“TÌM DẤU VINH XƯA” ĐỂ CÙNG THẮP LÊN HY VỌNG VỀ VINH NAY

Thứ sáu - 29/09/2023 03:11 2.409 0
“TÌM DẤU VINH XƯA” ĐỂ CÙNG THẮP LÊN HY VỌNG VỀ VINH NAY
“TÌM DẤU VINH XƯA” ĐỂ CÙNG THẮP LÊN HY VỌNG VỀ VINH NAY
        Từ nhiều năm nay, qua sách, báo và trang facebook “Vinh xưa”, độc giả đã quá quen thuộc với tên tuổi của nhà nghiên cứu Phạm Xuân Cần. Thậm chí, rất nhiều người đã yêu mến gọi ông là “Nhà Vinh học”.
        Là một người gắn bó với Vinh rất nhiều năm, khi còn công tác, Phạm Xuân Cần quan tâm nghiên cứu và xuất bản một số đầu sách về Vinh. Nhưng từ khi nghỉ hưu (năm 2017), ông đã dành toàn bộ thời gian và tâm trí cho để sưu tầm, nghiên cứu về Vinh, đặc biệt là đề tài Vinh thời thuộc Pháp.
       Năm 2015, từ những bức ảnh quý giá về Vinh những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Phạm Xuân Cần đã tuyển chọn và công bố cuốn sách Vinh xưa. Ngay sau khi ấn hành, Vinh xưa đã nhanh chóng nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả trong và ngoài nước. Đây cũng chính là cuốn sách cùng một lúc được trao hai giải thưởng danh giá: Giải Bạc sách đẹp và Giải Đồng sách hay (Giải thưởng Sách Việt Nam năm 2016).
       Qua những bức ảnh, cánh cửa về đô thị Vinh thời thuộc Pháp dần mở ra trước mắt ông, nó thôi thúc, khơi dậy niềm đam mê khám phá, và cứ thế, cứ thế, Nhà Vinh học đã miệt mài dấn thân vào cuộc hành trình đi tìm.... dấu Vinh xưa!
       Không thể kể xiết những vất vả, gian lao trong cuộc hành trình của nhà nghiên cứu Phạm Xuân Cần, nhưng, ông cũng tự nhận mình là người may mắn, bởi bên cạnh luôn có sự đồng hành của biết bao người yêu mến Vinh. Họ đã góp phần hỗ trợ cung cấp tư liệu, hình ảnh, biên dịch, xác minh,... Và, đến hôm nay, kết quả của cuộc dấn thân không biết mệt mỏi ấy là công trình đồ sộ hơn 700 trang: Tìm dấu Vinh xưa.
       Sách về Vinh, nhất là về lịch sử, lâu nay đã có khá nhiều. Thế nhưng, những nghiên cứu của ông vẫn tạo nên sự khác biệt lớn so với các công trình khác. Trước hết, ông không đi vào nghiên cứu lịch sử đấu tranh chính trị, như các nhà nghiên cứu khác. Ông chủ yếu nghiên cứu về lịch sử đô thị, tập trung mô tả, nghiên cứu những vấn đề về diện mạo đô thị, con người đô thị Vinh, với những công trình đô thị, kinh tế, dân sinh cụ thể và những nhân vật cụ thể, đủ mọi tầng lớp từ quan chức, đến trí thức, văn nghệ sĩ, nhà báo, nhà giáo, nhà văn, danh thủ thể thao, đặc biệt là các doanh nhân cả tây, cả ta đã góp phần tạo dựng nên đô thị Vinh, thời bắt đầu đô thị hóa. Cách tiếp cận mới đó, cùng với nguồn tư liệu phong phú, mà hầu hết là các tư liệu, thông tin mới mẻ, được khai thác từ các trung tâm lưu trữ trong và ngoài nước, nguồn tư liệu từ các gia đình, lần đầu tiên được công bố, đã mang lại cho người đọc một hình dung rất khác về đô thị Vinh, so với những gì lâu nay vẫn được viết. Bên cạnh nội dung khoa học với nhiều khám phá mới, cuốn sách cũng được trình bày bởi một phong cách phóng khoáng, đậm chất văn chương, ít thấy trong các công trình nghiên cứu cùng loại. Vì vậy, mặc dù là công trình nghiên cứu khá đồ sộ, nhưng người đọc sẽ không cảm thấy nhàm chán, khó khăn khi đọc. Đó là chưa kể, Tìm dấu Vinh xưa cũng có thể đóng vai trò như một công cụ tra cứu, khi bạn đọc có nhu cầu tìm hiểu một công trình, một địa danh, một sự kiện, hay một nhân vật nào đó của Vinh xưa.
       Được xuất bản đúng dịp kỷ niệm 60 năm thành lập thành phố Vinh, 235 năm Phượng Hoàng - Trung Đô - Vinh, Tìm dấu Vinh xưa không chỉ đơn thuần là quà tặng giá trị, mà hơn thế nữa, cuốn sách còn gửi gắm trong đó rất nhiều thông điệp sâu sắc, để những người yêu Vinh, quan tâm, mong muốn đầu tư vào Vinh có được những kiến thức hữu ích, cái nhìn tổng quan, khách quan, chính xác, từ đó góp phần dựng xây Vinh ngày càng giàu đẹp hơn!
   
                                                                               Bùi Ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập24
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm23
  • Hôm nay17,428
  • Tháng hiện tại439,878
  • Tổng lượt truy cập13,535,995
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây