“BÀ ĐỠ” CỦA CHÚNG TÔI

Thứ sáu - 20/09/2024 04:18 606 0
       Tháng 7 năm 2003, lần đầu tiên Câu lạc bộ Văn học Nghệ thuật (VHNT) huyện Quỳ Hợp ra mắt bạn đọc tập san Văn hoá Văn nghệ Quỳ Hợp (tập 1). Với cương vị là Chủ nhiệm Câu lạc bộ và phụ trách biên tập, sau khi tập hợp bài của anh chị em, tôi đã xem kỹ nội dung và trình Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Quỳ Hợp.
      Được Ban Tuyên giáo Huyện uỷ phê duyệt, tôi hăm hở “ôm” tập bản thảo nặng trĩu xuống thành phố Vinh, đến tận Nhà xuất bản (NXB) Nghệ An, lúc bấy giờ là số 39, đường Lê Hồng Phong để làm thủ tục cấp phép in ấn. Lúc này, hoạ sĩ Vũ Hải đang làm Giám đốc. Nhìn tập bản thảo của chúng tôi, anh cười và nhẹ nhàng bảo: “Trời đất ơi! Sao các anh lại biên tập bản thảo như thế này?”. Mắt chữ O miệng chữ A, tôi vừa ngạc nhiên, vừa ngượng ngùng đáp: “Thì chúng tôi có biết gì đâu, cứ tưởng tập hợp bài viết của anh em lại, xem qua, cảm thấy được thì trình Ban Tuyên giáo huyện, họ gật đầu, và thế là chúng tôi đem xuống các anh cấp phép để in thôi. Có gì không phải, xin nhờ các anh chỉ bảo cho ạ!”. Vẫn nụ cười hiền, anh Vũ Hải ôn tồn: “Các anh phải đánh máy bản thảo, in ra trên giấy A4, chứ ai lại viết tay vào giấy đủ loại kích cỡ như thế này. Nói anh đừng tự ái, chứ làm một mớ hổ lốn như vậy, anh chị em chúng tôi biên tập sao nổi? Tôi mới chỉ nhìn thôi đã thấy hoa cả mắt rồi”. Hiểu ra vấn đề, tôi ngại ngùng: “Thú thực với anh, Câu lạc bộ chúng tôi mới được thành lập từ tháng Ba năm nay thôi. Và đây là lần đầu tiên chúng tôi làm tập san nên có biết “mô tê” gì đâu!”. Anh cười: “Còn “trẻ” nhỉ?”. Tôi ngượng nghịu: “Vâng, công việc thì trẻ mà người thì tóc bạc hết rồi anh ạ! Có gì mong các anh giúp đỡ!”. “Thôi được rồi, tôi sẽ động viên anh chị em biên tập chịu khó đánh máy lại và biên tập chuẩn chỉnh bản thảo cho các anh. Nhưng từ tập sau, các anh phải nhớ đánh máy bản thảo nhé, đồng thời sắp xếp, thống nhất thứ tự, bố cục nội dung luôn. Như thế, chúng tôi mới thực hiện đúng ý tưởng của các anh được. Hơn nữa, mỗi ngày chúng tôi thực hiện hàng chục đầu sách, nếu bản thảo nào cũng tình trạng như thế này thì…”. Anh Hải bỏ lửng câu nói, rồi lại tiếp: “Hôm nào chúng tôi hoàn thành “bản bông” thì các anh phải cho người xuống cùng đọc mo-rát” đấy nhé, để thống nhất nội dung luôn!”. Tôi phát hoảng: “Đọc mo-rát” là đọc gì thế anh?”, Anh cười: “À, là đọc lại bản thảo mà chúng tôi đã biên tập và mi trang”. Lúc đó, các anh xuống kiểm tra lại xem như vậy đã được chưa, có lỗi gì nữa không,.. Sau khi các anh đã xem đồng ý với bản bông cuối” của NXB thì chúng tôi mới cho in”.
       Đây là lần đầu tiên trong đời tôi được tiếp xúc với các thuật ngữ của NXB như: “bản bông, mi trang, mo-rát,…
      Tôi gật đầu lia lịa và cảm ơn anh rối rít. Bắt tay tôi thật chặt, anh Vũ Hải khiêm tốn trả lời: “Lời cảm ơn anh này của các anh, tôi sẽ gửi lại cho đội ngũ biên tập. Chắc chắn họ sẽ vất vả vì tập san của các anh đấy!”.
       Thú thực, đây là lần đầu tiên tôi “lên tỉnh” để làm một việc mà tôi cho là lớn lao” nên thực sự tôi rất run (và cả… ngượng ngùng nữa). Chẳng dám gặp ai, tôi vội vã bắt xe ra về.
       Một tháng sau, chúng tôi nhận được tập san “Văn hoá Văn nghệ Quỳ Hợp”, tập 1.
Cầm trên tay “đứa con đầu lòng” của Câu lạc bộ, chúng tôi sướng đến mê người. Không riêng gì anh chị em trong Ban Chủ nhiệm, các tác giả, mà lãnh đạo huyện Quỳ Hợp cũng rất hài lòng vì tập đầu tiên của “Văn hoá Văn nghệ Quỳ Hợp” được biên tập cẩn thận, chỉn chu, trình bày khoa học, đẹp mắt, trang nhã.
       Thực sự lúc đó, trong đầu tôi diễn ra một phép so sánh: Một đống bản thảo viết tay lô xô, luộm thuộm,… ban đầu với một tập san hoàn hảo, bắt mắt hôm nay chẳng khác gì một cô gái nhiều khuyết điểm, sau khi trải qua một cuộc “đại phẫu” đã trở nên xinh đẹp, duyên dáng lạ kỳ! Những câu văn ngô nghê, vụng về,… của các tác giả không chuyên là chúng tôi đã được Ban Biên tập sửa sang chỉn chu, hấp dẫn hơn rất nhiều. Cách sắp xếp, bố cục, lắp ghép hình ảnh cũng chuẩn chỉnh, hợp lý. Nói chung là… hơn ngàn lần sự mong đợi!
        Từ đó, cứ thế, mỗi năm 3 đến 4 lần, được sự giúp đỡ tận tình và chu đáo của anh chị em NXB Nghệ An, tập san “Văn hoá Văn nghệ Quỳ Hợp” đều đặn ra mắt bè bạn gần xa, từng bước khẳng định chỗ đứng của mình trong giới văn nghệ tỉnh nhà và cả nước.
 
vo ngoc son 2 1
        Năm 2007, thật vinh dự, tôi là tác giả đầu tiên của huyện Quỳ Hợp được Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An kết nạp vào Ban Thơ của Hội.
       Năm 2008, tôi may mắn được Hội cử tham gia trại sáng tác văn học nghệ thuât ở thành phố Đà Lạt. Tại đây, lần đầu tiên tôi gặp “bà đỡ” của “đứa con đầu lòng” mà tôi đã kể trên: Nhà văn Bùi Ngọc. Một điều thú vị là, khi nhìn tên người biên tập: Bùi Ngọc trong sách, tôi cứ tưởng đó là “anh”. Ai dè, lại là một cô gái hơn hai mươi tuổi, trông rất hồn nhiên, nhí nhảnh, dễ gần.
       Gần 2 tuần cùng nhau tham gia trại sáng tác ở Đà Lạt, qua những lần đi café, dạo phố, trò chuyện văn chương, khi đã có sự thân quen, gần gũi, Bùi Ngọc mới bộc bạch chân thành với tôi: “Cái lần biên tập tập san “Văn hoá Văn nghệ Quỳ Hợp” ấy, vất vả lắm chú ơi! Bản thảo các chú viết trên đủ loại giấy, chữ viết nguệch ngoạc, mắt cháu lại cận, nên nhiều lúc “tẩu hoả nhập ma” thật sự luôn (cười). Rồi cách viết của các tác giả cũng “rất đỗi hồn nhiên”, “nghĩ sao viết vậy”, viết hoa, viết thường, chấm, phẩy,… lung tung phèng cả lên,… Có lúc, trong Ban Biên tập chúng cháu đã chuyền tay nhau nhờ dịch hộ và có bạn đã thốt lên: “Hiểu được… chết liền” (lại cười). Nhưng chỉ sang tập thứ hai, thứ ba là khác hẳn, công nhận các chú “tiến bộ” nhanh thật đấy!”. Nhận lời khen của “cô cháu” Bùi Ngọc, tôi ngượng chín cả người!
        Mới đó mà đã 21 năm trôi qua…
        Chừng ấy năm, Câu lạc bộ Báo chí - Văn nghệ Quỳ Hợp - Chi hội VHNT huyện Quỳ Hợp và NXB Nghệ An luôn đồng hành cùng nhau, chung thuỷ sắt son.
        Từ một cô biên tập viên hồn nhiên, nhí nhảnh, say nghề, yêu nghề (đã từng xui dại tôi…  hái trộm hoa hồng ở hàng rào một ngôi biệt thự trong Đà Lạt), đến nay “cô cháu” ấy đã đảm nhiệm chức vụ Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Nghệ An tròn 8 năm.
        Thú thực, năm 2016, khi hay tin Bùi Ngọc được UBND tỉnh bổ nhiệm chức vụ Giám đốc (nghe nói là Giám đốc NXB trẻ nhất cả nước thời đó), tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì “cô cháu” của mình đã được lãnh đạo tỉnh ghi nhận và tin tưởng giao nhiệm vụ. Nhưng thú thực cũng rất… lo. Tôi biết, lĩnh vực xuất bản rất đặc thù và… khó! Bởi người làm quản lý xuất bản phải có chuyên môn vững, có bản lĩnh chính trị, kinh nghiệm vững vàng và phải giỏi làm… kinh tế. Hơn thế nữa, ở cơ quan NXB Nghệ An, nơi tập trung toàn những người trí thức, nghe đâu cũng…. khá “phức tạp”. Liệu “cô cháu” suốt ngày mê hoa, mê sách ấy có đảm đương nổi không??? Lo là là vậy nhưng tôi vẫn… tin!
        Không phụ niềm kỳ vọng của tôi, 8 năm qua, dưới sự chèo lái của Bùi Ngọc, NXB Nghệ An đã giành được nhiều thành tựu đáng tự hào… Qua trang thông tin của NXB, tôi và các văn nghệ sĩ tỉnh nhà liên tục đón nhận tin vui như: Tập thể NXB hai lần được nhận Cờ thi đua của Chính phủ, cùng rất nhiều các bằng khen, giấy khen của ngành, của tỉnh,… Với riêng cá nhân tôi, tôi không quá bận tâm về những thành tích ấy, điều mà tôi thực sự mừng, ấy là: Sự thay đổi vượt bậc của NXB Nghệ An những năm gần đây: từ cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp, bốn mùa hoa nở, văn hoá công sở chu đáo, tận tình,… Đặc biệt là sự đổi mới trong việc tổ chức các buổi ra mắt, giới thiệu sách,… rất sáng tạo, lôi cuốn công chúng và tạo nên một nét văn hoá rất riêng, rất đẹp,…
 
bia vo ngoc son chuan
 
       Tập san “Văn hoá Văn nghệ Quỳ Hợp” nay đã đổi tên thành tập san “Thung Mây”, 21 năm qua, NXB Nghệ An đã ấn hành cho chúng tôi 55 tập, với số lượng gần 30.000 bản. Ngoài ra, các hội viên của Chi hội VHNT Quỳ Hợp như: tôi, nhà văn Thái Tâm, nhà văn Hồ Nhật Thành, nhà nghiên cứu Sầm Văn Bình, nhà thơ Phan Xuân Thu, nhà thơ Phan Thúc Định, nhà văn Trần Hồng Anh,… đã được NXB Nghệ An tận tình, chu đáo cho ra đời nhiều cuốn sách có giá trị. Thật vui, khi các tác phẩm của chúng tôi được ấn hành ở đây đã đoạt các giải thưởng cao trong và ngoài tỉnh như: Giải thưởng Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (Mùa cỏ - Trần Thị Hồng Anh), Giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương (Bất biến - Võ Ngọc Sơn, Cõi tạm - Nhật Thành),…. và các tác giả như Sầm Văn Bình, Thái Tâm đã được NXB Nghệ An chọn in sách thuộc danh mục đặt hàng của UBND tỉnh,…
 
vo ngoc son 2
       Trong những buổi café mạn đàm, anh chị em văn nghệ sĩ Quỳ Hợp vẫn thường nói với nhau: “Gửi gắm “đứa con tinh thần” của mình cho NXB Nghệ An thực sự yên tâm về mọi mặt, ngoài ra còn rất có duyên với các… giải thưởng!”.
       Những năm gần đây, trong quá trình thực hiện tập san “Thung Mây” hay các đầu sách của cá nhân và bạn bè, tôi có dịp tiếp xúc với đội ngũ biên tập viên trẻ trung của NXB Nghệ An (bằng tuổi “cô cháu” Bùi Ngọc năm xưa) như: Phạm Hằng, Phạm Ngọc Chi, Thanh Yến….; các cán bộ hành chính như: Thanh Tú, Chu Nhung, Thanh Tâm, Phương Thảo,… tôi đều nhận thấy ở họ sự nhiệt tình, lịch thiệp, tận tuỵ, hết mình với công việc,… Phải khẳng định rằng, tập thể NXB Nghệ An bây giờ là một khối đoàn kết, thống nhất, trẻ trung, năng động, hiệu quả, mặc dù phần đa là… nữ.
       Và thực sự, NXB Nghệ An bây giờ đã trở thành địa chỉ tin cậy, ngôi nhà ấm áp của các văn nghệ sĩ tỉnh nhà! Điều này, theo tôi là điều quan trọng nhất!
       Cách đây không lâu, tôi đọc được trên Facebook cá nhân của Giám đốc Bùi Ngọc một bài thơ rất thú vị về Nghề, trong đó có đoạn:
        “… Nghề ạ!
       Có nhiều lần ta đã muốn buông
        Để đi tìm một con đường khác
        Nhưng…
         Không biết Nghề chọn ta
                 hay ta đã chọn Nghề từ kiếp trước
          Nên lại đi…
                  lại đi
         Vì… phía trước…. có người chờ!”
         Không chỉ một người chờ đâu, tôi tin, rất nhiều người đang chờ… các “bà đỡ mát tay, chân tình” của NXB Nghệ An!
 
VÕ NGỌC SƠN
                              Chi hội trưởng Chi hội VHNT huyện Quỳ Hợp
 Quỳ Hợp, ngày 12/9/2024
                              (Nguồn ảnh: Trang thông tin điện tử của NXB Nghệ An)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây