Mơ sen - Những ẩn ức dịu dàng
Văn chương có khi khiến người ta già đi nhưng cũng có thể khiến người ta trẻ lại, nhất là đối với những kẻ mơ mộng và lãng mạn, nhất là với những người viết thơ tình. Hà Vinh Tâm, với Mơ sen là trường hợp như thế.
Sự trẻ trung trong thơ Hà Vinh Tâm (tôi giới hạn trong tập này) khởi đi từ tâm hồn lãng mạn và mơ mộng. Đành rằng hễ là thi sĩ thì đã sẵn tâm hồn lãng mạn và mơ mộng, và thế giới nghệ thuật của họ thường thể hiện mang đến cho người tiếp nhận những giấc mơ. Nhưng sự lãng mạn ấy, giấc mơ ấy là cái sẵn có, là thuộc tính của thơ ngay từ khi mới có mặt giữa đời sống nhọc nhằn nhưng cũng đầy thi vị của con người. Trong thơ Hà Vinh Tâm, lãng mạn và mơ mộng là một cái gì đó, không những là thuộc tính của thơ, mà còn là sự thể hiện một đặc điểm hằng thường của tâm hồn người viết. Nó mở ra trước mặt người đọc, trước hết là một thứ không gian của những giấc mơ. Tên tập thơ đã không đánh lừa người đọc. Trong giấc “Mơ sen”, người ta có thể cảm nhận ngay hai đặc điểm cơ bản của tâm hồn người viết mà tôi vừa nói. Không chỉ là động từ “mơ” được nhắc đến một cách khá dứt khoát, gắn với “sen” cũng đã khiến người đọc rơi vào thái chập chờn ảo thực. “Mơ sen” đem đến một cảm nhận về cái gì đẹp đẽ, lấp lánh một sắc màu xa xôi, hư ảo. Cùng với đó là việc mở đầu tập thơ bằng một giấc mơ (Giấc mơ). Rồi những “giấc mơ” cứ rải đều trên toàn tập như là biểu hiện của một trái tim “khó thức ngủ theo giấc giờ điều độ” (Thạch Quỳ - Không đề). Sau Giấc mơ là Giấc mơ sen, Giấc mơ trên vồng ngực anh, Giấc mơ hoa cúc biển, Mộng du... Và, đi dọc tập thơ này, người đọc không khó để nhận ra nhân vật trữ tình thường đi lạc vào thế giới của những cơn mộng mị, những trạng thái tỉnh - thức vô chừng. Có những giấc mơ ngọt lành của người đàn bà biết yêu, biết tận hiến và biết đổi ngôi để chữa lành một điều gì đó. Những lúc ấy, người thơ chợt tỏ những dịu dàng và bao dung:
Gương mặt anh
Ngoan hiền như đứa trẻ dưới bầu vú mẹ
Ngủ lành giấc mơ...
Đêm vuốt tóc anh
Ru thật khẽ...
(Đêm tự tình ru anh)
Theo Sigmund Freud, giấc mơ đại diện cho những ham muốn, suy nghĩ và động lực vô thức của con người, hay nói cách khác, giấc mơ thực sự là việc hoàn thành những gì con người mong muốn khi còn thức. Giấc mơ là nơi con người giải thoát những ẩn ức (không nhất thiết phải là ẩn ức tình dục như nhiều người quan niệm). Người đọc có thể thấy có những giấc mơ ở đây thực sự liên quan đến tình yêu. Và giấc mơ nào cũng cho thấy, mặc dù không nhiều khi được diễn tả bằng những ấn tượng dữ dội nhưng rõ ràng có cái thiết tha, khao khát (tôi không hiểu điều gì đã ngăn cản Hà Vinh Tâm bày tỏ mình một cách dữ dội trong thơ). Ngay cả khi tưởng chừng chủ thể trữ tình buông lỏng chính mình để tận cùng với mình, cũng là sự tận cùng được giới hạn trong tưởng tượng, cho dù đã xuất hiện những “riết róng”, “gào thét”, “cào xé”, “giãy giụa”. Sự tỉnh táo của người viết, đôi khi, vì thế, khiến người đọc không thể đi được đến tận cùng của khoái cảm thẩm mỹ:
Ướt một làn môi riết róng
Một ân ái đi qua trong tưởng tượng...
Ta hoà vào nhau tan biến
cơn địa chấn hồng hoang thiêu đốt hồn ta
nghiêng ngả
Trái cấm địa đàng ta hái...
Trời, tim ta bị cào xé, gào thét: “Đừng”
Ta thành tội đồ cúi xin nước Thánh?
Nước Thánh dẫu có linh thiêng
Không xoá nổi những âm u trầm đục
trong tâm hồn...
Ta rùng mình...
giãy giụa...
vùng thoát ...
Ta ru mình
Bước qua cơn mê
Tìm một chữ “an”.
(Giấc mơ trên vồng ngực anh)
Là những ẩn ức, nghĩa là không thể chia sẻ, không thể giãi bày, nên người thơ thường tự rơi vào trạng thái cô đơn, thường đối diện với chính mình một khi tồn tại trong một hiện thực tỉnh táo. Những lúc đứng ngoài các giấc mơ, nhân vật trữ tình thường ở trong trạng thái một mình, và tự ru mình như một sự tự giải thoát, cũng là tự giày vò. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, trong thơ trữ tình có tiểu loại “tự tình”. Tôi gọi Mơ sen là thơ tự tình vì lẽ đó. Điều này hẳn không sai khi tên một số bài thơ xác định rõ phong cách tự tình ấy: Đêm tự tình ru anh, Tự tình cùng hoa loa kèn, Lặng lẽ ru lòng mình, Tự tình tháng Tám, Tự tình mùa Covid, Tự tình với Huế, Tự tình cùng trăng,... Cùng với những tự tình ấy là đối diện với mình, đối thoại với mình (Chợt thấy mình, Vu vơ hát cho mình, Dặn mình,...). Và cũng bởi cái “tự tình” ấy mà người đọc có thể thấy cấu tứ của thơ Hà Vinh Tâm khá nhất quán trên tinh thần để mạch xúc cảm và mạch tự sự, sự kiện, sự việc đan quyện khá tự nhiên. Điều đáng nói là trạng thái đối diện với mình, tâm sự với mình, trạng thái một mình... xuất hiện khá phổ biến trong tập thơ này với những ban đêm, về khuya... là kiểu thời gian tương thích với nhu cầu hay tình thế một mình ấy. Ở đó, người ta thấy nhân vật trữ tình thường lâm vào trạng huống đổ vỡ, cô đơn...
Thế giới nghệ thuật của tập thơ cho thấy một chủ thể trữ tình, một hình tượng tác giả có một đời sống khá êm đềm, khá suôn sẻ, và trong tình yêu cũng vậy. Ở đây dường như rất ít, nếu không muốn nói là không có, tình yêu đổ vỡ. Ở đây chỉ là những dang dở, và dang dở ấy nhiều khi bởi chính cái dùng dằng của chủ thể trữ tình, dẫu như trên đã nói, chủ thể ấy đã từng mơ một giấc đắm đuối và vạm vỡ, với những cắn xé, những si mê cuồng nhiệt,... lưng chừng. Không dám hay không muốn để mình đi đến, gặp và thưởng thức những tận cùng của tình yêu và nỗi đau, dường như tác giả muốn tạo ra một cái khác bằng cách thả những nội tâm hờ hững. Điều này cũng tạo nên sự bình lặng như là một đặc điểm nổi bật của tác phẩm.
Khi đối diện với chính mình, thổn thức với chính mình, người ta thường chịu những ám ảnh của thời gian. Có thể nói Mơ sen là tập thơ của thời gian. Những thông điệp về thời gian ở đây xuất hiện dưới nhiều dạng thức khác nhau, nó như là biểu hiện của một lòng thiết sống, một sự sống sinh động nhưng cũng là những mơ hồ âu lo. Thời gian biểu hiện trong sự tính ngày tính tháng, trong sự luân chuyển của mùa. Mùa đương nhiên mang đến thế giới nghệ thuật của Hà Vinh Tâm một kiểu không gian sống động, nhiều màu sắc, dẫu những màu sắc ấy mang cái vẻ u buồn, âu lo. Mùa của Hà Vinh Tâm chầm chậm, không vội vàng nên khách xem thơ có thể cảm nhận được cái thi vị của sự thưởng thức thời gian. Mùa còn biểu hiện mình trong cả sự lộng lẫy hay mơ màng của những bông hoa. Và mùa, hay hoa trong thơ Hà Vinh Tâm, từ góc nhìn nào đó, mang tính biểu tượng. Đặc biệt, sự xuất hiện khá phổ biến của mùa thu khiến người đọc có thể hình dung về một chủ thể trữ tình đã qua thời sôi nổi, để tiêng tiếc chút nồng nàn còn lại. Mùa thu trong thơ Hà Vinh Tâm khiến tôi chợt nhớ cái dùng dằng của nét thu trong thơ Hữu Thỉnh. Tiếng “bi bô con trẻ” là hạnh phúc nhưng cũng là dấu hiệu thời gian, và đâu đó trong mỗi vần thơ tình của Hà Vinh Tâm, vì thế luôn chứa mầm li biệt, cho dù biệt li ít khi xảy đến bởi vì chủ thể trữ tình luôn dừng lại ở chỗ ngập ngừng, như là e sợ điều không đến sẽ đến. Tôi nhớ Xuân Diệu đã từng viết:
Hoa nở để mà tàn
Trăng tròn để mà khuyết
Bèo hợp để mà tan
Người gần để ly biệt.
(Hoa nở để mà tàn)
Bằng một cái nhìn lãng mạn, Mơ sen, bên cạnh cảm thức thời gian là cuộc trình diễn không gian. Đấy là không gian của giấc mơ, của những cao rộng, những sóng, những biển, những sông... Đó là không gian của khát vọng, của mơ mộng, hướng đến vẻ đẹp nên thơ được tạo bởi hình ảnh những đêm, trăng, sen, hoa, đàn..., làn môi ấm, giấc mơ hoá kiếp khói, đụn khói quê nhà... Sự phong phú của không gian cho phép ta nghĩ tới một tâm hồn rộng mở.
Nhìn chung, Mơ sen thể hiện một cái tôi trữ tình mơ mộng, lãng mạn và khá đa đoan. Cái đa đoan ấy lại được thể hiện trong một hệ chủ đề, đề tài khá tập trung và sự nhất quán về cách biểu hiện. Nhẹ nhàng và tạo được ít nhiều ám ảnh theo cách thả buông một cách hờ hững những nỗi niềm, điều đó ít nhiều tạo nên bản sắc của ngòi bút.
Vinh, tháng 8/2024
LÊ THANH NGA