THƯ CHIẾN TRƯỜNG VÀ NHỮNG TẤM HÌNH CÓ LỬA - DI CẢO CỦA LIỆT SĨ PHAN TỨ KỶ

Thứ năm - 14/12/2023 22:44 890 0
     
bia phan tu ky

        Liệt sĩ Phan Tứ Kỷ (1947 - 1972), sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa bảng và cách mạng ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Năm 1968, khi đang là cán bộ phụ trách công tác tuyên huấn của Ty Lâm nghiệp Nghệ An, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Phan Tứ Kỷ lên đường nhập ngũ và trở thành một chiến sĩ nhiếp ảnh thuộc Phòng Chính trị, Sư đoàn 304.
      Với chiếc máy ảnh trên tay cùng với niềm đam mê sẵn có, Trung sĩ Phan Tứ Kỷ đã thực sự trở thành một nhân chứng lịch sử, kịp thời ghi lại những khoảnh khắc đầy sống động, chân thực và giàu cảm xúc về chiến trường: những chân dung người lính Cụ Hồ, nghĩa tình quân dân ấm áp, với những bom đạn bủa vây và lằn ranh sinh tử... Đồng thời, người chiến sĩ ấy cũng gửi gắm khát vọng hòa bình, tinh thần lạc quan và tình cảm yêu thương đối với gia đình, quê hương, đất nước qua những tấm ảnh, tranh ký họa và thư từ gửi về cho người thân, bè bạn,...
      Ở những năm tháng đẹp nhất của đời người, ngày 3/8/1972, Pha n Tứ Kỷ đã anh dũng ngã xuống trên mảnh đất Quảng Trị khói lửa, để lại niềm tiếc thương và đau đáu khôn nguôi cho gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, bởi cho đến nay, phần mộ của Liệt sĩ vẫn chưa được tìm thấy.
 
anh 2 phan tu ky
 
        Hơn 50 mươi năm đã trôi qua, kể từ ngày người em út vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường, cả gia đình và đặc biệt là người anh trai Phan Duy Hương (tên thật của nhà báo, nhà thơ Dương Huy), không phút giây nào nguôi nỗi nhớ thương, trăn trở... Bằng tình cảm thiêng liêng, ông và gia đình đã lưu giữ hết sức cẩn trọng “gia tài vô giá” của em trai để lại: những lá thư biên vội trên chiến trường, cuốn sổ nhật ký, chiếc kèn acmonica, gần 200 bức ảnh đen trắng và nhiều trang ký họa được anh vẽ dọc đường hành quân. Song, những kỷ vật ấy không đơn thuần chỉ là thư, là ảnh, là tranh,... mà chính là ước mơ, hoài bão,... của một người lính trẻ mang trong mình trái tim đầy khát khao và kiêu hãnh, cùng một niềm tin mãnh liệt về ngày chiến thắng...
        Sau nhiều năm “giữ lại cho riêng mình”, tháng 4/2021, gia đình nhà báo, nhà thơ Dương Huy quyết định hiến tặng một phần kỷ vật của Liệt sĩ Phan Tứ Kỷ cho Bảo tàng Quân khu 4 với mục đích được bảo quản, trưng bày và trở thành “tài sản chung” của mọi người. Đồng thời, với mong muốn gìn giữ, phát huy và lan tỏa giá trị những kỷ vật Liệt sĩ Phan Tứ Kỷ để lại, ông đã phối hợp với Nhà xuất bản Nghệ An tổ chức bản thảo và xuất bản cuốn sách “Liệt sĩ Phan Tứ Kỷ - Thư chiến trường và những tấm hình có lửa”.
        Với 192 trang nội dung, cuốn sách được trình bày trang trọng, bố cục thành bốn phần: Phần 1: Mãi mãi tuổi hai mươi; Phần 2: Thư chiến trường; Phần 3: Những tấm hình có lửa; Phần 4: Quê hương - Gia đình - Bạn bè - Đồng đội, đã góp phần tái hiện một cách chân thực cuộc chiến đấu oanh liệt của quân và dân ta trên chiến trường Trị - Thiên.
      Được xuất bản đúng vào dịp kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2023), “Liệt sĩ Phan Tứ Kỷ - Thư chiến trường và những tấm hình có lửa” không chỉ mang ý nghĩa đặc biệt, cung cấp cho độc giả những tư liệu quý giá, mà còn góp phần truyền lửa, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, ý chí tự lực, tự cường của dân tộc, cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
                                                        
 Trần Thanh Yến

                                                  

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 2.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây