Tiếng hú giữa đại ngàn - Nỗi buồn lặng lẽ của Minh Thư

Thứ ba - 22/10/2024 05:18 520 0
     Sau tập phóng sự - ghi chép Chuyện “động mường”, xuất bản năm 2007, đến hôm nay, năm 2024, nhà báo, nhà văn Minh Thư mới xuất bản cuốn sách thứ hai, với tiêu đề Tiếng hú giữa đại ngàn (Nhà xuất bản Nghệ An, 2024).
     Chuyện “động mường” được xuất bản khi Minh Thư đang ở độ chín của nghề phóng viên nên chất báo chí hầu như bao trùm toàn bộ tác phẩm. Ở đó, ta thấy một phóng viên Minh Thư yêu nghề, lăn xả với nghề và cũng mang đầy tâm tư, trăn trở trong nghề. Còn sang Tiếng hú giữa đại ngàn, chất báo chí chỉ còn phảng phất, bao trùm toàn bộ tác phẩm là tâm trạng của một người đã trải qua bao buồn vui cuộc đời, giờ ngồi nhẩn nha kể chuyện mắt đã thấy, tai đã nghe và tim đã thấu.
 
anh 1 tieng hu
 
      Ngay từ tựa đề của sách đã làm cho người đọc mường tượng về một sự day dứt bởi những việc đã qua, những việc đã mất. Tác giả có nuối tiếc không? Có chứ, tôi thấy sự nuối tiếc trong từng câu chữ.
      Tập tản văn gồm 60 mẩu chuyện nhỏ, tôi nói mẩu chuyện nhỏ bởi vì có những bài chỉ dài chưa đầy hai trang giấy, bài dài nhất cũng chỉ tầm 4 trang khổ 13x19cm. Không biết có phải dụng ý không khi Minh Thư chọn thể loại tản văn để truyền tải những cảm xúc, những suy nghĩ của cá nhân về cuộc sống, con người, về quá khứ, hiện tại và cả tương lai nữa.
       Như đã nói ở trên, trong Tiếng hú giữa đại ngàn, các câu chuyện đều ngắn gọn, súc tích với giọng văn chậm rãi. Minh Thư là người chứng kiến, là người kể lại, ông hoàn toàn trung thực với sự việc như vốn có, không thêm bớt, không hoa lá cành, càng đóng vai người dẫn giải. Chỉ là người kể chuyện, chuyện thường ngày, chuyện đã trải qua, đã trông thấy,… nhưng lại làm cho người đọc lắng lại, đồng cảm với nhà văn. Cách sắp xếp các bài viết trong tập sách không theo trình tự thời gian, mà theo mạch cảm xúc của tác giả. Mở đầu là câu chuyện “Đầu năm”, nhẹ nhàng, tưởng như chẳng có gì to tát, chỉ là kể cái chuyện xảy ra đầu năm thế thôi. Nhưng cái hay, là Minh Thư đã dẫn dắt người đọc đi từ cái hiển nhiên sang những cảm xúc chân thật nhất. Ừ nhỉ, khơi dậy cảm xúc trong một con người có cần gì đao to búa lớn đâu, chỉ cần xuất phát từ trái tim thì sẽ đến được trái tim thôi. Giữa khung cảnh đầu năm mới, thường làm cho người ta liên tưởng đến sự sum họp, vui vẻ, đủ đầy, con người ta dễ dàng bỏ qua những hiềm khích năm cũ và cùng đón mừng một năm mới tươi vui. Hình ảnh mẹ con người ăn xin khép nép đứng ở cổng, nó tương phản hình ảnh Tết như đã nói ở trên, phải chăng ngụ ý của tác giả cuộc sống là thế, luôn tồn tại song song hai mặt: xấu và tốt, giàu và nghèo, sung sướng và đau khổ, đủ đầy và thiếu thốn. Kết thúc chuyện: “Bà xã bảo: Ngày Tết có người ăn mày đến là hên lắm!” (Đầu năm). Một cái kết tôi cho quá trọn vẹn, bởi lúc này cần nhường chỗ cho cảm xúc người đọc, bởi chỉ cần thêm một câu, một từ nữa thôi, những cảm xúc sẽ bị trôi tuột đi mất. Tôi cho rằng, đó là sự tài tình của Minh Thư, biết khơi gợi và níu giữ cảm xúc người đọc.
       Những câu chuyện tiếp theo vẫn mạch văn nhẹ nhàng, mộc mạc như thế. Minh Thư chỉ có nhiệm vụ kể thôi, với giọng kể chậm rãi, đơn sơ, có lúc như thủ thỉ, tự nói một mình, còn lại thì phó mặc cho bạn đọc được quyền tự do thể hiện cảm xúc, tác giả không hề định hướng cảm xúc người đọc.
Với Cành đào quê” hay “Đệm bông lau”, chỉ vài ba câu văn, người mẹ hiện lên thật dung dị và gần gũi biết bao. Là mẹ của tác giả đấy mà sao bạn đọc như thấy hình ảnh người mẹ của mình trong đó. Cả hai câu chuyện, không có một từ nào miêu tả tình cảm của người con với mẹ mình, mà sao ai cũng thấy người con nặng lòng với mẹ và quê đến thế.
       60 tản văn là 60 lát cắt nhỏ, tạo nên một chân dung Minh Thư sâu lắng, đầy ưu tư và cũng lấp lánh tình người. Là sự đồng cảm với những cô giáo cắm bản:“Tôi không muốn chứng kiến cảnh một mình cô lủi thủi đơn sau buổi tan trường khi lũ học trò tản về các bản xa. “Anh về xuôi à?”. Tôi dối cô còn phải ngược lên vùng cao xa nữa, bởi không đủ can đảm nhìn mắt cô đang rân rấn nước vì nỗi buồn tủi, thoáng chút so đo” (Trên Phá Đánh), là nỗi day dứt khi chứng kiến những mảnh đời khốn khó, sống giữa một vùng quê “hiếu học và có nhiều người thành đạt”, “Chị đặt đứa bé còi cọc xuống đất, nước mắt lã chã rơi rồi đưa đôi bàn tay khẳng khiu đón lấy chút quà từ “Quỹ tấm lòng vàng”. Tôi nâng máy ảnh lấy nét nhưng sao hình ảnh vẫn cứ loà nhoà. Không ngờ lại thế!” (Không ngờ)… Những câu chuyện trong Tiếng hú giữa đại ngàn không mới, cũng không có gì to tát, chỉ là những câu chuyện nhỏ thường ngày, diễn ra giữa phố, giữa làng, nhưng qua ngòi bút của nhà văn Minh Thư, đã gây cho người đọc một nỗi ưu tư, những câu hỏi, những giả thiết cứ xoay quanh trong đầu, tại sao lại thế? Sao không là thế này? Không chủ ý, nhưng tác giả đã truyền cái day dứt, nuối tiếc, thảng thốt giữa cuộc đời biến đổi quá nhanh, muốn lưu giữ những điều đã khắc sâu vào tâm trí là cái pặt nước, tiếng chim, bát canh ột, món măng rừng, bát nước chè đâm,… tất cả những ký ức núi rừng đó đã bị cơn lốc của sự phát triển cuốn đi, có chăng chỉ để lại những dấu tích nhỏ nhoi. Âu đó cũng là quy luật muôn đời, cái mới thay thế cái cũ, cái cũ nhường chỗ cho cái mới lên ngôi. Vì là quy luật nên một mình tác giả chẳng thể làm gì, chỉ đành gặm nhấm nỗi nhớ rừng, nhớ bản… Nỗi buồn cũng vì thế mà len vô từng câu chuyện, một Minh Thư lặng lẽ đắm chìm trong nỗi buồn. Nỗi buồn ấy là nỗi buồn đồng cảm với hồn thổ cầm, với điệu nhuôn, lăm, xuối… nên nó lặng lẽ, không lời.
        Dù Minh Thư đã đi khắp đó đây, đi các nước châu Á, châu Âu, chứng kiến sự văn minh, hiện đại của các cường quốc (Nơi thơ mộng nhất châu Âu, Học cách người Nhật cúi đầu), nhưng hồn ông vẫn chỉ muốn quanh quẩn nơi bản quê yêu dấu, nơi có bụi mét to, mà ông có thể nằm ngả lưng, nhắm mắt tận hưởng mùi của cây, của đá và lắng nghe tiếng chim rừng. “Từ cánh rừng, tôi nghe vẳng lại tiếng cu gáy, từ những bụi tre gốc cọ, tôi loáng thoáng thấy lại hình bóng cặm cụi của cha. Tôi cố bước thật khẽ, cứ sợ phát ra tiếng động đôi Tiếng hú giữa chim cu sẽ bay đi mất. Những ngày ở thăm bản quê, trưa nào tôi cũng sang sông, bước nhẹ ngồi dưới tán mét, nghe tiếng cọ xát của cây cối và tiếng của chim cu gáy” (Tiếng chim). Và để nỗi buồn tan trong gió, loang nhanh trong vang vọng của núi rừng… Tôi gọi đó là  nỗi buồn lặng lẽ của Minh Thư!
                                                                                                   
NGỌC CHI


 

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây