MÙA NỐI MÙA - BẢN HOÀ CA MỘT MÙA XUÂN MỚI LẠI VỀ

Thứ năm - 01/02/2024 04:00 421 0
Bạn đọc đang cầm trên tay Mùa nối mùa, tập thơ thứ hai của tác giả Hồ Sỹ Chu. Anh là hội viên của Chi hội VHNT Quỳnh Lưu, và là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Quỳnh Nghĩa luôn hăng say, tháo vát với công việc hội.
bia mua noi mua
 
     So với tập thơ đầu, thì Mùa nối mùa đã có những bước tiến rất đáng kể… thể hiện rõ nét hơn sự đằm thắm trong ý thơ, tình thơ của tác giả.  Tập thơ nhỏ xinh, với 128 trang, gồm 56 tác phẩm với nhiều thể loại khác nhau, trong đó thể thơ lục bát được tác giả sử dụng nhiều nhất.
      Mở đầu tập thơ, Hồ Sỹ Chu bộc bạch:
“Tay cầm tờ lịch cuối năm
Buồn vui lẫn lộn lặng thầm hồi lâu
Một năm vất vả lo âu
Tờ lịch rơi xuống về đâu nỗi buồn”.
                              (Tờ lịch ngày cuối năm)
     Cảm giác tiếc nuối khi chạm vào thời khắc cuối cùng của năm cũ là tâm trạng chung của nhiều người, đặc biệt là các nhà thơ vốn dĩ mang tâm hồn đa cảm. Những buồn vui lẫn lộn trong một năm rồi cũng sẽ theo tờ lịch cuối cùng rơi xuống, như quy luật của vũ trụ, bốn mùa, có sinh có diệt, đến rồi lại đi, có rồi lại mất, không ai có thể chống lại được. Nhưng với Hồ Sỹ Chu, trong cái bùi ngùi tiếc nuối đó, ta bắt gặp sự reo vui rất thú vị:“Năm mới nắng ấm lung linh/ Niềm vui tràn ngập nghĩa tình thuỷ chung”. Hai câu thơ như giọt đàn thánh thót báo hiệu xuân mới, xuân vui đã về!
 
anh 2 mua noi
 
      Như nhiều nhà thơ thuần Việt khác, Hồ Sỹ Chu chủ yếu dùng thể thơ lục bát trong các sáng tác của mình. Nó giúp anh diễn tả khá trọn vẹn những cảm xúc về mẹ, về anh trai, về quê hương và tình yêu đôi lứa,… Không phải là nhà thơ chuyên nghiệp, bén duyên với “Nàng Thơ” chỉ mới mấy năm nay, nên trong cách xử lý câu cú, thể thức của anh vẫn còn đôi chỗ ép vần, sai điệu, tuy nhiên vẫn có những câu thơ làm đắm đuối người đọc bởi cái tình ở trong đó. Như câu thơ anh viết về mẹ, khi bà đã về với miền mây trắng:
“Nhớ khi trời đổ cơn giông
Liêu xiêu dáng mẹ ướt lòng con đau
Một đời áo mẹ đủ màu
Cơm không no bữa cháo rau qua ngày”
                                          (Tháng Ba nhớ mẹ)
      Ngoài những bài thơ viết về mẹ, người “gánh cả trời trao/ Cho con đời tươi sáng”, “gánh cả mùa nắng/ Để đổi hạt cơm thơm” (Vu lan nhớ mẹ), trong tập thơ này, tác giả Hồ Sỹ Chu cũng dành những tình cảm nồng ấm, nhớ thương cho người anh trai liệt sỹ của mình. Những vần thơ tác giả viết về anh trai đầy thổn thức, chất chứa tình yêu thương, nỗi khát khao được tìm thấy mộ phần của anh trai, để anh được về với đất mẹ thân yêu:
“Em đã đến nhiều nghĩa trang lặng lẽ
Mong một lần được gặp mộ của anh
Nhưng bạt ngàn những ngôi mộ khuyết danh
Biết tìm anh đâu giữa cao nguyên lộng gió”
                                           (Chiều tháng Bảy)
      56 bài thơ là những cung bậc cảm xúc khác nhau, có buồn vui, giận hờn, yêu thương, lo lắng, Hồ Sỹ Chu như trải lòng mình với người đọc, để chia sẻ với mọi người, và mong muốn tìm được sự đồng cảm trong thơ, mà trong bài kết của tập thơ anh đã gửi gắm:
“Thật cảm động bao điều muốn nói
Như tăng thêm giá trị tinh thần
Tấm lòng các bạn xa gần
Nâng niu đón nhận một lần nên duyên”
                                         (Giá trị tinh thần)                                                                                            
       Có lẽ, trong thời khắc “giao mùa”, trái tim của tác giả đã ngân lên những thanh âm đồng điệu với đất trời, với lòng người, và từ những gặp gỡ đó, những câu thơ đã ra đời như một lẽ tự nhiên. Có thể lời thơ chưa được trau chuốt, có thể đôi chỗ còn vụng về, nhưng đó là tình cảm chân thành của Hồ Sỹ Chu dành cho “Nàng Thơ”, dành cho cuộc sống mến yêu này với thông điệp: Đây là món quà nhỏ gửi đến những người thân thiết, bạn bè của mình như một lời chúc cho năm mới cát tường, an khang thịnh vượng.
       Xin chúc mừng tác giả Hồ Sỹ Chu và trân trọng giới thiệu tập thơ Mùa nối mùa đến quý bạn đọc!
 
                     NGỌC CHI
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây