CHUYỆN LÀNG ĐÔNG BÍCH VÀ TÔI - CUỐN SÁCH LƯU GIỮ HỒN QUÊ XỨ NGHỆ
Thứ năm - 18/07/2024 21:518570
Năm 2019, Nhà xuất bản Nghệ An tổ chức đêm thơ Thạch Quỳ, nhân dịp ông ra mắt Tuyển tập. Đêm ra mắt sách đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với rất nhiều người. Và, có một người, khi bước lên sân khấu, tự nhận mình là người nông dân của làng Đông Bích dưới chân núi Quỳ, đã nói những lời gan ruột về Thạch Quỳ, về Thơ… Khán giả tại Book Cafe đêm đó bị hút hồn bởi những gì ông chia sẻ. Đó chính là Nhà giáo Ưu tú, Nhà thơ Vương Long! Cũng trong năm 2019, tác giả Vương Long đã tìm đến Nhà xuất bản Nghệ An trao gửi tập thơ Nẻo về để in. Qua trao đổi biên tập, chúng tôi rất ấn tượng về ông: một con người khiêm tốn, cầu thị và chân thành,…
Dịp này, ông lại tin tưởng giao cho chúng tôi tập tản văn Chuyện làng Đông Bích và tôi với lời đặt vấn đề thật ấm áp: Cuốn sách này là để trả món nợ ân tình với làng Đông Bích của tôi!
21 tản văn được tuyển chọn trong tập này sẽ mang đến cho bạn đọc thật nhiều cảm xúc. Hầu hết các câu chuyện đều diễn ra ở làng Đông Bích, hoặc liên quan đến người làng Đông Bích. Những câu chuyện năm nảo năm nao, hẳn nhiều người đương thời đã quên, nhưng với riêng ông, ông lại nhớ như in. Nhớ như thể đó là một phần máu thịt của cuộc đời mình. Đó là những ký ức vui buồn một thuở dưới tán đa làng chín chánh, những câu chuyện kỳ bí, linh thiêng về Miếu Đông Sơn, những buổi gánh đôi thùng nước trong ngọt, mát lành ở giếng Nẩy,… Rồi chuyện săn bắt cá trời, làm cỏ lúa,… với biết bao sự thú vị, lôi cuốn, hấp dẫn,… Đặc biệt xúc động trong tập tản văn này là những câu chuyện về thân phận người làng ông. Đó là những cố Ngợi, cụ Lạn, chị Lạng, o Thuần, thím Chân - những người nông dân chân chất, bình dị với biết bao éo le, bất hạnh, khổ đau,… nhưng luôn lấp lánh tình người, lấp lánh tấm chân tình,… Ông viết về họ bằng giọng văn thủ thỉ, rù rì… mà thẳm sâu trong đó là tình yêu thương nồng hậu của một người Đông Bích dành cho bà con làng xóm của mình.
Làng Đông Bích quê ông không chỉ sâu đậm tình người mà còn mang bản sắc văn hóa rất riêng, với những: Miếu Đông Sơn, cây đa chín chánh, giếng Bàu, giếng Nẩy, những câu đối “đặc sản văn hóa” của làng, chuyện xướng họa thơ Tiên,… đã thành giai thoại, hun đúc và trở thành mạch nguồn văn hóa, niềm tự hào xuyên suốt từ xưa đến nay! Làng Đông Bích quê ông còn nổi tiếng là làng trọng đạo Học, làng văn chương với những tên tuổi được nhiều người biết đến: Vương Đình Trâm, Vương Trọng, Thạch Quỳ. Ông viết về họ - những nhà thơ của núi Quỳ với tất cả sự kính trọng, ngưỡng mộ và… tự hào! Và chắc hẳn rằng, không riêng gì Vương Đình Trâm, Vương Trọng, Thạch Quỳ,… mà cả ông - thầy giáo, nhà thơ Vương Long cũng như nhiều người làng khác đã và đang “thổi hồn thơ vào đất làng, đá núi, làm cho cái làng quê Đông Bích vốn dĩ cằn cỗi, khổ nghèo như bao làng quê khác bỗng trở nên đẹp hơn, làm cho mọi người thấy yêu hơn làng quê thân thuộc của mình”… Trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc tập tản văn Chuyện làng Đông Bích và tôicủa thầy giáo, nhà thơ Vương Long với một niềm tin: Đọc xong cuốn sách, chúng ta sẽ yêu hơn, trân quý hơn làng quê thân mến của mình!