"THƠ THƯƠNG CẢM NHƯNG THƠ ĐÂU DỄ...
(Vài cảm nhận về tập Nửa phía dịu dàng của nhà thơ Tú Tâm)
Tú Tâm là hội viên Ban Thơ, Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An. Ông tên thật là Trần Đình Khuê, sinh năm 1946, tuổi Bính Tuất, quê quán làng Nhân Sơn, xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu. Ông gắn bó từ lâu với thơ, đã có đến 7 tập thơ xuất bản (chưa kể những tập in chung). Thỉnh thoảng tôi có đọc thơ Tú Tâm in trên các báo, tạp chí, nhưng có lẽ đọc kỹ nhất lại là tập Cảm nhận thơ - tập giới thiệu, phê bình thơ của Tú Tâm (Giải Hồ Xuân Hương, 2015). Ông có lối bình thơ chân thật, đầy cảm xúc, thấu hiểu bạn thơ, “lấy lòng ta để hiểu lòng người” - phương pháp mà Hoài Thanh luôn tâm niệm. Lần này, ông lại gửi cho tôi bản thảo tập thơ Nửa phía dịu dàng, mong tôi có đôi lời nhận xét. Trong bối cảnh “đất nước có ba vạn nhà thơ” hôm nay, đọc thơ, cảm nhận cái hay của thơ (với rất nhiều xu hướng, nhiều bút pháp, giọng điệu khác nhau) không hề dễ, và tôi biết, cảm nhận của mình chưa hẳn là cảm nhận của những người khác.
Nếu nói thơ trước hết là sự xúc động, là tình cảm, cảm xúc của con người thì điều đó rất đúng với thơ Tú Tâm. Thơ ông bộc bạch cõi lòng mình một cách chân thật, tự nhiên. Câu chữ trong thơ ông vì thế cũng giản dị, dễ hiểu. Đề tài thơ Tú Tâm đa dạng, nhưng trước hết là những tình cảm đời thường như tình gia đình (Quà tặng vợ nhân ngày 20-10, Nhớ mẹ, Mẹ vẫn như xưa, Xót con); tình bạn bè (Bạn già, Cá biển Cửa Lò, Bài hát, Lạc quan đen); tình làng xóm, quê hương (Năm hòn lèn, Lần theo nỗi nhớ, Lời mời). Nhiều người đã làm thơ tặng vợ, nhưng tôi chưa thấy ai chân thật đến thế này: “Tặng em cái gì được nhỉ? Tặng hoa rồi hoa héo/Tặng tiền rồi phải tiêu/ Thôi thì tặng em bát đũa nồi niêu/ Thêm chiếc liềm, chiếc cuốc...”. Người ta cũng đã làm cả ngàn bài thơ viết về mẹ, nhưng không thể không xúc động trước lời của một người con ở tuổi ngoài thất thập nhớ về người mẹ đã khuất với những lời xót xa, gan ruột:
“Dại khờ đeo bám mãi con
Đã làm cho mẹ thêm buồn, thêm lo
Con như một kẻ tội đồ
Càng thương nhớ mẹ, càng vò ruột gan”...
(Nhớ mẹ)
Giản dị, nhưng thơ Tú Tâm không hề dễ dãi. Có những bài thơ, câu thơ giàu triết lý, một thứ triết lý chưng cất, gạn lọc từ cuộc đời, vì thế có sức lan toả (Phận cây, Gương mặt bài thơ, Thương núi, Lạc quan đen, Chợt ngẫm...). Đặc biệt, Tú Tâm thường trăn trở về vai trò, vị trí nhà thơ, chức năng của thơ ca. Đây là những câu thơ đầy ám ảnh, không cần phải cầu kỳ chữ nghĩa:
“Tuổi thần tiên - tuổi của thời thơ bé
Chẳng đồng hành cùng em. Thần tiên lánh mặt nghèo!
Thơ thương cảm. Nhưng thơ đâu dễ
Giúp em được gì? Khi thơ cũng tóp teo!”
(Em bé ăn xin và nhà thơ)
Ông muốn thơ ca không thể không quan tâm đến thân phận con người, những mảnh đời bất hạnh (Em bé ăn xin và nhà thơ, Viết trước bão), ông muốn thơ không thể quay mặt với “tri thức bách khoa dân gian”, với “dân dã dặm vè” (Vỉa hè), ông muốn phải từ những xáo động của cuộc đời để thay đổi thơ (Gương mặt bài thơ). Rất nhiều bài thơ ông tự vấn, tự nhắc mình một cách thẳng thắn: “Bưng bát cơm ngon mà đỏ mặt/ Anh tụt dưới tầm hạt gạo nông dân”; “Câu thánh nấp ở đâu? Câu thần ở đâu hử? Anh kiệt sức giữa đại ngàn câu chữ/ Chưa thấy chữ vàng, đã thấy mắt hoa!” (Thơ làm sao đứng được với đời); hay: “Tôi vãn mùa thơ/ Lỉnh kỉnh câu chữ/ Lắp ráp mãi bài thơ xộc xệch/ Cái nhà máy cũ kỹ mất rồi!” (Biển vẫn hát); “Đời đã khác xưa rồi nhà thơ phải tính/ Thơ làm sao đứng được với đời” (Thơ làm sao đứng được với đời). Những câu thơ cho thấy người làm thơ đã luôn thao thức với mình, với cuộc đời và với thơ ca, dù có lúc đã cảm thấy mệt mỏi, “kiệt sức”, muốn “chặm bút” trên hành trình mà ông biết là gian nan, khó nhọc.
Không phải ngẫu nhiên mà thơ Tú Tâm có rất nhiều chữ “thương”: “Thương lắm cây ơi!”, “Nghĩ mà thương lắm người ơi”; “Thương ngày xưa đến nao lòng”, “Mẹ thương con mấy cho vừa/Mà con thương mẹ rau dưa tạm thời”... Đó là tiếng lòng, là giọng điệu chính của thơ Tú Tâm. Xét cho cùng, đó cũng là cái gốc của thơ. Sự chân thật là sức nặng của thơ Tú Tâm, nhưng ở đôi bài, cái thật đã đi men sang phía giản đơn, mòn sáo trong câu chữ: “Tổ quốc ta nhiều chuyện diệu kỳ/ Du khách nước ngoài cũng quá mê ly” (Thơ đề dưới chân nàng Tô Thị); “Giai điệu tuyệt vời nâng lời Đức Phật/ Lay động lòng tôi nước mắt như mưa!” (Bài hát).
Tập thơ có tên “Nửa phía dịu dàng”. Trong bài thơ cùng tên, Tú Tâm viết: “Để không bị dối lừa dang dở/ Phía dịu dàng một nửa chuốt thành gai”. Tôi nghĩ, nếu đó là tâm niệm đổi mới của thơ Tú Tâm thì chắc ông cũng khó đi theo hành trình đó. Hoài Thanh có nói đến cái “tạng” trong thơ. Cái “tạng” của thơ Tú Tâm là sự “thương cảm”, là sự chân thật, tự nhiên. Mong rằng trên hành trình thơ, dẫu có nản lòng, mệt mỏi, dẫu có khát vọng đổi mới, ông vẫn giữ cái “tạng” của mình và vững tin bước tiếp. Và tôi tin, “Nửa phía dịu dàng” chưa phải là “vãn mùa thơ” của Tú Tâm.
Với hy vọng ấy, xin trân trọng giới thiệu tập thơ cùng bạn đọc".