“CHIỀU NGHIÊNG BÓNG MẸ” ĐỔ VÀO BÓNG CON

Thứ bảy - 27/04/2024 00:10 1.296 0
Sau ba tập thơ đã xuất bản, tháng 4 này, tác giả - nhà thơ Nguyễn Viết Lợi tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc tập thơ thứ 4, “Chiều nghiêng bóng mẹ”, do Nhà xuất bản Nghệ An ấn hành, được trình bày khá trang nhã và bắt mắt, ra đời đúng dịp kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).
anh 1 chieu
 
      Tác giả Nguyễn Viết Lợi là cựu lính xế Trường Sơn, thương binh hạng ¾. Tuy sức khoẻ yếu nhưng khi gặp gỡ, tiếp xúc với nhà thơ, ta thấy sức sống tràn đầy người cựu chiến binh này. Ở Nguyễn Viết Lợi, ta bắt gặp một sự nồng hậu, nhiệt tình và đầy hài hước, thấp thoáng hình ảnh người lái xe Trường Sơn trong bài thơ “Tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật, trong bài hát “Tôi người lái xe” của An Chung,… Và người cựu lính xế Trường Sơn năm xưa, từng “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”, rất yêu thơ và thích làm thơ. Nguyễn Viết Lợi làm thơ từ hồi còn ở chiến trường, nhưng có lẽ hồn thơ trong ông nở rộ nhất khi xuất ngũ và về làm bảo vệ cho Báo Nghệ An. Và Nàng Thơ cũng không phụ lòng ông, trong những năm qua, ông đã nhận được khá nhiều giải thưởng về thơ, cả ở Trung ương lẫn địa phương. Hiện, ông là hội viên Ban Thơ của Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Nghệ An.
anh 2 chieu
Nhà thơ - cựu lính xế Trường Sơn Nguyễn Viết Lợi thăm Trường Sa
      Tập thơ Chiều nghiêng bóng mẹ, theo như lời tác giả Nguyễn Viết Lợi, để dâng lên hương hồn người mẹ kính yêu của mình, gồm 102 bài thơ tương ứng với số tuổi đời của mẹ. Viết về mẹ, nên xuyên suốt Chiều nghiêng bóng mẹ là lời tự sự mộc mạc, đong đầy cảm xúc của tác giả về mẹ, về Làng Sẻ, về nơi những gì thân thương nhất:
“Con lại về dâng đĩa trầu cay
Miếng cau chát thắp hương ngày lễ sóc
Thương bóng mẹ một đời khó nhọc
Đôi vai gầy quảy sớm, gánh trưa”
(Viết ngày giỗ mẹ)
“Mẹ thành ngày xửa ngày xưa
Bạc bời nón lá, che mưa cuộc đời
Mẹ thành cổ tích không lời
An nhiên khuất núi tránh trời bão dông!”
(Cổ tích không lời)
      Giờ mẹ đã thành “ngày xưa”, đã vào “cổ tích”, nhớ mẹ, hình ảnh mẹ luôn sáng ngời trong tâm hồn của nhà thơ Nguyễn Viết Lợi mỗi khi nhớ về. Nhớ về mẹ là nhớ về Làng Sẻ thân thương, về bến đò xưa, về tiếng ru hời, về với rạ rơm,… để rồi:
“Con ngồi vá víu nỗi đau
Cơi trầu giỗ mẹ nhuốm màu nhớ thương”
(Mẹ về năm ấy - mùa đông)
Và: “Tay người xoa dịu nỗi đau
Mẹ là Phật sống nhiệm màu trong ta”
(Phật sống)
      Nói về Chiều nghiêng bóng mẹ, tác giả Nguyễn Viết Lợi đã chia sẻ: “Gom nhặt thời gian, ta kết thành hoài niệm. Để rồi ta chia sớt với nhân duyên. Dẫu thơ ta còn nhiều cát sạn. Cũng đủ để xây nên mái ấm hạnh huyền”. Vâng có lẽ trong mỗi chúng ta, mẹ là quê hương, gia đình, mái ấm,… là tất cả những gì thân thương nhất, nên dù ở độ tuổi nào thì phải vĩnh biệt mẹ cũng đều mang đến cho những đứa con nỗi đau không gì bù đắp nổi: “Quê hương không còn mẹ/Ta thành kẻ bơ vơ” nên tác giả phải: “Ta níu chặt câu thơ/ Níu vào vai áo mẹ”.
       Tác giả Nguyễn Viết Lợi đã thành công khi dựng tượng đài mẹ trong lòng mình bằng những câu thơ da diết và ngập tràn tình yêu thương.
      Chúng tôi mong và tin rằng, Chiều nghiêng bóng mẹ không chỉ mang đến cho độc giả những câu thơ hay chạm được vào trái tim của mỗi người, mà, hơn thế nữa, đó là sự nhắc nhở đối với những người làm con: Ai còn Mẹ, hãy yêu kính Mẹ!
                                                                                                                                             NGỌC CHI


 

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập18
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm13
  • Hôm nay8,444
  • Tháng hiện tại137,901
  • Tổng lượt truy cập9,629,162
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây