Chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa qua trước tác của danh nhân xứ Nghệ và luật pháp quốc tế

Thứ hai - 11/12/2023 03:24 916 0
Trong bối cảnh thế giới, khu vực có nhiều diễn biến khó lường, vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang tồn tại nhiều yếu tố phức tạp, vì vậy, việc tìm ra các bằng chứng xác thực để tiếp tục khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hiệp quốc là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng.
 
bia hoang sa
 
      Trong bối cảnh thế giới, khu vực có nhiều diễn biến khó lường, vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang tồn tại nhiều yếu tố phức tạp, vì vậy, việc tìm ra các bằng chứng xác thực để tiếp tục khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hiệp quốc là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng.
      Năm 2013, trong quá trình nghiên cứu cuốn Giáp Ngọ niên bình Nam đồ, Trần Mạnh Cường - một nhà nghiên cứu trẻ, được mệnh danh là “ông đồ trẻ nhất xứ Nghệ” với vốn kiến thức phong phú, sâu sắc về lịch sử văn hoá, dân tộc, đặc biệt, bằng niềm đam mê nghiên cứu những tư liệu cổ đã phát hiện những tư liệu quý, cho thấy địa danh Bãi Cát Vàng trên bản  đồ này chính là tiền thân của Hoàng Sa và Trường Sa ngày nay. Đây chính là cơ sở đầu tiên dẫn dắt Trần Mạnh Cường chú tâm sưu tầm, nghiên cứu, tìm tòi những cơ sở pháp lý về chủ quyền của quốc gia đối với hai quần đảo từ nhiều bộ thư tịch của nước ta.
     Thông qua tác phẩm Chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa qua trước tác của danh nhân xứ Nghệ và luật pháp quốc tế, Trần Mạnh Cường đã dẫn dắt người đọc men theo dòng chảy lịch sử Việt Nam (từ thế kỷ XVII cho tới cuối triều Nguyễn - thế kỷ XIX) tìm đến với những ghi chép, sự mô tả về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách đầy đủ và chi tiết trong nhiều tác phẩm, như: “Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” của nho sinh Đỗ Bá Công Đạo;Giáp Ngọ niên bình Nam đồ” của Đoan Quận công Bùi Thế Đạt ,“Quảng Thuận đạo sử tập” của Tiến sĩ Nguyễn Huy Quýnh, “Đại Việt sử ký tục biên” do Hoàng giáp Phạm Nguyễn Du đồng biên soạn…
     Thông qua các ghi chép cụ thể với những hình ảnh, minh chứng rõ ràng, người đọc có thể cảm nhận được, với tầm nhìn về vai trò quan trọng của biển đảo, ông cha chúng ta từ xa xưa đã đổ biết bao công sức để khai phá, xác lập và thực thi chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển, đảo khác, khi mà chúng chưa hề thuộc chủ quyền của bất cứ quốc gia nào.
      Điều đặc biệt, trong các tác phẩm địa dư của Việt Nam viết về Hoàng Sa - Trường Sa dưới hai triều Lê và Nguyễn thì hầu như đều có sự đóng góp rất lớn của các trí thức người Nghệ. Đây đều là những tư liệu gốc (original texts) có giá trị về mặt khoa học, lịch sử và pháp lý quan trọng, được Trần Mạnh Cường biên dịch, hiệu đính, đủ để chứng minh người Việt Nam đã có chủ quyền lịch sử từ lâu đời trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, hoàn toàn phù hợp với tập quán cũng như luật pháp quốc tế.
       Nhằm khẳng định giá trị vô cùng quan trọng từ những tư liệu gốc đã được biên dịch, với mong muốn góp thêm những tư liệu có giá trị xác thực về chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, Nhà xuất bản Nghệ An trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc cuốn sách Chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa qua trước tác của danh nhân xứ Nghệ và luật pháp quốc tế do tác giả Trần Mạnh Cường biên soạn. Đây cũng là cuốn sách nằm trong danh mục sách Uỷ ban nhân dân tỉnh giao Nhà xuất bản Nghệ An thực hiện năm 2023 với mục đích lan toả rộng rãi đến đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước về tính hợp pháp của chủ quyền biển đảo Việt Nam; đồng thời, tri ân các danh nhân người Nghệ đã có công ghi chép, lưu giữ những tư liệu quý, có giá trị cho muôn đời!
 
NGUYỄN NGỌC

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây