“NĂM XƯA TỈNH NGHỆ THÀNH VINH” -NGUỒN TƯ LIỆU QUÝ VỀ NGHỆ AN
Chủ nhật - 20/12/2020 23:259890
Trước thềm đại lễ 990 năm danh xưng Nghệ An, nhà nghiên cứu Phạm Xuân Cần đã phối hợp với Nhà xuất bản Nghệ An cho ra mắt cuốn sách “Năm xưa tỉnh Nghệ thành Vinh”. Ngay sau khi phát hành, đặc biệt là đêm ra mắt sách tại Book cafe (29/11/2020), cuốn sách đã tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ. Nhà xuất bản Nghệ An xin đăng lại bài viết của thầy Trần Trung Hiếu - giáo viên dạy Sử, Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu để bạn đọc hiểu thêm về cuốn sách quý này:
Trong những năm gần đây, có nhiều công trình nghiên cứu lịch sử, địa chí của tỉnh, huyện, xã và các ngành đã có nhiều cố gắng để ghi lại các sự kiện về đất và người Nghệ An để bảo tồn và phát triển những giá trị lịch sử, văn hóa. Tuy nhiên, dù cố gắng đến mấy thì văn tự vẫn không thay thế được các hình ảnh trực quan. Chính vì vậy, được nhìn lại và chiêm ngưỡng những hình ảnh lâu nay chỉ có trong ký tự, còn trong ký ức của những bậc cao tuổi là một nhu cầu thành thiện của mỗi con người. Nghệ An đang chuẩn bị tổ chức Lễ kỷ niệm 990 năm danh xưng Nghệ An (1030 - 2020) và đón nhận Bằng Di tích Quốc gia đặc biệt đình Hoành Sơn, thì việc cuốn sách Năm xưa tỉnh Nghệ thành Vinh do tác giả Phạm Xuân Cần sưu tầm, xác minh và giới thiệu, Nhà xuất bản Nghệ An ấn hành là một món quà quý. Nội dung của cuốn sách được trình bày theo 6 nhóm vấn đề (Đất nước - Con người; Các công trình văn hóa - Tín ngưỡng; Chính trị; Kinh tế; Đô thị; Văn hóa - Xã hội), dù chưa đầy đủ nhưng rất cơ bản. Người đọc, người xem sẽ bước đầu hình dung được về cảnh sắc thiên nhiên, đất nước, con người, các di sản văn hóa, các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội Nghệ An và đô thị Vinh từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Trong hàng trăm bức ảnh kèm theo xác minh, chú thích từ nhiều nguồn tài liệu, có những bức ảnh xưa nhất chụp năm 1890, cách đây đã 130 năm. Trong phần I (Đất và người), rất nhiều tấm ảnh ghi lại một cách trung thực về miền Tây Nghệ An như Mường Xén, Mường Típ (Kỳ Sơn), Đò Ham (Quỳ Châu) của đồng bào dân tộc Mông, Thái, Thổ,... với các guồng nước, cọn nước, những trang phục của đồng bào, nhảy sạp, những quan tài đóng sẵn để dưới nhà sàn của người Thái, những người thợ săn, các đoàn thám hiểm người Pháp năm 1897... Ở đô thị Vinh, đó là hình ảnh về Bến Thủy, Trường Thi với nhiều nhà máy cưa, diêm, gỗ, điện, sửa chữa xe lửa, ô tô. Ở phần II (Các công trình văn hóa - Tín ngưỡng) có nhiều tấm ảnh về chùa Diệc, Võ Miếu, Văn Miếu, chùa Tạp Phúc, Nhà thờ Cầu Rầm, thành Nghệ An (Vinh); các tu viện, tiểu chủng viện, Tòa Giám mục (Xã Đoài), cầu Khoa Trường bắc qua sông Rào giữa xã Nghi Long và Nghi Xá, đền làng Mai Xá ở xã Nghi Xá (Nghi Lộc)... Đến phần III (Chính trị) có nhiều tấm ảnh vô cùng giá trị ghi lại việc Vua Bảo Đại về Vinh năm 1932 cùng với Toàn quyền Đông Dương, Công sứ Pháp, Tổng đốc Nghệ An, các quan Tây, quan triều Nguyễn, lính khố xanh, khố đỏ,chiếc máy bay đã bắn súng và ném tạc đạn đàn áp phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, các công sở như Dinh Công sứ, Tòa án Dân sự, Trại lính Trường Thi, Trại Giám binh Bến Thủy, Sân bay Trường Thi, huyện đường Nam Đàn, ga Vinh... Ở phần IV (Kinh tế) là rất nhiều hình ảnh vẫn còn trong ký ức người dân Nghệ như Nhà máy xe lửa Trường Thi, Nhà máy điện Bến Thủy, Nhà máy diêm Bến Thủy, cảng Bến Thủy, ga Bến Thủy, cầu gỗ Bến Thủy; vết tích xưa để lại như các công trình đại thủy nông Bắc Nghệ An, Bara Đô Lương, Nam Đàn, Bến Thủy; đập nước Nghi Lộc, Thanh Thủy (Nam Đàn), Thái Sơn (Đô Lương); Đường sắt Hà Nội - Vinh; Chợ Vinh, Hiệu vàng Phú Nguyên và các doanh nhân nổi tiếng như Phú Nguyên, Nguyễn Đức Tư, Vương Đình Châu... Phần V (Đô thị) với nhiều hình ảnh về cảnh quan, cấu trúc đô thị Vinh những thập niên đầu của thế kỷ XX như phố Khách (nay là đường Cao Thắng chạy từ ngã tư chợ Vinh); phố Hàng Gạo (nay là đường Lê Huân); bến Cửa Tiền; Vườn hoa Bưu điện; ga Vinh; Khách sạn Ga; cột đèn Ngã ba Bến Thủy,... và hình ảnh của xe kéo tay, xe ngựa, xe hơi lưu thông ở đô thị Vinh thời ấy. Có cả những tấm ảnh có một không hai chụp sân bay Trường Thi đón phi công bay vòng quanh thế giới. Phần VI (Văn hóa - Xã hội) nổi bật với nhiều tấm ảnh quý chụp sơ đồ của trường Quốc học Vinh, Trường Tiểu học Pháp - Việt, Trường nữ sinh Nguyễn Trường Tộ; các trường tư thục Khuất Như Khôi, Thuận An, Lễ Văn, Chính Hóa; các trường Tiểu học ở Yên Thành; các hoạt động của thầy trò, trường lớp, học bạ; các khóa học sinh với các trang phục cách đây gần 1 thế kỷ. Các cơ sở y tế như Bệnh viện Vinh - khu vực dành cho người bản xứ và cả khu vực dành cho người Âu, Trạm y tế Cầu Giát... Nhiều hoạt động thể thao với các đội bóng đá của Trường Quốc học Vinh, cúp vô địch, giải đua xe đạp. Về phương diện báo chí, ở khu vực Thanh - Nghệ - Tĩnh bấy giờ có 16 tờ báo từng xuất bản, trong đó tờ báo Thanh Nghệ Tĩnh tân văn được ra đời sớm nhất vào tháng 7/1930.
Với cách nhìn nhận của một giáo viên dạy sử, sau khi được tặng và đọc, cuốn sách này là một nguồn sử liệu quý khi nghiên cứu lịch sử Nghệ An cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Tôi đánh giá cao cuốn sách này bởi giá trị của thông tin, bởi sự đam mê nghiên cứu, khảo cứu, tìm tòi và trách nhiệm, tấm lòng của một người con xứ Nghệ luôn yêu sử, yêu quê như máu thịt của mình. Phạm Xuân Cần không phải là một nhà sử học nhưng ông đã trăn trở, tìm tòi một cách nghiêm túc, miệt mài để cho ra lò những tác phẩm cho quê hương Nghệ An. Với tôi, ông đã là một nhà sử học, nhà nghiên cứu văn hóa Nghệ. Năm 2015, ông đã cho ra mắt cuốn "Vinh xưa" với gần 100 bức ảnh về đô thị Vinh đầu thế kỷ XX. Ngay sau khi xuất bản, cuốn sách đã được rất nhiều độc giả đón nhận nồng nhiệt, chỉ sau 3 tháng đã tái bản. Vinh xưa cũng đã được tặng giải Đồng "Sách hay" và giải Bạc "Sách đẹp" trong Giải thưởng Sách Việt Nam năm 2016. Từ Vinh xưa năm 2015 đến đầu năm 2020, tác giả Phạm Xuân Cần đã tiếp tục cho ra cuốn Vinh trong ký ức do ông làm chủ biên. Trước thềm Lễ kỷ niệm 990 năm Danh xưng Nghệ An, cuốn Năm xưa tỉnh Nghệ thành Vinh của ông ra lò và hình ảnh về đô thị Vinh, Nghệ An xưa đã được bổ sung thêm hàng trăm bức ảnh có giá trị. Năm xưa tỉnh Nghệ thành Vinh đã rất vinh dự được UBND tỉnh Nghệ An chọn làm quà tặng cho các đại biểu về tham dự Lễ kỷ niệm. Đó là sự đánh giá, ghi nhận khách quan của độc giả, là phần thưởng xứng đáng của lãnh đạo tỉnh nhà cho trí tuệ, tâm huyết của ông với quê hương - điều không phải nhà sử học nào cũng làm được. Với cá nhân tôi, một giáo viên sử thì cuốn sách này là một nguồn tư liệu quý với cách tiếp cận vấn đề mới, giúp người đọc, người xem nhìn nhận lịch sử đã diễn ra cách đây trên dưới một thế kỷ một cách khách quan hơn, toàn diện hơn, trung thực hơn. Hay nói cách khác, những tấm ảnh quý của cuốn sách này chính là những người chép sử bằng các hình ảnh. Đó là một phần của lịch sử xứ Nghệ trong hành trình 990 năm có tên xứ Nghệ trong Quốc sử được khắc trong Mộc bản Triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới.
Trần Trung Hiếu - Giáo viên Sử, Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu - Nghệ An