“Viết dưới Sakura” là tập thơ đầu tay của Đậu Quốc Trường. Có thể nói, đây chính là những trang nhật ký bằng thơ ca, thể hiện bao cung bậc cảm xúc, những nỗi niềm sâu kín trong quãng thời gian anh sống và làm việc tại Nhật Bản.
Nhà thơ trẻ Đậu Quốc Trường sinh ngày 19/3/1993. Quê cha đất tổ ở Hà Tĩnh, nhưng anh lớn lên tại Đắk Nông, miền đất Tây Nguyên đại ngàn, đầy nắng và gió. Năm tháng qua đi, thanh xuân của anh là những chuyến đi dài, là hành trình mưu sinh nơi đất khách quê người. Chàng trai ấy đã trải lòng mình bằng thi ca, hầu tự nhủ bản thân phải luôn nỗ lực, cố gắng để chinh phục ước mơ, hoài bão,...
Viết dưới Sakura là tập thơ đầu tay của Đậu Quốc Trường. Có thể nói, đây chính là những trang nhật ký bằng thơ ca, thể hiện bao cung bậc cảm xúc, những nỗi niềm sâu kín trong quãng thời gian anh sống và làm việc tại Nhật Bản - đất nước được mệnh danh là “Thủ phủ hoa anh đào”, “Đất nước nước mặt trời mọc”:
Nếu là hoa xin làm hoa anh đào
Nếu là người xin làm người bán dạo thanh xuân
(Viết dưới Sakura)
Nỗi nhớ quê hương luôn canh cánh trong lòng, nhà thơ trẻ mong đợi ngày trở về, sum họp cùng gia đình:
Cuộc sống tha hương, thân viễn xứ
Tinh thần gửi lại chốn Tây Nguyên
Năm năm đằng đẵng chờ xuân đến
Một chuyến bay về với mộc miên
(Muộn phiền)
Nhung nhớ một bóng hồng chốn quê nhà, nhưng dường như anh đang nhớ cả miền quê Đắk Nông:
Đắk Nông mùa này đẹp lắm anh à!
Tháng Tư về, lá non ngoài cửa kính
Trước hiên nhà duyên tình đôi sẻ lạ
Mong anh về ngấn lệ em rung rinh
(Tháng Tư Đắk Nông)
Và với anh, hạnh phúc đơn giản chỉ là:
Tôi chờ gió đông qua
Để môi chúng mình mềm lại
Tôi chờ nắng xuân lên
Để gia đình được đoàn viên
Tôi chờ mùa hạ trắng
Để trở về với tuổi thơ
(Chờ mùa)
Phố núi Gia Nghĩa quá đỗi tươi đẹp trong tâm thức của một người con xa xứ:
Em không nhớ Gia Nghĩa
Điệp vàng rực phố thị
Gót ngà trên bờ nắng
Xuân gạ chớp hàng mi
(Gia Nghĩa nhớ không em?)
Đậu Quốc Trường cảm tác qua nhiều địa danh mà anh từng đến, từng đi qua và từng rung cảm: Kumamoto, Saitama, Ibaraki,... Nỗi nhớ quê hương và những người yêu thương hiện diện qua từng nẻo đường cảm tác của nhà thơ trẻ: Mùa đông xứ Sakura, Viết dưới Sakura, Tạm biệt Kumamoto, Tháng Năm Kagami,...
Đậu Quốc Trường đã phác họa nên bức tranh tươi đẹp của nước bạn bằng góc nhìn khá độc đáo:
Kagami chiều nay trăng lên sớm
Thung lũng rau xanh, cải đổ vàng
Thương em, thương em người thôn nữ
Đất khách bon chen, tuổi lỡ làng...
(Một thoáng Kagami)
Biết ơn đấng sinh thành, nhà thơ trẻ luôn ghi nhớ lời ru, sự che chở thiêng liêng của bố cũng như vòng tay ấm áp của mẹ:
Bài thơ đầu tiên con viết về bố
Là bài thơ con kể về lời ru
Dù bố không hát ru hay như mẹ
Nhưng chính là hy vọng con từng nghe
(Lời ru của bố)
Bằng trái tim hòa nhập, bằng khát vọng cháy bỏng, bằng tình yêu quê hương rộng mở, cây bút trẻ Đậu Quốc Trường đã gieo nên những mầm thơ dung dị, chân phương mà không kém phần trữ tình, lãng mạn khi bước chân vào địa hạt
văn chương.
Trân trọng giới thiệu tác phẩm Viết dưới Sakura của Đậu Quốc Trường đến quý độc giả để cùng thưởng thức và cảm nhận.
Phú Yên, 7/7/2022
Nguyễn Bá Nha
(Cử nhân Việt Nam học -
Chủ tịch Đam Books Media)