VĂN HỌC NGHỆ THUẬT YÊN THÀNH NHƯ LÀ MỘT HIỆN TƯỢNG ĐẶC SẮC CẤP HUYỆN CỦA NGHỆ AN VÀ CẢ NƯỚC

Thứ sáu - 04/10/2024 23:08 825 0
Ngày 25/5/2024, Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An phối hợp với UBND huyện Yên Thành và Hội VHNT huyện đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Văn học Yên Thành những năm đầu thế kỷ XXI”. Sau Hội thảo, Hội VHNT huyện Yên Thành đã tuyển chọn các bài tham luận và xuất bản cuốn sách cùng tên.
     Để giúp độc giả hiểu thêm về “vùng đất văn hiến vẻ vang” và giá trị của cuốn sách, NXB Nghệ An trân trọng giới thiệu bài viết của PGS. TS, Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương, một trong những tác giả góp vào sự thành công của Hội thảo.
 
anh 1vhyt
 
       Cuối tháng 6 năm 2024, Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An và UBND huyện Yên Thành phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Văn học Yên Thành những năm đầu thế kỷ XXI”. Nhiều vị đại biểu của Trung ương, của tỉnh Nghệ An, huyện Yên Thành đã tham dự Hội thảo.
      1. Có thể ai đó, ở nơi nào đó, lúc nào đó, sẽ nêu câu hỏi: Ôi chao, có Hội thảo khoa học “Văn học Yên Thành những năm đầu thế kỷ XXI” ư? Yên Thành là một xứ (vùng văn hóa), một tỉnh, một thành phố chăng? Đương nhiên, Yên Thành là một huyện - một huyện lúa “Nghệ Yên Thành, Thanh Nông Cống”; một vùng đất mà con người ở đó yêu văn nghệ, giàu lòng nhân nghĩa, thủy chung: “Hết nước thì có nước nguồn/ Hết gạo thì có gạo buôn Đông Thành”, “Bao giờ rú Gám hết cây/ Sông Dinh hết nước, đó đây mới hết tình”; một huyện có nhiều núi non tươi đẹp: “Nhất cao là động Mồng Gà, thứ nhì động Gám, thứ ba động Thờ”; Yên Thành của dân ca ví, giặm, của chèo, tuồng, cải lương, kịch nói (sân khấu nhỏ) với các nghệ sĩ nổi danh khắp nơi: NSƯT Song Thao, NSND Cao Đình Lưu, NSND Hồng Năm, hai chị em ruột NSND Thanh Loan và các NSƯT Thu Hằng, Ngọc Hà, Hữu Đào, nghệ sĩ trẻ tài năng Hà Quỳnh Như...; vùng đất đã sinh ra các tài danh túc cầu tầm quốc gia như: Lê Công Vinh, Phạm Xuân Mạnh, Phan Văn Đức,...
      Trong lĩnh vực khoa bảng, văn chương, Yên Thành có những tên tuổi lớn thời phong kiến như Trạng nguyên Bạch Liêu (1236 - 1315) vị tổ khai khoa cho xứ Nghệ và cả một vùng rộng lớn ngoài kinh trấn (Trạng nguyên trại). Gia đình có ba cha con, ông cháu đều đỗ Trạng nguyên: “Một nhà ba Trạng nguyên ngồi/ Một gương từ mẫu mấy đời soi chung” là Hồ Tông Thốc (1324 - 1404), con trai cụ Hồ Tông Thốc là Hồ Tông Đốn và cháu nội là Hồ Tông Thành. Đó là Nguyễn Hữu Đạo - Hội nguyên Hoàng giáp khoa Tân Vỵ năm Chính Hòa 12, Vua Lê Hy Tông (1691). Là Thám hoa Phan Thúc Trực (1808 - 1852), Tiến sĩ Trần Đình Phong (1843 - 1909); Phó tướng phong trào Cần Vương, Tiến sĩ Lê Doãn Nhã; là cụ Tác Bảy - Lãnh Ngợi một tướng tài của cụ Nghè Nguyễn Xuân Ôn; cụ Cử nhân Chu Trạc,... Thời hiện đại là nhà văn hóa, nhà cách mạng xuất sắc Phan Đăng Lưu (1902 - 1941); nhà thơ, nhà báo, nhà viết kịch, nhà giáo thời tiền chiến Phan Khắc Khoan (1916 - 1998); là học giả, nhà ngôn ngữ học Phan Ngọc (1925 - 2020), Giải thưởng Nhà nước về Khoa học - Công nghệ năm 2001; PGS.TS. Nguyễn Văn Hoàn (1932 - 2015) là dịch giả, học giả Kiều học, Ý học, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn học, người Việt Nam đầu tiên được trao Huân chương Hiệp sĩ của Nhà nước Ý; nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu (1924 - 2012) tên khai sinh là Nguyễn Bá Đàn, là người phát ngôn của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh và Truyền hình Việt Nam, Tổng Biên tập Đài Truyền hình Trung ương; Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phan Đăng Nhật (1931 - 2020), nhà nghiên cứu văn học dân gian về các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, nhất là Tây Nguyên; nhạc sĩ Hồng Đăng (1936 - 2022), Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2001, được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT năm 2022; các nhà văn, nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ như Phan Xuân Hạt, Huy Huyền, Quang Huy, Nguyễn Xuân Phầu, Thanh Khầm, Nguyễn Khắc Thạch, Nguyễn Đức Thọ, Phan Văn Từ, Ngô Đức Tiến, Nguyễn Đăng Chế, Phan Sinh Viên,... Các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, kiến trúc sư lớp tiếp sau như Nguyễn Đăng An, Nguyễn Thế Kỷ, Nguyễn Đăng Điệp, Phan Đăng Sơn, Phan Huy Dũng, Nguyễn Thế Trung, Đặng Hồng Thiệp, Võ Văn Hải, Lăng Hồng Quang, Phạm Xuân Cần, Hoàng Chỉnh, Nguyễn Việt Hòa, Phan Thế Phiệt, Phan Xuân Luật, Nguyễn Tiến Dũng, Trần Ngọc Khánh, Phan Đăng Hải, Đoàn Trung Phong, Phan Xuân Hậu, Hoàng Thu Hà, Phan Đức Lộc, Phan Thế Hải, Bùi Tố,... Là các nhà thơ Đường như các nhà giáo - nhà thơ Phan Huy Huyền, Nguyễn Thế Viên, Phan Xuân Châu, Lê Đình Bỉ, Hoàng Lương, Phan Tố Nga,...
       Có ít nhất hai người con Đông Thành xưa, Diễn Châu nay đã gắn bó son sắt với Yên Thành, đó là nhà thơ, nhà văn hóa Trần Hữu Thung và nhà thơ trào phúng Phan Tường Hy. Hai ông cũng góp phần quan trọng làm nên diện mạo, thanh âm của văn nghệ Yên Thành.
       Yên Thành tự hào vì có các nhà văn, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ (đã nêu ở trên) là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam và tham gia lãnh đạo, quản lý các cơ quan văn hóa, văn nghệ ở Trung ương như cố GS. Phan Ngọc - Chủ nhiệm đầu tiên của Bộ môn Ngôn ngữ học, Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội; cố PGS. TS. Nguyễn Văn Hoàn - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn học; nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu (1924 - 2012) tức Nguyễn Bá Đàn, là người phát ngôn của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh và Truyền hình Việt Nam, Tổng Biên tập Đài Truyền hình Trung ương; PGS. TS. Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, nguyên Phó Ban Tuyên giáo Trung ương, hiện là Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học Trung ương; cố Nhạc sĩ Hồng Đăng - nguyên Phó Tổng Thư ký Thường trực Hội Nhạc sĩ Việt Nam 3 nhiệm kỳ liên tục; GS. TSKH. Phan Đăng Nhật - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hoá thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; PGS. TS. Nguyễn Đăng Điệp - nguyên Viện trưởng Viện Văn học, Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2024; TS. Kiến trúc sư Phan Đăng Sơn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam,...
       2. Thử tìm hiểu nguyên nhân, tại sao một vùng đất có vẻ không thật nổi danh trong chốn quan trường, nhất là ở nơi cao sang, lại nổi lên nhiều văn nhân ở nhiều giai đoạn lịch sử, nhiều lĩnh vực văn hóa, văn nghệ đến vậy?
       Nhìn về xa xưa, Yên Thành, được tách ra từ huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu, từ năm Minh Mệnh thứ 18 (1838). Phủ Diễn Châu (tức Châu Diễn) là một phần của bộ Hoài Hoan, một trong 15 bộ của nước Văn Lang thuở Vua Hùng. Dưới thời Bắc thuộc, Diễn Châu thuộc huyện Hàm Hoan đời Hán, quận Cửu Đức đời Ngô, quận Cửu Chân đời Lương, quận Nhật Nam đời Tuỳ, châu Nam Đức, Đức Châu rồi Hoan Châu, đời Đường. Năm Trịnh Quán thứ nhất (627) đời Đường, phía bắc Hoan Châu gọi là Diễn Châu. Khi đất nước tự chủ, các triều đại Ngô, Đinh đã chọn Quỳ Lăng (nay thuộc Yên Thành) làm lỵ sở Châu Diễn. Thời Tiền Lê, kẻ Dền, Công Trung Thượng (xã Văn Thành nay) được chọn làm lỵ sở. Kẻ Dền là vùng đất thuộc 2 xã Văn Thành và Phúc Thành ngày nay, thuộc lưu vực sông Dền, con sông bắt nguồn từ vùng động Huyệt (phía tây xã Phúc Thành), chảy qua xã Văn Thành, nối thông với bàu Ác ở cuối xã Phúc Thành rồi chảy vào sông Bùng xuống vùng Diễn Nguyên, Diễn Châu, kết hợp với hệ thống kênh đào thời kỳ Tiền Lê, tạo thành hệ thống đường thủy nối liền với kinh đô Hoa Lư. Thành Đông Thành được hoàng tử Lê Long Tung (con trai thứ 7 của Vua Lê Đại Hành) xây dựng để chống lại quân Chiêm Thành từ phương nam đánh ra dấu tích còn đến hôm nay. Trên dãy Yên Mã vẫn còn dấu tích của động Huyệt và những huyền thoại về kẻ Dền. Các vùng đất lân cận còn có tên là Triều Nha, Hậu Nha, Triều Đường, Thượng Thành, Hạ Thành, bến tàu Voi, đồng lùm Hoa, kho Vàng, kho Tiền,... mang đậm dấu vết một tiểu đô cổ.
       Yên Thành cũng được coi là một trong những cái nôi của nền văn minh lúa nước, là vựa lúa lớn nhất Châu Hoan. Đến nay, toàn huyện có 522 di tích danh thắng, trong đó có trên 200 di tích đã được lập danh mục quản lý, có 25 di tích được công nhận là di tích quốc gia, 39 di tích cấp tỉnh. Nhiều di tích, danh thắng nổi tiếng như lèn Vũ Kỳ, động Mồng Gà, động Gám, động Thờ, động Tù Và; hồ Vệ Vừng (diện tích hơn 720ha, 20.000.000m3), đập Quản Hài, đập Mả Tổ, đập Đòn Húng; chùa Gám và đền Gám; đền Đức Hoàng, đền Cả, đền Thánh Mẫu, đền làng Hào Kiệt; đình Sừng, đình Trụ Pháp, đình Liên Trì, đình Đông, đình Bạch Mã; di tích Tràng Kè; Nhà thờ đá Bảo Nham; cầu đá Trung Thành,...
        Cùng với sông Dinh thơ mộng, Yên Thành có các con sông, bàu, hồ đẹp như sông Điển, sông Vũ Giang, sông Chòi, bàu Diệu Ốc, bàu Chèn, bàu Vẹo, bàu Rộc, bàu Ganh Đức; sông Đào thời Pháp thuộc, lấy nước từ sông Lam qua bara Đô Lương, tưới mát cho 4 huyện Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu và 2 kênh Vách Bắc, Vách Nam tiêu úng vào mùa lũ.
         Người Yên Thành nổi trội ở đức tính chất phác, thật thà, cần cù, dũng cảm, hiếu học, nhân hậu, nghĩa tình, yêu thích hoạt động văn hóa, văn nghệ. Phong trào văn nghệ nói chung, hoạt động văn chương nói riêng của Yên Thành phát triển mạnh mẽ, đều khắp, liên tục, có nền và có đỉnh. Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An cũng ra đời nơi đây - rừng lim, xã Lăng Thành năm 1967. Mảnh đất này từng được đón các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, nhà lý luận, phê bình nổi tiếng đến thăm, nghiên cứu, sáng tác không chỉ một vài lần và không chỉ là các văn nhân sau đây: Đặng Thai Mai, Hoàng Trung Thông, Hồ Khải Đại, Bùi Hiển, Trần Hữu Thung, Minh Huệ, Hoài Thanh, Phan Quang, Nguyễn Minh Châu, Trọng Bằng, Hồng Đăng, An Thuyên, Nguyễn Tài Tuệ, Vương Trọng, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Văn Tý, Đặng Thanh Hương, Thạch Quỳ, Nguyễn Trọng Tạo, Đặng Văn Ký, Phan Hồng Khánh, Quang Huy, Hồng Nhu, Trần Đăng Khoa, Phan Thị Thanh Nhàn,...
       Nhiều văn nghệ sĩ của Trung ương, của Nghệ An và các địa phương khác có chung nhận xét: Lãnh đạo và nhân dân Yên Thành rất yêu quý văn nghệ và ngưỡng mộ văn nghệ sĩ, trí thức. Họ sẵn sàng nhường cơm sẻ áo, nhường cả chỗ ngủ, thức ngon để đón đãi khách quý. Và, không thể khác, các văn nghệ sĩ cũng yêu quý, gắn bó với đất và người nơi này, nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật ra đời ở đây hoặc lấy nơi đây làm đề tài và nguồn cảm hứng sáng tác. Truyền thống tốt đẹp ấy được giữ gìn, tiếp nối, bồi đắp liên tục từ xưa đến nay. Riêng đặc điểm này cũng nổi trội hơn hẳn các vùng đất khác.
        Các nhà văn, nhạc sĩ, nghệ sĩ, trí thức sinh ra ở Yên Thành, thì dù sống trên đất quê hay nơi xa ngái, vẫn luôn hướng về quê hương, đóng góp xây dựng quê hương ở nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Họ là một phần máu thịt của quê hương. Do đó, khi nói “Văn học, nghệ thuật Yên Thành” hay “đội ngũ văn nghệ sĩ Yên Thành” là nói cả hai bộ phận hữu cơ ấy. Và với các nhà văn, nghệ sĩ sinh ra ở vùng quê khác, nhưng sự nghiệp văn hóa, văn nghệ của họ gắn bó bền chặt với Yên Thành, đóng góp quan trọng cho văn hóa, văn nghệ Yên Thành, thì họ cũng là nột phần của kho tàng văn hóa tinh thần quý giá đó.
         3. Không dám nói Yên Thành là vùng “địa linh sinh nhân kiệt”. Nhưng đất ấy, người ấy, truyền thống văn hiến vẻ vang ấy là mạch nguồn, là điều kiện để nền văn hóa, văn nghệ Yên Thành phát triển mạnh mẽ, vững chắc, bền bỉ. Hội VHNT Yên Thành tuy tầm vóc là cấp huyện nhưng hoạt động chững chạc, sôi nổi, phong phú, dẫn đầu các huyện, thành, thị trong cả tỉnh. Năm 2015, được sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo huyện, 4 bộ sách quý được biên tập và xuất bản: Yên Thành - Di tích và Danh thắng, Thơ ca dân gian Yên Thành, Thơ Yên Thành, Văn Yên Thành. Năm 2020, một tập sách khác Thơ ca dân gian phồn thực Yên Thành ra mắt bạn đọc và chưa đầy 2 năm sau đã tái bản. Nhiều bài viết, bản nhạc, bài thơ, tập thơ (thơ mới, thơ Đường), văn xuôi (truyện ngắn, ký, tiểu thuyết), kịch bản sân khấu, lý luận, phê bình văn học nghệ thuật là công trình tập thể hay cá nhân ra mắt bạn đọc với chất lượng khá và tốt. Tập san Văn nghệ Sông Dinh ra mắt đều kỳ dịp Tết, được anh em văn nghệ sĩ góp tâm, góp sức gây dựng.
        Cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Yên Thành chăm lo bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, nhất là các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian như: dân ca ví, giặm, chèo, tuồng, trống tế,... Huyện có 6 câu lạc bộ (CLB) Dân ca ví, giặm (Phúc Thành, Viên Thành, Đồng Thành, Bảo Thành, Hợp Thành, Văn Thành); 5 CLB Tuồng (Xuân Thành, Trung Thành, Bắc Thành, Long Thành, Hậu Thành). Đặc biệt, CLB Tuồng làng Kẻ Gám, xã Xuân Thành, năm 2023 vinh dự là một trong hai đoàn nghệ thuật quần chúng trong cả nước được trao Giải thưởng Đào Tấn); 1 CLB Chèo (xã Lăng Thành); 5 đội Trống tế (Xuân Thành, Hoa Thành, Hợp Thành, Trung Thành, Nam Thành). Các CLB hoạt động khá thường xuyên với số lượng từ 10 - 25 thành viên tham gia. Hiện 100% các trường tiểu học, THCS trên địa bàn huyện đã đưa dân ca ví, giặm vào truyền dạy thông qua bộ môn Âm nhạc và một số tiết ngoại khóa. Ngoài ra, một số trường mầm non cũng lồng ghép dân ca ví, giặm vào hoạt động giảng dạy cho các cháu. Phong trào đọc sách, tôn vinh văn hóa đọc có bước phát triển đáng mừng, thu hút nhiều nhà, nhiều người hăng hái tham gia. Hiện nay, tất cả các xã và thị trấn của huyện đều có thư viện xóm, tủ sách nhà trường và một số tủ sách gia đình.
       Bắt nguồn tư truyền thống rất đáng tự hào; được cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện nhà quan tâm sâu sát, đội ngũ văn nghệ sĩ trên địa bàn Yên Thành và cả những người con ở xa quê đã bền bỉ lao động sáng tạo, xây đắp sự nghiệp văn hóa, văn nghệ của huyện nhà đậm đà bản sắc dân tộc, bản sắc quê hương và từng bước vươn tới tính chất tiên tiến, hiện đại, nhân văn của văn nghệ cả nước.
       Những trình bày ở trên có lẽ là câu trả lời giản dị, nhẹ nhàng và thuyết phục cho câu hỏi: Việc tổ chức Hội thảo khoa học “Văn học Yên Thành những năm đầu thế kỷ XXI” có cần thiết không, có đúng tầm mức không? Có đấy, hoàn toàn đúng và rất cần thiết!
 
                                                              PGS.TS. Nhà văn NGUYỄN THẾ KỶ

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập24
  • Hôm nay10,942
  • Tháng hiện tại175,090
  • Tổng lượt truy cập11,999,400
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây