NGƯỜI LƯU GIỮ VÍA NÚI, HỒN RỪNG

Thứ tư - 12/05/2021 04:26 818 0
La Quán Miên, tên thật là Quán Vi Miên - một trong những nhà văn tiêu biểu của văn học dân tộc Thái hiện nay. Ông là tác giả người Nghệ có sức lao động bền bỉ và đáng nể nhất mà tôi từng biết, với hơn 17 tác phẩm sáng tác, 28 tác phẩm sưu tầm - nghiên cứu, chưa kể những cuốn sách in chung với các tác giả khác.
NGƯỜI LƯU GIỮ VÍA NÚI, HỒN RỪNG
       La Quán Miên miệt mài viết, miệt mài đến những bản gần mường xa nơi miền Tây xứ Nghệ để sưu tầm văn hóa cổ của người Thái, Thổ, Mông, Khơ Mú, Ơ Đu,… vì theo ông, nó đang còn mênh mông lắm, ông sợ quỹ thời gian của mình không đủ để chép lại, lưu giữ lại những văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số nơi đây. Và không phụ công, ông đã có hơn 50 giải thưởng từ Trung ương đến tỉnh (chưa kể các bằng khen, giấy khen). Đó là niềm tự hào không phải người cầm bút nào cũng có được.
Tháng 4/2021, Nhà xuất bản Nghệ An đã ấn hành cuốn Tổng tập La Quán Miên, quyển 2. Cuốn sách dày 704 trang, khổ 16x24cm, là tập hợp các sáng tác của ông từ trước đến nay, nối tiếp quyển 1 cũng được Nhà xuất bản Nghệ An phát hành quý I năm 2020.
Cuốn sách được chia làm mười một phần, như một cuốn phim quay chậm về cuộc đời của cậu bé “Chở Là Nhôn”, từ lúc còn là một cậu bé con của bản Đôn và giờ đây là một ông giáo về hưu say mê với nghiệp viết.
Có thể thấy, nhà văn Quán Vi Miên là một người khá may mắn khi được tưới tắm trong mạch nguồn văn hóa dân tộc mình từ lúc còn nhỏ, đó là vốn quý, là tư liệu cho nghiệp văn của ông. Chính vì lẽ đó mà ông đã viết như để trả nợ cho bản quê, nơi đã sinh ra và nuôi dưỡng tâm hồn ông bằng những làn điệu dân ca, bằng những nghi lễ linh thiêng của người Thái,…
Giọng văn của La Quán Miên giống như một lời kể thủ thỉ nhưng không gây nhàm chán, bằng những nhân vật đời thường, những tình tiết đời thường, nhà văn đã dẫn dắt người đọc vào cuộc sống nơi núi rừng miền Tây xứ Nghệ, một cuộc sống tuy khó khăn, thiếu thốn về vật chất nhưng thấm đẫm tình người, và quan trọng hơn hết là niềm tin ở tương lai. Qua đó, ông cũng muốn gửi gắm, truyền tải đến bạn đọc những nỗi trăn trở, những băn khoăn và cả những ước vọng, khát khao được nhìn thấy quê hương, bản làng đổi mới.
Một điều đặc biệt trong các sáng tác của La Quán Miên cũng như ở Tổng tập này, đó là bản sắc văn hóa dân tộc Thái của ông (về ngôn ngữ, phong tục, tập quán,…) và các dân tộc anh em: Thổ, Mường, Ơ Đu,… thấm đẫm vào từng trang viết, nên nếu đọc các sáng tác của ông, người đọc có thể góp nhặt được rất nhiều về văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số như về tục ma chay, cưới xin, buộc vía,… Đó là niềm tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương trong con người ông.
     Qua những trang viết vừa chân thực vừa giàu cảm xúc của mình, La Quán Miên đưa độc giả đến với cuộc sống của đồng bào dân tộc Thái và các dân tộc thiểu số miền Tây xứ Nghệ; cùng nhà văn chia sẻ, đồng cảm trước những khó khăn, vất vả, nỗi buồn, niềm vui,... của bà con nơi đây.
Chính những điều này đã góp phần tạo nên giá trị riêng cho cây bút La Quán Miên, giúp cho các sáng tác của ông có chỗ đứng trong nền văn học dân tộc thiểu số.
     Xin được chúc mừng ông với tác phẩm Tổng tập La Quán Miên, quyển 2.
Phạm Ngọc Chi
 

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây