NGƯỜI TÙ CÔN ĐẢO - CUỐN SÁCH CHỨA ĐỰNG NHIỀU TƯ LIỆU QUÝ
Thứ ba - 11/04/2023 05:051.1830
Tên khai sinh của ông là Chu Cấp. Trong những năm hoạt động ở chiến trường Mỹ Tho và các tỉnh miền Trung Nam Bộ, đặc biệt trong bốn năm chiến đấu, trải qua bao tra tấn, cực hình ở các nhà tù Cai Lậy, Cái Bè, Ty Cảnh sát Mỹ Tho, Hố Nai, Tổng nha Canh sát Sài Gòn, Khám lớn Chí Hoà và cuối cùng là “địa ngục trần gian” Côn Đảo, ông mang bí danh Chu Thành Nghệ. “Chu” là họ Chu, “Thành” là xã Tràng Thành, huyện Yên Thành, “Nghệ” là Nghệ An. Cái tên Chu Thành Nghệ từng làm cho kẻ thù kính nể, là niềm tự hào, biểu tượng của tinh thần đấu tranh bất khuất trước kẻ thù,...
Cùng với tấm gương hi sinh của nhà giáo, chiến sĩ Lê Thị Bạch Cát (Cửa Lò), tấm gương của Chu Thành Nghệ xuất hiện trên các buổi phát thanh Giáo dục giải phóng, trong các buổi nói chuyện về tình hình giáo dục miền Nam,... truyền cảm hứng cho đội ngũ giáo viên, học sinh, cho nhân dân trong các vùng giải phóng miền Nam. Qua đó, người ta biết được có một nhà giáo trẻ, một hiệu trưởng cấp 2 đầy triển vọng, năm 1965, mới 25 tuổi đã tình nguyện vượt Trường Sơn vào chiến trường Nam Bộ và được phân công về Mỹ Tho xây dựng các trường lớp đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho cách mạng. Và ông đã sống, chiến đấu một cách ngoan cường trong các nhà tù của địch. Nhờ những thắng lợi các cuộc đấu tranh cách mạng của quân dân ta, đầu năm 1974, ông cùng Võ Thị Thắng, Trương Mỹ Hoa,... và nhiều bạn tù Côn Đảo được trao trả ở Lộc Ninh. Trở về chiến khu, ông tham gia đoàn đón tiếp tù nhân chính trị, tham gia tiếp quản thành phố Sài Gòn - Gia Định. Sau năm 1975, ông được giao trách nhiệm Quận uỷ, Uỷ ban nhân dân Quận 1, Trưởng Phòng Giáo dục Quận 1, Phó đoàn chuyên gia giáo dục Việt Nam ở thành phố Phnôm Pênh (Campuchia), Hiệu trưởng Trường Cấp 3 vừa học vừa làm Yên Thành (nay là Trường THPT Phan Thúc Trực),... Ở cương vị nào, ông cũng nêu tấm gương mẫu mực, tận tuỵ, liêm khiết, chí công vô tư, yêu người, yêu nghề. Ông là người mang cả quê hương đi kháng chiến và cũng là người sống thuỷ chung, tình nghĩa với đồng chí, đồng đội, bạn bầu, gia đình, anh em, làng xóm. Chu Thành Nghệ - Chu Cấp, Người tù Côn Đảo tập hợp những bài viết về nhà giáo - chiến sĩ, người tù Côn Đảo được lấy từ các hồi ký của các bạn tù, các báo Trung ương và địa phương và một số kỷ niệm, ghi chép của nhà giáo Chu Cấp. Sách chia làm 2 phần: Phần I. Chu Thành Nghệ - Chu Cấp trong lòng bạn bè; Phần II. Nét chữ - Nết người. Số bài viết về Chu Thành Nghệ - Chu Cấp và những tư liệu về đời hoạt động của ông khá phong phú nhưng do khuôn khổ của cuốn sách, chúng tôi không thể đưa vào hết được. Qua ấn phẩm này, bạn đọc có thể hiểu thêm những đóng góp vẻ vang của một nhà giáo - chiến sĩ, một người tù Côn Đảo cũng như của đội ngũ nhà giáo xứ Nghệ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!