“ĐA DẠNG SINH HỌC ĐẢO MẮT, ĐẢO NGƯ VÀ VÙNG BIỂN VEN BỜ TỈNH NGHỆ AN” - CUỐN SÁCH GÓP PHẦN BẢO VỆ SỰ ĐA DẠNG SINH HỌC VÀ SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN VÙNG BIỂN NGHỆ AN MỘT CÁCH HỢP LÝ

Thứ năm - 24/12/2020 21:30 3.191 0
Cùng với các hệ sinh thái đa dạng ở trên cạn, hệ sinh thái rừng ngập mặn, vùng ven bờ và hai đảo Mắt, đảo Ngư của Nghệ An được xem là có tính đa dạng sinh học cao với các khu hệ loài đặc trưng và quý hiếm, có giá trị bảo tồn.
“ĐA DẠNG SINH HỌC ĐẢO MẮT, ĐẢO NGƯ VÀ VÙNG BIỂN VEN BỜ TỈNH NGHỆ AN” - CUỐN SÁCH GÓP PHẦN BẢO VỆ SỰ ĐA DẠNG SINH HỌC VÀ SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN VÙNG BIỂN NGHỆ AN MỘT CÁCH HỢP LÝ
     Kết quả của các nhà nghiên cứu đã xác định được thảm động thực vật đa dạng tại vùng biển xung quanh đảo Ngư và đảo Mắt (Nghệ An) có tới 152 loài động vật đáy, thuộc 51 họ, 15 bộ, 4 ngành; vùng biển xung quanh đảo Mắt với 118 loài, thuộc 43 họ, 15 bộ; đã tìm thấy 99 loài, 41 họ, 13 bộ ở vùng biển xung quanh đảo Ngư và 100 loài, 30 họ, 8 bộ ở vùng biển xung quanh đảo Mắt. Hệ thực vật được định danh có 77 loài, 41 họ, thuộc 3 ngành. Hệ động vật được xác định có 56 thuộc 22 họ, 8 bộ, 5 lớp và 144 loài thuỷ sinh có giá trị kinh tế, trong đó có 70 loài cá, 16 loài giáp xác, 28 loài động vật thân mềm, một số loài có giá trị kinh tế cao như vẹm xanh, sò huyết, sò lông, hàu cửa sông, ngán, ngao dầu, mực ống, mực nang, don…
     Tuy nhiên, công tác bảo tồn đa dạng sinh học biển ở Nghệ An hiện vẫn phải đối mặt không ít khó khăn, thách thức do việc quản lý đánh bắt kém hiệu quả, đang dẫn tới việc khai thác thủy sản quá mức ở nhiều vùng nước, làm suy giảm tổng lượng đánh bắt. Thêm vào đó, trong những năm gần đây, việc tự ý chuyển đổi diện tích vùng ngập mặn đã được quy hoạch cho đất lâm nghiệp sang mục đích khác; khai thác, sử dụng đất ngập nước một cách ồ ạt, thiếu quy hoạch; ô nhiễm môi trường ở mức báo động... đã có tác động rất lớn, làm suy giảm nghiêm trọng đa dạng sinh học vùng biển ven bờ và ở đảo Mắt, đảo Ngư. Đây là một hồi chuông báo động, nếu không có các biện pháp quyết liệt và thẳng tay, thì trong thời gian tới, có một số loài quý hiếm sẽ biến mất.

     

img 9119


Vì vậy, vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay là cần có kế hoạch bảo vệ đa dạng sinh học đảo Mắt, đảo Ngư và vùng biển ven bờ ở tỉnh Nghệ An. Nhận thức được tầm quan trọng đó, nhóm tác giả: TS. Nguyễn Anh Dũng, TS Lê Minh Hải, ThS. Hoàng Xuân Trường (Đồng chủ biên), TS Lê Minh Khoa, ThS. Hoàng Nghĩa Nhạc đã biên soạn cuốn Đa dạng sinh học đảo Mắt, đảo Ngư và vùng biển ven bờ tỉnh Nghệ An. Sách nằm trong danh mục đặt hàng UBND tỉnh năm 2020, và được Nhà xuất bản Nghệ An phát hành trong quý IV/2020. Sách dày 144 trang, phụ bản 56 trang màu giới thiệu một số loài động thực vật, khổ 20x28cm. Ngoài Lời nói đầu, nội dung chính của sách được chia làm 4 chương: Chương 1: Một vài đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội vùng ven biển tỉnh Nghệ An. Chương 2:Đối tượng, vật liệu, nội dung và phương pháp nghiên cứu. Chương 3: Đa dạng sinh học đảo Mắt, đảo Ngư và vùng biển ven bờ Nghệ An. Chương 4: Bảo vệ đa dạng sinh học Đảo Mắt, đảo Ngư và biển ven bờ Nghệ An.

     Cuốn sách Đa dạng sinh học đảo Ngư, đảo Mắt và biển ven bờ tỉnh Nghệ An là cuốn sách được tổng hợp tương đối đầy đủ các dữ liệu khoa học liên quan đến đa dạng sinh học đã được nghiên cứu, thống kê từ trước đến nay. Qua đó, hiện trạng về đa dạng sinh học và công tác quản lý đa dạng sinh học nơi đây được đánh giá khá đầy đủ; đồng thời, các tác giả đã nêu các giải pháp, biện pháp nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học một cách bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Nghệ An trong thời gian tới.
     Nhà xuất bản Nghệ An xin trân trọng giới thiệu!
                                                                          Phạm Ngọc Chi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây