Khát vọng đỏ qua từng trang hồi ký

Thứ sáu - 10/04/2020 23:36 656 0
KHÁT VỌNG ĐỎ QUA TỪNG TRANG HỒI KÝ

(Giới thiệu tập sách “Ráng đỏ Hồng Lam”, tập hồi ký của những chiến sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 -1931, Nxb Nghệ An, 2017)

Năm 1930-1931, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã làm nên một cao trào cách mạng vô cùng mạnh mẽ, với khí thế xung thiên mà  đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh. Tuy chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn nhưng chính quyền Xô viết đã để lại những dấu ấn tốt đẹp về một Nhà nước công - nông đầu tiên, chưa có trong tiền lệ lịch sử Cách mạng Việt Nam, đáp ứng khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng của người dân mất nước.

Bao năm tháng đã trôi qua, nhưng khí thế ngất trời của Xô viết Nghệ - Tĩnh vẫn luôn bừng cháy trong mỗi người dân yêu nước Việt Nam. Tinh thần Xô viết Nghệ - Tĩnh không chỉ đồng hành cùng nhân dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức để giành thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, mà còn tiếp thêm sức mạnh để Đảng bộ và nhân dân ta tiếp tục giành nhiều thành tựu lớn lao trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần đưa đất nước ta trở nên “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.

Ráng đỏ Hồng Lam - tập sách gồm 16 bài hồi ký được tuyển chọn trong hàng ngàn trang hồi ký của các chiến sĩ Xô viết (do Giáo sư Phạm Mai Hùng và Tiến sĩ Phạm Xanh biên soạn), xuất bản lần đầu năm 1995, là một tài liệu quý, như những thước phim lịch sử chân thực, giúp độc giả trở về với hào khí những năm 1930 - 1931. Sau hơn 20 năm, cuốn sách đã có ảnh hưởng to lớn với đông đảo bạn đọc, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp giáo dục truyền thống cách mạng trong các tầng lớp nhân dân.   

Để truyền thống Xô viết Nghệ - Tĩnh có sức lan tỏa rộng rãi hơn nữa, nhân kỷ niệm 87 năm Ngày Xô viết Nghệ Tĩnh (12/9/1930 - 12/9/20170,  Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh phối hợp với Nhà xuất bản Nghệ An tái bản cuốn sách Ráng đỏ Hồng Lam.

Tập sách được chia làm hai phần với từng chủ đích riêng. Phần đầu với sự tuyển chọn của 7 hồi ký của các chiến sĩ Xô viết đã quen biết như: Nguyễn Phúc, Nguyễn Thiệu, Nguyễn Thế Lâm, Đinh Xuân Giai, Trần Đức Nghinh, Nguyễn Duy Trinh, Tôn Thị Quế, được các cây bút nhà nghề như Minh Huệ, Xuân Tùng, Văn Lau, Nguyễn Văn Căn,…  đầu tư trí tuệ và tình cảm, nâng lên thành những tác phẩm hoàn chỉnh. Ở phần hai, gồm 9 hồi ký của của những chiến sĩ Xô viết chưa từng viết hồi ký bao giờ, được lưu giữ trong Bảo tàng Xô viết. Đây là những trang hồi ký nguyên khai, thô, chưa được gia công, sự kiện lịch sử diễn ra như thế nào được những người trực tiếp tham gia nhớ và ghi lại như vậy.

16 hồi ký, cho dù đã được các nhà văn gửi gắm tình cảm, trau chuốt thêm về câu từ, hay là những trang hồi ký mộc, thì mỗi câu chuyện, mỗi sự kiện,… được thể hiện qua các bài viết đều bắc những nhịp cầu rưng rưng xúc động , giúp độc giả trở về những tháng năm lịch sử khốc liệt và oai hùng của nhân dân Nghệ Tĩnh 87 năm về trước. Ở đó, ta bắt gặp những con người cách mạng thật đẹp. Mỗi lời nói, mỗi cử chỉ, hành động của họ đều như những tia nắng của ánh sáng “mặt trời chân lý chói qua tim”….

Đọc các hồi ký trong Ráng đỏ Hồng Lam, bạn đọc không chỉ hiểu thêm về những ngày tháng lịch sử của đất nước, mà còn bồi đắp thêm tình cảm yêu quê hương, tự hào về mảnh đất “Nghệ Tĩnh đỏ” Xô viết anh hùng; từ đó thôi thúc sự đoàn kết nỗ lực, quyết tâm xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp!

 

                                                  Bùi Ngọc

                                         (Nhà xuất bản Nghệ An)

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập31
  • Hôm nay21,137
  • Tháng hiện tại365,697
  • Tổng lượt truy cập9,152,490
Tin cập nhật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây