VĂN HIỀN - MỘT NGƯỜI VIẾT ĐÁNG TRÂN TRỌNG

Thứ tư - 10/11/2021 22:32 926 0
VĂN HIỀN - MỘT NGƯỜI VIẾT ĐÁNG TRÂN TRỌNG
VĂN HIỀN - MỘT NGƯỜI VIẾT ĐÁNG TRÂN TRỌNG
        Tôi nghe danh nhà thơ Văn Hiền khi mới là cô nữ sinh học cấp ba của những năm chín mươi thế kỷ trước. Còn nhớ như in, hôm đó, Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An phát phóng sự về chủ đề ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), giữa nghi ngút khói hương của bạt ngàn những nấm mộ liệt sĩ chưa có tên, giọng ngâm da diết của người nghệ sĩ cất lên:
Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh có tên như bao khuôn mặt khác
Mẹ sinh Anh tròn ngày, tròn tháng
Cha đặt tên, chọn tuổi, chọn mùa....                                       
       Cảm xúc thiêng liêng trong tôi vỡ òa. Tôi bật khóc. Bài thơ của ông đã chạm vào tận sâu thẳm trái tim tôi. Chạm vào trái tim của rất rất nhiều người dân Việt Nam yêu nước qua nhiều thế hệ. Lúc đó, tôi đã nghe nhà đài giới thiệu rất rõ ông là nhà báo Văn Hiền - Phó Tổng Biên tập Báo Nghệ An. Trong niềm xúc động, tôi mong có ngày được gặp và trò chuyện cùng ông.
      Sau này, khi trưởng thành, vinh dự được tham gia Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An, cùng chung một mái nhà văn nghệ với ông, đặc biệt là khi tôi làm quản lý tại Nhà xuất bản Nghệ An, thì cơ duyên được gặp gỡ, hàn huyên với nhà báo, nhà thơ Văn Hiền được nhiều hơn.
      Khuôn mặt hiền lành, nụ cười đôn hậu, lối trò chuyện cởi mở, chân tình của Văn Hiền luôn chiếm trọn cảm tình của người đối diện. Là nhà báo kỳ cựu, nhưng với tôi, ông thành danh, để đời hơn vẫn từ thơ và ký.
     Thơ thì rõ rồi, chỉ riêng với bài “Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh” đã đủ ghim tên tuổi Văn Hiền mãi mãi vào bảng vàng thi đàn Việt Nam. Ngoài những bài thơ chủ đề về “cõi thiêng” hết sức xúc động, được bạn bè văn nghệ sĩ thân mật gọi “Người thắp lửa ru hồn liệt sĩ”, thơ Văn Hiền còn rất tinh tế và phong phú bởi nhiều đề tài. Cứ rủ rỉ, rủ rì, cứ mộc mạc dân dã, chân quê nhưng độ cay, độ sâu, độ tinh và cả độ ngọt trong thơ ông cũng đủ sức... đốn tim người đọc.
    Ở một thể loại văn học khác mà Văn Hiền cũng rất thành công, đó là ký. Từ đề tài chiến tranh, thời bao cấp, đến nhân vật nổi tiếng, nhân vật đời thường,... khi bước chân vào những bài ký của Văn Hiền đều trở nên sinh động, đa sắc, đa âm.... Đọc ký của ông, ta có cảm giác như đang xem một bộ phim tài liệu hấp dẫn bởi lớp lớp hình ảnh, ngồn ngộn âm thanh,... được tác giả sắp đặt, cài xếp hết sức tài tình và tự nhiên.
     Một điểm hết sức đáng nhớ trong ký của Văn Hiền là câu chữ. Cách nhả chữ của ông khá độc đáo. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cảm xúc và ngôn ngữ phong phú đã khiến ngòi bút Văn Hiền  “nhả” ra những chữ thật đắt, thật độc đáo, góp phần lôi cuốn độc giả, tạo được dấu ấn rất riêng biệt.
     Trở lại với cuốn sách này - Xứ mình đất ngọt, ngay từ cái tên đã hút người đọc rồi. Xứ mình - Nghệ An, vùng đất chịu nhiều sự khốc liệt của thiên nhiên. Đất và người xứ mình quanh năm quăng quật với bão lũ, nắng hạn, với chồng chất thử thách. Xứ mình vẫn còn đó rất nhiều khó khăn. Nhưng, bằng trách nhiệm và niềm tin, cao hơn nữa là tình yêu quê của người cầm bút, Văn Hiền đã hướng độc giả tìm thấy mạch ngầm... ngọt lịm. Trên mỗi vùng đất ông đi qua, những con người ông đã gặp và “bưng”, “đặt” vào cuốn sách này đều lấp lánh những nét đẹp đặc trưng của... xứ mình.
     Năm nay, nhà báo, nhà thơ Văn Hiền đã ngoài 70 tuổi, thế nhưng ông vẫn còn lắm dự định đắm say với nghiệp viết. “Cứ tưởng trình làng được mấy cuốn: Nguyễn Ái Quốc - nhà báo không thẻ, Đường tới Truông Bồn huyền thoại, Miền mây trắng, Dáng đứng dưới tầm bom, Xứ mình đất ngọt,... là xong. Nhưng vẫn còn nợ phà Bến Thủy, Cấu Cấm,.. những năm chống Mỹ một cuốn sách sinh động và chân thực. Chưa viết xong, mình thực sự chưa thấy thảnh thơi...”. Ấy là tâm nguyện của ông - một người viết đầy trách nhiệm với nghề. Tôi và bạn đọc chỉ biết khích lệ và cùng chờ mong những bản thảo mới của ông.
    Còn bây giờ, chúng ta cùng bước vào Xứ mình đất ngọt.
    Trân trọng lắm thay!
                                                                                                                                 Bùi Ngọc
                                                                                        (Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Nghệ An)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây