130 trang đầu dành cho phần nghiên cứu. Chiếm dung lượng chủ yếu của phần này là 3 bài viết về “Khảo cứu một vài vấn đề về nguyên nhân dịch lại Truyện Kiều”; “Bàn về việc dịch Kim Vân Kiều truyện sang tiếng Trung Quốc” và “Phân tích văn hóa thơ đối với Kim Vân Kiều truyện và Chinh Phụ Ngâm khúc”. Phần nghiên cứu nêu rõ nguyên nhân vì sao phải dịch lại Truyện Kiều, những vấn đề khó trong dịch thuật Truyện Kiều. Chỉ rõ những câu thơ trong Truyện Kiều chứa đựng hàm lượng lớn những tinh túy văn hóa, văn học Trung Hoa và khẳng định “Nền tảng của văn hóa dân tộc là động lực bên trong” của sự phát triển thơ ca Việt Nam.
Đi vào chi tiết cụ thể, tác giả Triệu Ngọc Lan dẫn nguồn tư liệu cho rằng: ở Trung Quốc cũng có nhiều quan điểm khác nhau khi đánh giá về Truyện Kiều, trong đó có những đánh giá dẫn đến sự “bất bình” của các học giả Việt Nam. GS. Triệu cũng cho rằng; dịch thơ đã khó, dịch Truyện Kiều sang tiếng Trung Quốc hiện đại càng khó hơn. Để có thể bảo lưu tối đa “hương vị của thi cổ” của nguyên tác mà không chịu ràng buộc quá nhiều, tiện cho việc chuyển tải tình tiết câu chuyện của nguyên tác, tác giả đã chọn thể thơ cổ thể Trung Quốc làm thể chính, bởi nó có thể làm cho bản dịch đạt được yêu cầu cao nhất của sự tiệm cận đến “tín, đạt, nhã”.
- Phần 2 và 3 là nguyên tác Truyện Kiều (bao gồm Việt ngữ và chuyển dịch Hán ngữ), tác giả chọn và sử dụng tác phẩm phiên Nôm Truyện Kiều của học giả Đào Duy Anh và chuyển dịch thành công 3.254 câu thơ Nôm sang thơ tiếng Trung Quốc hiện đại với dung lượng tương ứng, lấy nhan đề là Kim Vân Kiều truyện.
Cùng với phần nội dung, cuốn sách cũng giới thiệu với bạn đọc 26 bức tranh vẽ về Truyện Kiều của cố họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm và họa sĩ Nguyễn Thọ Tường, do họa sĩ Trần Hậu Yên Thế sưu tầm và cung cấp.
Sách do Ban Quản lý di tích Nguyễn Du và Nhà Xuất bản Nghệ An liên kết xuất bản năm 2020.
Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.
Nguyễn Dương Đức