thuộc số bài hay trong tập, là bài cho ta hình dung về trạng thái sống đặc biệt, cách cấu tứ và bài trí ngôn từ đặc biệt:
    MÙA THU
   Bao giờ cũng thế
   cần một bầu trời đầy nắng.
   Tôi nhuộm thứ lá vàng nhạt và buồn bã
   mỏng như sợi trăng non
   Tôi loay hoay mãi với bảng màu
   mà chẳng được một màu ưng ý
   Thế là, chạy ra cánh đồng
   tôi hái về dăm bông lúa chín
   thay cho cành cọ, vẽ nắng
   bằng hương lúa thơm ngất ngây...

   Sau đó, tôi vẽ đất
   bằng nét com-pa;
   trên đó có một con đường
   tôi đã đi qua
   cũng có thể tôi chưa hề đặt chân đến đó.
   Nhưng tôi đã vẽ nó
   bằng màu của quê hương;
   bởi Người luôn đi cùng tôi
   lúc tôi cô đơn hay khi tôi hạnh phúc.

   Một lối rẽ bên đường
   men theo thảm cỏ
   bạn sẽ đến một khu vườn
   đầy hoa và cây trái,
   mà tôi đã lấy một ít đất trong vườn
   bôi lên bức tranh.

   Tôi thả vào những chiếc lá
   Lá xanh - vẽ bằng khoảng trời
   lá vàng - vẽ bằng vạt nắng
   vẫn còn phảng phất từ bông lúa.
   Nhưng chúng vẫn thiếu thứ gì đó
   nên tôi đã pha thêm
   một ít quá khứ vào những chiếc lá rụng
   hiện tại vào những chiếc lá đang rơi
   tương lai vào những chiếc lá đang vui đùa trong nắng.
   tôi vẽ thêm một tiếng chim
   bằng làn gió thoảng.

   Và bạn bước vào
   cánh cổng dệt bằng những sợi tơ óng vàng
   nó chẳng bao giờ đóng cả.
   Trước mắt bạn
   ngôi nhà của tôi xây bằng cát biển
   thứ mà tôi đã dựng lên những toà lâu đài.
   Có thể nó sẽ nhanh chóng tan vào sóng
   nhưng tôi đã xây
   mà chẳng bao giờ xong
   suốt cả tuổi thơ mình.

   Cứ chầm chậm thôi
   bạn đi dạo một vòng
   rồi dừng chân bên khung cửa sổ
   cửa sổ nhìn ra khu vườn.
   - Qua ô cửa vẫn còn hé mở
   bạn có nghe mùa thu hát
   trong cây đàn Guitar của tôi?
         Bài thơ như một lời tự tình với cấu tứ khá chặt. Cũng là vẽ quê hương, nhưng ở đây “hoạ sĩ” đã tiến hành việc tạo nên bức tranh bằng những kết hợp thực với phi thực, vô thanh với hữu thanh, vô hình với hữu hình. Thế giới ấy được kiến tạo bằng những liên tưởng, tưởng tượng, so sánh độc đáo: bầu trời đầy nắng được “vẽ” bằng cách nhuộm thứ lá vàng nhạt và buồn bã “mỏng như sợi trăng non”, vẽ nắng, bằng hương lúa chín; lá vàng vẽ bằng vạt nắng, lá xanh vẽ bằng khoảng trời, màu của lá được tô điểm, được nhấn mạnh bằng một ít quá khứ, một ít hiện tại, một chút tương lai vào các “định dạng” lá khác nhau; cánh cổng được dệt bằng những sợi tơ óng vàng; vẽ tiếng chim bằng làn gió thoảng... Tất cả được vẽ bằng những hành động kì lạ, với một đam mê kì lạ. Cuối cùng, tất cả đó là mùa thu và lại được biểu hiện trong tiếng đàn guitar. Có thể thấy, bài thơ là sự kết hợp độc đáo của ngôn ngữ, sắc màu và âm thanh, của thi ca, nhạc, hoạ. Và trên hết, người đọc có thể thấy ở đấy một tấm lòng nhẫn nại, nhân hậu và rộng mở.
         Có điều gì đó luôn chênh chao trong thế giới trữ tình của Trần Khoa Văn. Phải chăng, bởi thế giới ấy là thế giới của những thứ luôn chuyển động, dễ biến hình? Thậm chí có thể nói là một thế giới không rõ hình hài. Thế giới của thơ Trần Khoa Văn là thế giới của mây, gió, và sương, và nước, và nắng... đầy xúc cảm và dễ tổn thương. Tất cả hợp lại thành thế giới của mùa, đều là những thứ chúng ta có thể nhắc đến có thể hình dung, nhưng chẳng thể nắm bắt. Bước vào thơ Trần Khoa Văn, vậy là, bước vào một thế giới của phiêu diêu. Không thể hy vọng ở tập thơ này những lát cắt nhanh, mạnh mặc dù vẫn có thể nhìn thấy ở đó những liên tưởng, tưởng tượng bất ngờ:
   Những làn gió ban mai
   mải mê pha ánh nắng tinh khôi
   vào những dải sương mù
   ôm ngang đỉnh núi
   thành thứ rượu nồng nàn.
                                 (Sáng trung du)
       Có những câu thơ mang dáng dấp siêu thực, dù tôi biết hẳn người viết không cố ý làm cho ra vẻ. Cái siêu thực toát lên từ chuỗi hình ảnh vốn rất bình dị:
   Phố nhạt nhoà khung cửa
   hơi sương tan làn mi
                                 (Khúc mưa)
Người ta có thể thấy ở đó nhiều cái da diết, hờ hững...
Đây là vẻ đẹp thiếu nữ qua con mắt thi sĩ:
   Ôm vai mềm mảnh mai dấu giáng
   Hôn đôi môi chông chênh dấu thăng
   Xanh xanh toả hương suối tóc

   Em dịu dàng gam thứ
                                 (Tình khúc)
         Đoạn thơ là sự mô tả vẻ đẹp thân thể bằng các kí hiệu âm nhạc. Phải có một lòng đắm say đến độ, và phải có một tấm lòng quan sát vô cùng lãng tử. Vấn đề là ở đây dấu bình không xuất hiện. Phụ nữ mà, chỉ có dấu thăng và dấu giáng. Và thực ra, khi mô tả đôi môi dấu thăng thì người thơ cũng đã vẽ nên một loại kết - cấu - môi lập thể.   
        Không hẳn là khác thường nhưng thơ Trần Khoa Văn có một ngôn ngữ ít nhiều khác lạ - thứ ngôn ngữ yêu cầu sự tiếp nhận không thuần tuý lí trí, cũng như những gì tác giả trình bày trong tác phẩm của mình yêu cầu sự tiếp nhận không thuần tuý bằng logic thông thường. Ngôn ngữ ấy đòi hỏi người đọc phải thả lỏng lí trí, để cảm nhận những ý tưởng nhiều khi xuất hiện không phải trong bản thân ngôn ngữ, mà là trong cấu trúc bài thơ, câu thơ, nơi sẽ mở ra những kênh, những kiểu giao tiếp mà chỉ có thể được thiết lập bởi tính chất buông lơi, sự lỏng lẻo, đôi khi nhảy cóc của cấu trúc hình tượng. Đọc thơ Trần Khoa Văn vì thế là bước vào một thế giới của những gợi ý, những khơi gợi mà khó có thể tìm được những cái kết rốt ráo. Ở đời, rốt ráo nào mà chẳng dẫn vào ngõ cụt?
   Rồi một ngày kia
   em không còn niềm vui gặp anh.
   Có gì để gượng gạo nói cười,
   chúng ta tâm sự câu chuyện của hai chiếc ghế…
         Mặc dù qua tập thơ, có thể thấy Trần Khoa Văn đọc nhiều, đi nhiều, biết nhiều, tôi vẫn không chắc anh chàng đã đọc hay chưa Đợi Godot (có người dịch: Trong khi chờ đợi Godot), nhưng tôi thấy hình như thấp thoáng bóng dáng của Samuel Beckett. Và trên tinh thần ấy, câu chuyện mô tả một sự im lặng đáng sợ, gửi đi thông điệp về sự đáng sợ của im lặng. Ở đây ta gặp, không chỉ là một nỗi buồn của sự thất tình thông thường, mà đáng sợ hơn, đấy là sự khủng hoảng về nhận thức - trước hết là trong tình yêu. Hai con người ở đây bị đẩy đến tận cùng của nỗi cô đơn bởi không phải hết yêu, mà là vì sự vô tri khi đối diện nhau, là hình ảnh một thế giới vô tri.
         Thế giới thơ Trần Khoa Văn là thế giới được triển thị bởi những dòng kể chuyện thủ thỉ, nhẹ nhàng, hoặc những sẻ chia rất khẽ. Có hai xu hướng, tôi nghĩ, rất cơ bản trong thơ Việt đương đại (không tính các bài thơ có sự cách tân một cách mạnh mẽ, theo trào lưu hiện đại chủ nghĩa hay hậu hiện đại), thứ nhất: kể một câu chuyện; thứ hai: miêu tả không gian. Trên cái nền của một chuyện kể hoặc một không gian được mô tả, nhà thơ sẽ đi đến khái quát, đúc kết các vấn đề mà anh ta muốn. Trong thơ Trần Khoa Văn, tôi ít thấy kiểu cấu tứ này.
         Như trên đã nói, thơ Trần Khoa Văn không phải là thứ thơ có thể đọc là hiểu ngay theo lối thông thường. Những liên tưởng mơ hồ, những hình ảnh giàu sức gợi và ám ảnh thị giác của sắc màu, sự “vu vơ”, đôi khi nhảy cóc của thơ Văn nhiều khi gây nên những thách đố, những phiền toái nhất định trong tiếp nhận. Có thể thấy tính chất thống nhất trong nội dung phản ánh với hình thức biểu hiện, hay nói đúng hơn, tự nội dung biểu hiện tìm đến hình thức của chính nó. Và hẳn vì thế mà trong thơ Trần Khoa Văn, người ta ít thấy biểu hiện một cách lộ liễu các dấu vết kĩ thuật. Đó là những “lời nói” đôi khi giản dị, chân thành:
   Cả vườn hồng
   tôi xin hái tặng em
   Cả cuộc đời
   xin hoá đá trong đôi mắt đen
   sâu thẳm.
   …
   Để đổi lấy
   hỡi đôi môi xinh đẹp ơi...
   một nụ hôn của em?
      Thì chính sự giản dị đã tự làm nên chiều sâu của nó - chiều sâu của sự khắc khoải.
      Tin vào những suy tư của chính mình, lãng tử, rộng mở và nhân hậu theo cách của chính mình rồi gửi tất cả vào những thi phẩm được viết theo cách của chính mình. Đấy chẳng phải là một cái sống vô cùng đáng sống sao?
L.T.N
 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập31
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm29
  • Hôm nay22,617
  • Tháng hiện tại651,785
  • Tổng lượt truy cập8,699,485
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây