NƠI SINH HẠ MỘT TRONG BA “NGƯỜI THẦY” CỦA NHÂN LOẠI

Thứ ba - 31/12/2024 03:35 138 0
      Trong đời mỗi người đều có ba người thầy: Thầy giáo - Sách - Nhà thông thái. Nhà xuất bản Nghệ An không chỉ là một trong những “bà đỡ” mát tay đón một trong ba “người thầy” của nhân loại chào đời mà còn yêu thương, chăm chút những đứa con tinh thần của các tác giả như... “con đẻ” của mình.
     Tôi bén duyên với Nhà xuất bản Nghệ An (tiền thân là NXB Nghệ Tĩnh) từ khi mới thành lập (1980) bằng những bài thơ đầu tay in trong Văn nghệ Nghệ Tĩnh. Và xuất hiện với tư cách tác giả in chung với hai nữ sĩ Tuyết Nga - Tố Nga tập Hương thơm cỏ vắng (1987). Đến nay (12/2024), tôi đã đồng hành với Nhà xuất bản tỉnh nhà với 25 ấn phẩm (gồm in riêng, in chung, chủ biên hoặc tham gia biên soạn phần thơ). Đây là 25 bông hồng vàng chúc mừng sinh nhật lần thứ 44 của Nhà xuất bản, đồng thời dành tặng Giám đốc đương nhiệm Bùi Thị Ngọc và cộng sự.
 
anh 1 va
 
     Hơn bốn thập kỷ qua, tôi có rất nhiều tư liệu để viết thành tập hồi ký về “Nhà xuất bản Nghệ An trong tôi”, dở hay thì độc giả xác tín, nhưng những kỷ niệm đẹp đã trở thành trầm tích trong tâm hồn tôi. Ở phạm vi bài viết này, tôi xin vớt lên một số mẻ ký ức từ 12 năm nay...
     Tôi ấn tượng với chị Ngọc khi còn là một biên tập viên mẫn cán, chuyên nghiệp qua hai tuyển tập của CLB Nữ văn nghệ sĩ Nghệ An: Thơ nữ Nghệ An (2012) và Văn nữ Nghệ An (2013). Chị thường xuyên liên lạc với tôi, xin số điện thoại các tác giả nữ, trao đổi tỉ mỉ về bản thảo của từng người, có khi chỉ là một chữ viết hoa, một dấu chấm câu bất thường hay cách ngắt dòng một câu lục bát, đó có phải là dụng ý nghệ thuật của tác giả hay không.
 
anh 2 va

     Từ một biên tập viên giỏi, tận tụy với nghề, chị đã trở thành nữ chủ nhân “Ngôi Nhà Chung 37B”, đường Lê Hồng Phong, thành phố Vinh. Ngay khi nhận nhiệm vụ cấp trên giao phó, chị đã đưa ra ý tưởng: Nhà xuất bản là một đơn vị sự nghiệp có thu, nên điều kiện tiên quyết để tạo dựng một thương hiệu xuất bản trên phạm vi cả nước là phải xây dựng nền nếp VĂN HÓA CÔNG SỞ trên nền tảng sự NHẤT TÂM từ lãnh đạo đến từng nhân viên. Tôi rất tâm đắc ý tưởng đó, như thế thì mỗi ngày đến cơ quan là một ngày vui, khách đến giao dịch công việc sẽ hài lòng, từ đó “tiếng lành đồn xa”, thu hút nhiều cộng tác viên và trở thành địa chỉ đỏ tin cậy cho các tác giả trao gửi tác phẩm của mình.
      Xã hội phát triển là nhờ vào ý tưởng sáng tạo của mỗi thành viên trong cộng đồng. Ý tưởng mãi mãi nằm trong tư biện nếu ta không hành động để hiện thực hóa. Với 8 năm miệt mài cần mẫn như một con ong hút nhụy hoa chưng mật, bằng sự nỗ lực của bản thân cùng với cách thu phục, đánh thức tiềm năng nội lực cống hiến của tập thể, cán bộ, viên chức Nhà xuất bản, nữ Giám đốc Bùi Thị Ngọc đã biến ý tưởng thành hiện thực. Chỉ sau mấy tháng khi có chủ nhân mới, ngôi nhà chung xuất bản Nghệ An đã tu sửa khang trang từ dáng vẻ bên ngoài đến nội thất và trang thiết bị làm việc bên trong. Nhưng điều đáng ghi nhận là người lao động của cơ quan đã tăng thu nhập, một luồng sinh khí mới thổi vào, làm ấm áp thêm tình đoàn kết thương yêu, giúp đỡ nhau, năng lượng tích cực cho mỗi cá nhân được phát huy nên tuy ít ỏi về số lượng mà tạo ra nhiều giá trị chất lượng cao.
       Người xưa có kinh nghiệm về khả năng thuyết phục: Nói có sách, mách có chứng. Và tôi xin lấy ra từ trải nghiệm bản thân trong quá trình cộng tác xuất bản tác phẩm, bằng một ví von dí dỏm mà không kém phần chân thực để làm minh chứng cho chiến công của “đoàn quân” xuất bản Nghệ An được “nữ tướng” chỉ huy giành thị phần trên mặt trận xuất bản.
      “Bà đỡ” Bùi Ngọc bỏ ngỏ quan niệm: “Người Thầy” Sách phải có diện mạo khôi ngô xuất hiện khi giảng “lời hay, ý đẹp” cho công chúng. Cho nên chị đã đào tạo đồng bộ một giàn: biên tập viên hoàn thiện bản thảo kỹ lưỡng đến bộ phận thiết kế trình bày bìa vừa đẹp, trang nhã vừa ý nghĩa phù hợp nội dung trong tác phẩm. Rồi khâu “hậu kỳ” sản phẩm sách bằng những buổi ra mắt sách nhằm quảng bá tác phẩm tạo nên một sự lan tỏa, nâng cao văn hóa đọc cho nhân dân. Trong vòng 5 năm gần đây, đã có rất nhiều buổi ra mắt sách tạo dấu ấn đặc biệt, có thể kể đến:
- Năm 2019: Tuyển tập thơ Thạch Quỳ, Tuyển tập Nhà văn Nghệ An (2018 - 2019).
- Năm 2023: Vân Anh - Tuyển tập thơ, Trăm năm Trần Hữu Thung, Tìm dấu Vinh xưa (Phạm Xuân Cần), Vinh - phố của tôi (Phạm Thùy Vinh), Thư chiến trường và những tấm hình có lửa (Dương Huy). Gần đây nhất là tác phẩm Hừng Đông (Nguyễn Thế Kỷ).
        Qua tổ chức các buổi ra mắt sách thì “lộ sáng” thêm nhiều khả năng vượt trội của Giám đốc Bùi Ngọc. Đó là biệt tài tổ chức sự kiện, nghề tay trái làm MC mà cảm nhận của khán thính giả rất chuyên nghiệp bởi dáng vẻ xinh đẹp, duyên dáng, thông minh và hoạt ngôn. Chính sự chỉn chu này đã biến “Ngôi Nhà Chung 37B Lê Hồng Phong” như một khối nam châm hút bản thảo về, nhất là từ đội ngũ văn nghệ sĩ, vốn dĩ là những “người mẹ” khó tính, thế mà đồng loạt tác giả đã chọn nơi sinh hạ những đứa con tinh thần của mình ở đây. Riêng năm 2024, đã xuất bản gần 250 đầu sách, đó là con số biết nói, lời PR cho nhà xuất bản của mình. Tuy làm Giám đốc, nhưng chị Ngọc vẫn là một biên tập viên cần mẫn như xưa. Một hồi ức cảm động ngọt ngào mãi trong tôi. Một đêm muộn mùa đông Quý Mão (2023), tôi nhận cú phôn của chị hỏi về một từ láy trong bài “Hồn quê”: “Em nhớ từng biên tập sách “Mùi tuổi” của cô, nguyên văn cặp lục bát đó là: “Bóc dần lớp vỏ thời gian/ Hồn quê ngàn ngạt hương trầm lòng con” mà sao trong bản thảo tuyển tập này lại là “ngào ngạt” hả cô?”. Cuộc thoại chỉ có mấy phút thôi mà dư âm vọng lên trong lòng tôi về vẻ đẹp tình yêu nghề, đúng hơn là một sự đam mê, gắn bó máu thịt với những trang viết của các tác giả. Những người làm xuất bản như chị Ngọc đâu chỉ là làm nghề thường tình mà là... nghiệp vận vào thân, chi phối tâm trí đến cả bữa ăn, giấc ngủ...
       Tôi muốn dừng lại nói đôi lời về hai biên tập viên mà tôi cộng tác nhiều nhất: Phạm Ngọc Chi và Phạm Thị Hằng. Cả hai em có nét chung dáng vẻ nhỏ nhắn, gương mặt xinh xắn, ưa nhìn và đều rất hòa nhã, ân cần. Tôi tự nhận mình là người khó tính ngoại hạng mà vẫn rất ưng ý khi giao tiếp công việc với cả hai em.
      - Với Hằng, kỷ niệm sâu đậm khi tôi xuất bản tập thơ Tìm trầm. Có hôm ngày Chủ nhật, khi không liên lạc được qua điện thoại, em còn cầm bản bông đến tận nhà để tôi xem lần cuối, ngày mai chuyển sang nhà in cho kịp tiến độ. Rồi bìa và trình bày, các em Thế Quyền, Mai Hồng đã thay đổi hàng chục lần cho hợp ý đề xuất của tôi... Quả là không phụ lòng bà đỡ và tác giả, tập thơ đã được trao giải Ba của Hội Nhà văn Việt Nam, năm 2020. Hằng rất vui khi em được ghi điểm thi đua khi biên tập tác phẩm đoạt giải.
       - Với Ngọc Chi thì tôi gắn bó, dày công với hai tuyển tập trên dưới 400 trang: Vân Anh - Tuyển tập thơ (2023) và Nhà văn Nghệ An (2020 - 2024). Có thể nói, hai quyển sách này đã vắt kiệt sức của tác giả và biên tập viên. Với Vân Anh - Tuyển tập thơ, gồm 202 thi phẩm và 14 bài viết thẩm bình, tôi và Ngọc Chi đã quần thảo hàng năm trời từ manh nha bản đầu tiên cho đến bản cuối cùng chuyển sang nhà in. Quả tình, là tôi quá cầu toàn, còn Ngọc Chi lại quá tận tụy. Rồi tuyển tập Nhà văn Nghệ An (2020 - 2024), lại một lần nữa vắt kiệt sức biên tập viên Ngọc Chi. Em quần quật với 352 trang bản thảo và 20 trang phụ bản. Có hôm mới 4h40, thấy trang mạng của tôi đang đỏ đèn, em nhắn thăm dò: “Cô dậy rồi ạ! Em trao đổi về bản thảo và mấy trang phụ bản trong Tuyển tập được không ạ?”. Tôi thầm nghĩ sao trên đời lại có một biên tập viẻn mẫn cán như thế!
 
anh 3 va
 
     Người xưa dạy: “Thần thiêng cốt bộ hạ”. Sẽ không có một thương hiệu Nhà xuất bản hôm nay được nhận Cờ thi đua của Chính phủ, riêng Giám đốc Bùi Thị Ngọc được nhận Bằng khen của Thủ tướng, nếu như không có một tập thể đều tay chung sức, chung lòng tạo dựng. Tôi tự nhận mình như một thành viên trong “Ngôi Nhà Chung 37A Lê Hồng Phong”, Vinh. Cuộc ra mắt sách Vân Anh - Tuyển tập thơ là một kỷ niệm đẹp, một thí dụ tiêu biểu cho sự thành công nền nếp văn hóa công sở và sự nhất tâm của tập thể Nhà xuất bản Nghệ An mà Ban Giám đốc và tập thể dày công vun đắp. Một buổi ra mắt hoành tráng với hơn hai trăm bạn bè văn nghệ sĩ và công chúng yêu thơ đến dự. Một không gian văn hóa đẹp, trang trọng mà từ lãnh đạo đến từng nhân viên chuẩn bị công phu, bài bản. Tôi “mắc nợ” từ em Cường lái xe cho cơ quan, thường chở sách của tôi, của CLB Nữ Văn Nghệ sĩ, của Chi hội Nhà văn Nghệ An, đến “mắc nợ” em Tâm, người có “hoa tay” dựng tháp sách; chăm chút từng tiểu tiết hình thức của các buổi ra mắt sách và phụ trách phát hành đóng gói gửi sách của tôi đi mọi nơi... Tôi tự thấy mình mắc nợ hết thảy các em - những người đã chăm chút cho đứa con tinh thần của tôi từ trong trứng nước đến khi tuấn tú chào đời. Từ Ban Lãnh đạo “song Ngọc”: Bùi Ngọc - Nguyễn Ngọc đến Ban Biên tập: Trịnh Thuỳ, Thanh Yến, Ngọc Chi, Phạm Hằng đến thiết kế bìa chế bản in Trần Thắng, Mai Hồng, Phương Thảo,...  Riêng em Phương Thảo đồng hành với ý tưởng của tôi khi thiết kế các bìa sách một cách tỉ mỉ đáp ứng sự cầu kỳ của tác giả.
 
anh 4 va
 
       Chắc chắn “món nợ” này sẽ thành “nợ xấu” mãi mãi, vì tôi đang định sinh hạ thêm vài đứa con tinh thàn trong năm Ất Tỵ.
        Những chân dung thần thái của tập thể Nhà xuất bản cho tôi hiểu thấu đáo hơn một tôn chỉ sống cao cả mà bình dị: Những gì có lợi cho cộng đồng thì ta sẵn sàng đeo bám đam mê đến cùng và làm bằng cả bầu nhiệt huyết thì nhất định sẽ tạo thêm nhiều giá trị sống tích cực cho đời.
         Với các bạn - đội quân Xuất bản Nghệ An, hạnh phúc là một hành trình dâng hiến!
   
  NHÀ THƠ VÂN ANH
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây