“Tựa vào thời gian” là tập sách đầu tay của tác giả Võ Thị Thu Hương do Nhà xuất bản Nghệ An ấn hành vào đầu tháng 3/2025, gồm 34 tản văn viết về thời thơ ấu, về cái làng Sen yêu dấu của chị, về bà, về bố, về mẹ, về những gì chị nâng niu, yêu quý, giữ gìn trong tim mình.

Từng là cô nữ sinh chuyên Văn của Trường chuyên Phan Bội Châu, sau này là cô giáo dạy Văn, tình yêu văn chương đã theo Võ Thị Thu Hương từ thời hoa niên cho đến bây giờ. Tình yêu ấy được nuôi dưỡng và ngày càng sâu đậm trong chị, thôi thúc chị cầm bút, viết cho mình và viết cho người. Để rồi đến một ngày, “tựa vào thời gian” chị gom góp bao nhiêu yêu thương ấy làm thành cuốn sách nhỏ, giới thiệu đến mọi người. “Dẫu biết thời gian vô thường, mong manh là thế. Tôi vẫn không ngừng ước có đôi cánh để bay về quê xưa. Tựa lưng vào những bờ bến năm nao, nghe mùi thời gian nồng ấm yêu thương vỗ về nâng giấc” (Mùi thời gian).
Xuyên suốt trong “Tựa vào thời gian” là nỗi nhớ, khi dịu dàng, khi mãnh liệt, một nỗi nhớ “vàng thơm như nắng”. Nỗi nhớ đưa Võ Thị Thu Hương trở về lại cái làng nhỏ bé nằm bên dòng sông Con “xào xạc lau sậy”, nơi có tuổi thơ êm đềm, có cánh cò, cánh vạc xao xác khi chiều buông. Trong muôn vàn nỗi nhớ được gọi tên, lời ru là nỗi nhớ thương khắc khoải nhất, bởi lời ru có bóng dáng bà, dáng mẹ, giữ cho tâm hồn những đứa con rời xa làng được yên bình qua sóng gió cuộc đời: “Lời ru nau náu dưới mái tranh xập xệ, điệu ru nhẹ nhàng mà day dứt, tủi hờn mà không nỡ kêu than dù phận đàn bà vô duyên lỡ dở đò chiều. Lời ru như điểm tựa, như sợi dây giữ con thuyền mỏng manh neo lại bến bờ trong cơn gió đập sóng dồi” (Phù sa ngọt lịm tiếng à ơi).
Từ những nỗi nhớ không tên và có tên, Võ Thị Thu Hương đưa người đọc trôi vào miền ký ức, đồng cảm với chị trong từng câu chữ. Và chợt nhận ra rằng, ai trong chúng ta cũng có cho riêng mình một phần ký ức mà khi nhớ về đều thổn thức trong tim. “Tựa vào thời gian” là ký ức, là kỷ niệm của tác giả mà sao người đọc thấy như thấp thoáng có tuổi thơ mình trong đó, thế là rưng rưng, thế là bao nhiêu cảm xúc ùa về. Tôi cũng như tác giả “thèm quá” “khao khát quá” “những dung dị yên bình” của “chốn quê xưa”.
Tản văn của Võ Thị Thu Hương làm người đọc thấy dễ chịu bởi những câu chuyện nhỏ bé, dịu dàng chứa đựng trong đó những triết lý nhẹ nhàng, sâu sắc (Đèn thương nhớ ai, Lạc bước giữa mùa sen,…). Viết về những gì đã qua, chị chọn lối dẫn chuyện nhẹ nhàng, bình dị, viết về những điều nhỏ nhặt nhất, bởi theo chị: “Những hơn thiệt nhỏ nhen, những cơn mơ phù phiếm,… tôi cũng dần lãng quên buông bỏ. Chỉ giữ cho mình bao điều giản đơn kỳ diệu, giữ nụ cười đọng lại ở bờ môi. Để nẻo thu về không nặng trĩu ưu tư, để thu không buồn như bước chân trên lá vàng khô của con nai vàng ngơ ngác…” (Những nẻo thu vơi đầy thương nhớ); “Cữ giêng hai đẹp và kỳ lạ xiết bao! Giêng hai xoa dịu hồn ta bằng vẻ đẹp, bằng hương thơm và sắc màu của cây cỏ mùa xuân. Bởi thế, trái tim ta đâu có chỗ cho ưu phiền, hay ngậm ngùi tiếc nuối. Bởi thế, chỉ cần ngắm một cành mai vàng trong khoảnh khắc muộn màng của mùa xuân. Ta lại khát khao yêu thương, lại khát khao hy vọng, lại thấy tuổi thanh xuân chợt ùa về như mới hôm qua” (Bình minh trên cánh đồng xuân).
Có một sự trùng hợp tôi cho là xuất phát từ tình cảm dâng trào trong lòng tác giả “Tựa vào thời gian”. Đó là trong bất cứ bài tản văn nào trong tập này, dù viết về bến sống quê, bông hoa chua me hay đêm trăng, mùa vàng thì người đọc đều thấy thấp thoáng bóng dáng người mẹ tảo tần, chịu thương chịu khó của chị. Hình ảnh mẹ tràn đầy, bao trùm toàn bộ ký ức của Võ Thị Thu Hương, khiến chị làm gì, nghĩ đến cái gì cũng liên tưởng ngay đến mẹ mình: “Tôi lại nhớ dáng mẹ đến xót xa! Nhớ những tháng năm lặn lội thân cò, nhớ gánh mẹ nặng vai tảo tần, đi qua ngày đông tháng giá. Trải dài trong miên man hoài niệm, tôi có cảm giác mẹ vẫn ở bên mình” (Tảo tần gánh mẹ).
“Dẫu biết đời người mấy ai may mắn không phải là một kiếp dã tràng cứ xây lại đổ. Chợt nghĩ hạnh phúc quá mong manh ngắn ngủi nên phải yêu thương trân quý từ những điều giản dị gần gũi bên ta” (Bình minh trên biển hạ). Hóa ra, những thứ chạm được đến trái tim không cần gì to tát, cao siêu, càng giản dị lại càng dễ rung động. Qua “Tựa vào thời gian”, thấy một cuộc đời khác hiện ra qua từng trang giấy, nhắn nhủ cuộc đời nên sống chậm lại, tận hưởng những phút giây của cuộc sống, biết trân quý những điều đã qua, thấy được vẻ đẹp từ những gì bình dị nhất.
Gấp trang sách lại, trong tôi một cảm giác bồi hồi, hóa ra những gì đã qua vẫn luôn ở trong trái tim mình, chỉ là cuộc sống này vội vã quá ta ngỡ như đã quên nhưng thực ra vẫn luôn ở đó, chỉ cần chạm khẽ là bao nhiêu ký ức ùa về. Cảm ơn tác giả Võ Thị Thu Hương với giọng văn ấm áp, mộc mạc như đang thủ thỉ kể cho người đọc nghe câu chuyện của mình, đưa người đọc lạc vào miền nhớ, một miền nhớ vô cùng đáng yêu.
Ngọc Chi