QUỲNH LƯU - DẤU ẤN VÀ KHÁT VỌNG PHÁT TRIỂN

Thứ tư - 22/03/2023 21:41 1.174 0
Ngày 25/3/2023, huyện Quỳnh Lưu sẽ long trọng tổ chức Lễ công bố huyện đạt chuẩn nông thôn mới và khai trương mùa du lịch biển năm 2023. Nhân dịp này, Nhà xuất bản Nghệ An phối hợp với Trung tâm KHXH&NV Nghệ An xuất bản cuốn sách song ngữ Việt - Anh “Quỳnh Lưu - Dấu ấn và khát vọng phát triển”. Sách được biên soạn công phu, trình bày đẹp mắt, chắc chắn sẽ trở thành ấn phẩm tuyên truyền, quảng bá hiệu quả đối với nhân dân trong và ngoài tỉnh, cùng du khách quốc tế. Nhà xuất bản xin trân trọng giới thiệu Lời mở đầu của ông Hoàng Văn Bộ - Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu để độc giả hiểu thêm về cuốn sách.
QUỲNH LƯU - DẤU ẤN VÀ KHÁT VỌNG PHÁT TRIỂN
LỜI MỞ ĐẦU
       Nằm trên đường thiên lý Bắc Nam của nước Việt, từ xa xưa, mảnh đất Quỳnh Lưu đã được biết đến như một địa chỉ quy tụ những yếu tố đặc sắc, kỳ thú về tự nhiên, lịch sử và nhân văn. Nơi đây cũng được xem là một trong những cái nôi của người Việt cổ. Tuy nhiên, để có tên gọi “Quỳnh Lưu” thì phải trải qua một chặng đường dài, với rất nhiều biến thiên của lịch sử. Tháng 3 năm Kỷ Sửu, năm thứ 10 niên hiệu Quang Thuận (1469), Vua Lê Thánh Tông định bản đồ trong nước, đặt 12 thừa tuyên, trong đó, thừa tuyên Nghệ An quản lĩnh 8 phủ, 18 huyện, 2 châu. Phủ Diễn Châu quản lĩnh 2 huyện Đông Thành và Quỳnh Lưu. Tên gọi “Quỳnh Lưu” được viết bằng chữ Hán là 瓊璢, có nghĩa là tên một loại ngọc quý, chính thức ra đời từ đó.
      Từ mốc thời gian ra đời tên gọi Quỳnh Lưu đến nay, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, Quỳnh Lưu đã trở thành đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc tỉnh Nghệ An. Ngày 3 tháng 4 năm 2013, Chính phủ điều chỉnh địa giới hành chính, tách 9 xã và 1 thị trấn từ Quỳnh Lưu để thành lập thị xã Hoàng Mai. Hiện nay, huyện Quỳnh Lưu có 1 thị trấn và 32 xã trực thuộc.
       Dù tên gọi và địa lý có thay đổi theo chiều dài của lịch sử, nơi đây vẫn giữ nguyên những giá trị bất biến, vĩnh hằng.
      Trước hết, Quỳnh Lưu là một vùng đất cổ, có cư dân sinh sống từ rất lâu đời. Bằng chứng xác tín nhất chính là hệ di chỉ văn hóa Quỳnh Văn. Niên đại văn hoá Quỳnh Văn được xác định ít nhất là ở thời kỳ đồ đá, cách ngày nay khoảng sáu ngàn năm. Cư dân ở Quỳnh Lưu từng sinh sống thành từng bộ lạc ở vùng lõm, đồng lầy dọc bờ biển. Chính bằng sức lao động của mình, những chủ nhân cổ xưa trên mảnh đất Quỳnh Lưu đã “khai thiên lập địa”, chinh phục thiên nhiên, tạo nên một kỳ tích lớn lao là hình thành một vùng đất với cộng đồng dân cư sống tập trung, quây quần, đầm ấm. Vùng đất này cũng vừa là chứng nhân vừa là chủ thể tham gia vào các cuộc kháng chiến chống xâm lược, cùng cả dân tộc giữ vững độc lập và mở mang bờ cõi.
      Không chỉ vậy, Quỳnh Lưu còn là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa. Nơi đây có những tên đất, tên người mà danh tiếng đã trở thành biểu tượng của học hành, đỗ đạt không chỉ của xứ Nghệ. Dân gian có câu “Bắc Hà Hành Thiện, Hoan Diễn Quỳnh Đôi” là để chỉ danh tiếng những vùng đất học, đỗ đạt và thành tài nổi tiếng của cả nước.
      Quỳnh Lưu cũng đã được đánh giá là một vùng kinh tế năng động với nhiều làng nghề nổi danh khắp trong Nam ngoài Bắc, nhất là nghề chế biến hải sản. Những năm sau ngày đất nước thống nhất, Quỳnh Lưu nổi lên như một điển hình của cả nước trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là vùng đất hội tụ nhiều yếu tố để phát triển công nghiệp, dịch vụ, nhất là ngành du lịch với nhiều di tích đền chùa trầm kính, linh thiêng; với bờ biển dài, bãi cát trắng, làn nước trong xanh - những danh thắng đẹp, tự nhiên và thơ mộng… Khai thác và phát huy các điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” của mình, Quỳnh Lưu đã có những bước phát triển khá toàn diện và vững chắc, cơ cấu kinh tế có hợp lý, hài hòa; đời sống của nhân dân được nâng cao... Có thể nói, tinh thần nhân văn, khí phách dũng cảm, bản lĩnh tiên phong, tính năng động, sáng tạo của người Quỳnh Lưu là những giá trị đã được tôi rèn và khẳng định, và cũng là tiền đề hết sức quan trọng để Quỳnh Lưu vững vàng bước vào công cuộc đổi mới. 
      Với sứ mệnh là một trong những địa phương trở thành cực tăng trưởng phía Bắc của tỉnh Nghệ An, chắc chắn Quỳnh Lưu còn phải tiếp tục nỗ lực không ngừng. Đó vừa là thách thức, vừa là động lực để Đảng bộ và Nhân dân huyện Quỳnh Lưu cố gắng, không chỉ phát triển kinh tế - xã hội của huyện mà còn có trách nhiệm cùng với cả tỉnh phấn đấu trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc và của cả nước như Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.
    Để biến kỳ vọng lớn lao đó thành hiện thực, với nội lực là chính, Quỳnh Lưu rất cần có sự đầu tư, hỗ trợ và giúp đỡ từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Cuốn sách này, giống như một lời giới thiệu, một lời mời mộc mạc mà chân thành, để đưa Quỳnh Lưu đến với bạn hữu gần xa và đưa bạn hữu gần xa về với Quỳnh Lưu. Tựa vào lịch sử, hướng tới tương lai, Quỳnh Lưu có khát vọng, có động lực và niềm tin để đi tới.
                                                                          HOÀNG VĂN BỘ
                                                              (Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu)



 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây