“BỐN MÙA” MAN MÁC MỘT MIỀN QUÊ CỦA DƯƠNG TÂM

Thứ năm - 04/08/2022 04:14 874 0
Nhà thơ Dương Tâm (tên thật Dương Trí Tâm) sinh ra và lớn lên bên dòng sông Nhe - một miền quê thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Sau nhiều năm ly hương, tìm vùng đất mới để sinh cơ lập nghiệp, nhưng nỗi nhớ niềm thương về nơi chôn rau cắt rốn luôn canh cánh, da diết trong ông.
sach bon mua
       
Bốn mùa là tập thơ đầu tay được Dương Tâm sáng tác với nhiều hoài cảm, nhớ thương một miền quê xưa yêu dấu. Sông núi quê hương nhà thơ hiện hữu như những bức tranh tuyệt tác: núi Cài, dòng Nghèn, đèo Truông Gió, sông Nhe, Thạch Kim, Bãi Vọt, Chùa Hương, Hồng Lĩnh, Kẻ Treo,... Những địa danh nơi quê hương Can Lộc - Hà Tĩnh đã gắn bó máu thịt suốt cả thời tuổi trẻ được nhà thơ nhắc đến nhiều lần cho vơi bớt niềm yêu. Từ tuổi thơ lảng vảng chợ quê xưa đến thuở biết thương, biết nhớ cô hàng bánh, cứ tìm về trong ký ức, như những thước phim hoài niệm:
            Lều tranh trong chợ ngày xưa
           Bánh đa, bánh đúc rất vừa lòng anh...
                                                (Chợ quê)
Tình yêu trong thơ Dương Tâm rộng nghĩa: yêu kính ông bà, cha mẹ; yêu xóm làng, yêu dòng sông Nhe - nơi thi sĩ cất tiếng khóc chào đời...
             Làng tôi ở tít mù xanh
            Ngọn cau theo gió mơ lành người đi
                                         (Nhớ về làng cũ)
Hay:
            Nhớ thôn Đại Bản ân tình
           Nhớ làng Nhe chợ dáng hình người xưa.
                                        (Quê nhà)
...
Cũng như nhiều người con hiếu thảo khác, hình ảnh sâu sắc nhất của quê hương với nhà thơ Dương Tâm là MẸ, là CHA:
Tác giả đã dành khá nhiều bài thơ để thể hiện công lao trời biển của bậc sinh thành. Cha chính là thần tượng. Là chỗ dựa tinh thần vững chãi. Cha sừng sững như núi cao, như tượng đá được tôn vinh trong lòng người con hiếu:
         Vẫn lặng lẽ đi bên cuộc đời
        Dẫu biết con chẳng còn nhỏ dại
                 Nhưng vẫn hát trên đường... nhẫn nại
                CHA là tượng đài, là cổ tích đời CON.
                                                  (Cha)
Mẹ là sự ngọt ngào như sông Nhe quanh năm xanh mát, là sự tảo tần, nhọc nhằn hôm sớm, hy sinh tất thảy cho các con yêu:
               Mẹ tôi tóc bạc lưng còng
               Một đời tần tảo thờ chồng nuôi con
               Tháng năm làm mẹ héo mòn
                Niềm vui thời cạn nỗi buồn thì sâu...
                                                (Mẹ tôi)
Bên cạnh niềm da diết với quê xưa, tác giả cũng dành những tình cảm thật đáng trân trọng đối với miền đất ông đã dừng chân và tạo lập cuộc sống mới:
                  Thu đến se lạnh ngát mùi hương
                  “Cô vi” vắng khách thoáng ngoài đường
                   Chiều giăng phố núi màu tim tím
                   Đêm chốn Ban Mê bàng bạc sương
                                                (Ban Mê Thuột thu cảm)
Với một người từng trải như Dương Tâm thì quỹ thời gian với ông rất quý báu! Nhà thơ đã có cái nhìn tường tận, cảm nhận hết sức tinh tế về bốn mùa: xuân - hạ - thu - đông...
Khoảnh khắc giao thời, đất trời giao hòa, con người giao cảm, yêu thương:
                       Tây Nguyên đang chuyển giao mùa
                       Nắng vàng rải nhẹ gió lùa tóc mây
                       Bâng khuâng đón hạ triền Tây
                        Nhớ sao dáng ấy vai gầy thon thon
                                                    (Giao mùa)
Mùa xuân không chỉ là dịp báo hiếu tổ tiên, ông bà, cha mẹ mà còn là dịp hội ngộ, xe duyên:
                         Nào mầm chồi nhú xinh xanh
                        Có đôi bướm nhỏ vin cành đung đưa
                                                     (Xuân sớm)
Và cứ mỗi mùa hạ sang, nhà thơ lại bồi hồi:
                   Trưa hè văng vẳng, rầm rầm
                   Tiết trời đã hết mùa xuân sang hè
                                                        (Hạ quê)
Thu vàng chớm ngõ, cũng là lúc buổi xế chiều, nhà thơ nhìn lại chặng đường đã kinh qua những gian truân, khó nhọc. Để rồi chiêm nghiệm:
                    Yêu hoa mới biết thì hoa nở
                     Lòng thấy thương mình lúc lửa tan
                     Nhớ lại thời gian tràn sức sống
                     Giờ nhìn lá rụng lúc thu sang.
                                                            (Thời gian)
Chẳng phải giận hờn tạo hoá, nhà thơ ví mùa đông ảm đạm, buốt giá như cuộc đời người vượt qua giông tố, chinh phục số phận:
                                        Hàng cây đứng bơ vơ
                                        Lão mùa đông gầy guộc
                                        Giơ hai tay gân guốc
                                        Ôm bầu trời xám kia
                                                                   (Mùa đông)
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng viết “Bốn mùa như gió/ Bốn mùa như mây/ Những dòng sông nối đôi tay/ Liền với biển khơi”. Nhà thơ Dương Tâm đã thật sâu sắc khi chọn tên của tập thơ là Bốn mùa. Đó là sự nối tiếp liên hoàn của nhịp thời gian, là quy luật tất yếu của thiên nhiên và đời người... Bốn mùa còn là sự nhắc nhớ chúng ta biết trân quý, sống trọn vẹn vời từng thời khắc thiêng liêng mà cuộc đời đã ưu ái ban tặng.
Xin được chúc mừng và trân trọng giới thiệu tác phẩm Bốn mùa của nhà thơ Dương Tâm đến quý độc giả gần xa!
Phú Yên, ngày 21/6/2022
Bá Nha
(Cử nhân Việt Nam học - Chủ tịch Đam Books)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây