CẢM NHẬN VỀ SÁCH VÀ ĐỌC SÁCH NHÂN NGÀY SÁCH VIỆT NAM 21/4

Thứ sáu - 10/04/2020 22:48 782 0

Thời gian trước chưa lâu, các nhà sách có quy mô lớn, nhỏ khác nhau mọc lên như nấm ở thành phố Vinh. Các nhà sách có tên tuổi như Cảo Thơm, Gia Lai, Thành Vinh, Trí Việt, Stubooks Vinh… tồn tại, cạnh tranh khách hàng với hệ thống các cửa hàng sách của Công ty Phát hành sách Nghệ An, Công ty Thiết bị trường học… Đường Nguyễn Văn Cừ có thời điểm gần như trở thành phố sách thu hút đông đảo bạn đọc bởi những sách hay, truyện tranh cực hot. Song, theo thời gian, các nhà sách dần thu hẹp quy mô, lượng bạn đọc - những người yêu sách, mua sách cũng giảm dần đi. Rõ ràng, sách không thể kham được gánh nặng kim tiền khi nhu cầu đọc và mua của người dân thu hẹp lại.

Việc đọc sách chứ chưa dám bàn đến văn hóa đọc sách thực sự có vấn đề. Ta thử tìm câu trả lời.

Trên truyền hình và trong phim ảnh vẫn thấy người nước ngoài, mà điển hình là người Nhật, người dân các nước Bắc Âu ngồi trên tàu điện ngầm tay vẫn cầm cuốn sách cắm cúi đọc. Ở thành phố mang tên Bác, tờ báo hay còn gọi là nhật trình thường trực trên tay các bác xích lô là “chuyện thường ngày ở huyện” không cần phải nói. Thời gian gần đây, xuất hiện mô hình Đường sách, Phố sách, Hội sách ở Sài Gòn, Hà Nội và cả ở… thành phố Vinh nữa. Phải chăng sách đang trở lại với bạn đọc, phải chăng nhận thức của người dân về sách có sự thay đổi dù đang ở trong thời đại @. Phải chăng cái sự đọc sách hay nói hoa mỹ hơn là văn hóa đọc đang được xã hội tôn vinh. Ta có quyền đặt câu hỏi, ở Nghệ An có hay chưa có văn hóa đọc, nếu có thì đang ở mức độ nào?

Ai cũng biết rằng, trong sự phát triển của đời sống xã hội, cùng với các loại hình thông tin khác, sách có một vai trò rất quan trọng trong việc lưu giữ thông tin, tri thức và từ đó đặt nền móng nhận thức cho sự phát triển của từng cá thể trong xã hội. Các giá trị thông tin mà sách mang lại giúp cho người đọc tiếp cận với tri thức một cách chủ động để từ đó lĩnh hội, xây dựng vốn tri thức qua trí não - bộ lọc của mỗi cá thể áp dụng vào cuộc sống, thúc đẩy xã hội phát triển theo hướng văn minh hơn, bền vững hơn. Vai trò của sách, của việc đọc sách có từ đó và văn hóa đọc có lẽ cũng hình thành từ đó.

Nói riêng trên địa bàn tỉnh Nghệ An, thi thoảng chúng ta bắt gặp các bài viết giới thiệu sách, điểm sách, các cuộc thi tìm hiểu sách, đọc sách trên các phương tiện truyền thông. Dĩ nhiên, đó là những bài viết, những cuộc thi gắn với những chủ đề nhất định và được giới thiệu một cách có chọn loc. Các cuốn sách đó, các cuộc thi đó chưa thể phản ánh được bộ mặt của văn hóa đọc trên đất Nghệ An. Các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị xuất bản, thư viện, phát hành sách,… cũng có các hoạt động, chương trình cụ thể đưa sách về cơ sở, đến với bạn đọc qua các thiết chế văn hóa như Thư viện huyện, phòng đọc sách ở các điểm Bưu điện văn hóa xã, đồn biên phòng và mới đây còn có cả mô hình xe thư viện lưu động của Thư viện tỉnh. Điểm qua như thế mới thấy rằng, Nghệ An đã có rất nhiều cố gắng trong việc giới thiệu sách, đưa sách đến với người đọc. Điều này cũng chứng minh rằng, việc đọc sách, giới thiệu sách không chỉ có ở các thư viện, ở mỗi cá nhân trong những không gian riêng biệt mà đã thực sự lan tỏa đến nhiều nơi, nhiều vùng, bằng nhiều hình thức khác nhau. Tuy hình thức và biện pháp thực hiện khác nhau, động cơ có thể khác nhau nhưng tất cả đều có chung mục đích là mang lại, chuyển tải đến cho người đọc những tri thức, kiến thức cần thiết và bổ ích để từ đó góp phần rèn luyện, bồi dưỡng cho mỗi cá nhân những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống.

Nghệ An là địa phương có nhiều chính sách cụ thể giúp cho việc xuất bản sách, đọc sách phát triển rộng rãi. Tỉnh đã có chính sách trợ giá, đặt hàng để xuất bản những đầu sách có giá trị về mặt nội dung và nghệ thuật nhưng khó bán ở trên thị trường, đã cấp kinh phí mua sách để luân chuyển về hệ thống thư viện huyện và cơ sở. Những cơ chế, chính sách đó bước đầu tạo tiền đề, định hướng cho các đơn vị xây dựng kế hoạch phù hợp để cho việc xuất bản và đọc sách được lan rộng, phát huy có hiệu quả, từ đó, đặt ra yêu cầu cho các đơn vị như nhà xuất bản, Thư viện tỉnh, các công ty phát hành sách,… phải đầu tư để hình thành, xuất bản và trao đổi được sách hay, sách có chất lượng phù hợp với mọi đối tượng, mọi lứa tuổi. Phải thường xuyên có các cuộc thi, cuộc vận động đọc sách, tìm hiểu sách về các địa danh lịch sử, các danh nhân và cần lắm một Tủ sách chuyên đề về văn hóa - con người xứ Nghệ để làm nòng cốt cho phong trào đọc sách.

Vẫn biết rằng việc đọc sách đã có từ rất lâu. Tuy nhiên, đọc sách chưa trở thành một thói quen cần thiết như cơm ăn, nước uống hàng ngày. Chính vì thế, dẫu văn hóa đọc đã có, đã được hình thành nhưng chưa thể nói là phát triển bền vững ở Nghệ An. Để có được một nền tảng văn hóa đọc phát triển cần sự chung sức, chung tay của nhiều cấp, nhiều ngành và hơn hết là ở mỗi cá nhân chúng ta trong việc đọc sách, xuất bản sách và truyền bá tri thức từ sách tới cộng đồng.

Những cuốn sách của Nhà xuất bản Nghệ An ngày đầu mới thành lập

Lãnh đạo Nhà xuất bản Nghệ An đến thăm và trao đổi sách với tác giả đặc biệt - Nguyễn Thị Phương ở huyện Tân Kỳ, Nghệ An

Nguyễn Dương Đức

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây