HỒN CỐT VIỆT CỦA NGƯỜI CON XA XỨ

Thứ tư - 01/11/2023 00:15 1.252 0
HỒN CỐT VIỆT CỦA NGƯỜI CON XA XỨ

Nhà thơ Vân Anh
(Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam)
HỒN CỐT VIỆT CỦA NGƯỜI CON XA XỨ
      Nhắc đến tác giả của tập sách Đồng hành những vần thơ ám ảnh là nói đến một người Nghệ, ra đi từ vùng quê cằn cỗi, nghèo khổ mà giàu truyền thống văn hóa, hiếu học. Và anh đã sống xa xứ già nửa thế kỷ mà vẫn giữ nguyên Hồn cốt Việt.
      Mùa thu năm Đinh Mùi (1967), Nhu - chàng trai mới 17 tuổi, xuất thân trong một gia đình nông dân ở xã Thanh Hưng, hậu duệ dòng họ danh giá Nguyễn Cảnh, vừa rời ghế Trường Cấp 3 Thanh Chương, nhờ học giỏi, tư cách đạo đức tốt mà anh được trúng cử du học ở Cộng hòa Dân chủ Đức vào Trường Đại học Bách khoa Thalmann (trường mang tên Lãnh tụ Đảng Cộng sản Đức). Anh theo học ngành Cơ khí chế tạo máy - một ngành đòi hỏi chỉ số đầu vào cao và rất khó học lúc bấy giờ. 
      Hồn cốt Việt của Nguyễn Cảnh Nhu, trước hết là ở giữa trung tâm châu Âu với nhiều sức hấp dẫn hào quang thị thành mà anh vẫn tập trung cao độ, phát huy hết năng lực của mình, say mê học tập và nghiên cứu để sau 6 năm (1967 - 1973) tốt nghiệp đại học đạt kết quả cao, anh về nước, được phân công làm việc tại Viện Nghiên cứu máy thuộc Bộ Cơ khí và Luyện kim (1973 - 1976).
     Trên cơ sở làm công tác nghiên cứu có hiệu quả, anh được cử sang Liên Xô (cũ) làm Phụ trách Tiêu chuẩn hóa cho ngành Cơ khí của Khối SEV (Hội đồng Tương trợ Kinh tế) có văn phòng ở Thủ đô Moskva, lúc đó Việt Nam là một thành viên của khối.
     Nhờ cốt cách Nghệ thông minh, chăm chỉ, nghị lực và rất tận tụy, đầy trách nhiệm với công việc, chàng trai Nghệ được tín nhiệm cử làm Cán sự vùng Posdam - đây là chức danh cán bộ quản lý các đội lao động xuất khẩu của người Việt ở Đức. Với cương vị này, anh đã cùng cộng sự góp phần giúp đỡ, bảo hộ cho quyền lợi hàng ngàn công dân Việt Nam làm việc ở Đông Đức lúc bấy giờ.
       Khi đọc những trang viết thẩm bình văn chương anh đăng trên mạng xã hội, ta bất ngờ bắt gặp chân dung Hồn cốt Việt lạ lẫm với con người làm khoa học kỹ thuật cả một đời như anh. Anh thưởng lãm tinh tế, không chỉ tâm hồn rung cảm cái hay, cái đẹp trong từng tác phẩm mà dường như anh đồng sáng tạo với tác giả, làm thăng hoa các giá trị thẩm mỹ và nhân văn của từng áng thơ, văn đó. 
     Người Việt ai cũng thích Truyện Kiều, với Nguyễn Cảnh Nhu, anh không chỉ say mê đọc mà còn dành tâm trí đi sâu tìm hiểu về kiệt tác của Cụ Nguyễn Du.
    Khi anh chọn để “đồng hành những vần thơ ám ảnh”, ta sẽ gặp “Hồn cốt Việt” mang phong cách rất “Nguyễn Cảnh Nhu”. Hồn cốt riêng đó như thế nào, xin dành cho độc giả khi tìm đến với tập sách này.
 
anh dong hanh 2
 
       Anh còn bỏ ngỏ với tôi, anh đã và đang viết về văn học Đức, một nền văn học có những đại thi hào sừng sững như Goethe, Heine, Schiller,... Đó cũng là một cách anh tri ân với nước Đức, quê hương thứ hai của gia đình mình.
      Trong lần về nước gần đây nhất để in tác phẩm đầu tay này, anh hội ngộ với nhà văn Bùi Ngọc (Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Nghệ An), PGS.TS - nhà văn Đinh Trí Dũng (Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An), nhà thơ Phạm Thùy Vinh (Tổng Biên tập Tạp chí Sông Lam) và tôi (nhà thơ Vân Anh), anh cho biết, có nhiều tư liệu quý về Đời và Văn của các nhà thơ nổi tiếng của Đức, tỷ như cuộc hội ngộ giữa hai vĩ nhân Goethe và Napoléon. Đại thi hào Goethe còn có tình thân với thi hào Schiller,... Anh đã nhận lời cộng tác với Tạp chí Sông Lam quê nhà, bởi anh có lợi thế đọc nguyên tác bằng tiếng Đức. Kỳ vọng bài viết của anh sẽ góp phần lan tỏa tinh hoa văn học của nước ngoài đến bạn đọc trong tỉnh và cả nước.
       Nói về anh, có hai chân dung Nguyễn Cảnh Nhu. 
    Một Nguyễn Cảnh Nhu thời trai trẻ, say mê học tập, nghiên cứu và cống hiến để góp phần đem lại hữu ích cho cộng đồng sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật của thế giới.
    Một Nguyễn Cảnh Nhu của hôm nay, tuổi đã thất thập, vẫn đam mê thưởng lãm văn chương để truyền dẫn vào lòng bạn đọc những gì mình CẢM, mình NGHĨ về giá trị đích thực của những tác phẩm văn học, góp phần nuôi dưỡng đời sống tinh thần cho bạn đọc quê nhà.
Chân dung Nguyễn Cảnh Nhu là HAI trong MỘT. Một người Nghệ sống xa quê mà luôn hướng vọng và dâng hiến sản phẩm của trí tuệ, tâm hồn mình cho xứ sở.
     Ngoài ra, còn có những chân dung Nguyễn Cảnh Nhu khác cũng không kém phần thần thái: Anh là cầu thủ bóng bàn từng giành Cúp Vàng trong nước và tham dự giải bóng bàn châu Âu. Anh tham gia làm kinh tế có hiệu quả như một doanh nhân. Bạn bè “phong tặng” anh là “người chồng đảm đang” vì mấy năm gần đây anh chăm sóc vợ đau yếu tận tình và còn là người cha nhân từ của hai “công chúa” Việt. Gặp anh ngoài đời vẫn thấy hiền hòa, bình dị, gần gũi như chàng trai xứ Rạng 56 năm về trước.
     Kỳ vọng anh tiếp tục đồng hành với những áng văn chương của hai dân tộc Việt và Đức, sớm ra mắt bạn đọc những “đứa con tinh thần” mới nhất.
 
                                                                       Nhà thơ Vân Anh
                                                             (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây